Huyết Tâm Lệnh

Chương 1: Chương 1: Tửu quỷ




Hậu Tiểu Lý Phi Đạo

------------------------------------------------------------------------

Trời vào thu lâu rồi, lá vàng nhuộm ửng đầu cây và trải dần trên mặt đất.

Ngay ở đầu đường có một tòa trang viện khá lớn, nhưng vẻ đồ sộ của nó lại giống như cây cỏ mùa thu, nghĩa là trông vào dáng sắc thì tòa trang viện này cũng đến thời kỳ tàn tạ.

Hai cánh cửa lớn màu đỏ đã xậm màu, y như đã trải qua một quãng thời gian không người mó tới, hai vòng khoen cũng bắt đầu rỉ sét.

Bên trong vòng tường cao mút dấu vôi lỗ chỗ nhiều nơi, không nghe một tiếng động nào để chứng tỏ rằng đang có người trong đó, thỉnh thoảng tiếng chim rời rạc chiều thu càng làm cho không khí thêm phần xác xơ hoang vắng.

Nhưng, nghe đâu tòa trang viện này cũng đã có một thời huy hoàng, nơi đã sinh ra bảy vị thám hoa, ba vị tiến sĩ, một trong bảy vị Thám hoa đó lại là một con người hào phóng vang danh hiệp sĩ.

Mười năm trước dây, tòa trang viện đã có một lần thay đổi chủ nhân và hai năm trước đây, nơi trang viện này đã xảy ra nhiều chuyện kinh động võ lâm, đã có rất nhiều cao thủ thành danh tánh thân trong tòa trang viện ấy, khi người chủ cũ sau bao nhiêu năm bỏ ra vùng quan ngoại trở về.

Cũng tròn hai năm trước đây, sau giai đoạn huy hoàng và kinh động ấy, tòa trang viện bỗng như trầm lặng, người chủ nhân mới sau này luôn cả người chủ cũ trước kia, không biết tuyệt tích về đâu.

Từ đó, thiên hạ vụt lên truyền thuyết, một truyền thuyết đáng sợ, người ta xì xầm to nhỏ, bảo đó là tòa nhà hung hiểm mang đầy chết chóc.

Bất cứ một người nào, hoặc cao tăng, hoặc kỳ sĩ hay mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành, cứ đã đặt chân vào tòa trang viện ấy thì kể như chung cuộc của kiếp người, nếu không mang thảm họa thì cũng sẽ mãi mãi gian truân.

Bây giờ, nơi tòa trang viện đó, ngày cũng như đêm không còn tiếng huyên náo ồn ào, ánh sáng cũng theo đó mà tắt ngấm, chỉ có phía lầu nhỏ ở phía sau đâm về còn le lói một ngọn đèn.

Nhìn vào ngọn đèn le lói suốt đêm ấy, người ta bảo đó là ngọn đèn chờ đợi, nhưng không biết người trên lầu nhỏ ấy là ai và chờ đợi người nào?

Sau tòa trang viện đồ sộ mà vắng tênh ấy có một con đường dài đất hẹp, mùa nắng thì bụi bốc mù mịt theo gió, mùa mưa thì lầy lội miên man, vòng tường của tòa trang viện quá cao làm cho con đường dài đất hẹp ấy như không giờ thấy được ánh mặt trời.

Nhưng, bất cứ một nơi ti tiện nào, một nơi ẩm thấp đến mức nào cũng vẫn có người chui rúc.

Cũng có thể họ không còn nơi nào khác, mà cũng có thể họ đã chán ngấy cảnh phồn hoa, nên tìm cách để sống một cách âm thầm lặng lẽ.

Ngay trong con đường hẹp ấy có một gian tửu điếm, đáng lý phải gọi là “quán ốc” thì đúng hơn, nhưng vì ngoài những thức ăn đạm bạc rẻ tiền còn có mấy gian phòng tồi tàn ở phía sau dành cho khách lỡ đường tạm nghỉ, nên buộc lòng phải gọi nó là Tửu Điếm.

Chủ nhân của gian “Tửu điếm” này là một lão già lưng gù xơ xác như chiếc quán, không biết ông ta tên gì, chỉ nghe người ta lấy họ lão riết thành tên và luôn luôn khi gọi, người ta lấy cái lưng gù của lão kèm theo, người ta gọi lão là “Lão Tôn Gù”.

Cũng có người “văn hoa” hơn, những người ấy thì gọi lão là “Tôn Đà Tử”.

Nhưng cái tên “Lão Tôn Gù” thì lại có vẻ quen thuộc hơn cả.

Lão có vẻ bằng lòng với cuộc sống tồi tàn theo “Tửu điếm” của lão. Lão không màng đến cái lối gọi “ông chủ”, lão xem cái tiếng gọi có tính cách “chửi cha” ấy như lối xưng hô thân mật.

Tự nhiên là cuộc sống của lão Tôn Gù rất lặng lẽ cô đơn.

Có lúc lão đứng tựa cửa nhìn ngọn đèn leo lét trên ngôi lầu nhỏ mà thì thào trong miệng :

- Con người trên tửu lầu ấy cho dầu có gấm vóc lụa là, hải vị sơn trân, nhưng so với mình gấp bội phần cô liêu tịch mịch.

Hơn một năm về trước, có một người khách lạ đến viếng ngôi “Tửu điếm” của lão Tôn Gù.

Người khách ấy ăn mặc không có gì quan trọng, tướng mạo tuy xem cũng khá khôi ngô nhưng lại rất tiều tụy và thường hay ôm bụng ho từng cơn sặc sụa, nói chung, hắn cũng như những người khách tầm thường khác đến tại cái quán này.

Song, với con mắt của lão Tôn Gù, con người đó có nhiều điểm bất bình thường.

Đối với cái lưng gù, đối với chiếc thân gầy như tàn phế của lão gìa họ Tôn, hắn không có cái nhìn, cái cười chế nhạo như những người khách khác, hắn không tỏ vẻ gì chú ý, mà cũng không làm ra vẻ đặc biệt thương hại như những kẻ “nhân nghĩa ngoài da”.

Bởi vì cái “tỏ vẻ thương hại” ấy, có lúc làm cho người ta cảm thấy còn ô nhục hơn là châm biếm.

Đối với thức ăn và rượu trong quán lão Tôn Gù, người khách lạ ấy không chê mà cũng không khen.

Hắn là một con người ít nói.

Cái điều lạ lùng hơn hết là từ lúc hắn đặt chân tới tửu điếm này, thì hắn chưa bao giờ bước ra nửa bước.

Vừa đặt chân vào quán này, hắn chọn một cái bàn sâu trong góc, gọi một đĩa đậu rang và một đĩa thịt bò.

Nhìn đĩa đậu rang và đĩa thịt bò rồi, hắn gọi thêm hai cái bánh bao lớn và bảy bầu rượu.

Bảy bầu rượu đó cạn xong, hắn gọi lão Tôn Gù hâm thêm cũng bảy bầu đầy, rồi hắn mang vào cái phòng tuốt đằng sau ngồi nhấp nháp.

Và cho đến khi hắn ra, bước ra ngoài một lần nữa, nghĩa là chiều kế đó, thì bảy bầu rượu kế tiếp cũng cạn khô.

Bây giờ thì đã qua hơn một năm rồi, thế mà mỗi chiều tối hắn vẫn ngồi nơi bàn trong góc sân ấy, vẫn gọi một đĩa đậu rang, một đĩa thịt bò, hai cái bánh bao lớn và bảy bầu rượu đúng y.

Hắn vừa ho vừa uống rượu, cho đến khi bảy bầu rượu đều cạn hết, hắn gọi châm thêm bảy bầu nữa, rồi lại mang thẳng về phòng.

Cho đến chiều tối hôm sau, hắn lại mới lò dò ra ngồi vào cái bàn sâu trong góc.

Cứ theo điệp khúc ấy, không hơn không kém, cũng mỗi buổi chiều tối, cũng một đĩa đậu rang, một đĩa thịt bò, hai cái bánh bao và bảy bầu rượu châm tiếp hai lần, hắn sống hơn suốt một năm nay. Lão Tôn Gù cũng là một đệ tử Lưu Linh, nhưng đối với tửu lượng của con người ấy, khiến lão phục sát đất.

Có thể uống một hơi mười bốn bầu rượu mà không say, con người như thế, trong đời lão mới thấy có một lần.

Có lúc không dằn được, lão muốn hỏi qua cho biết tên họ và lai lịch của hắn, nhưng cuối cùng lão dằn được, bởi vì lão biết rằng cho dầu có hỏi, cũng chưa chắc có lời đáp lại.

Lão gù họ Tôn lại không phải con người tò mò ưa chuyện.

Chỉ cần khách hàng đừng để thiếu chịu lâu quá, là lão ta không bao giờ hé miệng nói một tiếng.

Không khí của cái tửu điếm của lão Tôn Gù cứ như thế lây lất trồi qua, nhưng mấy tháng gần đây, trời bỗng đổ nhiều cơn mưa dữ dội, có bữa mưa như “cầm tỉn mà đổi” suốt ngày đêm.

Chiều tối hôm đó, lão Tôn Gù đi ra phòng sau, thấy cánh cửa phòng của người khách lạ mở hoác, hắn gập mình trên nền gạch ho dài từng chập, da mặt hắn mét xanh không còn chút máu.

Đang đêm, lão Tôn Gù đi tìm thầy hốt thuốc xắc thuốc, săn sóc cho hắn suốt ba ngày, hắn mới ngồi dậy nổi và khi ngồi dậy rồi là hắn lại bắt đầu gọi rượu.

Bây giờ lão Tôn Gù chợt nghĩ ra rằng người khách lạ này tìm tới đây để chết và bây giờ lão chịu mở lời :

- Cứ uống như thế này, thì bất cứ ai cũng không thể sống dai.

Người khách lạ mỉm cười điềm đạm hỏi lại :

- Ông cho rằng, nếu tôi không uống rượu thì có thể sống dai?

Lão Tôn Gù nín lặng.

Nhưng từ hôm đó trở đi, người khách lạ thường ra kiếm lão Tôn Gù để uống rượu, để nói chuyện và lão Tôn Gù chợt nhận ra con người ấy biết khá nhiều.

Hắn nói đủ thứ chuyện, từ chuyện tầm thường trong chốn dân gian đến chuyện cao sâu trong sử sách, chỉ có một chuyện mà hắn không bao giờ chịu hé môi, đó là lai lịch và tên họ của hắn.

Và cuối cùng, lão chủ quán Tôn Gù không dằn được nữa, lão hỏi ngay :

- Chúng ta là bằng hữu với nhau, đáng lý tôi phải biết danh hiệu của các hạ để xưng hô cho tiện?

Nhịp nhịp mấy đầu ngón tay trên mặt bàn một lúc, người khách lạ mỉm cười :

- Tôi là một con ma rượu, xưng danh là một con ma rượu, thế tại sao lão huynh gọi ngay tôi. Tửu Quỷ có phải thân mật hơn không? Cũng như tôi gọi lão huynh là “Lão huynh gù” ấy mà.

Lão Tôn Gù nhận biết ngay người khách lạ này nhất định có một dĩ vãng thương tâm lắm, vì chỉ có thế hắn mới không chịu nhắc đến họ tên, tình nguyện trọn đời gục đầu trong bầu rượu.

Nhưng không, ngoài việc uống rượu ra, Tửu Quỷ còn có một cái nhìn nữa : điêu khắc.

Gần như luôn luôn lúc nào cũng có một con dao nhỏ và một khúc cây, như vậy hắn có hai chứ không phải một việc : uống rượu và khắc hình, không biết hắn khắc vật gì, lão Tôn Gù chưa thấy hắn hoàn thành.

Hắn là một người khách đáng gọi là quái khách, “quái” đến mức dễ sợ luôn.

Lạ một điều, có lúc lão chủ quán Tôn Gù lại bỗng ước mong cho hắn đừng đi nơi khác, muốn hắn ở hoài ở đây với lão.

Sáng ngày hôm ấy, khi lão Tôn Gù thức dậy, lão cảm thấy trời hôm nay lạnh quá, lạnh đến mức lão phải vào trong lấy thêm một cái áo bông dày cộm mặc vào mình rồi mới ra ngoài trước.

Buổi sáng ngày nào cũng thế, việc mua bán ở cửa hiệu của lão Tôn Gù vẫn cũng khiêm tốn đến mức lưa thưa, vài ba bầu rượu, một hai ấm trà với năm bảy người trên khoảng đường vắng ngắt.

Kéo chiếc ghế thấp ngồi nơi cửa trước, lão Tôn Gù vừa với tay lấy sàn đậu nành chà vỏ để làm đậu hũ thì chợt thấy hai ngựa từ ngoài xa phi tới, trên yên hai người cùng vận áo màu vàng, người đi trước có cặp chân mày thật rậm, người đi sau có mũi quắp xuống như mỏ chim ưng.

Cả hai người đều có râu ngắn lưa thưa, họ cũng trạc trên ba mươi tuổi.

Tướng mạo hai người đó không có gì đặc biệt, chỉ có chiếc áo màu vàng rực rỡ của họ hơi lạ mắt mà thôi.

Hai người không chú ý gì đến lão Tôn Gù, tia mắt họ đang bận dòm vế phía vòng tường mà lão Tôn Gù cũng nhìn họ vài lần, vì bộ áo vàng lộng lẫy chứ không lưu tâm cho lắm, lão biết họ không phải là hạng khách hàng của lão.

Chiếc lưng gù của lão lại cúi xuống thấp hơn, mắt lão chăm chăm theo hai tay chà trên sàn đậu.

Quả nhiên, họ không phải là hạng khách hàng của lão Tôn Gù. Cả hai người đi qua sân quán rẽ vào một ngõ chẹt, sau đó một lúc, họ lại từ một ngõ chẹt khác trở ra.

Lần này, họ xuống ngựa ngay trước quán.

Lão Tôn Gù ngừng tay ngẩng mặt :

- Hai vị muốn dùng chi?

Gã áo vàng mày rậm hỏi :

- Không cần gì cả, chúng ta chỉ hỏi ông một chuyện thôi.

Lão Tôn Gù bắt đầu chà đậu, hình như lão mất hứng.

Gã áo vàng quặp mũi cười :

- Bây giờ bọn ta mua của ông mấy câu hỏi, mỗi câu một đồng bạc có được không nào?

Y như có “hứng” ngang, lão Tôn Gù gật đầu :

- Được chứ, được chứ.

Nói xong, lão đưa một ngón tay ra tính.

Gã mày râu bật cười :

- Vậy cũng đã tính một câu à? Đúng là tay buôn bán chuyên môn.

Lão Tôn Gù :

- Câu này cũng thế.

Nói xong lão làm ngay, lão đưa lên một ngón nữa.

Gã mũi quặp hỏi :

- Ông ở đây bao lâu rồi?

Lão Tôn Gù đáp :

- Hai ba mươi năm.

Gã mũi quặp hỏi :

- Trang viện bên đó là của ai? Ông có biết không?

Lão Tôn Gù đáp :

- Nhà họ Lý.

Gã mũi quặp hỏi :

- Còn người chủ sau này?

Lão Tôn Gù đáp :

- Họ Long, tên Vân.

Gã mũi quặp hỏi :

- Ông có thấy không?

Lão Tôn Gù đáp :

- Không.

Gã mũi quặp hỏi :

- Bây giờ hắn ở đâu?

Lão Tôn Gù đáp :

- Hắn đi rồi.

Gã mũi quặp hỏi :

- Đi bao giờ?

Lão Tôn Gù đáp :

- Hơn một năm về trước.

Gã mũi quặp hỏi :

- Từ đó đến nay, có lúc nào hắn trở về không?

Lão Tôn Gù đáp :

- Không.

Trầm ngâm một lúc gã mũi quặp hỏi :

- Trong vài ngày gần đây, có người nào đến hỏi ông về chuyện này không?

Lão Tôn Gù đáp :

- Không... không có, giá mà đều đều như thế thì tôi đã đại phát tài rồi.

Thật đúng là một nhà “thương mãi”, lão Tôn Gù vừa trả lời vừa nhắc khéo cho khách hàng về cái khoản bán câu nói nãy giờ.

Gã áo vàng mày rậm bật cười :

- Thì ngày nay bọn ta cho ông cái tiểu phát tài cũng được rồi.

Hắn móc một nén bạc trả cho lão Tôn Gù không thèm nói thêm một câu nào, cả hai phóng mình lên ngựa ra roi đi thẳng.

Suốt trên dọc đường ra đầu ngõ, hai tên áo vàng cứ thỉnh thoảng dòm ra phía vòng tường trang viện kia.

Tay mân mê nén bạc, lão Tôn Gù lẩm nhẩm :

- Thì ra ở trên đời này có lúc kiếm tiền cũng không khó mấy.

Lão quay đầu lại và hơi giật mình, vì không biết Tửu Quỷ đã đứng bao giờ sau lưng lão và tia mắt hắn đang chăm chú nhìn theo dõi về phía con đường mà hai tên áo vàng vừa mới đi ra.

Sắc mặt của hắn lạnh lùng không bộc lộ mọt ý nghĩ để có thể đoán được tâm trạng của hắn.

Lão Tôn Gù cười hì hì :

- Dậy sớm thế à?

Tửu Quỷ cũng cười :

- Hồi hôm uống “mau” quá cho nên nay mới tưng hứng đã cạn “lương”.

Hắn gập mình xuống ho sằn sặc và bỗng ngẩng lên hỏi :

- Hai người ấy hỏi về trang viện này hả?

Lão Tôn Gù cười :

- Bộ tính chuyển nghề thấy bói đấy à? Làm sao hay thế?

Tửu Quỷ cười :

- Nghề ruột lâu rồi chứ còn chuyển sang nghề gì nữa?

Đúng, hắn là thầy bói mà lại trúng ngay bon.

Chỉ mấy phút sau, ba bốn tốp kéo nhau vào quán.

Tốp đầu có hai người. Một lão già áo lam tóc bạc phơ, tay cầm chiếc ống điếu dài thậm thượt, một nữa là cô gái nhỏ, có lẽ là cháu nội cháu ngoại gì đó của lão già, tóc của cô ta thắt thành hai bím nhỏ dài ra trước ngực đen ngời, y như cặp mắt đen của cô ta. Không, cặp mắt của cô ta còn đen hơn và ngời hơn bím tóc.

Tốp thứ hai cũng có hai người, cả hai đều cao lớn, đều có hàm râu quai nón và cách ăn vận giống hệt như nhau, cho đến thanh đao đeo ngang lưng cũng một màu một kiểu. Hai người y như “đúc” từ một khuôn.

Tốp thứ ba đông hơn, họ gồm có bốn người.

Bốn người này một cao một lùn, một người mặt đỏ rần như uống rượu, người này nhỏ tuổi và võ trang bằng ngọn trường thương.

Người thứ tư trong bọn là đàn bà, người này có một dáng đi hết sức khêu gợi, chân thì nhún lên nhún xuống, lưng mông uốn qua uốn lại, nhìn qua thấy người ấy thuộc về loại cô gái hơi “lớn”, nhưng càng nhìn kĩ, có lẽ phải gọi là cô gái “mẹ” thì đúng hơn.

Giá như “cô ta” cứ như bình thường thì cũng không ai chú ý đến cái tuổi hơi “trọng” ấy, nhưng vì cô “uốn éo” quá, thành thử cái dáng điệu “gái non” ấy cho nó chửi cha cái lứa tuổi của cô ta.

Miệng của lão Tôn Gù cứ chằn chằn theo từng bước của cô gái, hình như lão rất sợ cái eo lưng của cô bị gãy thình lình.

Tốp thứ tư chỉ gồm có một người.

Người này ốm một cách dị thường và cũng cao một cách dị thường.

Khuôn mặt của hắn theo khổ người mà dài như mặt ngựa. Nơi gò má của hắn có một bớt xanh thật lớn choáng gần hết một bên mặt hắn, làm cho hắn trở thành dị hợm.

Không thấy hắn có món binh khí gì cả nhưng trong lưng áo của hắn lại nổi một vòng dễ dập vào mắt thiên hạ, chứng tỏ đó là món binh khí ngầm cuộn lại.

Cái tửu điếm của lão Tôn Gù có năm chiếc bàn, bốn tốp người ấy đi vào coi như không khí trong quán bị dạt hẳn vào.

Lão Tôn Gù lăn xăn lít xít, coi bộ lão mệt ngất ngư, có lẽ lão mong ngày qua đừng quá đông như thế.

Bốn tốp người này uống rượu một cách nhâm nhi, họ nói năng rất ít, họ chỉ rì rầm từng tốp riêng nhau, y như họ sợ tốp khác nghe thấy chuyện của tốp mình.

Lão Tôn Gù càng thấy mỗi tốp đều mang theo một cái gì khác lạ, không giống như những người khách qua đường nghỉ chân ăn uống thường ngày.

Những tốp người này có lẽ chưa tốp nào đến quán lần nào cả.

Uống qua vài tuần rượu, người mặt đỏ mang ngọn trường thương cứ nhìn chằm chằm vào cô gái tóc bím, cháu của lão già tóc bạc, gã thiếu niên mặt đỏ này coi chừng cũng hơi “cảm” cũng nên.

Có lẽ là kẻ từng đi đó đây, cô gái tóc bím xem chừng cũng khá dạn dĩ, cô ta không xem cái nhìn chòng chọc của gã thiếu niên là khó chịu như những cô gái khác, nàng xem chuyện đó rất thường tình.

Nhìn một hồi, gã thiếu niên mặt đỏ vụt cười :

- Cô nương có phải là người đi hát thuê không nhỉ?

Cô gái lắc đầu, hai cái bím tóc theo cái lắc đầu đong đưa qua lại càng làm cho vẻ “dễ nhìn” của cô ta nổi hẳn lên.

Gã thiếu niên mặt đỏ lại cười :

- Cho dầu không phải là người đi hát thuê, nhưng chắc cũng biết đôi bài chứ? Nếu hát nghe kha khá thì ở đây chắc được thưởng nhiều đấy?

Cô gái tóc bím nhếch môi mỉm cười :

- Chúng tôi đâu có biết hát, chỉ biết “nói” thôi.

Gã thiếu niên mặt đỏ hỏi :

- “Nói” cái gì?

Cô gái tóc bím nói :

- Nói chuyện, kể chuyện ấy mà.

Gã thiếu niên mặt đỏ cười lớn :

- Cũng hay, nhưng kể chuyện gì đấy? Có biết chuyện “Hậu hoa viên tài tử ngộ giai nhân” hoặc “Con gái nhà quan gieo cầu kén chồng” không nè?

Cô gái tóc bím lại lắc đầu :

- Không, chúng tôi chỉ biết kể những chuyện, những tin tức chấn động giang hồ, những chuyện quan trọng gần đây trong chốn võ lâm đảm bảo là những chuyện mới mẻ nhất, sôi nổi nhất.

Gã thiếu niên mặt đỏ vỗ tay :

- Hay, như thế thì còn gì hay hơn nữa, nhất định những chuyện như thế thì chư vị có mặt nơi đây đều hết sức hoan nghênh. Kể đi, cô nương kể đi.

Cô gái lắc đầu :

- Tôi đâu có biết, ông tôi kia chứ.

Trừng mắt về phía lão già, gã thiếu niên mặt đỏ cau mày :

- Thế cô biết cái gì?

Cô gái tóc bím đảo đôi mắt thật nhanh và mỉm cười thật dịu :

- Tôi ấy à? Tôi chỉ giới thiệu ông tôi ấy mà.

Đôi mắt long lanh của cô gái chớp lên làm cho gã thiếu niên mặt đỏ muốn rụng rời, gã nuốt nước bọt khan hai ba cái.

Người đàn bà áo xanh có dáng đi uốn éo khi nãy hất mặt lên :

- Kể chuyện gì thì kể đại đi cho rồi, ở đó mà liếc qua liếc lại.

Cô gái tóc bím không giận, lại cười :

- Ông nói một đoạn đi ông, dầu gì chắc cũng kiếm được ít tiền uống rượu.

Lão già tóc bạc lim dim đôi mắt, lão uống một hợp rượu, hút một hơi thuốc rồi mới khàn khàn vô chuyện :

- Cháu nghe nói đến cái tên Lý Tầm Hoan không?

Những người có mặt, trừ gã thiếu niên mặt đỏ mê gái ra, còn thì không ai chú ý đến cặp ông cháu này cả, nhưng khi nghe đến tên Lý Tầm Hoan thì y như lỗ tai của họ cùng nhất loạt cương lên.

Cô gái tóc bím nhìn ông lão cười cười :

- Tự nhiên là cháu có nghe rồi chứ, tức là cái vị Thám Hoa họ Lý, cái con người hiệp nghĩa khinh tài ấy chứ ai.

Cô ta nheo mắt nói tiếp :

- Nghe nói, từ nhỏ đã nổi danh là “Tiểu Lý Phi Đao”, con dao nhỏ trong tay hắn bay ra không bao giờ xịa bậy, kể cho đến bây giờ chưa có một ai tránh khỏi ngọn đao ấy, câu “truyền thuyết” đó không biết có thật như thế hay là thiên hạ tán dóc?

Lão già tóc bạc phun phì khói thuốc :

- Nếu ngươi không tin thì cứ hỏi Sinh Hồ Bá Hiểu Sinh, hỏi Cực Lạc Đồng Tử thì sẽ biết đó là “truyền thuyết” hay là sự thật.

Cô gái tóc bím hỏi :

- Bá Hiểu Sinh và Cực Lạc Đồng Tử đều chết vị ngọn đao của họ Lý à?

Lão già tóc bạc gật đầu :

- Đúng họ đã chết hết vì họ không tin “Tiểu Lý Phi Đao”.

Cô gái tóc bím rụt vai thè lưỡi :

- Cháu không dám không tin chuyện đó, ai không tin chuyện đó là ngu.

Gẵ bớt xanh trên mặt “khịt” một tiếng trong lỗ mũi, mặt hắn như dài thêm ra, nhưng mọi người đang bận chú ý tới hai ông cháu cô gái tóc bím nên không thấy sự thay đổi nơi con người hắn.

Tất cả lặng im thin thít để nghe câu chuyện hình như đối với họ vô cùng hấp dẫn. Gã “Tửu Quỷ” cũng lặng thinh, nhưng khác ở chỗ gã lặng tghinh không vì mê nghe, mà hắn gục trên bàn ngủ tự bao giờ.

Lão già tóc bạc hút thêm hai hơi thuốc, uống một ngụm nước trà chép miệng :

- Chỉ tiếc một điều là người anh hùng hào kiệt như Lý Tầm Hoan đến nay cũng chết tuốt luôn.

Cô gái tóc bím trố mắt :

- Chết rồi? Ai có bản lãnh giết được hắn thế?

Lão già tóc bạc nói :

- Không ai có bản lãnh đó hết, à quên, có bản lãnh giết được hắn chỉ có mỗi một người.

Cô gái tóc bím hỏi dồn :

- Ai? Ai vậy?

Lão già tóc bạc nói một cách tự nhiên :

- Chính bản thân của hắn.

Đôi mắt to của cô gái tóc bím mở to hơn nữa và cô ta bỗng bật cười :

- Tự hắn làm sao giết hắn? Như vậy nghĩa là hắn vẫn còn sống nhăn?

Lão già tóc bạc hắt một hơi :

- Cứ kể như hắn còn sống, nhưng cũng không hơn là chết bao nhiêu, rất tiếc... rất tiếc.

Cô gái tóc bím cũng thở dài sườn sượt.

Thật lâu, nàng vụt hỏi :

- Trừ Lý Tầm Hoan ra, còn ai đáng gọi là anh hùng hảo hắn nữa không?

Lão già tóc bạc hỏi lại :

- Ngươi có nghe nói đến cái tên Tiểu Phi hay không?

Cô gái tóc bím cau mày như cố nhớ :

- Hình như có nghe qua rồi thì phải.

Đôi mắt long lanh của cô ta đảo lên :

- Nghe nói kiếm pháp của con người ấy nhanh lắm, trên đời nay không có một người thứ hai nhanh như thế nữa, không biết chuyện ấy có thật hay không?

Lão già tóc bạc không trả lời mà hỏi lại :

- Võ công của Thanh Ma Y Khốc như thế nào?

Cô gái tóc bím nói :

- Trong quyển sách nói về những món binh khí lợi hại thì “Thanh Ma Thủ” đứng vào hàng thứ chín, dùng món binh khí ấy tự nhiên là võ công của Thanh Ma Y Khốc đẩu phải tầm thường.

Lão già tóc bạc nói tiếp :

- Ngân Tiêu Lao Tử. Thiếu Lâm Đơn Cứu, Đặng Quang Minh, Triệu Khôi... những người đó võ công ra sao?

Cô gái tóc bím nói :

- Họ đều là những cao thủ số một trên giang hồ, ai ai cũng biết rõ.

Lão già tóc bạc cười :

- Nếu kiếm pháp của Tiểu Phi không nhanh thì những người ấy làm sao lại bị hại vào tay của hắn?

Cô gái tóc bím hỏi :

- Hiện nay cái vị Tiểu Phi ấy ra sao?

Lão già tóc bạc thở ra :

- Hắn cũng y như Lý Tầm Hoan, nghĩa là tự nhiên mất tích, nhưng không ai biết tin tức của hắn, chỉ nghe rằng hắn và Lâm Tiên Nhi mất tích cùng một lượt.

Cô gái tóc bím chồm mình tới hỏi :

- Lâm Tiên Nhi? Lâm Tiên Nhi nào? Có phải là người đã được thiên hạ võ lâm mệnh danh là “Đệ nhất mỹ nhân” đó không?

Lão già tóc bạc hấp háy mắt :

- Chứ còn ai vào đây nữa.

Gã thiếu niên chợt bật cười. Cặp mắt của gã háy giễu cợt, gã nói :

- Thiên hạ đồn rằng kiếm pháp của Tiểu Phi, tiểu đao của họ Lý cao lắm thế mà bọn họ mai một danh vị dưới bóng giai nhân. Thế có đáng là vị anh hùng.

Bốp.

Đầu gã thiếu niên ngoẹo qua một bên. Không biết gã mặt ngựa có bớt xanh ra tay nhanh như thế nào, chỉ thấy gã sừng sững đứng giữa tửu điếm như từ dưới đất chui lên hay từ trên trời rơi xuống.

Gã lừ cặp mắt lạnh tanh về phía bàn của bọn người cùng phe với gã thiếu niên.

Gã chầm chậm nói :

- Các ngươi sắp bị giết đến nơi rồi mà còn huyênh hoang.

Lúc ấy từ bàn của gã thiếu niên, bước ra một người, tay cầm một ngọn thương. Y bước đến đứng đối diện với gã mặt ngựa có bớt xanh.

Cô gái tóc bím nói lớn. Cô ngây thơ như không biết sắp có một cuộc giao đấu sắp xảy ra.

- Hai đối thủ đang ghìm nhau kìa ông. Coi bộ hôm nay thế nào cũng có cảnh náo nhiệt.

Mọi người trong tửu quán dồn ánh mắt về gã mặt ngựa. Thân thể của gã cao lêu nghêu, khô đét như người bịnh hoạn làm sao đấu lại “Tiểu Bá Vương” Dương Thừa Tổ.

Gã mặt ngựa lầm lì, hướng về cô gái, nói mà làm như chẳng thấy Tiểu Bá Vương Dương Thừa Tố đang đứng chềnh ềnh trước mặt mình :

- Trong võ lâm có nhiều hạng người, những hạng người như thế làm sao xứng là đối thủ của ta. Ta chỉ dạy cho các ngươi biết để từ rày về sau ăn nói phải lễ độ hơn chút nữa.

Vừa nói, hắn vừa chầm chậm quay trở lại bàn, thong dong như người vô sự.

Tiểu Bá Vương Dương Thừa Tố vùng hét lớn :

- Đứng lại, ngươi hãy nói xem ai là kẻ muốn giết bọn ta?

Người có bớt xanh nơi mặt không quay đầu lại, hắn nói một cách thản nhiên :

- Kẻ muốn giết các ngươi sắp đến nơi rồi đó.

Tiểu Bá Vương Dương Thừa Tố khi nói thì ngọn thương trong tay đã cùng một lúc nhoáng lên và người có cái bớt xanh khi nói cũng lại nhích cánh tay lên, ngọn thương làm nên danh phận của Tiểu Bá Vương dính cứng vào nách của hắn như bị hai thanh sắt to kẹp lại.

Dương Thừa Tố dùng toàn lực, hai tay nắm cán thương ráng sức giật lại, nhưng càng ráng sức mặt hắn càng đỏ như giấc chín mà cây thương vẫn cứ dính vững trong nách của đối phương.

Dáng điệu và sắc diện của Tiểu Bá Vương bây giờ trông thật vô cùng thảm hại.

Người bớt xanh nơi mặt vẫn thản nhiên như lúc ban đầu :

- Tuy ta cho biết trước như thế, nhưng các ngươi không trốn được đâu, cứ yên lặng ở đó mà chờ.

Vừa dứt câu, hắn vụt nhích tay, cây thương sút ra làm cho Dương Thừa Tố mất quân bình ngã ngửa ra sau nếu “Thủy Xà” Hồ Mỵ không lẹ tay hứng đỡ thì có lẽ bàn ghế cũng sẽ theo cái ngã của hắn mà đổ ngã theo luôn.

Và khi nhìn lại cây “Thiết thương” của Tiểu Bá Vương, ai nấy cũng kinh hồn, cây thương sắt đã gãy làm đôi.

Người có bớt xanh nơi mặt từ từ ngồi xuống và từ từ rót rượu nhâm nhi y như không có chuyện gì xảy ra.

Tất cả những người có mặt vụt lầm lì không nói, tự nhiên họ dằn được cơn nóng của Tiểu Bá Vương, bởi vì họ biết đối với người có bớt xanh nơi mặt, có nóng cũng không làm gì hơn được.

Họ đang đo đắn ước lượng cho kỹ càng, nếu muốn ra tay, ít nhất họ cũng phải kết hợp với nhau trước đã.

Tất cả đều đang thắc mắc họ chưa đoán được người có bớt xanh nơi mặt là ai?

Bằng võ công của hắn, tự nhiên hắn phải là một võ lâm cao thủ, nhưng tại sao họ chưa từng nhận biết, mà cũng chưa từng nghe tiếng?

Và những người “sắp tới” để giết những tên mà hắn vừa kể là ai?

Hắn với kẻ đó là đồng bọn hay là địch thủ?

Không ai bảo ai, tất cả cùng đưa mắt nhìn ra ngoài sân, họ cảm thấy cuộc hội hôm nay chừng như đã báo hiệu những gì nguy hiểm lắm.

Và những chuyện sắp xảy ra có dính líu gì đến bên trong tòa trang viện của Lý Tầm Hoan?

Không khí lặng trang, một không khí lạnh lùng dễ sợ.

--------------------------------------------------------------------------------

Tiếp theo bộ Tiểu Lý Phi Đao

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.