Tôi Và Người Ấy Của Tôi

Chương 19: Chương 19




Edit: Sa

[53] – Hiểu biết

Bây giờ nghĩ lại, hôn sự của tôi và 187 vừa hiển nhiên vừa đột ngột.

Đó là một ngày vào tháng 11 năm 2019, chủ nhật, sau giờ trưa. Như thường lệ, tôi tới ký túc xá của 187, mượn máy tính của anh chơi game.

Lúc đó, tôi đang điều khiển nhân vật Ma Cà Rồng đánh loạn xà ngầu, 187 ngồi bên cạnh xem tôi chơi, lát sau mẹ anh gọi video. Trong khi hai người họ trò chuyện về cuộc sống thường nhật thì tôi vẫn đắm chìm trong game.

Nói ra thật xấu hổ, tuy tôi tung hoành (?) LOL mấy năm nhưng chỉ chơi nhân vật Ma Cà Rồng có vài ba lần, vừa vào đã bơm máu tùm lum cho đồng đội lẫn đối thủ.

Đồng đội: …?

Đối thủ: …?

Tôi: …

Bởi vậy, màn hình máy tính hết sáng lại tối, hết tối lại sáng, chơi chưa đến năm phút, bảng số liệu ở góc phải màn hình đã chán chả buồn nhìn. Cũng may ván này gặp phải đồng đội tốt tính, nhìn ID thì có vẻ là con gái, không mắng chửi gì cả, chỉ tập trung đánh giặc. Mười mấy phút sau, trò chơi kết thúc.

Tôi thở dài thườn thượt, gõ bàn phím: Xin lỗi nha, ít chơi nên không quen tay.

Không biết các đồng đội giận quá hay chả màng tới lời sám hối của tôi mà không ai trả lời. Tôi bèn thoát game.

Đúng lúc đó, 187 đang nói chuyện với mẹ anh bỗng hỏi: “Chơi xong rồi?”

“Vầng.” Tôi ậm ừ đáp, quay đầu nhìn anh: “Thua.”

Thấy tôi mặt ủ mày chau, 187 buồn cười: “Không sao, game thôi mà, đừng để chuyện nhỏ nhặt này làm mất vui.” Anh lại nói vào điện thoại: “Cô ấy vừa rảnh tay đây ạ.”

Tôi giật thót, ngay sau đó 187 đưa điện thoại cho tôi, nói: “Mẹ anh muốn nói chuyện với em.”

Từ khi tạm biêt nhau ở thành phố A, tôi và cô đã kết bạn Wechat, trừ việc hỏi thăm ngày lễ tết ra thì chúng tôi chỉ dừng ở mức “like status” mà thôi, hôm nào tới chỗ 187 chơi và đúng lúc mẹ con 187 trò chuyện video thì tôi mới tán gẫu với cô đôi câu.

Vì vậy hôm đó, tôi rất tự nhiên cầm lấy điện thoại, cười chào: “Cô ạ.”

Trong video, mẹ 187 tươi cười nhìn tôi, cô đáp một tiếng, sau đó gọi tên thân mật của tôi rồi nói: “Hồi nãy cô với XX (tên 187) nói chuyện, cháu có nghe thấy không?”

Tôi: “…”

Tôi hơi bối rối, ngượng ngùng nói: “Ban nãy cháu chơi game nên không nghe ạ, cháu xin lỗi.”

Cô vẫn cười tười, dịu dàng nói với tôi: “Là thế này. Chú cháu sắp lên tỉnh làm trị liệu lần cuối rồi. Cô chú bàn với nhau là chờ ổng về nghỉ ngơi một thời ngắn rồi hai vợ chồng sẽ tới thăm bố mẹ và bà nội cháu.”

Cô không thông thạo tiếng phổ thông lắm, để cho tôi hiểu, cô phát âm rất chậm và rõ nên đoạn này tôi nghe hiểu hoàn toàn.

Tôi mừng rỡ: “Cô chú muốn tới đây chơi ạ? Tốt quá.”

Cô cười toe, nói: “Vậy cháu về hỏi bố mẹ xem bao giờ anh chị ấy rảnh để tiện cho cô chú tới nhé.”

Tôi ngu ngơ, hỏi: “Sao phải xem bố mẹ cháu rảnh hay không ạ? Cô chú muốn tới lúc nào cũng được hết á.”

Cô có vẻ hơi lúng túng, mỉm cười nhìn tôi, không nói gì.

187 ngồi bên cạnh tôi chợt phì cười, anh nhìn cô qua màn hình, bó tay đến mức nói bằng cả tiếng địa phương: “Cổ ngố lắm, mẹ không nói rõ ra thì cổ không hiểu đâu.”

187 lại quay đầu nhìn tôi, thở dài, nói lại bằng tiếng phổ thông, gằn từng chữ: “Bố mẹ anh không phải tới đây chơi, cũng không phải đi du lịch. Bố mẹ muốn mang quà tới thăm nhà em, thăm cô chú và bà.”

Tôi ngớ người, chợt hiểu ra. Tôi không ngốc, nhà trai vượt ngàn dặm xa xôi tới nhà có ý nghĩa gì, không cần nói cũng biết.

Tôi kinh ngạc, đầu óc trống rỗng.

Cô cười, nói với 187: “Thế hai đứa thương lượng đi nhé, bố mẹ chờ tin của hai đứa. Bao giờ cô chú với bà con xác định được thời gian thì báo cho mẹ để bố mẹ ở nhà chuẩn bị quà cáp.”

Cô tán gẫu thêm mấy câu rồi cúp máy.

Tôi mở to mắt, khó tin nhìn 187: “Không phải chứ, đột ngột thế?”

187 điềm tĩnh nhìn tôi, nói: “Không đột ngột.”

Tôi: “…”

“Có gì đột ngột đâu.” 187 nói: “Chúng ta hẹn hò lâu rồi, cũng cùng trải qua nhiều chuyện, có thích nhau hay không, có hợp nhau hay không đều quá rõ còn gì.”

Đầu tôi ong ong, lòng rối như tơ vò, trầm tư hồi lâu mới nói: “Nhưng vẫn nhanh quá… Hai đứa bạn cấp ba mới cưới của em phải chạy cự ly dài bảy tám năm mới gặp mặt hai bên gia đình, sau đó còn…”

“Thời gian hẹn hò dài hay ngắn không nói lên được điều gì cả,” 187 đáp lại.

Tôi bật cười, trêu: “Ù uôi, anh thấy mình già, sợ để lâu không kiếm được vợ chứ gì.”

Thấy tôi cười, 187 cũng hài hước đáp lại: “Ừ đó, sắp ba mươi rồi, còn không cưới là không xong. Ở quê anh, tận tuổi anh mà còn độc thân thì bị coi là ở giá đó.”

Tôi lườm anh: “Biết ngay là anh không đơn thuần chỉ là muốn cưới em mà, anh muốn tìm ai đó cưới đại để khỏi bị điều tiếng thì có.”

187 cười, còn tôi thì khó chịu. 187 nhìn tôi, nói: “Anh muốn kết hôn là thật, nhưng không liên quan tới tuổi tác.”

Tôi không tin: “Thế á?”

“Hoặc nói thế này, anh không phải là muốn kết hôn, anh chỉ là muốn kết hôn với em mà thôi.”

Tôi: “…”

“Chúng ta rất hợp nhau, bất kể từ tính cách cho đến các phương diện khác. Anh biết em chính là người mà anh tìm kiếm.” 187 nói vừa nghiêm túc vừa chân thành: “Anh muốn cưới em, em có đồng ý lấy anh không?”

Tôi: “…?”

Tôi giận đến mức suýt bật cười: “Anh tức cười ghê á, chỉ thế này mà muốn hốt em á?”

Vụ gì đây? Ngay cả hoa cũng không có mà đã muốn hốt không, nghĩ ngon há!

187 cười, xoa đầu tôi, chợt nói: “Anh biết rồi.”

Tôi: “Anh biết cái gì?”

187: “Cuộc sống cần có cảm giác nghi thức.”

Tôi thoáng ngẩn người, bởi vì tôi từng nói với anh câu này thủa chúng tôi mới quen biết.

“Cho nên cầu hôn, đính hôn, lễ cưới,” 187 nói, “Đều có đủ.”

*

Về nhà, tôi cố gắng giữ bình tĩnh, nói cho bố mẹ và bà nội chuyện bố mẹ 187 muốn tới nhà, hỏi xin ý kiến của gia đình mình. Bố mẹ và bà nội cộng lại đã gần hai trăm tuổi, số muối họ ăn còn nhiều gạo mà tôi ăn nên lập tức hiểu ý của bố mẹ 187.

Bố tôi suy nghĩ chốc lát, nói: “Tiếp xúc lâu, bố mẹ cũng thấy thằng bé rất tốt. Chỉ cần con thấy không có vấn đề gì thì chuyện của các con, bố mẹ không có ý kiến.” Bố dừng lại một chút rồi nói tiếp: “Bố mẹ thằng bé muốn đích thân tới hỏi cưới thì có lòng quá, nhưng đường xá xa xôi, bố nó lại vừa mổ xong, bây giờ còn làm trị liệu, vẫn chưa khỏe hẳn mà còn đi xa thì nhỡ xảy ra chuyện gì biết tính làm sao.”

“Phải đó.” Mẹ tôi cũng lo lắng nói: “Bố nó cần được nghỉ ngơi hoàn toàn, bây giờ trời lạnh, lỡ đi đường bị cảm lạnh rồi phát sốt thì khổ, không đùa được đâu.”

Nghe bố mẹ nói, tôi mới nghĩ tới chuyện này, bèn đáp: “Cũng đúng. Vậy phải làm sao ạ?”

Bố nói: “Thế này đi. Con nói với XX (họ tên đầy đủ của 187) là nhà mình rất hoan nghênh anh chị ấy tới nhà chơi, nhưng nhà mình không quá coi trọng lễ tiết, nghĩ tới sức khỏe của anh nhà, nhà mình mong gia đình bên ấy suy nghĩ cẩn thận rồi hẵng quyết định xem có nên lặn lội đường xa hay không.”

Tôi gật đầu: “Dạ.”

Bà nội nãy giờ im lặng chợt thở dài: “Cái nhà này hiểu biết thật đấy.”

Tôi về phòng gọi video cho 187, chuyển lại lời trong nhà. 187 dường như cũng băn khoăn, anh bảo sẽ thương lượng lại với bố mẹ anh, hôm sau sẽ trả lời tôi.

Tối hôm sau, 187 gọi video.

Anh: “Anh hỏi rồi, bố mẹ kiên quyết lắm, nói chỉ cần lần trị liệu cuối cùng của bố anh suôn sẻ thì không sao hết, bắt buộc phải đến.”

“Tại sao?” Tôi nhíu mày, vừa khó hiểu vừa lo lắng, khuyên nhủ: “Chú cứ ở nhà dưỡng bệnh cho khỏe hẳn đã, để cô đi một mình hoặc là anh tới đây một mình luôn cũng được mà. Bố em nói nhà em không quan trọng mấy cái lễ tiết đó, không cần đâu.”

187: “Cần.”

“…”

“Đó không phải là lễ tiết bình thường, đó là cầu hôn.”

Tôi thở dài, rất bất đắc dĩ: “Nói trắng ra là cầu hôn cũng chỉ là hai gia đình gặp mặt thôi chứ gì? Có phải xã hội cổ đại đâu, không cần chú ý thế đâu.”

187: “Bố mẹ anh cũng giống anh, rất coi trọng em. Nghi thức cầu hôn là không thể thiếu, cũng không thể giản tiện, đây là sự tôn trọng nhà anh dành cho em.”

Tôi giật thót mình.

“Mẹ anh nói,” 187 cười, “Không thể để cô gái tốt của nhà người ta gả về nhà mình một cách xuề xòa được.”

***

[54] – Xứng đôi

Cô chú đã quyết định sẽ tới nhà tôi cầu hôn, bố mẹ tôi tôn trọng mong muốn của cô chú, người lớn hai bên chuyển lời cho hai đứa nhỏ, sắp xếp cuộc gặp mặt vào đầu tháng 11 năm 2019.

Định thời gian xong, 187 lên mạng đặt vé xe lửa cho cô chú.

Tôi biết chuyện, nghĩ tới cô chú lớn tuổi, ngồi xe lửa đường dài thì mệt nhọc quá, bèn nói 187: “Ngồi xe lửa mệt lắm, sao không đặt luôn vé máy bay?”

187 trả lời: “Nhà anh ở nông thôn, xa sân bay lắm, phải đi xe mấy tiếng mới tới, không tiện bằng đi xe lửa, sau này em theo anh về một lần là biết.”

Tôi gật đầu: “Vậy anh đặt giường nệm hả?”

“Ừm.”

“À, anh nhớ nói với cô chú là ở đây không có máy sưởi ấm như phương Bắc, lạnh lắm, nhiệt độ trong nhà với ngoài trời gần như là như nhau, dặn cô chú mang quần áo dày, tránh cảm lạnh.”

“Anh nói rồi, chờ khi nào đi thì nhắc thêm lần nữa.”

Nhớ ra cô từng bảo chuẩn bị quà cáp, tôi lại nói: “À còn nữa, anh dặn cô chú đừng mua gì đắt tiền hay quá nặng, đường xá xa xôi, sức khỏe của chú lại không tốt, còn ngồi xe lửa nữa chứ, không tiện.”

187 chợt cười, nói như trêu: “Xem ra anh chọn đúng vợ rồi, chu đáo ghê cơ.”

Nếu là mấy tháng trước, chắc chắn tôi sẽ thẹn thùng, nhưng bây giờ da mặt đã bị đồng chí này đắp thêm mấy tấn xi măng nên tôi chỉ mỉm cười, vỗ vai anh: “Xin hỏi anh đang khen em hay tự khen anh thế?”

“Cả hai.” Anh ngoan ngoãn đáp, “Em rất tốt, anh cũng không thua kém. Chúng mình rất xứng đôi.”

***

[55] – Chụp ảnh cưới

Tôi có đứa bạn thân tên W, là đứa em khóa dưới đại học, nhỏ hơn tôi một tuổi. Con bé rất hoạt bát, chúng tôi vừa gặp đã thân, nhanh chóng trở thành bạn bè thân thiết.

Nhắc tới cũng trùng hợp, lúc tiểu thư W và bạn trai chính thức hẹn hò cũng xêm xêm thời gian tôi và 187 mập mờ, hai đứa con gái chúng tôi thỉnh thoảng nhắn tin tâm sự tình yêu hường phấn hoặc mâu thuẫn tình yêu với nhau.

Sau lần đầu tiên gặp đồng chí 187, tiểu thư W rất “chắc ăn” về mối quan hệ của tôi và 187, nguyên văn là: “Em nghĩ chồng chị sẽ là anh ấy đấy.”

Không lâu sau đó, con bé gửi cho tôi một tài khoản Weibo tên là “Nhật Ký Hôn Lễ”, nhấn vào thì thấy đều là giới thiệu về áo cưới, sân cưới, lễ cưới, studio cưới…

Tôi trả lời: …?

Tiểu thư W: Em bấm chỉ tay tính toán thì sắp tới ngày cưới của chị rồi, mau lưu lại đi, nửa năm nữa cưới thì bây giờ xem dần là vừa.

Lúc đó tôi chỉ cảm thấy vừa xàm vừa buồn cười nên quên béng luôn Weibo đó.

Cho đến một hôm nào đó, 187 tiện tay lướt bảng tin Wechat của anh, chợt nói: “Áo cưới của đồng nghiệp anh đẹp quá.”

Tôi sáng mắt, chồm qua xem: “Đồng nghiệp nào? Em gặp chưa? Cho em xem với.”

187 đưa điện thoại cho tôi.

Tôi nhận lấy. Chú rể cao tầm 1m75, dáng người thẳng thớm, trắng trẻo, đeo kính, trông rất thư sinh. Cô dâu xinh xắn, trông hai người rất tình tứ và tự nhiên, vô cùng bổ mắt.

“Wow, đẹp ghê.” Tôi cảm thán, xem tới ảnh chụp bộ lễ phục quân lính: “Hai vợ chồng đều là quân nhân ạ?”

“Ừm.” 187 nói, “Bao giờ bọn mình chụp ảnh cưới?”

“Em lúc nào cũng được, tùy anh thôi.”

187: “…”

187: “Áo cưới có nhiều loại lắm mà? Anh nghe đồng nghiệp nói có dã ngoại, chụp studio, chụp phim trường, cả nhiếp ảnh gia nữa, phong cách mỗi thứ một khác.”

Tôi gật: “Vâng, có nhiều phong cách lắm.”

“Thường thì con gái sẽ hào hứng với cái này mà.” 187 buồn cười nhìn tôi, “Tháng sau là bố mẹ anh tới nhà em cầu hôn rồi, chúng ta đang bàn chuyện cưới gả đó, em sắp gả cho anh rồi đó. Để tâm một chút được không nào cô bé?”

Nghe anh nói thế, tôi mới nhận ra biểu hiện bên ngoài của mình vô tâm quá, thầm kiểm điểm bản thân, tôi hắng giọng, nói: “Em biết rồi. Trước hết em sẽ lên mạng tìm xem, có cái nào hợp ý sẽ gửi cho anh xem, chúng ta cùng chọn nhé?”

187 nhìn tôi, cười: “Em có ý kiến gì về ảnh cưới của chúng ta không?”

“… Tạm thời không có.”

187 hỏi tiếp: “Có muốn chụp dã ngoại không?”

Tôi nghiêm túc suy nghĩ, lắc đầu: “Không muốn.”

“Vậy đầu tiên em hãy loại bỏ lựa chọn chụp dã ngoại, khoanh vùng địa điểm chụp ảnh chỉ trong thành phố thôi, như vậy phạm vi tìm kiếm sẽ thu hẹp lại, không phải xem trong mất phương hướng nữa.” 187 kiên nhẫn chỉ dẫn, “Làm gì cũng vậy. Em phải đặt yêu cầu và dự trù ra trước, đừng mù quáng xem lung tung, càng xem nhiều càng khó chọn.”

Tôi chợt thấy hào hứng, kinh ngạc nói: “Hồi bạn em chụp ảnh cưới toàn là em chọn cho nó, chồng nó chả biết gì cả, cũng chẳng có ý kiến gì luôn, nghe theo bạn em tất. Vậy mà anh lại biết á?”

187 bật cười: “Anh cũng chả biết gì về áo cưới.”

Tôi suýt chửi thề: “Vậy mà anh nói được một tràng luôn?”

“Anh chỉ cố gắng chia sẻ gánh nặng với em thôi.” Anh nói: “Chuẩn bị hôn lễ rất phức tạp, không thể vì không biết mà ném hết cho em được, thế thì em sẽ mệt lắm.”

*

Thế là tôi lại mò vào “Nhật Ký Hôn Lễ”. Sau khi sàng lọc, chúng tôi căn bản đã xác định được phong cách chụp ảnh cưới.

Căn cứ theo phong cách này, tôi lại tìm kiếm, tập hợp các studio được đánh giá tốt.

Cuối tuần, chúng tôi khảo sát các studio đã tập hợp, cuối cùng chọn được một tiệm. Ký hợp đồng xong thì trời đã tối. Tôi như trút được gánh nặng, thở phào một hơi, nói: “Mệt chết được, may mà hiệu suất làm việc của chúng ta đều cao, cuối cùng cũng giải quyết xong một chuyện lớn.”

Thành phố đã lên đèn, người như nước đổ.

187 nắm tay tôi đi trên đường, nói: “Bao giờ chúng ta chọn quần áo?”

“Không kịp đâu.” Tôi nói, “Em vừa add một chị chuyên về váy cưới, bao giờ tụi mình rảnh thì liên lạc với chị ấy.”

187 cười, chợt nói: “Hồi nãy anh nhìn thấy cái sơ rê, treo trong tủ kính.”

Tôi ngạc nhiên nhìn anh.

Anh nói: “Anh có thể tưởng tượng ra em trong bộ váy đó. Chắc chắn sẽ rất đẹp.”

Lúc đó tôi bỗng dưng muốn khóc.

Tôi nghĩ tới câu thoại kinh điển trong bộ phim hoạt hình “Mononoke Hime” của đạo diễn Miyazaki Hayao:

Bất kể em từng chịu thương tổn bao nhiêu, rồi sẽ có người xuất hiện khiến em tha thứ cho tất thảy khó khăn mà cuộc sống đã gây ra cho em trước kia.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.