Thanh Triều Ngoại Sử 2

Chương 74: Chương 74: Đi với giai nhân (hạ)




Cách hang động khoảng chừng hai dặm có mười người vận y phục dạ hành triển khai thân pháp nhắm hướng chùa Nam Sơn phóng thẳng. Thân pháp của mười người này cực nhanh, chưa quá nửa thời thần đã đến trước cổng chùa. Sau khi vào chùa bày bố đâu đó xong xuôi cả rồi mười người theo sơn đạo xuống núi thì thấy một cô gái đang cầm kiếm đứng chắn giữa lộ.

Cô gái mặc một bộ y phục màu trắng như tuyết, gương mặt cực kỳ khả ái, dáng vẻ mong manh sương khói, nàng thấy mười người áo đen thân hình cao lớn tiến lại gần mà nét mặt vẫn ung dung thư thái.

- Đã bố trí xong cả rồi à?

Cô gái hỏi.

Đám người áo đen đồng loạt gật đầu. Cô gái mỉm cười đưa mắt nhìn ngôi chùa được xây thấp thoáng lưng chừng núi trên một vách đá, nhủ bụng “Tân Nguyên, mi dùng con bạch mã đánh lừa bọn ta, không hề gì, khi ngươi đến Nam Sơn tự cũng phải chui đầu vào rọ thôi!” Khi cô gái nói xong câu này trời nhá sáng một cái rồi bóng tối lại bao trùm như cũ, đất đai chìm hẳn vào màn hôn ám.

Sáng hôm sau trời mưa tầm tã, mãi cho đến cuối giờ Thân mới tạnh, nhưng bầu trời vẫn sầm xuống như bất cứ lúc nào cũng có thể tiếp tục đổ mưa. Cửu Dương bèn bảo Tân Nguyên hai người nên trú lại trong hang động thêm một đêm đợi khi trời sáng mới leo bậc thang nghìn bước lên Nam Sơn tự.

Tân Nguyên gật đầu. Cửu Dương đi ra ngoài cắt một mớ cỏ vào cho con ngựa trong khi Tân Nguyên lấy nước và lương khô ra. Cửu Dương vừa ăn lương khô vừa nghĩ đến mười tên sát thủ mà chàng phát hiện đêm qua, nếu bọn chúng là huyết trích tử thì người thứ mười một với nội công phi thường kia có phải Ngao Bái chăng? Cửu Dương đang đắm chìm trong suy tư, thì chợt trong khung cảnh im ái ấy vang lên tiếng sói tru, hơn nữa phảng phất một cái gì khác lạ khiến cho con ngựa đang gằm đầu ăn cỏ phải giật mình.

Tối đó Cửu Dương chờ cho Tân Nguyên ngủ say chàng lặng lẽ rời khỏi hang động. Bên ngoài trăng sao đã lên nhưng vẫn không xua được màn đêm bao trùm khắp nơi, cảnh vật ảm đạm như báo điềm bất trắc sắp sửa xảy ra.

Cửu Dương thi triển khinh công đến chân núi Ngũ Đài, đưa mắt nhìn lên cao. Nằm trong địa phận huyện Ngũ Đài thuộc địa cấp thị Hãn Châu tỉnh Sơn Tây, dãy núi Ngũ Đài được chia thành năm đỉnh. Thúy Nham Phong ở giữa, Diệp Đấu Phong phía bắc, Cẩm Tú Phong phía nam, Vọng Hải Phong phía đông và Quải Nguyệt Phong phía tây. Núi Ngũ Đài được nhận định là một ngọn núi hùng vĩ trong tứ đại danh sơn. Vốn là nơi tu luyện của nhiều vị bồ tát nhưng chủ yếu là nơi hiển linh của bồ tát Văn Thù. Tương truyền trong nhân gian Văn Thù bồ tát hay hiển linh tại phía bắc trên ngọn núi mát lạnh và trong lành này, vì khí hậu giá rét cho nên tên của ngọn núi này còn được gọi là Thanh Lương Sơn.

Trên núi có đến ba mươi chín ngôi chùa lớn, tám chùa chiền nhỏ. Trong những ngôi chùa đó thì chùa Nam Sơn là lớn nhất, được kiến trúc vào thời nhà Nguyên.

Nếu như là ban ngày người ta sẽ thấy chùa Nam Sơn nằm gọn trong lòng màu xanh của cây cỏ cùng với sự lung linh của những đám mây trắng. Chùa được xây trên mảnh đất chạy dài suốt từ con suối cho tới mé bờ vực đá. Cảnh sắc trên đường tới đó liên tục thay đổi, từ các tán cây rậm rạp cho tới con suối chảy róc rách, những đám rêu phong bám trên đá, thân cây dọc đường đi tạo nên vẻ u tịch cần có của chốn tĩnh tu. Một không gian thật tĩnh lặng, núi đồi yên ả với nhiều cảnh sắc kì thú của vùng đất sơn thủy hữu tình sẽ làm người ta cảm giác tâm hồn nhẹ nhõm như tơ, không còn những mối căng thẳng lo âu hối hả hằng ngày. Lại nữa quanh năm ở đây khói nhang nghi ngút càng khiến chùa toát lên vẻ trang nghiêm thành kính. Ngôi chùa này là một trong những ngôi chùa hội đủ tam thế phật với huyền thoại đẹp đẽ về đời và đạo, giúp con người gần thêm với cõi thiện. Chùa Nam Sơn là sự kết hợp tài tình giữa cảnh sắc thiên nhiên, với quần thể kiến trúc tôn giáo, tạo thành một vẻ đẹp hài hòa, thật đúng y câu “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này.”

Nhưng bấy giờ là buổi tối nên phong cảnh chùa Nam Sơn chỉ có thâm nghiêm u tịch, tam quan nội ngoại đều im ỉm.

Cửu Dương lại triển khai khinh công vượt qua cổng chùa đáp xuống sân, trên trời trăng hắt những tia sáng vàng vọt xuống các nhành cây, in trên đất những hình thù rùng rợn.

Phần đông vật liệu dùng để xây chùa Nam Sơn đều được làm bằng tre tranh, mái chùa lợp bằng gạch và ngói đỏ. Chùa Nam Sơn hình chữ “công,” có nhà chính điện và nhà bái đường song song nhau. Hai nhà này được nối liền bằng một ngôi gọi là thiêu hương.

Cửu Dương bước lên bậc thềm vào tiền đường. Hương án còn đang nghi ngút khói, chàng quét mắt chung quanh, thấy tên những người góp công đức được khắc trên các cây cột, trên bàn thờ, các loại đồ sứ, bát hương, bình hoa, và chân đèn.

Cửu Dương đi hướng chính điện. Ở giữa nơi bái đường và chính điện là một khoảng sân khá rộng, giữa sân có hai chiếc xe đẩy, trên đó đặt mấy cái bao tải như đang chứa phân bón.

Chàng tiến vào chính điện, ngoài những pho tượng thờ trang nghiêm hoàn toàn không có bóng dáng của một chú tiểu hay sư thầy. Cửu Dương bèn vào sâu bên trong chùa, qua nhà chính điện, chàng men theo hành lang song song hai bên chính điện đi đến nhà tổ hậu đường. Trên hành lang dẫn tới hậu đường lại tiếp tục thấy mấy cái bao tải như trong sân chính điện.

Khi đến trước cửa tăng đường, Cửu Dương chưa bước vào đã cảm giác từ trong đó có khí lạnh bốc ra, rờn rợn khiến chàng cảm giác như sắp sửa trông thấy một cái gì ngụy dị thần bí.

Cửu Dương đẩy cửa tăng đường. Quả thật bên trong tăng đường trên đất ngổn ngang những đoạn thạch khối đổ nát như bị tàn phá. Những hình khối đó là từ những pho tượng thờ Thánh Tăng, Đức Tổ Tây Bồ Đề Đạt Ma, Quan Âm Tống Tử, Quan Âm Tọa Sơn, Thiện Tài Long Nữ...

Cửu Dương tiếp tục phát hiện ở đằng góc nhà tăng đường dưới ánh đèn cầy leo lét có rất nhiều tử thi, bèn chạy đến xem, thấy cuống họng các vị đại sư đã bị cắt đứt, trên sàn máu chưa khô hẳn chứng tỏ hung thủ ra tay chẳng bao lâu.

Cửu Dương chạy ra khỏi tăng đường, định rời khỏi chùa thì chàng chợt thấy từ hướng tam quan có một đám chim đêm bay lên, liền biết địch nhân đã thình lình đến tập kích ngoài tam quan, con đường duy nhất để xuống núi đã bị vây.

- Tân Nguyên!

Cửu Dương còn đang tìm cách thoát khỏi ngôi chùa thì nghe tiếng một người con gái lảnh lót vang lên:

- Tối nay cho dù ngươi có mọc cánh cũng khó mà bay khỏi ngôi chùa này!

Tam quan cách nhà tổ hậu đường khá xa, tứ bề lại có gió lao xao vậy mà Cửu Dương vẫn nghe được tiếng nói của cô gái rõ ràng từng âm một. Chàng thầm nhủ, người có thể kích lên hàng tràng tiếng vọng trong vùng sơn dã mênh mang trống trải như thế, át cả tiếng gió, người con gái này phải là một cao thủ võ lâm.

- Bên ngoài cổng chùa đã bị bọn ta vây chặt cả rồi - Tiếng của cô gái lại vọng tới tai Cửu Dương - Trong sân chính điện dẫn đến nhà tổ hậu đường cũng có cài đặt hỏa dược. Nhưng tam mệnh đại thần rất thưởng thức bầu trí tuệ của ngươi. Chuyện bản danh sách, ngươi hiểu ý ta rồi phải không?

Tiếng nói của cô gái nghe rất hay, tiếp tục truyền vào tai Cửu Dương, nhưng chàng nghe chẳng khác nào tiếng sấm nổ chực xé toạc màng nhĩ. Chàng nhìn những bao tải trên hành lang và trước cửa tăng đường, ngồi xuống mở một bao ra. Chàng thấy trong đó chứa thứ hỗn hợp rất mịn, chẳng cần ngửi cũng biết đó là diêm tiêu, bột than củi, lưu huỳnh, hồng hoàng, hòa vào mà thành. Bọn huyết trích tử đã bày binh bố trận tất cả đâu đó xong xuôi ở trong chùa. Cửu Dương cảm thấy quyết định của chàng không dẫn Tân Nguyên lên đây là hoàn toàn không sai chút nào, bằng không, chàng đã đưa nàng vào hiểm cảnh rồi.

Càng lúc sự biến càng tiến đến sát bên khi cô gái nói:

- Thế nào hở Tân Nguyên? Ngươi còn chần chờ suy nghĩ điều chi? Ta biết nhà ngươi chẳng phải loại người dễ dàng thúc thủ chờ chết nhưng lần này nhà ngươi vô kế khả thi, ngươi sắp mất mạng tới nơi! Chỉ còn một con đường để đi nên ngươi đừng hòng tính chuyện chó cùng rứt giậu!

Cửu Dương vẫn im lặng để bọn huyết trích tử nghĩ chàng là một người khác. Cô gái chờ một chút không nghe chàng lên tiếng, tiếp:

- Sau khi ta đếm mười tiếng, nếu mà ngươi không ra hàng ta đành cho Nam Sơn tự vùi trong biển lửa!

Cô gái dứt lời đếm “một!”

Cửu Dương bốc một nhúm hỏa dược thảy lên rồi nhìn đám bụi thuốc rơi xuống hành lang.

Cô gái lại đếm “hai.”

Cửu Dương đứng lên, gật gù khi trông thấy chàng không phải đang đứng phía xuôi gió. Lúc nãy khi vào sâu trong chùa chàng đã để ý và thấy có khoảng mười bao hỏa dược nằm trên hai chiếc xe đẩy ở giữa nhà bái đường và chính điện. Chàng lia mắt nhìn nóc nhà tiền đường, nóc nhà tiền đường khá cao. Cửu Dương vừa nhìn độ cao của nóc nhà tiền đường vừa nghĩ bọn huyết trích tử dàn quân ở tam quan, nếu như bọn chúng bắn hỏa tên vào tận tăng đường nơi chàng đang đứng để châm ngòi thuốc nổ sẽ không phải là điều dễ dàng, tên phải bay cao đến mức vượt khỏi nóc tiền đường ra tận phía sau cùng của chùa. Cho nên bọn chúng sẽ bắn tên lửa vào mười bao hỏa dược trên hai chiếc xe đẩy, mà chàng đang đứng phía ngược hướng gió như vậy chàng có thời gian trước khi ngọn lửa tràn tới tăng đường.

Cửu Dương lại nhớ tới đêm trước khi chàng theo Tân Nguyên đến Ngũ Đài sơn chàng đã coi địa đồ của chùa Nam Sơn, chùa được xây trên vách đá, dòng nước bên dưới chính là dẫn đến dòng suối chảy qua khu rừng tre nơi Tân Nguyên đang ẩn nấp. Nhưng chàng phải đợi lửa vào tới thiêu hương làm nổ tung chính điện mới có thể rời khỏi ngôi chùa vì nếu bọn huyết trích tử nghĩ chàng bị thiêu chết sẽ không đuổi theo.

Cửu Dương phủi tay, chàng đã tìm ra cách thoát khỏi ngôi chùa nên tinh thần ổn định lại và nhận ra giọng nói của cô gái. Thì ra trong hàng ngũ của Hiếu Trang đã sớm có nội gián. Chàng từng nghe người trong giang hồ đồn về võ công của cô gái này, nàng ta là vũ khí tâm đắc nhất của Ngao Bái, nên ngoài võ công siêu phàm hiển nhiên nhãn lực hẳn phải tinh thâm, vượt xa người thường, có khả năng nhìn xuyên đêm hoặc xa tới mười trượng, nếu trước lúc tiền đường chưa nổ mà chàng từ trên nóc tăng đường nhảy xuống dòng nước sẽ bị phát hiện.

Trong lòng Cửu Dương dâng lên một nỗi sầu hận đan xen, chàng tự trách bản thân, nếu như cái đêm chàng gặp người con gái này trong quán rượu chàng sớm nói với Tiêu Phong những nghi ngờ trong lòng chàng thì làm gì Hiếu Trang và mọi người đến nỗi rơi vào hoàn cảnh khốn khó như hiện tại? Cô ta ẩn thân trong phủ Viễn lâu như vậy, trong bao năm đã nắm rõ chiến thuật của bên Hiếu Trang, vì vậy mà bên Hiếu Trang lúc nào cũng như mất hoàn toàn tiên cơ, đường đi nước bước đều bị Ngao Bái khắc chế hết. Một trận chiến như vậy há còn đánh đấm gì nữa?

Cửu Dương suy nghĩ tới đây Liên Hoa sát thủ đã đếm xong mười tiếng, sau đó một rừng tên lửa ào ào bay thẳng tới chính điện.

Cửu Dương chờ cho nhà chính điện nổ tung, tiếng động ầm ĩ đinh tai nhức óc vang lên, khói lửa cũng cuồn cuộn bốc cao chàng mới nhảy lên nóc nhà tăng đường. Trên trời trăng sao đều bị mây che mất, vùng sơn dã phủ ngập bởi một màn đen đặc. Chợt trăng hiện ra khỏi mây, chiếu xuống những nhành cây khiến những nhành cây mọc quanh chùa Nam Sơn trông như bầy mãnh thú đang nhe nanh múa vuốt, tùy thời có thể xông đến xé xác chàng ra thành vạn mảnh.

Từ trên nóc nhà tăng đường Cửu Dương nhìn thấy dòng nước đang chảy xiết, trông vô cùng đáng hãi nhưng đó là lối thoát duy nhất của chàng trong hoàn cảnh này.

(còn tiếp)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.