Hoàng Đình

Chương 20: Q.0 - Chương 20: Ánh trăng ngàn năm trong vỏ kiếm




Dịch giả: Hoangtruc

oOo

Phượng Kiều kinh hoảng nói:

- Đừng giết ta, đừng…

Ánh kiếm ngút trời, ánh mắt Nhan Lạc Nương trong ánh hào quang đó càng đặc biệt sáng ngời, hòa cùng với ánh sáng của ngọn đèn và ánh kiếm.

Trong màn mưa mù đó, đột nhiên có một con quái thú to lớn lộ ra. Đầu nó như cáo, mắt lóe lên vẻ hung ác, thân dài như rắn ẩn hiện trong màn mưa mù, cho nên vì thế không rõ thân nó dài đến mức nào. Là con linh xà hồ lúc nãy đã từng xuất hiện, ăn phải thua thiệt trong ánh đèn bèn bỏ chạy. Hiện tại nó lại xuất hiện, chỉ không dám tới gần ánh đèn, thậm chí có thể nhìn thấy trong ánh mắt hung ác của nó pha chút sợ hãi.

Ngay khi một kiếm của Nhan Lạc Nương chém xuống hai cánh của Phượng Kiều, có một người từ phía sau linh xà hồ ẩn trong màn mưa mù đi ra. Trong tay y có thêm một thanh kiếm màu xanh, chuôi kiếm xanh, tuệ kiếm màu xanh, lưỡi kiếm rời khỏi vỏ cũng là màu xanh, thậm chí ánh kiếm cũng mang màu xanh. Thanh kiếm này có tên là Thanh Vân Kiếm, là bảo kiếm của đệ tam thánh Chu Thanh trong Đông Lăng ngũ thánh.

Thanh Vân kiếm rời vỏ, kiếm ngân vang dội lại đầy trong trẻo.

Y cũng không cầm lấy chuôi kiếm, mà tay cầm vỏ kiếm.

Một đám mây xanh từ trong vỏ kiếm lao ra, trong đám mây đó có một thanh kiếm màu xanh đâm thẳng về phía Nhan Lạc Nương. Với khí thế hùng hồn như vậy, hiển nhiên Thanh Vân kiếm không phải vật phàm.

Quảng Hàn kiếm trong tay Nhan Lạc Nương như thể có sinh mệnh, ngay khi chuẩn bị chém xuống Phượng Kiều lại đột ngột vẽ lên đường cong rất tự nhiên, chặn lấy thanh Thanh Vân kiếm đã đâm đến sau lưng mình. Thanh Vân kiếm vừa đụng vào Quảng Hàn kiếm đã bật trở lại, như thể nhận phải thương tổn cực lớn. Gương mặt Chu Thanh đầy kinh hãi, bởi có một luồng kiếm ý mãnh liệt xung kích thẳng vào thần niệm đang dung hợp trong Thanh Vân kiếm của y. Chu Thanh và linh xà hồ lùi nhanh lại, y đầy khiếp sợ nghĩ thầm: “Lời đồn rằng linh kiếm trong thiên hạ, Quảng Hàn đứng đầu. Quả nhiên không giả!”

Linh kiếm hàng đầu thiên hạ đều có được kiếm ý của riêng nó. Chỉ cần ý niệm trong lòng kiếm chủ vừa lên, kiếm ý đã tự động sinh ra. So với kiếm ý do những người tế kiếm lĩnh ngộ ra như Trần Cảnh thì nhanh hơn nhiều. Hiển nhiên, thanh linh kiếm tốt như vậy có thể khiến người ta qua một đêm biến thành thần thông quảng đại.

Không biết có bao nhiêu người đang đứng nhìn trong màn mưa mù này, nhưng bọn họ chỉ nhìn thấy một luồng sáng trắng từ trong Quảng Hàn kiếm tản ra. Trong luồng sáng đó, có một đạo sĩ mặc áo bào xanh cùng với một con quái thú không phải là cáo, cũng không phải là rắn kinh sợ rút ra khỏi đó. Mà tinh linh hoa nho nhỏ như một con rối đang lơ lửng trước người Nhan Lạc Nương đã bị cắt cụt đôi cánh. Hiếm có người nhìn ra được hai cánh của ả bị chém thế nào. Chỉ rất ít người nhìn thấy một kiếm của Nhan Lạc Nương bức lui được Chu Thanh, lúc quay ngược trở lại vào vỏ thì thân kiếm xẹt ra một tia kiếm khí, chém rụng hai cánh của Phượng Kiều khi ả đã gần như đã biến mất trong hư không.

Hai cánh hoa bay đi trong gió, còn Phượng Kiều rơi xuống mặt đất, sau lưng đầm đìa máu tươi. Ả đầy kinh hoảng và oán hận quay đầu nhìn Nhan Lạc Nương. Nhan Lạc Nương đã tra kiếm vào vỏ, ngọn đèn xanh lại xuất hiện trên đỉnh đầu. Nàng chỉ lẳng lặng nhìn Phượng Kiều, không có phẫn nộ, cũng không có thương cảm, thậm chí nhìn thấy ánh mắt oán hận của ả cũng không khiến nàng sinh ra một tia sát ý. Như vậy lại khiến Phượng Kiều thật sự sợ hãi, ả cảm giác như lúc này Nhan Lạc Nương đã biến thành ngọn đèn kia, bất luận ai mạo phạm đều sẽ bị thiêu cháy không chút nương tình.

Mặc dù Nhan Lạc Nương nhìn Phượng Kiều, nhưng căn bản như chưa từng gặp ả, hoặc chỉ là nhìn một sự vật nào đó. Nàng nhớ lại lời sư phụ Quảng Hàn cung chủ từng nói: “Bất kì những thương cảm và từ bi thừa thãi đều có thể thành thứ bóp chết sinh mệnh của con. Phải từ từ vứt bỏ chúng đi, dù sao xét cho cùng thì chúng ta là người tu hành. Tu chính là hai từ vứt và bỏ.”

- Thật sự phải vậy sao? Sư phụ, chẳng lẽ chúng ta phải thực sự vứt bỏ những thứ đó sao? Nếu đã vứt bỏ, chẳng phải “tự ái tự cường” cũng sẽ không còn quan trọng nữa sao?

Nhan Lạc Nương lẩm bẩm nói. Đôi khi có những thứ không có đúng hay sai, bất kì cách thức hay kinh nghiệm nào cũng chỉ là để tham khảo. Cái chính là lúc này Nhan Lạc Nương căn bản không có thời gian suy tư cho những vấn đề trên. Mưa mù từ bốn phương tám hướng đã cuốn về phía nàng.

Trong tích tắc, sát cơ ở khắp mọi nơi. Trời không còn là trời, đất không còn là đất, hư không đã hóa thành một thế giới khác.

- Động thủ!

- Cuối cùng đã động thủ!

- Cửu Cung Bát Quái Trận!

Đối với Đông Lăng ngũ thánh mà nói, bọn họ bắt buộc phải ra tay. Bởi vì Phượng Kiều và Chu Thanh đã ra tay, cũng nhận phải thiệt thòi trên tay Nhan Lạc Nương. Cửu Cung Bát Quái trận vừa ra, toàn bộ ưu thế địa vực đã nghiêng về Đông Lăng ngũ thánh. Nhưng trong, ngoài trận pháp vẫn còn có không biết bao nhiêu người nhắm vào đèn Định Hồn cùng với thanh Quảng Hàn kiếm.

Đây là một cuộc hỗn chiến, một bàn yến tiệc tranh đoạt bảo vật.

Nhân vật trung tâm là Nhan Lạc Nương. Không ai rõ vì sao Nhan Lạc Nương cứ một mực đứng đây mà không tránh đi nơi khác.

Mưa gió đầy trời.

Gió rít gào, mưa như trút nước.

Sát cơ ẩn nấp, lại không dám vào quá ba thước quanh người Nhan Lạc Nương. Dù là thứ vô hình, hay pháp thuật vô hình đều hiện rõ rành mạch dưới ánh đèn.

Không ai rõ lai lịch thật sự của ngọn đèn xanh trên đỉnh đầu Nhan Lạc Nương, sư phụ nàng là Quảng Hàn cung chủ cũng nói không rõ ràng được, chỉ nói đây là truyền thừa từ tổ sư, hơn nữa chính tổ sư cũng không phát huy hết uy lực của nó. Nhưng tổ sư nàng từng để lại lời nói: “Đèn này là một ngọn đèn thần kỳ nhất thiên hạ, có thể hộ hồn định phách. Dù cho người chết, chỉ cần hồn phách được đèn bao phủ cũng có thể tồn tại tiếp, không đến mức phải tan biến mất.”

Tất nhiên Nhan Lạc Nương chưa cảm nhận được chỗ thần kỳ kia, vì thân thể nàng không bị hủy diệt nên chưa nhận thấy. Nhưng nếu tổ sư không nói về sự thần kỳ đó, nàng cũng có thể cảm nhận được một chữ “hộ” đã đủ nói lên việc không chỗ nào không bảo vệ cả.

Nhan Lạc Nương không còn nhìn thấy bầu trời trước mắt nữa. Hệt như tình cảnh lúc Quảng Hàn cung chủ truyền ngôi lại cho nàng rồi chết đi, nàng cũng không nhìn thấy được con đường đi phía trước. Nhưng nàng vẫn cứ tiếp tục men theo con đường trong lòng, bước đi không ngừng nghỉ.

Con đường đó là dấu vết mà Quảng Hàn cung chủ hạ xuống tâm nàng – tự ái, tự cường. Đây là di huấn truyền từ tổ sư Quảng Hàn cung xuống. Là Quảng Hàn cung chủ đời này, nàng không chỉ có trách nhiệm bảo vệ các đệ tử Quảng Hàn cung, mà còn phải mang bọn họ trở về. Cho nên nàng cứ một mực đứng đây mà không rời đi, cũng không đi vào Bồng Lai tiên sơn. Tuy nàng không biết làm vậy có đúng hay không, nhưng nàng vẫn cứ làm như vậy. Cho dù ở lại đây sẽ phải đối mặt với mưa gió giết chóc vô tận, nhưng nàng không có nửa điểm hối hận.

Đột nhiên nổi lên hỗn loạn, thế nhưng lại vô cùng tự nhiên lưu loát.

Có truyền thuyết cho rằng Cửu Cung Bát Quái trận được thoát thai từ Cửu Khúc Hoàng Hà trận, cũng có lời đồn Cửu Khúc Hoàng Hà trận thoát thai từ Cửu Cung Bát Quái trận. Cho dù là lời đồn đãi nào thì cũng xuất phát từ những nghiên cứu riêng. Trong đó quả thật cũng có những điểm chung, chẳng qua Cửu Khúc Hoàng Hà trận chỉ xuất hiện một lần duy nhất đã sáng lập ra hung danh hiển hách. Còn Cửu Cung Bát Quái trận lại được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian. Tuy người bày trận khác nhau, uy lực không giống nhau, nhưng cũng được tính là một trận pháp không dễ phá giải trên thế gian. Cửu Cung Bát Quái trận khó chơi nhất ở chỗ có thể điên đảo âm dương, khiến người xông trận rất khó đi ra ngoài, còn người bày trận chỉ cần theo phương vị mà đi, có thể nói là xuất quỷ nhập thần.

Người rơi vào trận có công kích thế nào cũng bị đại trận chuyển hóa. Một khi đại trận được hình thành, nó ẩn chứa pháp lực tương đương với thần vực của thần linh, thậm chí còn lợi hại hơn. Diệu dụng trong đó chỉ có chính người trong trận và người bày trận biết được.

Bên ngoài đã không còn nhìn thấy Nhan Lạc Nương, cũng không thấy ngọn đèn trên đỉnh đầu nàng nữa. Điều này làm nhiều kẻ thoáng cảm thấy bất ổn. Bọn họ kéo đến đây là vì ngọn đèn và kiếm trong tay Nhan Lạc Nương, vốn muốn đợi Nhan Lạc Nương và Đông Lăng ngũ thánh lưỡng bại câu thương rồi lựa lúc ra tay cướp đoạt. Nhưng hiện tại người đứng ngoài trận căn bản không nhìn thấy Nhan Lạc Nương, không nhìn thấy Đông Lăng ngũ thánh, chỉ nhìn thấy một vùng sương trắng mênh mông dâng lên từ trong núi, bay cao lên không trung rồi cuộn trở lại, như thể có một kết giới vô hình ngăn cản đám sương mù kia lại.

Gió chẳng biết lúc nào đã thổi mạnh bạo hơn, phát ra tiếng vù vù, cuốn cả sóng biển bắn tung lên cao đến mấy trượng, rồi cuộn trào mãnh liệt. Mưa cũng càng thêm tầm tã, ngàn dặm trở nên mù mịt. Nếu là người thường, sẽ không cách nào mở mắt nhìn được trong mưa gió đó, mà có mở được mắt ra nhìn, cũng sẽ không thấy gì ngoài ba trượng quanh mình.

Chẳng qua, trong màn mưa gió này không có kẻ nào là người thường cả. Những kẻ ẩn nấp, thu liễm khí tức đó có người trong Huyền môn, có yêu linh yêu khí đậm đặc, có thần linh vượt ngàn dặm mà đến, còn có cả ma vật không biết tên xuất hiện. Khi bọn họ phát hiện Nhan Lạc Nương không còn trong tầm mắt nữa, chỉ đành chờ đợi, chờ Nhan Lạc Nương phá trận, hoặc chờ kẻ khác đi vào trận dò đường trước. Đương nhiên, nếu Nhan Lạc Nương có thể trổ hết tài năng phá được Cửu Cung Bát Quái trận đi ra ngoài là tốt nhất.

Ngay tại đó, trong mười dặm núi non, có tiếng cười to nổi lên, nghe như đầy đắc ý. Có tiếng kiếm ngân mãnh liệt, sát khí cuồn cuộn xuyên thấu qua màn mưa gió truyền vào tai mỗi người. Nhưng bọn họ làm thế nào cũng không nhìn thấy được, cho dù có kẻ dùng phép thuật đặc biệt cũng chỉ nhìn thấy tầng tầng lớp lớp không gian phản chiếu, như thể nhìn thấy hàng ngàn thế giới nhỏ vậy.

Đương nhiên đó không thể là hàng ngàn thế giới nhỏ được, mà là vì pháp trận bóp méo mọi ánh mắt và cảm nhận của người bên ngoài. Bọn họ không biết tình hình bên trong, mà âm thanh từ trong trận truyền ra cũng như truyền từ một thế giới khác tới, tất cả đều sai lệch, đều trở nên đặc biệt hư ảo.

Tiếng kiếm ngân vang lên, lúc đứt quãng, lúc liên miên không dứt. Người bên ngoài không nhìn thấy tình huống bên trong, chỉ có thể dựa vào âm thanh hư ảo chợt xa chợt gần để phán đoán. Vì vậy, mọi người đều thầm kết luận Nhan Lạc Nương đang đại chiến với Đông Lăng ngũ thánh. Nhưng vì không nhìn rõ tình hình chiến đấu, nên kẻ nào cũng bắt đầu lo lắng, lo sợ vào sớm sẽ trở thành quỷ uổng mạng, vào trễ lại sợ mất đi cơ hội, vô duyên với linh bảo.

Trong tiết trời gió rít mưa tuôn này, rất khó nhận biết được thời gian trôi đi bao lâu. Rốt cuộc cũng có người không kìm lòng được tiến vào trong trận. Có người đầu tiên, tất có người thứ hai, từng người một lấy ra đủ loại thủ đoạn; lấy pháp bảo hộ thân, dùng phép hộ thân, hoặc dựa vào phép thuật quỷ bí, hoặc có vài kẻ thông hiểu âm dương thuật số, lần lượt bước từng bước vào trận tìm kiếm lấy cửa sinh.

Đối với Nhan Lạc Nương mà nói, một kẻ địch hay một đám kẻ địch cũng không khác nhau bao nhiêu cả. Bởi vì nàng chỉ có thể dựa vào đèn Lưu Ly Định Hồn và thanh Quảng Hàn kiếm. Lúc mới xuống núi, để khu động được đèn Lưu Ly Định Hồn, nàng phải tốn cực lớn pháp lực, còn hiện tại lại không mảy may dùng đến pháp lực. Hơn nữa, tế luyện đèn Lưu Ly Định Hồn lâu ngày, nàng lại thấy đèn này như vực sâu không đáy, vô cùng thần bí, như ẩn chứa rất nhiều điều huyền diệu chờ bản thân mình phát hiện.

Nàng lại không tế luyện Quảng Hàn kiếm đến mức tùy tâm sử dụng được. Mấy ngày nay nàng còn nghĩ không biết sư phụ mình có sử dụng Quảng Hàn kiếm đến mức tùy tâm mà động được không. Trong mắt nhiều người, Quảng Hàn kiếm cường đại vô cùng, nhưng lần đầu tiên Nhan Lạc Nương đeo nó sau lưng lại cảm thấy như đang cõng lấy một ngọn núi. Thỉnh thoảng nàng còn chợt sinh ra một suy nghĩ, cảm thấy sau lưng mình không phải là một thanh kiếm, mà là ánh trăng được ngưng tụ lại qua ngàn vạn năm.

Đỉnh đầu Nhan Lạc Nương là ánh đèn bập bùng, màu xanh của ánh đèn mơ hồ ngưng kết thành một vầng mây nhạt, nhuộm xanh cả toàn bộ sương trắng vây quanh nàng.

Nàng không rút kiếm ra, nhưng trong lại thầm niệm một đoạn chú ngữ tế kiếm: “Ly loạn xích thân nhập nguyệt hoài, loan đao nan đoạn vọng tâm mai. Cửu thiên thanh nguyệt hàm tình ý, hồn ký nghiễm hàn vô mộng lai.”

(*Dịch thơ: thíchtócquăn_Bachngocsach.com

Rời xa loạn thế tháng năm dài,

Loan đao khó đoạn chí một mai.

Nguyệt chín tầng trời chôn tình ý

Hồn ở cung trăng, vô mộng lai!)

-----oo0oo-----

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.