Ông Tôi 22 Tuổi

Chương 8: Chương 8




Dịch: Hân Di

Đường Tam Bàn cho mấy con giun vào cái lờ, rồi thả lại xuống hồ. Ông ôm đầy hy vọng trở về căn nhà cũ.

Tống Kim về trước ông một lúc, đã rửa sạch sẽ và bóc xong vỏ măng đắng, đang bắc nồi luộc.

Vỏ măng đắng màu nâu đen không khác gì măng bình thường, sau khi bóc lớp vỏ cứng, lộ ra măng non mềm bên trong khiến người ta càng thèm.

Tống Kim không tin món này sẽ khó ăn.

Đường Tam Bàn ngồi một bên, vừa trông ngóng nồi măng, vừa đưa nan trúc cho Hà Đại Tiến đang ngồi đan lờ.

Hà Đại Tiến nói:

- Sao hai người mong ngóng thế? Không phải buổi sáng vừa ăn hết chỗ rau dại à? Vừa nãy còn ăn bao nhiêu đào nữa.

Tống Kim chăm chăm vào nồi măng, không rảnh tranh cãi với ông:

- Vì không được ăn thịt nên nhanh đói là phải.

- Tôi không ăn thịt mười ngày, nửa tháng cũng chẳng sao.

Hà Đại Tiến nhìn hai người, hai người họ trông có vẻ có tiền hơn ông, chắc là bữa nào cũng ăn thịt nên đã quen bữa ăn nhiều chất béo. Ông nhìn Đường Tam Bàn nói:

- Tam Bàn, ông nên ăn ít một chút để giảm cân đi. Béo quá không tốt cho sức khỏe.

Đường Tam Bàn cười cười, nói:

- Trời sinh tôi có gen béo, dù uống nước lọc cũng béo, không gầy được.

Hà Đại Tiến nói:

- Sao không gầy được? Ông theo tôi làm việc đi, chưa đầy một tháng sẽ gầy.

Đường Tam Bàn vừa nghe xong lời này, mồ hôi lạnh chảy ròng ròng, tự mỉa:

- Tôi thấy cứ tiếp tục sống thế này, tôi cũng sẽ gầy thôi.

Lời này có lý, Hà Đại Tiến không nói thêm gì nữa. Với những đồ ăn này của họ, muốn béo cũng khó. Cho dù ăn nhiều thì cũng toàn là rau cỏ, chẳng có xíu chất béo nào, không thể béo nổi.

- Măng chín rồi, măng chín rồi.

Tống Kim dùng đôi đũa vót từ cành cây, gắp măng ra tàu lá chuối tiêu.

Sau khi luộc qua nước, măng mềm hơn, nhưng vẫn trắng nõn nà như trước, trông rất ngon miệng.

Đường Tam Bàn dùng tay bốc một miếng, thổi phù phù cho bớt nóng rồi bỏ vào miệng. Vừa nhai một cái, nước trong măng thấm ra cả khoang miệng.

Một vị đắng khó tả tràn ra khắp miệng lưỡi. Ruột gan Đường Tam Bàn thắt lại, suýt nữa nôn ra. Ông vội nghiêng đầu, nhổ phì phì ra.

- Đắng quá...

Tống Kim không tin:

- Đắng thế cơ à?

Ông gắp một miếng măng lên, nghi ngờ cho vào miệng, nhai khẽ, nước đắng trào ra.

- Phì! Phì! Phì! Quá cmn đắng!

Hà Đại Tiến đang ngồi đan giỏ cá, cười nhạo:

- Nếu không sao gọi măng đắng. Nhưng măng này trong đắng có ngọt. Chờ các ông nhổ ra hết, trong miệng sẽ lưu lại chút vị ngọt.

Tống Kim không hề tin. Món này đắng xít, còn đòi ngọt? Lừa con nít à... Ông còn chưa nói ra lời, bỗng cảm giác được trong miệng có chút vị ngọt.

Ông nuốt nước bọt một cái, ồ, vậy mà ngọt thật.

Có điều, ông sẽ không ăn miếng măng đắng nào nữa đâu.

Đường Tam Bàn cũng không muốn ăn nữa. Ông hỏi:

- Măng này xào thịt ăn có ngon không?

Hà Đại Tiến lắc đầu:

- Nó vẫn đắng, nhưng có thêm mùi thơm.

- Được rồi. - Đường Tam Bàn đầu hàng: - Tôi không chịu nổi vị đắng, ngay cả mướp đắng cũng không thích ăn.

- Mướp đắng nhồi thịt ăn rất ngon.

Đường Tam Bàn lắc đầu, chua ngọt cay đều chịu được, chỉ có đắng là không được.

Lúc này Hà Đại Tiến mới nhớ ra họ vừa đi lấy cá, hỏi:

- Không được con cá nào à?

Tống Kim mắng:

- Có cái rắm!

- Quái! Bình thường bọn tôi muốn ăn cá, chỉ cần thả lờ xuống là có cá ăn. Hơn nữa bây giờ là ngày mùa, người trong thôn không có cả thời gian ăn cơm, làm gì có ai rảnh đi thả lờ đâu. Thế mà chúng ta thả hai cái lại không được con cá nào....

Tống Kim không tin ông ta cũng không tin họ sẽ có cá ăn miễn phí. Ông nói:

- Đừng phét! Hai cái lờ chẳng có con cá nào, lại còn mơ mộng đem cá ra chợ bán.

Hà Đại Tiến không nghe, nói:

- Chập tối lại kiểm tra thử một lần, nhất định sẽ có.

Tống Kim làu bàu:

- Thà ăn đào còn hơn.

Nói xong, ông đi tới sọt đào bên cửa, lấy mấy quả tính mang ra giếng rửa.

Vừa ra tới cửa, chợt thấy Miêu Đại Thúy đi tới bên này. Miêu Đại Thúy vốn đang sải bước đi, vừa thấy ông lập tức dừng lại đi từng bước nhỏ, hỏi:

- Tôi đến xem các cậu ở có quen không. Nhà này lâu năm không có người ở nên có nhiều chuột. Trong nhà còn mấy gói bả chuột, tôi mang tới cho các cậu.

Tống Kim vừa nhận mấy gói bả chuột vừa nói:

- Cảm ơn.

Miêu Đại Thúy nhìn thấy trong tay ông có mấy quả đào, không nghĩ rằng đây là đào nhà mình, còn cười vui vẻ:

- Các cậu giỏi thật, còn hái được đào dại nữa. Các cậu hái ở đâu thế?

Lúc này Tống Kim mới nhớ ra đây là đào nhà cô ta, bỗng có cảm giác chột dạ khi ăn trộm. Cả người ông cứng ngắc, nói:

- Hái ở trên núi đó.

Dù sao thì quả đào nào mà chẳng giống nhau. Chẳng lẽ đào nhà cô ta còn có ký hiệu đặc biệt gì hay sao. Hơn nữa đào do Hà Đại Tiến nhặt về. Sao ông phải có tật giật mình chứ.

Tiễn Miêu Đại Thúy đi rồi, Tống Kim quên cả rửa đào, quay vào nói:

- Con dâu cả của ông mới tới, cho chúng ta ba gói thuốc chuột, còn hỏi hái đào ở đâu.

Đường Tam Bàn lo lắng:

- Không bị lòi đuôi chứ?

- Không. Có phải mình nhà cô ta có đào đâu. - Tống Kim ngồi xuống nói: - Có điều phải cẩn thận chút, tôi thấy con dâu ông không phải người hiền lành gì.

Hà Đại Tiến ngẩng đầu nói:

- Nó keo kiệt thế mà cũng rỉ ra cho ông, đúng là chuyện lạ.

Đường Tam Bàn cười ha ha:

- Gương mặt này của ông Kim còn hơn ngôi sao nổi tiếng nữa.

Tống Kim nhướng mày:

- Đương nhiên rồi. Hồi trước tôi đi trên đường còn có người hỏi tôi có muốn làm ngôi sao điện ảnh không đấy.

Tống Kim hồi tưởng lại những tháng năm tuổi trẻ, cảm thấy dù bây giờ thân thể còn trẻ nhưng tâm hồn đã già cỗi. Ông đã chẳng còn hứng thú với thế giới muôn màu bên ngoài nữa. Bây giờ, điều ông mong muốn nhất là làm sao lấp đầy cái dạ dày, những chuyện khác lười quan tâm. Ông nói:

- Vẫn phải tìm cách kiếm tiền thôi...

Đường Tam Bàn nói:

- Khó lắm, chúng ta không có tiền vốn, không có nghề nghiệp, cũng không có CMND, bây giờ tôi ra đường đi mấy vòng cũng sợ đây này.

Hà Đại Tiến chế nhạo Tống Kim:

- Tay ông không thể xách, vai không thể khiêng, chỉ được cái mồm biết ăn nói, ông thử khua môi múa mép kiếm tiền về đây coi.

- Tôi cũng muốn đấy.... Khoan đã, để tôi nghĩ xem.

Tống Kim bị khích tướng, bỗng nghĩ ra một cách. Ông lấy chân đá đá Hà Đại Tiến đang ngồi đan lờ:

- Không phải ông bảo nếu ông mất tích thì vườn cây ăn quả không ai chăm lo sao? Chúng ta có thể tiếp nhận nó.

Hà Đại Tiến nói:

- Tiếp nhận bằng cách nào?

- Thương lượng với con trai cả của ông. Dù sao vườn đó cũng bỏ hoang, chúng ta nhận chăm sóc, còn họ quản lý. Tiền bán hoa quả thì chúng ta một nửa, họ một nửa.

Đường Tam Bàn lên tinh thần:

- Ông Kim, đề nghị này hay đấy.

Hà Đại Tiến không quan tâm đề nghị hay dở thế nào. Phản ứng đầu tiên của ông là ông có thể đường đường chính chính tới vườn trái cây của mình. Ông ngẩn ngơ một lúc rồi mới nói:

- Vườn cây kia không kiếm ra tiền.

- Sao lại không kiếm ra tiền?

- Hai năm qua, địa phương có chính sách giúp đỡ hộ nghèo trồng cây ăn quả. Mấy thôn quanh đây đều trồng cả, cho nên ở đây hoa quả tràn lan, không bán được giá. Không bán được giá tốt thì không có tiền mời người hái quả. Không có người hái nên trái cây thối trên cành. Trên TV nói hoàn cái gì ấy nhỉ?

Tống Kim nói:

- Tuần hoàn ác tính.

Đường Tam Bàn nói:

- Không có gì đáng ngại. Chúng ta bán trên chợ điện tử.

- Chợ điện tử là cái gì? - Hà Đại Tiến hỏi.

- Là bán hàng qua mạng internet, bây giờ bọn trẻ rất chuộng cái này.

Đường Tam Bàn là một người không vợ không con, cho nên nếu không cập nhật tin tức thì ra ngoài chẳng biết đông, tây, nam, bắc gì cả. Vì thế, mỗi khi có chuyện gì mới, từ ngữ gì mới, ông đều cố gắng chạy theo trào lưu, lúc này mới không có cảm giác bị vứt bỏ.

Hà Đại Tiến cả thể xác và tinh thần đều bị giam cầm trong thôn nhỏ này, hơn nữa ông đã lớn tuổi, kinh nghiệm sống cũng đủ dùng, nên không thích tiếp thu những điều mới mẻ nữa.

Tống Kim mặc dù là thương nhân nhưng lại là chủ tịch nên không tham gia quản lý nữa, gần như về hưu rồi. Ông không thể hiểu về các trào lưu như Đường Tam Bàn được.

Đường Tam Bàn thuộc như lòng bàn tay:

- Quả đào nhà ông không phải loại quả mềm mà là loại cứng, rất phù hợp để bán trên mạng, đóng thùng vận chuyển ba bốn ngày cũng không sao.

- Cái gì? - Hà Đại Tiến khó hiểu, hỏi: - Ai lại lên mạng mua đào? Ở khắp đất nước Trung Quốc, chỗ nào chẳng có đào?

- Có thể giá cả khác nhau nhé. Có nhiều nơi bán đào mười đồng một cân, chúng ta chỉ bán bảy, tám đồng, rẻ hơn được chút ít. Hơn nữa nếu mua số lượng lớn, sẽ có ưu đãi.

Đường Tam Bàn nói xong, thấy hai người mơ mơ màng màng, căn bản chẳng hiểu gì, ông kiên nhẫn tiếp tục giải thích:

- Chợ điện tử có ưu điểm là nhờ vào internet, có thể bán hàng hóa đi khắp cả nước. Cho dù món hàng đó ở địa phương có giá thấp, thì cũng vẫn bán được. Dù không kiếm được nhiều tiền nhưng ít ra hàng hóa không bị ế.

- Được đấy, Tam Bàn...

Tống Kim ngửi thấy mùi ngon, nhớ mang máng hình như con trai đã từng đề cập với mình cơ cấu và hoạt động của công ty quá lạc hậu, cần rót vào sức sống mới.

Nhưng lúc ấy, ông dứt khoát phản đối, còn mắng con trai một trận, mắng nó chỉ biết cái lợi trước mắt.

Lợi nhuận công ty mỗi năm một tăng, lạc hậu là lạc hậu thế nào?

Nhưng bây giờ, những điều mà Đường Tam Bàn nói, ông chẳng hiểu gì. Thế mà ông lại chẳng hiểu gì!

Trong lòng ông có chút luống cuống, dường như ông bị yếu thế trước mặt con trai vậy.

Hà Đại Tiến vẫn mờ mịt, hỏi:

- Tôi vẫn chưa hiểu. Chúng ta làm bằng cách nào?

- Cứ từ từ rồi khoai sẽ nhừ, chúng ta...

Đường Tam Bàn bỗng nín bặt, ỉu xìu nói:

- Đừng nói tới Internet, đến cả điện thoại chúng ta cũng không có. Không mở được gian hàng trên mạng, chẳng có cách nào để rao bán hàng hóa cả.

Nói về internet cả buổi, nhưng lại không ý thức được mình chẳng có internet.

Giống như lý luận suông, chẳng có chút tác dụng nào.

Dù sao cũng chẳng hiểu gì, Hà Đại Tiến nói:

- Nhưng chúng ta cũng nên nhận vườn cây ăn quả này. Cho dù không thể bán được tiền, thì cũng có hoa quả lót dạ. Ba người chúng ta cũng có thể hái được một chút mang vào thành phố bán.

Hà Đại Tiến có lòng riêng. Ông động viên họ nhận vườn cây ăn quả để ông có thể chăm sóc khu vườn của mình.

Mấy chuyện kiếm tiền, chỉ là ông thuận miệng nói chứ không hề tính đến.

Ông không nỡ buông khu vườn mà ông và bạn già cùng nhau vun trồng từng mầm giống, cũng như không thể nào buông bỏ hình bóng người bạn đời.

Tống Kim không phát hiện ra tâm sự của ông. Tống Kim vẫn cảm thấy vườn cây ăn quả là một cơ hội kinh doanh, ít nhất trong tay có chút vốn liếng để trở mình.

Sau khi bị thế giới internet vả cho một cái, Đường Tam Bàn tỉnh táo lại rất nhanh. Dù không thể buôn bán trên chợ điện tử, nhưng nếu lấy được khu vườn về tay thì có hoa quả ăn rồi!

Ba người, mỗi người một ý, nhưng kết quả không mưu mà hợp...

... Tiếp quản vườn cây ăn quả!

Không đợi ba người nói ra quyết định này, bên ngoài đột nhiên truyền đến tiếng đập cửa. Cửa còn chưa mở, Hà Đại Tiến đã nghe thấy con dâu cả Miêu Đại Thúy quát tháo:

- Ba thằng trộm cắp chúng mày! Dám trộm hoa quả nhà tao! Mau lăn ra đây!!!!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.