Thiên Mệnh Khả Biến

Chương 441: Chương 441: Hiệp hội Khoa học




Trên thế giới, cộng đồng của các Runner là một loại cộng đồng không lớn không nhỏ, vẫn được gọi là “giới thám hiểm”. Cộng đồng này bao gồm những người làm nghề thám hiểm, và những khách hàng của họ.

Thám hiểm suy cho cùng cũng là một loại nghề nghiệp. Có bao nhiêu nghề nghiệp thì có bấy nhiêu cộng đồng. Cách phân chia kiểu này không bị giới hạn bởi biên giới, quốc tịch, tôn giáo hay chính trị. Chỉ đơn thuần là những người làm chung trong một lĩnh vực luôn tạo nên một mạng lưới đặc thù.

Trong một cộng đồng, sẽ có vô vàn những cá nhân nhỏ lẻ, nhưng cũng sẽ có một hoặc một vài những tổ chức lớn.

Ví dụ khi nhắc tới Runner, người ta sẽ nghĩ tới Ám Hành, tới Holy Knights, hay Vulture. Nhắc tới cộng đồng nuôi thú, sẽ nghĩ tới Liệp Thú Hội. Nói tới Kinh doanh, sẽ nghĩ tới Tập đoàn Fidi, Vương Triều Kiến Nghiệp, Fusan Entertainment, hay Hiệp hội Thương mại Liên Cận Tây…

Các tổ chức có thể sinh ra rồi lụi tàn, nhưng các cộng đồng thì mãi tồn tại.

Nhưng trong số những cộng đồng nghề nghiệp thế này, luôn có một loại cộng đồng mà vị thế của nó khác hẳn so với phần còn lại. Một thứ nghề nghiệp được vinh danh là đứng trên đỉnh cao của mọi loại nghề nghiệp, đó là Học giả.

Trong một thế giới mà Tri thức là tất cả, thì những kẻ nghiên cứu tri thức luôn là những kẻ được tôn sùng nhất.

Trong cộng đồng của các Học giả, lại có một tổ chức được coi là Thánh địa của Tri thức, đó là Hiệp hội Khoa học.Nếu nói về Học giả, hẳn ai cũng biết những Học giả uyên bác và hùng mạnh nhất thế giới chính là 5 vị Chí Tôn.

Nếu trong một thế giới lý tưởng, thì Chí Tôn Cường giả, những người đã vượt xa nhân loại về học thức, phải là những người đứng ra dẫn dắt mọi người trên con đường khám phá biển tri thức vô hạn. Họ phải là những mũi tiên phong đưa nhân loại vượt lên.

Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Trong một thế giới thực tại, mặc dù những Chí Tôn Cường giả nổi tiếng là những người không hề ki bo về mặt tri thức, họ cũng phải đối mặt với những giới hạn ngăn cách họ với thứ sứ mệnh thiêng liêng của mình.

Thứ nhất là rào cản tư duy. Những tri thức của Chí Tôn Cường giả, được hình thành từ một hệ thống tư duy vượt quá xa cách tư duy của con người bình thường, khiến cho việc truyền đạt kiến thức vô cùng khó khăn. Vì giữa Chí Tôn và phàm nhân, cơ bản là không nói chung một loại ngôn ngữ. Đơn cử như Vương Vũ Hoành, từng rất nỗ lực giúp đỡ những Học giả khác hoàn thiện lý luận của bản thân, mà không ai chịu lắng nghe.

Rào cản thứ hai là tình hình thế giới. 3 Đại Đế quốc kèn cựa nhau thành thế chân vạc đã bao lâu nay, kèm theo đó là quá nhiều những vấn đề chính trị phức tạp, khiến các đời Đế vương khó mà còn thời gian lo nghĩ cho nhân loại.

Rào cản thứ 3 là do chính cá nhân từng Chí Tôn. Nếu không bận rộn vì chuyện chính trị, thì cũng như Cường giả của Rukth’Oar, tự thu mình trong một vùng đất băng giá và tuyệt giao với bên ngoài, hay vùi đầu vào thú vui diễn xuất như Kumo Sasaki.

Tất cả bọn họ, dù là vì khách quan hay chủ quan, đều khó mà đứng ra dẫn dắt nhân loại. Không chỉ trong thế hệ này, mà bao đời nay vẫn là như vậy.

Thế nên, chuyện học vấn của phàm nhân, lại phải do chính phàm nhân tự lo toan.

Hệ thống học tập ra làm sao, phân chia môn học thế nào, áp dụng phương pháp đào tạo ra sao. Phân chia các cấp học để làm gì, lấy cơ sở nào để đánh giá trình độ Phổ thông, Cử nhân, Thạc sĩ?

Trình độ Tiến sĩ thì quá rõ ràng, chỉ cần vượt qua được Thiên kiếp là đạt được Tiến sĩ, không còn gì phải bàn cãi. Dù ở bất cứ hệ thống giáo dục nào, được gọi với tên gọi gì, là Tiến sĩ, là Cường giả, là Doctor, là cấp S, hoặc là bất cứ cái tên gì, nhưng cơ sở đánh giá cấp bậc ấy thì không có chút gì sai lệch.

Cấp Thạc sĩ trở xuống thì phức tạp hơn nhiều. Dù hiện nay các hệ thống giáo dục đã qua trao đổi nhiều và dần chấp nhận cách đánh giá của nhau, thì vẫn nảy sinh rất nhiều bàn cãi.

Cấp độ B của Cận Tây mạnh hơn, hay cấp Thạc sĩ của Viễn Đông mạnh hơn? Nếu liên thông thừa nhận quy đổi bằng cấp của nhau, thì nên dựa theo tiêu chuẩn đánh giá cấp B của Cận Tây, hay theo tiêu chí bằng Thạc sĩ của Viễn Đông?

Rồi các cấp C, D, E trở xuống, đối chiếu với Viễn Đông ra làm sao? Quy đổi như vậy thì bên nào có lợi, bên nào chịu thiệt?

Lại còn cách phân chia môn học. Nếu một môn học ở Đại Nam, qua đến Cận Tây lại bị chia ra làm 3 môn học, vậy là ở Cận Tây sẽ có 3 bằng cấp, mà ở Đại Nam lại chỉ có 1? Cái này đúng là không ảnh hưởng gì tới thực lực đích thực của học sinh, nhưng sẽ gây lấn cấn về chuyện tuyển dụng và trả lương. Nên trả cho hắn lương của 1 kẻ có 1 bằng Thạc sĩ hay 3 bằng Thạc sĩ?

Mấy ví dụ trên vẫn chỉ là tranh cãi không đáng kể, đáng kể nhất là phải hệ thống hóa giáo dục làm sao để tạo nền tảng tốt nhất cho học sinh, không kìm hãm mà còn phải tạo điều kiện cho chúng phát triển hết mình.

Cũng vì vậy mà Hiệp hội Khoa học ra đời.

Với lịch sử hình thành lên tới 2672 năm, với 3 người sáng lập, và tôn chỉ duy nhất là phục vụ sự nghiệp theo đuổi tri thức của nhân loại. Rất nhanh sau đó, Hiệp hội này đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của 5 vị Chí Tôn Cường giả, mà có lẽ khởi xướng bởi Cường giả của Rukth’Oar, khi vị này cảm thấy bứt rứt vì cái trách nhiệm mà đáng lẽ các Chí Tôn phải thực thi.

Để cho lương tâm khỏi bị cắn rứt vì sự ích kỉ của bản thân, các Chí Tôn đã vô cùng hào phóng tài trợ cho Hiệp hội Khoa học qua suốt các thế hệ, nhằm xây dựng nên một tổ chức Khoa học phục vụ cho nhân loại.

Cũng vì vậy mà Hiệp hội Khoa học trở thành một tổ chức có tiếng nói dõng dạc nhất, sánh ngang cùng 3 Đại Đế quốc. Bọn họ giữ được một mối quan hệ khăng khít với các học viện lớn nhỏ, và cũng là tổ chức duy nhất có quyền đánh giá bằng cấp của mọi người.

Suốt 2672 năm tích lũy, số lượng văn bản và tài liệu mà Hiệp hội Khoa học thu thập được cũng đủ khiến người ta phải ngất xỉu. Đại Bản doanh của Hiệp hội còn được người đời ví như là một Tiểu Thư viện. Một Thư viện đồ sộ chỉ thua kém những Đại Thư viện trong truyền thuyết kia.

Cũng phải nói, Hiệp hội Khoa học mới là niềm kiêu hãnh đích thực của nhân loại. Vì trong mắt loài người, những kẻ đã chính thức thống trị trái đất được 3 ngàn năm, thì 5 cái Đại Thư viện chẳng biết từ đâu xuất hiện kia không phải là thứ gì để tôn sùng, mà là một sự sỉ nhục. Một sự sỉ nhục của Tạo hóa, một sự ban ơn đầy ngạo mạn của một kẻ bề trên dành cho một giống loài ngu dốt và yếu đuối.

Nhân loại phát hờn với sự sỉ nhục ấy. Họ không muốn bị coi là những kẻ ngu dốt. Họ muốn chứng minh cho cả vũ trụ thấy rằng, không cần tới Đại Thư viện, loài người hoàn toàn có thể tự lực đạt tới tầm vóc của Tạo hóa.

Mà thành tựu của Hiệp hội Khoa học, cũng chính là thành tựu của loài người. Tự bản thân họ, qua hàng ngàn năm tích lũy và nghiên cứu, đã có được một Tiểu Thư viện đúc kết trí khôn của nhân loại, và càng ngày càng phát triển không ngừng. Tới cái lúc mà Hiệp hội Khoa học không còn là một Tiểu Thư viện nữa, mà có thể đàng hoàng sánh ngang cùng những Đại Thư viện trong truyền thuyết, cũng chính là thời khắc mà loài người tự mình vươn lên sánh ngang cùng thần thánh.

Người mộng mơ thì luôn mong chờ điều này, còn những người thực tế thì lại không thể lạc quan như vậy.

Đối với những người hiểu chuyện, thì Hiệp hội Khoa học không những không thể nào vươn lên cao hơn, mà càng ngày càng thoái trào.

Nguyên nhân thoái trào, thì chương sau sẽ biết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.