Không Ô Nhiễm, Không Gây Hại

Chương 7: Chương 7: Viện 110 ngõ Len




Dụ Lan Xuyên tiện đường tiễn Vu Nghiêm một chuyến, lúc về đến nhà đã sắp 10 giờ. Phòng của cu em vẫn đóng, không biết nó đang ngủ hay đang hờn dỗi.

Chậc, thời kỳ trưởng thành.

Dụ Lan Xuyên lười để ý đến nó, anh luôn cảm thấy lúc mình bằng tuổi đấy, tâm trí chín chắn hơn nhiều.

Anh đứng trước gương to nhìn áo sơ mi của mình, tim như dao cắt. Nếu chỉ đơn thuần rơi mấy cái nút thì anh có thể tự tay đơm lại, nhưng ở ngực còn bị rách một lỗ dài cỡ ngón tay dọc theo hoa văn vải, với trình độ tay nghề của anh, chắc chắn không thể cứu vãn.

“Tại sao cứ đòi thể hiện chứ?” Dụ Lan Xuyên sa sầm mặt tự kiểm điểm, nhìn gương thẩm vấn bản thân: “Trước mặt cá khô thì dù soái banh vũ trụ cũng có gì đáng sao? Bằng giá một lần giặt khô không? Mày đúng là ăn no rửng mỡ!”

Có lẽ để hùa theo “chiếu xưng tội” của Lan gia – đặc biệt là câu cuối cùng – dạ dày anh kêu một tiếng dài và phức tạp.

Dụ Lan Xuyên lúc này mới nhớ ra mình còn chưa ăn tối, đành ỉu xìu cởi áo sơ mi rách, tiện tay nhét vào túi rác rồi móc điện thoại ra gọi thức ăn ngoài.

Điện thoại di động của anh liên kết với thẻ ngân hàng, hễ tiêu tiền sẽ nhận được tin nhắn thông báo sự thay đổi trong tài khoản, Dụ Lan Xuyên không dám nhìn lâu số tiền dư trong tin nhắn gửi tới, chỉ lướt mắt qua một cái là tim cũng lạnh băng như dạ dày.

Thế là anh lại ki bo lượm áo sơ mi rách về, định cắt xén nó dùng làm giẻ lau.

Như vậy đương nhiên không tiết kiệm được mấy xu tiền, nhưng bản thân “tiết kiệm” đôi lúc như thuốc gây mê, có thể gây tê liệt cảm giác đau khổ vì nghèo túng về mặt tinh thần.

Ông chủ Mạnh của hẻm sau ao lầy có quen biết với ông cả của anh, nể mặt ông cụ nên đã nói thật vài câu với bọn anh.

Nghe nói nhóm lừa đảo kia là từ nơi khác đến, có chút công phu quyền cước, trong đó bà cụ là lợi hại nhất. Chúng tới Yên Ninh, dùng ít thủ đoạn giang hồ hạ đẳng đi lừa bịp khắp nơi, chuyên chọn ra tay với những người trẻ tuổi trông thuộc dạng “quả hồng mềm”.

Mấy năm nay, việc giáo dục an toàn xã hội tương đối thích hợp, mọi người đều biết sinh mạng quý hơn tiền bạc nên cho tới bây giờ, nạn nhân đều rất phối hợp, vừa thấy chuyện không ổn là lập tức ngoan ngoãn tự chấp nhận mình xui xẻo, hai bên một tay giao tiền, một tay thả người, vẫn xem như yên bình hòa hợp, chưa từng gây ra chuyện làm người ta bị thương.

Các hộ gia đình lâu năm của hẻm sau ao lầy dĩ hòa vi quý, cũng không ai lên tiếng.

Ông chủ Mạnh đã add wechat của Vu Nghiêm, hứa sau này có bất kỳ manh mối gì sẽ báo cáo cho đồng chí cảnh sát bất cứ lúc nào. Việc này trước tiên chỉ có thể như vậy.

Đợi nửa tiếng nữa thức ăn mới tới, Dụ Lan Xuyên mở máy tính, chuẩn bị làm việc.

Anh chỉ mới ra ngoài chút xíu mà wechat và mail đã nhảy ra mười mấy tin chưa đọc. Thế giới này giống như trong suốt, mỗi người đều bị trói khỏa thân trên thiết bị đầu cuối, bị oanh tạc bởi đủ loại thông tin suốt 24 tiếng không ngừng nghỉ, dù bên tai không có tạp âm cũng khiến anh cảm thấy cuộc sống rất ồn ào.

Dụ Lan Xuyên lan man nghĩ, vẫn là cổ đại tốt, các đại hiệp hở tí là bế quan, trốn vào một xó núi, đố ma nào tìm ra.

...Có điều nói đi cũng phải nói lại, bế quan không được mang điện thoại di động, không gọi được thức ăn ngoài, đây cũng là một vấn đề.

Anh ngẩn người trước bản báo cáo mà mình phải xem xét suốt đêm, đầu óc như sân khấu kịch, không yên tĩnh được, thế là anh ngồi dậy, thay bộ đồ thể dục rộng rãi, ra ban công đánh hai lượt quyền.

Quyền này tổng cộng bảy thức, là biến dạng của kiếm pháp - ban công của anh quá nhỏ, không luyện kiếm được – kiếm pháp là do ông cả cầm tay dạy anh, tên “Hàn Giang Thất Quyết”, coi trọng “tràn trề công chính, nhẹ nhàng khoáng đạt”, phải có khí chất quân tử.

Ông cả trước đây luôn nói “võ học Trung Hoa bác đại tinh thâm, đáng tiếc lưu truyền lại không nhiều”. Trong này có bao nhiêu học vấn thất truyền, Dụ Lan Xuyên chưa từng cân nhắc, anh chỉ luôn lấy thất quyết kiếm ra làm bài tập thể dục tập cho mạnh khỏe. Lúc nóng nảy, lúc mệt mỏi, bất kể là cơ thể hay tâm hồn có chỗ nào không thoải mái, anh tập chừng hai lượt, ra mồ hôi là tốt.

Hồi ông cả 15 16 tuổi, quân Nhật xâm lăng, ông tham gia tổ chức kháng Nhật trong dân gian, từng lên chiến trường, bị đạn pháo nổ làm bị thương, từ đó về sau mất đi khả năng sinh sản, nên ông xem con cháu nhà em trai như con cháu ruột mình. Cơ thể ông rất cường tráng, năm nào ông cũng nói với người khác là mình còn nhỏ lắm, mới 69 thôi, “6” tới mấy chục năm rồi mà tới nay vẫn có người tin.

Tuổi già của ông trôi qua vô cùng phóng túng, lãnh lương hưu, lái chiếc xe việt dã rách nát tả tơi đi du ngoạn khắp nơi, thấy ở đâu tốt thì dừng ở đó, mấy năm nay hành tung càng lúc càng bất định, bạn bè thân thích đều chẳng ai tìm ra ông, Dụ Lan Xuyên gần hai năm chưa được gặp ông rồi.

Ông cả quen biết rộng, dám ôm chuyện, cả đời nhiệt tình giúp đỡ người khác, người xa xôi tới xin giúp đỡ, bất kể quen biết hay không, ông đều không ngại phiền hà. Lần này nếu ông ở Yên Ninh thì dù đào ba thước đất cũng phải moi cho được nhóm lừa đảo kia, xem xem họ bẩm sinh đã là người xấu hay gặp phải khó khăn gì.

Cả thời niên thiếu, Dụ Lan Xuyên đều lớn lên bên cạnh ông, vào những năm ảo tưởng nhất, anh từng mong mình sẽ thành người đàn ông như ông, đầu đội trời, chân đạp đất, nửa chén Nhị Oa Đầu kính khắp chân trời góc biển, hai tay áo lộng gió, chuyện gì cũng dẹp bằng.

Nhưng giữa lý tưởng và hiện thực cách nhau mười vạn năm ánh sáng, nhìn những sinh viên đại học cày điểm cao tới chết đi sống lại kia xem, lúc nhỏ có bao nhiêu người từng nói mình lớn lên muốn làm nhà khoa học?

Bệnh ảo tưởng của Dụ Lan Xuyên đến và đi nhanh như gió, khỏi bệnh, anh hòa vào dòng chảy cuộc đời: thi đại học rồi du học rồi thăng chức tăng lương, lúc phục hồi tinh thần thì anh đã ra roi thúc ngựa đi ngược con đường lý tưởng được nhiều năm.

Cái thứ lý tưởng này, cách nó quá xa, nó sẽ tự động biến thành mơ tưởng hão huyền.

Vả lại, sao anh có khả năng giống ông cụ được chứ?

Căn bản là không thiết thực.

Dẫu sao ông cụ có lương hưu và không có tiền nhà.

Đánh xong hai lượt quyền, cả người như nhẹ đi một ký, Dụ Lan Xuyên mở cửa sổ ban công, nhoài người bên song cửa sổ hứng gió cho khô mồ hôi.

Có lẽ trời sắp mưa, trong không khí dần bốc lên mùi tanh của bùn đất ẩm ướt.

Ông cụ năm xưa dạy anh, vừa là dỗ anh chơi vừa là sợ anh ngồi ì mãi không tốt cho sức khỏe nên cho anh hoạt động chút gân cốt chứ không mong dạy ra thành tựu gì, vì Dụ Lan Xuyên không giống người có tính nhẫn nại lâu dài, vả lại “Hàn Giang Thất Quyết” hơi không hợp với khí chất anh__tám chữ “tràn trề công chính, nhẹ nhàng khoáng đạt” này, tính luôn cả dấu câu thì có chữ nào dính dáng đến Dụ Lan Xuyên? Dù sao ông cả không nhìn ra.

Không ngờ, anh lại luyện suốt 15 năm.

Lúc này, điện thoại di động vang lên, Dụ Lan Xuyên tưởng thức ăn anh gọi đã đến nên tiện tay bắt máy.

- A lô, xin hỏi anh là anh Dụ, Dụ Lan Xuyên đúng không?

Dụ Lan Xuyên:

- Ừ, lên đây đi, tôi mở cửa cho.

Bên kia khựng lại không hiểu gì cả, nói:

- Xin lỗi.

Rồi hỏi tiếp:

- Xin hỏi ông Dụ Hoài Đức là người thân của anh sao?

Dụ Lan Xuyên sững sờ, ngực bỗng dưng thít lại___Dụ Hoài Đức chính là ông cả anh.

- Là ông nội tôi, sao thế?

- Ơ... anh, mong anh nén bi thương.

Cuối năm ngoái, ông cụ Dụ Hoài Đức đến Tứ Xuyên, có câu “trẻ không vào Xuyên, già không rời Thục”, ông cụ đi đến đó liền yêu thích, quyết định ở lâu dài, vui vẻ chơi ở Thục Trung nửa năm, đi đây đi đó, nếm hết hương vị Tứ Xuyên. Sau đó ông cảm thấy mình chơi đủ rồi, không còn nhiều thời gian, thế là ông tìm một thung lũng phong cảnh đẹp, vào chụp mấy tấm hình, để di thư và di vật vào trong túi camera rồi ngồi bên dòng suối nhỏ, cởi giày, ngâm chân vào nước suối trong vắt, nghỉ ngơi một lát rồi đột ngột ra đi. Ba ngày sau mới có vài du khách tự đi du ngoạn phát hiện ra ông.

Ông sống thần kỳ, chết cũng thần kỳ.

Dụ Lan Xuyên mờ mịt để điện thoại xuống, nhất thời chưa hoàn hồn.

Lúc này, xa xa vang tiếng sấm rền ầm ầm, kế đó gió nổi lên, không lâu sau, mưa to ào ào trút xuống.

Cam Khanh và bạn cú đêm cùng phòng của cô vọt vào ga tàu điện ngầm ở giây cuối cùng, không bị ướt như chuột lột.Bạn cú đêm cùng phòng chạy mồ hôi mồ kê đầy mình, tóc dài dính bết vào mặt, thở hồng hộc chưa hết hoảng.

Bình thường Cam Khanh không đi tàu điện ngầm - tàu điện ngầm đắt hơn xe buýt – nên cô vừa vào liền vội vàng nghiên cứu bản đồ trên vách. Bạn cú đêm cùng phòng liên lạc với một người bạn, đưa Cam Khanh đi nhờ vả, nhà bạn ấy khá xa, phải băng qua hơn nửa nội thành, đi tàu điện ngầm xong còn phải đổi xe.

Cam Khanh xem rõ bản đồ rồi nói:

- Hai đứa mình phải nhanh nhanh chút, bằng không lúc đổi xe không kịp chuyến buýt cuối mất, cậu...

Lời cô còn chưa dứt, bạn cú đêm cùng phòng đã rống lên khóc. Cam Khanh bị động tĩnh này làm sợ hết hồn, kinh ngạc quay đầu nhìn cô ấy.

Cô gái ấy khóc đột ngột như cơn mưa bên ngoài, không có chút bước đệm nào, vừa vào là gào lên không còn nhớ gì nữa.

- Sao lại xui vậy chứ... mắc mớ gì không cho mình ở... mắc mớ gì trừ lương mình? Mắc mớ gì trời mưa? Mắc mớ gì kinh nguyệt tới?

Trong ga tàu điện ngầm có vọng âm, ba chữ “kinh nguyệt tới” cô ấy hét đầy vang dội, hành khách về muộn bước qua thưa thớt, có người ngẩng đầu nhìn cô ấy, có người đút tai nghe vội vã bước đi, thờ ơ không quan tâm.

Cam Khanh:

- Mình... tìm nước nóng... cho cậu nhé?

Bạn cú đêm cùng phòng ôm bụng ngồi xổm xuống, túi hành lý vứt dưới chân, quá nhiều đồ đạc, dây kéo hơi tuột ra, lộ con chó bông từ máy gắp thú bông, cô ấy liếc thấy, bèn túm con chó ấy ra, chọi cho hả giận, suýt làm vấp người đi đường.

Cam Khanh vội xin lỗi người ta, nhặt con chó về, vừa mới để xong xuôi cho cô ấy thì cô ấy lại lôi ra ngoài, hất con chó xui xẻo đó đi:

- Mắc mớ gì không cho mình vứt? Đồ của mình, mình vứt đấy!

Cam Khanh:

-...

Bó tay.

Cô đành đứng chống nạnh bên cạnh, sau đó đi tới trước máy bán nước tự động, gom góp mấy đồng xu mua một chai nước nóng rồi về xoa đầu bạn, mở nắp chai cho bạn:

- Nè.

Bạn cú đêm cùng phòng của cô khóc to nên nghẹn, ngước mắt khỏi đầu gối nhìn cô, nấc cụt, duỗi móng vuốt nhỏ từ từ nhận lấy.

Cam Khanh xách hành lý giúp cô ấy:

- Đừng co ro nữa, đứng dậy đi tới đi lui đi, bằng không lát đau bụng đấy.

Tiếng khóc hung dữ của bạn cú đêm cùng phòng của cô nhỏ dần, qua một lúc, cô ấy hít hít mũi, lúng túng đứng dậy.

- Được rồi, đừng khóc nữa.

Cam Khanh điềm đạm nói:

- Cậu xem, tuy trời mưa nhưng hai đứa mình không bị ướt. Mưa lớn thế này không kéo dài lâu được, đợi khi tụi mình xuống tàu điện ngầm thì nó tạnh rồi, đâu còn xui nữa? Cậu còn có một người bạn đủ thân để nửa đêm nửa hôm chịu thu nhận tụi mình, là bạn học trước đây của cậu à?

Bạn cú đêm cùng phòng nói:

- Không phải, là bạn gái cũ của bạn trai cũ của mình.

Cam Khanh:

-...

Bạn cú đêm cùng phòng nói tiếp:

- Bạn trai cũ của mình là một tên khốn.

Cam Khanh:

-...Nhìn ra được.

Bạn cú đêm cùng phòng tủi thân uống hớp nước nóng:

- Cậu tốt hơn bạn trai cũ của mình nhiều.

Cam Khanh mơ hồ cảm thấy lời này là khen mình, cô được khen mà câm nín, đành thở dài:

- Đi nhanh thôi.

Một tuần sau đó, Cam Khanh vừa ngủ dưới đất vừa đi khắp nơi tìm nhà.

Tháng 7 tháng 8 hàng năm là mùa cho thuê nhà, hàng loạt sinh viên mới tốt nghiệp ra trường muốn ở trọ, cộng thêm số người bị đuổi ra như Cam Khanh không ít, họ đều tìm một nơi ở rẻ, nhất thời, thị trường cung không đủ cầu, tiền thuê nhà tăng vọt. Đôi lúc tìm trên mạng cả nửa ngày mới tìm được một chỗ giá cả có thể chấp nhận, gọi điện qua thì hoặc là đã cho thuê, hoặc là chủ nhà trọ muốn tăng giá đột xuất.

Sau một tuần, bạn cú đêm cùng phòng cô cuối cùng không kiên trì nổi nữa, để lại những thẻ coupon tích góp được và con chó bông cho Cam Khanh rồi về quê.

Bạn cú đêm cùng phòng đi rồi, Cam Khanh cũng không tiện tiếp tục ở nhà “bạn gái cũ” kia nữa.

Cô đóng tiệm tan làm sớm, đến tiệm Tôm hùm đất Thiên Ý phụ xách hai két bia, vô công rỗi nghề đi mấy vòng mới do dự ngập ngừng ra sau bếp:

- Chú Mạnh... chuyện lần trước chú nói tìm người chăm sóc bà cụ, chú đã tìm được người thích hợp chưa ạ?

Cùng lúc đó, Dụ Lan Xuyên lo liệu xong hậu sự cho ông cả, mang tro cốt của ông quay về Yên Ninh.

Lúc xuống máy bay, anh gọi xe, nói với tài xế:

- Bác tài, viện 110 ngõ Len.

Trước tiên anh phải mang ông về nhà một chuyến.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.