Thu Nguyệt

Chương 7: Chương 7






Từ Bình đưa ta đến Lý gia thôn, còn cách cửa thôn khoảng chừng hơn mười trượng (1 trượng ~ 3.33 mét) đã có sai nha canh gác, cọc gỗ được dựng lên tạm thời kéo dài hàng mấy dặm vây kín thôn nhỏ lại, bên trong thôn không ngừng có người gào khóc lao ra ngoài, lao đến hàng rào lại bị xua ngược vào.

Nhóm quan sai tay cầm sào tre dài hơn một trượng, ai nấy như đang đương đầu với kẻ địch một mất một còn, hễ có người tiến lại gần là lập tức dùng sào tre chọc thẳng tới không chút khoan nhượng, người té ngã nằm la liệt dưới đất, trong nhất thời tiếng bi thương ai oán vang dậy khắp nơi.

Nhìn thấy cảnh tượng như vậy hai mắt ta vô thức cay xè, ta nhíu mày, len qua khe hở bức tường người chui vào trong hàng rào đỡ một cụ già đang nằm kêu khóc dưới đất dậy.

Ông cụ vẫn không ngừng van xin, khi té ngã cẳng chân bị đá cắt phải, máu tuôn như xối, nhưng vẫn cố bò về phía hàng rào khẩn cầu: “Ta không muốn chết, làm ơn thả ta ra ngoài, ta không bị bệnh, các ngài nhìn đi, ta không bị bệnh mà.”

Thấy máu từ vết thương trên chân ông cụ chảy không ngừng, ta không kịp nói lời nào vội vàng mở chiếc túi đựng dụng cụ châm cứu luôn mang theo bên người ra, lấy kim châm vào huyệt đạo để cầm máu. Sai nha tập trung cao độ không cho bất kỳ ai ở bên trong lọt ra ngoài, không hề nghĩ tới chuyện có người dám liều lĩnh đột nhiên xông vào trong, thấy hành động hiện tại của ta, ai nấy đều ngẩn ra kinh ngạc, dân làng phía bên trong hàng rào cũng quên cử động, nhất thời bốn phía yên lặng như tờ, đến cả người bị đâm trúng cũng quên kêu khóc.

Ta châm mấy kim liên tiếp rồi mới ngẩng đầu lên, tay vẫn còn đang cầm kim, miệng thì cắn giữ một cây khác, nói qua loa: “Từ Bình, cậu giải thích với họ một chút đi.”

Từ Bình tay cắp hòm thuốc lưng gùi giỏ tre, thân người cồng kềnh, lúc chui qua hàng rào không linh hoạt như ta nên bị chặn lại bên ngoài, lúc này mới lên tiếng, cao giọng nói: “Vị này là đại phu Tiểu Nguyệt đến để khám bệnh cho bà con ở Lý gia thôn, mong các vị huynh đệ chiếu cố để ta đi qua.”

Từ Bình vừa nói vừa dạt mấy người đang đứng chắn phía trước toan vượt qua hàng rào, ta đặt chân ông cụ xuống, thu kim lại, ngăn cản hắn: “Từ Bình, cậu không cần vào đâu, đặt đồ xuống đó là được rồi.” Đồng thời quay qua nói với dân làng: “Mọi người trở về thôn được không ạ? Trước tiên hãy để con xem tình hình của người bệnh một chút.”

Từ cửa thôn có người quáng quàng chạy ra, chính là đôi vợ chồng già đã đưa con gái đến cửa hiệu của ta hồi sớm, từ đằng xa những dòng nước mắt tuôn dài trên mặt vì vui mừng: “Là Tiểu Nguyệt cô nương, mọi người mau ra đây đi, Tiểu Nguyệt cô nương đến rồi.”

Trong phút chốc rất nhiều người túa ra đỡ những người bị thương nằm dưới đất dậy, ôm lấy hòm thuốc và chiếc giỏ tre của ta, tíu tít đón ta vào thôn như những vì sao vây quanh mặt trăng.

Từ Bình ‘úi’ một tiếng, ta lật đật quay đầu lại, nhìn thấy hắn bị một đám người tay nắm chân níu lôi ra khỏi hàng rào, có người còn rống: “Tiểu tử ngươi mới tới chưa được mấy ngày, không cần mạng nữa hả?”

Từ Bình giãy dụa nhưng không chống cự nổi nhiều người, chớp mắt đã bị kéo đi không còn thấy bóng dáng.

Nhớ lại bộ dạng của hắn lúc rống người khác ở cửa hiệu, ta không khỏi mỉm cười.

Rốt cuộc Từ Bình cũng không thể đi theo vào trong thôn. Vào đến nơi, sau khi xem qua các triệu chứng của bệnh ta mới dần thả lỏng. Mặc dù dịch bệnh nguy hiểm nhưng cũng không phải vô phương cứu chữa, trong sách thuốc của Sư tổ cũng có ghi chép lại ca bệnh tương tự. Ta hướng dẫn bà con đun sôi nước ngâm giặt chăn mền, thông gió thoáng khí nhà cửa, phun thuốc tiêu độc khử trùng, sau đó tập trung những người bị nhiễm bệnh vào từ đường của thôn cách li điều trị riêng. Loay hoay bận rộn thời gian qua đi lúc nào chẳng biết, mặt trăng lặn rồi mặt trời mọc, trong chớp mắt đã mười mấy ngày trôi qua.

Bệnh gặp đúng thuốc mang lại hiệu quả chữa trị rất tốt, nhìn thấy những người hấp hối nguy kịch cũng đang tiến triển tích cực, những nốt đỏ trên người dần tan đi, lúc này ta mới thở phào nhẹ nhõm, bước ra khỏi từ đường đi ăn cơm, thời điểm ngẩng đầu lên nhìn thấy cả một vòm trời sao, vầng trăng tròn vành vạnh, không khỏi ‘ồ’ một tiếng kinh ngạc.

“Đã đến rằm rồi ạ? Lần trước con thấy vẫn còn là trăng lưỡi liềm.”

“Đã nửa tháng trôi qua rồi, Tiểu Nguyệt cô nương xem bệnh vất vả nên quên mất ngày tháng.” Đại thẩm (bà thím) ngồi bên cạnh ta cười híp mắt trả lời.

Người dân trong thôn rất ân cần chu đáo, hàng ngày đều mang cơm canh đến đây, tuy chỉ là rau dưa đạm bạc nhưng có thể nhìn ra được họ đã đưa đến tất cả những gì tốt nhất trong khả năng của mình. Ta bưng bát cơm ngồi trên bậc thềm bên ngoài từ đường nói chuyện phiếm với đại thẩm mang cơm tới. Thời gian trước lúc mới bắt đầu đưa cơm, đại thẩm có một thói quen rất kỳ lạ, lần nào đến cũng đều nghĩ tới việc nhổ một sợi tóc của ta.

Không chỉ nhổ mà còn giảng giải cả lý do, có lần thì ‘A! Cô nương có sợi tóc trắng đây này!’ Ngay sau đó chính là da đầu ta đau rát.

Có lần thì là ‘Con sâu không có mắt này, vướng vào tóc cô nương.’ Và sau đó da đầu ta lại nhói lên.

Đến lần thứ ba ta không kìm được đưa tay che tóc lại, bà mới ngượng ngùng cười hì hì: “Tiểu Nguyệt cô nương chớ trách, cô nương giống y hệt thần tiên hạ phàm, bà lão cọ dính chút tiên khí, tóc này là mang về đặt dưới gối của đứa cháu trai để trừ tà.”

Ta: “…”

Ta giải thích cạn lời, đợi đến khi đại thẩm chịu thông suốt ta chỉ là người bình thường, ta đã hình thành thói quen hễ nhìn thấy bà là đưa tay ôm đầu bảo vệ tóc trước thảy, sửa cách nào cũng không được.

Sau khi chuyển người bệnh vào từ đường, những người khác trong thôn thường tới giúp đỡ, nhưng hầu hết đều dừng lại bên ngoài sân theo yêu cầu của ta, chỉ để một vài người có thân thể khỏe mạnh, hàng ngày uống xong thuốc phòng dịch rồi đi vào phụ giúp ta một tay. Lúc này trời đã tối muộn, phần lớn bệnh nhân trong từ đường đều đã say giấc, ta với đại thẩm ngồi ở bậc thềm, bà cười tủm tỉm nhìn ta ăn cơm, thấy vậy ta lại hồi hộp, sợ bà bất thần với tay nhổ tóc của ta.

“Tiểu Nguyệt cô nương à, cái thôn này may mà có con.”

Ta bận bịu suốt cả ngày, cơm trưa vẫn còn đang đặt trên bệ cửa sổ chưa kịp ăn, lúc này đói đến nỗi ngực dán vào lưng, vừa ăn một thìa cơm thật to vừa lắc đầu: “Mọi người không sao là tốt rồi ạ, qua mười ngày nửa tháng nữa những nốt đỏ trên người sẽ lặn hết, tới lúc đó không cần phải lo lắng nữa.”

Đại thẩm gật đầu lia lịa: “Cô nương là Bồ Tát hạ phàm, có cô nương ở đây sinh mạng của bách tính trong cái thôn này đều được cứu rồi.”

Vừa nghe tới nửa câu đầu ta lập tức quýnh quáng, vội buông bát ôm lấy đầu, cảnh giác dòm bà.

Đại thẩm ngây ra, sau đó che miệng cười, đưa tay xoa đầu ta: “Không có việc gì không có việc gì, là đại thẩm không tốt, không nhổ tóc của con nữa, con yên tâm.”

Ta thở phào nhẹ nhõm, lại nghe thấy bà cất giọng trìu mến nói với ta: “Nhìn con thế này, vẫn còn là một tiểu cô nương đây mà, đã hứa gả cho người chưa? Đại thẩm cũng định giới thiệu cho con một đối tượng tốt, con trai thứ hai nhà lão Lý ở đầu thôn đó, người trung thực hiền lành thân thể lại cường tráng khỏe mạnh…”

Đại thẩm còn chưa dứt lời, ngoài cửa thôn bỗng truyền tới một loạt tiếng ồn ào náo động, một đám người gào khóc chạy vào, cảnh tượng vô cùng hỗn loạn, lúc đến thật gần mới nghe ra được bọn họ đang nói gì.

“Cửa thôn… quan binh tới ngoài cửa thôn, đang bắt đầu phóng hỏa.” Con trai thứ hai nhà lão Lý chạy dẫn đầu, hai tay chống đầu gối thở hồng hộc nói.

Ta đứng bật dậy, quên mất bên chân là bát canh đang ăn dang dở còn một nửa, cái bát sứ bị đụng phải rơi xuống bậc thềm lăn long lóc, nước canh bắn tung tóe trên mặt đất.

Khi ta lao theo mọi người đến cửa thôn, quả nhiên nhìn thấy từng đống củi chất cao quanh hàng rào gỗ, còn có mấy người đang tưới dầu lên trên, trong không khí nồng nặc mùi dầu hỏa. Quan binh trang bị đầy đủ, tay giương cao đuốc, bày thế trận sẵn sàng chờ đón quân địch. Ánh lửa phần phật trong đêm tối làm cho khuôn mặt bọn họ vặn vẹo méo mó thành một hình thù đáng sợ. Nhóm sai dịch của huyện nha làm nhiệm vụ canh gác hàng rào gỗ lúc trước bị lùa vào một góc, co cụm lại, không dám hó hé nửa lời.

Ta bước lên phía trước đám đông, cách hàng rào gỗ nói với nhóm quan binh kia: “Các ông làm gì vậy?”

Có người ngồi trên lưng ngựa, giọng âm trầm: “Phụng lệnh Tư mã đại nhân Thanh Châu, tình hình dịch bệnh đã xuất hiện ở nhiều thôn trong thành, để tránh dịch bệnh lan tràn đe dọa tính mạng của bách tính, nay phàm là thôn nào có dịch bệnh tràn qua đều phải bị thiêu hủy ngay lập tức.”

Ta hoảng hốt: “Đây không phải là loại bệnh không thể chữa được mà, bọn họ đều đã khỏe mạnh bình thường, không tin ngài hãy vào thôn xem thử đi.”

Người nọ không mảy may quan tâm, chỉ phất tay ra lệnh: “Phóng hỏa.”

Những ngọn đuốc theo hiệu lệnh hạ xuống, ngay tức thì đống củi tẩm dầu phụt cháy rừng rực, khói bốc lên nghi ngút. Ta không nghĩ tới bọn họ nói xuống tay liền xuống tay, trong lúc ta còn đang bàng hoàng sửng sốt, tiếng khóc của dân làng ở phía sau đã vang dậy bốn phía, cả một vùng hỗn loạn, trong cơn hoang mang tuyệt vọng nhiều người liều lĩnh xông ra ngoài hàng rào, nhưng lần này chờ đợi họ không phải là những cây sào tre mà là một hàng giáo dài, mũi giáo hướng vào trong, dân làng vừa tiến tới một bước là máu tươi tung tóe văng xa năm bước.

Ta hét to nhưng trong cơn hỗn loạn không một ai chú ý, muốn vươn tay kéo những người bên cạnh lại nhưng tình hình đã hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát. Ngọn lửa cuồn cuộn theo gió ập tới, đột nhiên có tiếng ngựa hí vang rền, trong phút chốc từ xa tiến lại gần, chớp mắt đã hiện ra trước mặt, một vệt bóng đen khổng lồ bay vọt giữa không trung. Thời điểm tiếng ngựa hí truyền tới, những người vốn đang hướng mặt vào trong đều nhất loạt xoay đầu lại nhưng hầu hết chỉ kịp thực hiện tư thế ngửa mặt, nhìn vệt bóng đen kia xẹt qua trên đỉnh đầu.

Bốn vó của Hắc mã đáp xuống giữa vòng vây biển lửa, tư thế kiêu dũng uy phong, vó trước đạp cuồng phong tiếp tục giẫm mạnh mấy cái hẩy tung cát bụi mịt mù, chiếc bờm đen tung bay trong gió. Người trên lưng ngựa vận một thân kình trang*, tay cầm trường kích màu bạc, không mảy may quan tâm đám quan binh phía ngoài rào chắn, một tay ghìm mạnh dây cương giữ con chiến mã đang di chuyển xoay vòng tại chỗ lại, tấm lưng hướng về phía ngọn lửa bốc cao và những mũi giáo sắc nhọn, chỉ mải miết nhìn chằm chằm vào đám đông.

(*Kình trang: là loại y phục gọn gàng, bó sát tạo sự thuận tiện tối đa cho người mặc khi vận động mạnh như đánh nhau, tỷ võ, hành thích, ám sát… trong tiểu thuyết thường là màu đen.)

Người trên lưng ngựa tư thế oai hùng, khí chất vũ dũng phi phàm như thế khiến cho quang cảnh vốn đang hỗn loạn bỗng chốc lắng xuống im bặt. Dân làng vẫn còn tin vào ma quái quỷ thần, hai chân mềm nhũn quỳ mọp xuống, nhất là vị đại thẩm kia, bật thốt lên kinh hãi: “Thần tiên giáng phàm!” Trong nỗi kích động quáng quàng chạy về phía một người một ngựa kia.

Ta không dám tin vào mắt, trong lòng chấn động như có chớp giật sấm gào, khẽ xoay lại, nhìn thấy phản ứng của đại thẩm, theo phản xạ có điều kiện cảm thấy bà sẽ xông tới nhổ lông trên bờm ngựa thậm chí là xé luôn một góc áo của ‘thần tiên’ đem về nhà, ta lập tức phóng vọt tới ngăn lại. Đại thẩm thân hình to béo phốp pháp, ngăn được bà ta cũng thở hổn hển hết hơi, phải chống hai tay lên đầu gối mới không té ngã nhưng vẫn gắng gượng ngóc cổ lên, nhưng những lời thốt ra khỏi miệng không thành tiếng.

Có lẽ suốt bao năm qua ta đã lặng lẽ đọc hai từ này trong thinh lặng quá nhiều, đến khi có thể gọi thành tiếng, trái lại không có âm thanh.

Ta mấp máy môi muốn thử lại lần nữa nhưng có một luồng gió phả vào mặt, là người trên lưng ngựa tung mình xuống, chống trường kích, dưới sức mạnh của cánh tay, non nửa cán kích cắm phập sâu vào lòng đất đứng thẳng tắp.

Người ấy dang rộng hai cánh tay ôm ta vào lòng, thanh âm trầm khàn chồng lên âm thanh thiếu niên trong trẻo nhiều năm về trước, ta nghe thấy giọng nói trưởng thành của sư phụ, ngay sát bên tai ta.

“Nguyệt nhi!”

Trường kích

trường kíchjpg

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.