Lão Đại Là Nữ Lang

Chương 10: Chương 10: Trứng bắc thảo




Phó tứ lão gia hỏi khẽ: “anh tỷ nhi, vì sao con muốn học chữ?”

Kiếp trước, khi Vân anh còn nhỏ cũng đi học với các anh chị em trong nhà.

Nàng và các chị nàng đều học rất tốt, khi anh trai nàng còn đang ngâm nga “Tam tự kinh” đến phát chán, các chị em nàng đã có thể thuộc làu “Thanh luật vỡ lòng“.

Tuy nhiên, học chữ xong, mẹ nàng lại không để các con gái tiếp tục học hành.

“Con gái không thể tham gia dự thi, cũng chẳng lên triều làm quan, đọc sách nhiều cũng phí công, biết chữ là đủ rồi.”

“Nữ tử vô tài tiện thị đức [1], đọc sách nhiều không tốt đâu, sau này không cần đi học nữa.”

[1] Phụ nữ không có tài mới là có đức.

“Phu nhân nhà thủ phụ trước khi lấy chồng cũng là tài nữ nức tiếng xa gần. Vậy mà trước khi gả vào Thẩm gia, Thẩm gia bắt nàng đem mấy rương sách ra đốt bằng hết rồi mới chọn ngày thành hôn. Đọc sách thì có lợi ích gì chứ? Bàn chuyện hôn nhân, trước là hôn đăng, sau là hộ đối, sau nữa là phẩm hạnh, tướng mạo chứ có ai hỏi xem con gái nhà người ta có biết chữ không.”

Mẹ nói vậy, cha cũng nói vậy, những người khác cũng nói vậy, Vân anh và các chị nàng cũng nghe theo, tập trung học thêu thùa may vá với các ma ma, không còn có cơ hội sờ vào sách vở nữa.

...

Tuyết vẫn đang rơi.

Phó tứ lão gia nghiêm túc đứng chờ Phó Vân anh trả lời.

Nàng mỉm cười, nói từng chữ: “Tứ thúc, vì con thích học.”

Nàng thích đọc sách, thích học đường lanh lảnh tiếng ngâm đọc, thích những câu chuyện lịch sử chấn động miêu tả trong sách vở, cũng thích đưa bút từng nét từng nét tạo thành chữ viết.

Trong nhà vĩnh viễn sẽ chỉ có từng ấy thứ, các chị dâu nàng và mấy thiếp thất suốt ngày tranh cãi vì mấy việc không đâu. không phải vì bọn họ muốn chôn chân trong đó, mà vì họ chẳng còn lựa chọn nào khác.

Nàng biết con gái không thể tham gia khoa cử, như người ta vẫn nói, con gái đi học đường đọc sách chỉ là lãng phí thời gian và tiền bạc. Kiếp trước nàng cũng sợ như thế, không suy nghĩ gì cả, chỉ vâng lời cha mẹ vứt bỏ sách vở, tập trung học theo mẹ nàng, học quản gia như thế nào, lấy chồng rồi cũng bận rộn hầu hạ nhà chồng, nên cũng không còn đầu óc nghĩ đến những chuyện khác nữa.

Nhưng mà lúc này, nàng muốn được thoải mái làm theo ý mình một lần.

Nếu cuộc đời lần này là nàng may mắn mới có được, thì phải sống thật thoải mái, hoặc là sống thật vui vẻ, hoặc là chết thật vui vẻ.

Phó tứ gia lặng người suy nghĩ một lúc lâu rồi bật cười. “Được.” Ông xoa xoa chiếc mũ trên đầu Phó Vân anh, thở dài, “Đại ca hồi nhỏ cũng rất thông minh. Nếu như nhà chúng ta không quá nghèo, có chút tiền cho huynh ấy đi học, huynh ấy hẳn phải đỗ tú tài!”

Hai chú cháu vừa đi vừa nói, mặc hai bên đường người đi kẻ lại ồn ào, thoáng chốc đã đến bờ sông.

Chợ Tết ở huyện Hoàng Châu không hề giống với trong tưởng tượng của Vân anh.

Bờ sông đông như trẩy hội. Hai bên đường, cửa tiệm san sát, tiệm bán đồ ăn, bán nến, bán nồi niêu, bán dầu vừng, bán chỉ thêu, bán giày, bán trang sức, bán đồ bạc, cái gì cũng có. Quán trà, quán rượu người đến kẻ đi tấp nập, trước tiệm có một bếp lò đặt một lồng hấp bánh bao, bánh bao chất cao như tòa núi nhỏ. Giữa đủ thứ âm thanh ồn ào, người ta vẫn nghe thấy tiếng tiểu nhị cười hỏi: “Quý khách lấy một chay một mặn chứ? Chọn rượu nhẹ hay rượu nặng?”

Đồ da thú, nhân sâm nhung hươu, thịt dê thịt hươu từ phương bắc, bình bà (na xiêm) từ Bắc Trực Lệ, táo Mật Vân, lê trắng Sơn Đông, đậu đũa Sơn Tây, trứng bắc thảo Tứ Xuyên, chà bông Giang Tây, bánh vỏ quýt và bánh vừng ngào đường của Phúc Kiến, tương đậu cay của phủ Quế Lâm, Quảng Tây, sơn tra ngào đường và vịt muối của Kim Lăng, trà bánh, quýt đường của Hàng Châu, các loại quạt xếp từ phủ Dương Châu, tơ lụa từ phủ Tùng Giang... tất cả đều đổ về đây.

Trấn Hán Khẩu của phủ Võ Xương là cảng chủ chốt trên con đường vận chuyển lương thực bằng đường thủy, lương thực từ Hành, Vĩnh, Kinh, Nhạc và cả phủ Trường Sa được vận chuyển trên sông đều phải đi qua trấn Hán Khẩu [2]. Là nơi tập kết lương thực cũng là trạm trung chuyển quan trọng như vậy, trấn Hán Khẩu ngày càng phồng vinh, xứng với danh hiệu một trong thiên hạ tứ đại danh trấn.

[2] Hán Khẩu là một trong 3 địa danh, bên cạnh Vũ Xương, Hán Dương, đã được hợp lại để tạo thành thành phố Vũ Hán ngày này. Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc nhưng ở giáp với Hồ Nam. Hành, Vĩnh, Kinh, Nhạc là 4 địa điểm xung quanh Hán Khẩu, theo hiểu biết địa lý của mình rất có thể là Hành Dương (nay thuộc tỉnh Hồ Nam), Vĩnh Châu (Hồ Nam), Kinh Châu (Hồ Bắc), Nhạc Dương (Hồ Nam). Trường Sa là thủ phủ tỉnh Hồ Nam hiện nay.

Hàng hóa vận chuyển từ phía nam lên phía bắc và ngược lại đều trung chuyển ở phủ Võ Xương. Huyện Hoàng Châu ngay gần Võ Xương nên trong chợ cũng có đủ thứ hàng hóa từ khắp nơi trong cả nước cũng là hợp lý.

Phó Vân anh thích nhất là những đội thuyền buôn nhiều không đếm xuể.

Huyện Hoàng Châu chỉ là một huyện nhỏ, ban đêm có lệnh giới nghiêm, cửa hàng trên phố được mở cửa từ giờ Thìn (7-8h sáng), tới khi mặt trời xuống núi lại phải đóng cửa, cả năm chỉ có mấy ngày tết là không buôn bán.

Nhưng chợ tết không chỉ có những cửa hàng trong huyện mà còn có người từ khắp nơi đưa thuyền hàng tới bán đồ tết.

Mỗi đội buôn bao gồm dăm ba nông hộ (gia đình làm nông) hợp tác với nhau để thuê hoặc mua thuyền, mỗi đội có hơn mười thuyền nhỏ. Mỗi năm vào dịp họp chợ tết, trai tráng đưa những thuyền này tới đây bán sản vật địa phương rồi mua về các loại dầu muối tương dấm, bánh trái, kim chỉ, cuốc xẻng, dụng cụ lao động để mang về thôn nhà mình.

Mặt sông bị vô số chiếc thuyền lấy đầy trông giống như chiếc lưng của một con cá voi màu đen vừa trồi lên mặt nước, chỉ có chính giữa lòng sông là còn chừa ra vài thước tạo thành một đường nhỏ cho thuyền bè đi qua. Tuyết vẫn rơi xuống những chiếc thuyền buôn, nhưng cũng chỉ rơi xuống rồi lập tức tan ra.

Trong khoang thuyền chứa đầy các loại hàng hóa, có dưa muối, cá muối, có rượu gạo tự ủ, có thịt thú rừng được săn trên núi, có tương đậu, có giỏ nan, sọt nan, có bát đĩa, có khăn áo, giày thêu, giày cỏ do phụ nữ trong nhà làm...

Người trong huyện đi dọc theo bờ sông lựa chọn hàng hóa, thấy vật nào vừa ý sẽ đi xuống bậc thềm bằng đá, đi qua tấm ván bằng gỗ lên thuyền bàn bạc giá cá với người bán.

Các nông hộ dùng trọ trẹ dùng tiếng địa phương bàn bạc giá cả với khách hàng, cũng có nhà thuyền trách thuyền bên cạnh đụng vào thuyền nhà mình, bên kia lại có mấy tên hư đốn cố ý lấy mái chèo đập trên mặt nước làm nước bắn lên ướt hết váy áo của một phụ nữ nhà thuyền khác, có mấy nhà chỉ lo bàn chuyện làm ăn, quên mất thuyền vẫn đang trên mặt nước, đùng một cái bốn năm chiếc thuyền đã va vào nhau, ngươi làm đổ rổ rau nhà ta rồi, ôi thùng cá của ta, còn có người loạng choạng ngã xuống dòng nước lạnh mùa đông. Người rao hàng, người hét lên sợ hãi, người chửi rủa bực dọc, người quát mắng ầm ầm, người xin lỗi nỉ non...

Người người ồn ào, náo loạn cả lên.

Phó Vân anh nào đã bao giờ nhìn thấy cảnh này. Kiếp trước, khi còn nhỏ, nàng ở phủ Giang Lăng như phủ Giang Lăng không có sông lớn nên cũng không có tàu bè từ các châu huyện lân cận đi qua.

Phó tứ lão gia thấy nàng nhìn thuyền buôn trên mặt sông không chớp mắt thì mỉm cười. Đứa bé này cả ngày nghiêm túc này cuối cùng cũng giống trẻ con một chút.

Ông lệnh cho tùy tùng đi thuê một chiếc thuyền rồi dắt tay nàng đi về phía bờ sông lát đá. “Lên thuyền ngắm, thấy cái gì thích thì dừng lại mua, cũng phải mua cho anh chị con ở nhà, nếu không chúng nó lại giận dỗi cho mà xem.”

Phó Vân anh theo Phó tứ lão gia lên thuyền. Khoang thuyền sạch sẽ ngăn nắp. Trong khoang có một bàn ghế, trên bà có một bộ ấm trà nhỏ bằng sứ thô, một hộp điểm tâm bốn ngăn: một ngăn bánh, một ngăn hạt dưa rang, một ngăn hạt dẻ nướng, một ngăn củ năng tươi.

Gã sai vặt rót ra hai ly trà nóng, Phó tứ lão gia cũng ngồi đó bóc hạt dẻ.

Rèm trong thuyền được vén lên để hai chú cháu có thể vừa ngồi trong khoang thuyền thưởng trà ăn điểm tâm vừa ngắm được cảnh bên ngoài. Thuyền nhỏ như con cá bạc, lách giữa các thuyền hàng. Thuyền khác nhìn thấy bọn họ cũng lên khua mái chèo chào hỏi.

Mỗi lần nhìn thấy thuyền nào có bán đồ mình muốn mua, Phó tứ lão gia lại kêu nhà đò dừng lại, đứng phía đầu thuyền mặc cả với người bán.

Phó Vân anh tự mua cho mình chút kim chỉ, vải vóc và khung thêu, mua cho Phó Nguyệt và Phó Quế mỗi người một con vịt khắc bằng gỗ, mua cho Phó Vân Khải và Phó Vân thái mỗi người một chiếc mặt nạ Quan Công.

Dọc theo dòng sông đi về phía tây, thuyền trên sông càng ngày càng ít. Cuối cùng, thuyền dừng lại bên bờ đá, Phó tứ lão gia dẫn Vân anh bước lên thềm đá lên bờ. “đi tiệm giấy bút nào.”

Trời lạnh, chủ tiệm ngồi trong phòng sưởi ấm, tự nhiên nghe thấy tiếng Phó tứ lão gia nói chuyện với tiểu nhị thì mới vội vém rèm đi ra đón tiếp ông, chào hỏi mấy câu xong thì cười lấy lòng: “Công tử trong phủ muốn mua bao nhiêu giấy?”

Phó tứ lão gia cúi xuống nhìn Phó Vân anh.

Trong mắt chủ tiệm hiện lên một chút kinh ngạc nhưng cũng không hỏi nhiều, cũng đoán được Phó Tứ lão gia là người yêu thương con cháu trong nhà, hôm nay vớ được mối hời rồi!

Phó Vân anh không nói gì, đi xung quanh nhìn ngắm các kệ hàng một lượt.

Tiểu nhị cũng biết Phó tứ lão gia là người có tiền nên dù thấy Phó Vân anh còn nhỏ nhưng cũng không coi thường nàng, đi theo nàng, kiên nhẫn giới thiệu cho nàng các loại giấy trong cửa hàng, bao gồm giá cả và ưu điểm của từng loại.

Giấy làm bằng gỗ tre bình thường là 80 văn tiền một trăm trang, giấy làm từ đay là 400 văn, giấy làm từ gỗ cây lá bản là 600 văn, cũng có nhiều loại đắt hơn từ vỏ cây thanh đàn, đến ba lượng bạc một trăm trang, loại rất đắt như giấy Cao Ly, giấy Tuyên Thành, người bình thường không hay dùng, tiểu thị không nhắc đến.

Phó Vân anh đề nghị mua mấy trăm trang giấy loại rẻ nhất, làm bằng gỗ tre.

Tiếp theo là chọn bút, bút lông có nhiều loại: lông thỏ, lông dê, lông chuột, lông ngưa..., cán bút cũng được làm từ đủ loại chất liệu từ rẻ đến đắt như trúc, gỗ, ngà voi, ngọc, sứ, vân vân...

Phó Vân anh chỉ chọn một cây bằng trúc.

Phó tứ lão gia không biết mấy về giấy bút, không nói nhiều, bảo tiểu nhị lấy hết các loại bút lông, từ mềm đến cứng, mỗi loại một chiếc, giấy cũng mua mấy trăm trang mỗi loại.

Phó Vân anh nghĩ ngợi một lúc rồi cũng không từ chối, dù sao thì ân tình nợ cũng đã nợ rồi, sau này nàng trưởng thành nhất định sẽ báo đáp cho tứ thúc.

Cuối cùng là chọn mực, mực thỏi cũng nhiều loại. Mực tốt chất mịn, trơn, màu đen, âm thanh trong trẻo. Mực mịn tức là không có tạp chất, mực phải trơn thì viết ra nét mới liền mạch, không bị nặng tay, màu mực phải đen, không lẫn màu nào khác, còn âm thanh là khi thỏi mực đập vào nhau phải phát là tiếng keng keng trong trẻo, như thế mới là một thỏi mực tốt, không có tạp chất.

Chủ tiệm ban đầu coi thường Phó Vân anh, tưởng rằng vị tiểu thư này của Phó gia coi giấy bút là đồ chơi nên đòi người lớn mua cho mình, định nhân cơ hội làm ăn, lấy ra mấy thỏi mực tầm thường nhưng lại giới thiệu như thể đây là loại thượng hạng, được dùng trong cung, có pha thêm hương liệu, đảm bảo viết ra chữ sẽ đẹp, mỗi thỏi giá mấy lượng bạc...

Phó Vân anh ngẩng đầu nhìn chủ tiệm, cười đầy ẩn ý.

Chủ tìm thấy vậy cũng chột dạ, thầm nghĩ: Sao mình lại sợ một đứa bé gái cơ chứ? Nhưng rồi dù không biết tại sao nhưng không còn ý định ban đầu nữa, thật thà hơn hẳn, giới thiệu với Phó tứ lão gia mấy thỏi mực thường dùng.

Xong xuôi, chủ tiệm tiễn hai chú cháu họ ra ngoài, “Quan nhân cứ về nhà là được, chiều nay chúng tôi sẽ mang đồ đến tận nhà.”

Lời tác giả:

“Thanh luật vỡ lòng” là sách vỡ lòng được biên soạn dưới triều nhà Thanh

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.