Hoa Vàng Cố Hương

Chương 3: Q.2 - Chương 3




Tiểu Vũ cũng cưỡi ngựa về thôn. Mang theo lính bảo vệ.

Ngày 13 tháng 7 là ngày giỗ tổ nhà họ Lý. Tiểu Vũ về nhà ăn giỗ. Quân Trung ương đóng một trung đoàn ở Ngụy Qùy. Tiểu Vũ làm đại đội trưởng tại trung đoàn này. Tiểu Vũ cao 1 mét 77, giống hệt cha là Văn Vũ mặt mũi thanh tú, chỉ có điều giữa lông mày có một vết sẹo do hồi nhỏ ăn cơm sơ ý bị ngã, mảnh bát vỡ đâm vào. Tiểu Vũ từ nhỏ đã học hành chăm chỉ. Hồi ở trường tư thục, bạn bè chỉ chăm chăm trêu chọc thầy giáo, một mình cậu ở lại trong lớp đọc sách sang sảng. Cậu có người anh họ là Lý Tiểu Náo, con trai cả của cố trưởng thôn Lý Văn Náo, nghịch ngợm từ nhỏ, không thích đi học, chỉ thích trêu đùa súc vật, thường lôi cậu đi chơi cùng, nhưng nhiều lần bị cậu từ chối. Một mình cậu ở nhà luyện viết bút lông. Thế nên cậu viết bút lông rất đẹp. Đến năm 16 tuổi, Tiểu Náo biết ông nội bị trưởng thôn đương nhiệm là Bố Đại hãm hại, bố đẻ bị bọn phỉ giết, bèn nằng nặc đòi làm cướp, đợi đến khi gây dựng được bang nhóm sẽ về quê báo thù. Tin này truyền đến tai Bố Đại và Mao Đán. Bọn họ liền bố trí người lừa lúc Tiểu Náo cưỡi lừa lên thị trấn chọi gà, bóp cổ cậu ta chết tươi ở rặng liễu trên thảo nguyên. Biết tin, nhà họ Lý khiêng xác Tiểu Náo về, rồi bu quanh xác chết khóc như ri. Chỉ có mình Tiểu Vũ vẫn ở nhà sau không ló mặt. Cậu đóng cửa đọc sách sang sảng trong nhà. Lúc này, mọi người đều bảo Tiểu Vũ ngây ngô chẳng hiểu gì, anh họ bị hại mà cũng chẳng biết khóc lấy một tiếng. Chỉ có bố cậu là Văn Vũ nói:

- Trông thằng bé này thế, có khi lại nuôi chí lớn!

Khiến chị dâu Văn Vũ là mẹ của Tiểu Náo rất bất bình, bảo Văn Vũ bênh con, chẳng màng gì đến đứa cháu bị chết thảm. Nghĩ tủi thân, bà khóc rống lên:

- Ới Tiểu Náo ơi, thầy con chết rồi, biết lấy ai trả thù cho con!

Sau này, Tiểu Vũ học xong ở trường tư thục, thi đỗ vào trường cấp 3 số 1 Khai Phong. Ở trường, cậu học rất giỏi, lần nào thi cũng đứng đầu. Cùng học ở trường cấp 3 số 1 Khai Phong với Tiểu Vũ còn có Thỉ Căn, con trai Điện Nguyên và Oa Ni, con gái Bố Đại. Cả ba đều là người cùng thôn. Vì có mối thâm thù, nên Tiểu Vũ và Thỉ Căn không nói chuyện với nhau. Hai nhà họ Lý và họ Hứa cũng có mối thù, nhưng Oa Ni phận gái, thấy Tiểu Vũ học hành giỏi giang, lúc nào cũng đứng đầu lớp, nên rất khâm phục. Trông thấy cậu là mặt tươi như hoa. Tiểu Vũ thấy Oa Ni chân yếu tay mềm, không nỡ gán cô vào mối thâm thù giữa hai gia đình, cũng nói chuyện với cô. Một lần vào chủ nhật, Thỉ Căn có việc bận không về nhà, Tiểu Vũ và Oa Ni lén hẹn nhau ở tháp Sắt rồi cùng nhau đi về. Trên đường về phải qua một con mương nhỏ, Tiểu Vũ cõng Oa Ni lội qua. Chỉ vì giữa hai gia đình có mối thâm thù, nên về đến cách thôn ba dặm, hai người chia tay nhau. Sau này, quân Nhật đánh tới, trường cấp 3 số 1 Khai Phong phải sơ tán về huyện Lạc Thủy. Quân trung ương đến trường tuyển sĩ quan. Tiểu Vũ nói chuyện với người tuyển sĩ quan một lần, rồi viết thư về cho bố, nói rõ hướng đi của mình, rồi gia nhập quân Trung ương. Hôm trước khi lên đường, cậu còn trông thấy Oa Ni lẫn trong đám bạn học đi tiễn nhìn theo. Sau này nghe nói, Thỉ Căn gia nhập Bát lộ quân, cậu cũng chẳng nói gì, chỉ gắng chí tiến thủ trong quân trung ương. Hai năm sau, cậu đã đeo quân hàm thượng uý, chỉ huy một đại đội, có lính cần vụ riêng. Bình thường Tiểu Vũ không về nhà. Một năm nhà họ Lý làm giỗ mấy lần, nhưng Tiểu Vũ chỉ về vào hôm giỗ tổ, mang theo cả mấy tên cần vụ. Cúng tổ tiên xong, Tiểu Vũ trở về đơn vị ngay trong ngày. Lần nào cũng vậy, Tiểu Vũ rất ít khi mang quà về cho nhà. Anh cũng chẳng nói chuyện nhiều với ai, chỉ tâm sự với bố. Hai bố con không nói chuyện gia đình, mà nói chuyện thời cuộc, khiến cả nhà đều phật ý. Mẹ của Tiểu Náo nói trước mặt Văn Vũ:

- Mong cháu học hành thành tài, cả nhà đã phải ăn tiêu tiết kiệm, dồn hết cho thằng Tiểu Vũ đi học. Bây giờ nó thành tài, làm đến đại đội trưởng, mà nhà mình đã nhờ được nó việc gì chưa? Không được nhờ đã đành, vậy mà nó còn quên luôn cả mối thâm thù mấy đời nhà ta? Ông nội nó bị ai hãm hại? Bố thằng Tiểu Náo bị ai hãm hại? Thằng Tiểu Náo bị kẻ nào giết? Trong tay nó có quân lính, sao không san bằng nhà họ Tôn, họ Hứa đi? Tôi thấy chẳng trông cậy gì ở thằng Tiểu Vũ đâu. Sau này giỗ tổ, nó cũng đừng có về làm gì!

Văn Vũ cũng thấy chị dâu nói có lý. Một lần sau khi giỗ tổ, Văn Vũ khéo léo nói lại ý tứ của chị dâu cho cậu con trai. Nào ngờ, Tiểu Vũ nghe xong chỉ cười nhạt, nói:

- Thầy, thường ngày con không thích nói nhiều, nhưng con không phải thằng ngốc. Chẳng lẽ con không biết ông nội bị ai giết? Không biết bác bị ai giết? Không biết anh Tiểu Náo bị ai giết? Bây giờ muốn trả thù dễ ợt. Con chỉ cần sai mấy thằng lính là có thể diệt hết kẻ thù. Nhưng, thưa thầy, con không làm như vậy được!

Văn Vũ trợn mắt hỏi:

- Tại sao?

- Con giết người ta thì dễ như trở bàn tay. Nhưng sau đó, con lại phải đi, nhà mình vẫn ở trong thôn. Con không thể đưa nhà mình đến đơn vị được. Con vẫn chỉ là đại đội trưởng quèn, chưa có quyền to như thế. Con đi khỏi, cả nhà mình ở thôn, sẽ lại có người về giết cả nhà. Thầy đừng quên, nhà họ Tôn có tới hai người trong quân ngũ. Một người là Mao Đán theo quân Nhật. Một người là Thỉ Căn theo Bát lộ quân. Thầy bảo, con có thể báo thù một cách lỗ mãng được không?-

Văn Vũ nghe con giải thích, gật đầu liên tục, nói:

- Con nói cũng phải!

Văn Vũ khâm phục con trai hiểu rộng hơn mình và chị dâu, tính toán mọi việc chu toàn, sâu xa, nhưng vẫn trách:

- Ý tứ con như thế sao không nói sớm? Con không nói, cả nhà tưởng con quên mất mối thù!

Tiểu Vũ vẫn chỉ cười nhạt:

- Thầy, cái gì cần làm thì làm. Khi đã không làm thì không nên nói lung tung. Việc chưa làm nói để làm gì?

Văn Vũ lại gật đầu. Nhưng lại hỏi:

- Nói như con, nếu nghĩ sâu xa như vậy thì thù này mãi mãi không thể trả được sao?

- Không ạ. Cha thử nghĩ xa thêm một chút xem. Bây giờ là thiên hạ của ai, của bọn Nhật. Nhưng có thể khẳng định, bọn Nhật không thể trụ lại lâu dài được. Con đã đọc sử thế giới, không có dân tộc nào có thể bá chiếm mãi một dân tộc khác. Sau này, bọn Nhật chắc chắn sẽ thất bại. Lúc ấy, thiên hạ sẽ thuộc về ai? Thuộc về quân Trung ương và Quốc dân đảng. Bát lộ quân mặc dù cũng có một số quân, nhưng đều là quân ô hợp, dùng giảm tô giảm tức để lấy lòng mấy đứa nhà nghèo, sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Đợi đến khi quân Trung ương thống lĩnh thiên hạ, thì chúng ta cũng sẽ thống lĩnh thiên hạ. Đến lúc ấy, muốn giết ai chẳng được?

Văn Vũ nghe xong, vỗ tay tán thưởng, nói:

- Phải, phải. Con trai ta lăn lộn ở ngoài thật không uổng, con hơn cha là nhà có phúc!

Kể từ đó, Văn Vũ rất tôn trọng Tiểu Vũ. Lần nào Tiểu Vũ về nhà giỗ tổ, cũng chỉ cúng tổ tiên xong là đi, không nói nhiều lời. Văn Vũ rất hiểu con. Nhưng có một lần ông nghe nói, Tiểu Vũ đi về, gặp Oa Ni ở cổng thôn, liền xuống ngựa nói chuyện một hồi, thấy rất băn khoăn, lại gọi con trai đến hỏi chuyện:

- Tiểu Vũ, thật ra thầy không nên nói với con chuyện này. Thầy biết con và con gái nhà họ Hứa là bạn học hồi ở Khai Phong. Con bảo bây giờ không trả thù, đợi đến khi quân Trung ương thống lĩnh thiên hạ sẽ báo thù. Thầy tin con. Nhưng con cũng không nên đi lại với con gái của kẻ thù. Như thế, khác gì con quên cả tổ tông!

Tiểu Vũ bối rối, mặt đỏ bừng, nói:

- Thầy đã nói vậy thì lần sau con không để ý đến cô ấy nữa!

Kể từ đó, Tiểu Vũ gặp Oa Ni cứ lờ đi. Văn Vũ thấy vậy mới yên tâm.

Ngày 13 tháng 7, Tiểu Vũ mang theo lính cảnh vệ về nhà giỗ tổ. Vừa vào đến thôn, thấy Oa Ni đang xách một làn quần áo, tay cầm chiếc chày gỗ, vừa giặt áo ở ngoài sông trở về. Từ trên ngựa, Tiểu Vũ đã trông thấy cô, cô cũng nhìn thấy Tiểu Vũ, bốn mắt nhìn nhau. Giống những lần trước, Tiểu Vũ quay ngựa đi vào thôn. Oa Ni đứng sững ở đó một hồi lâu, làn quần áo vẫn xách trên tay. Nước mắt rưng rưng.

Tiểu Vũ về đến nhà. Trong nhà đã bắt đầu cúng tổ tiên. Họ hàng ở bốn thôn cũng về ăn giỗ. Thấy Tiểu Vũ về, mọi người vội tránh ra nhường đường. Mấy tên lính của Tiểu Vũ lăng xăng bầy biện vài đĩa quả khô trước di ảnh của tổ tiên để Tiểu Vũ làm lễ. Bảo là làm lễ, thật ra cũng chỉ là dập đầu bốn lạy. Tiểu Vũ dập đầu xong, đứng dậy chào hỏi họ hàng, rồi cũng giống như những lần trước, quay ra nhà sau nói chuyện với bố. Một tên lính cảnh vệ đã đứng gác trước cổng từ lúc nào. Trong đội cảnh vệ có tiểu đội trưởng họ Ngô, đã đến nhà Tiểu Vũ mấy lần nên khá thông thuộc địa hình. Lúc rỗi việc lại đi chơi quanh thôn.

Tiểu Vũ ngồi ở nhà sau với cha. Đầy tớ bưng trà lên. Hai cha con cùng nói chuyện phiếm. Tiểu Vũ thấy cha mình liên tục thở ngắn than dài, hỏi:

- Thưa thầy, thầy không được khỏe ạ? Lần sau về, con sẽ mang theo bác sĩ quân y để khám bệnh cho thầy!

- Thầy vẫn khỏe, nhưng bị người ta chèn ép nhiều quá, thấy bực mình!

- Kẻ nào chèn ép thầy?

- Còn ai ngoài hai nhà họ Tôn, họ Hứa! Tiểu Vũ, con lăn lộn bên ngoài, học vấn, hiểu biết rộng hơn thầy. Lần trước nghe lập luận của con, thầy hiểu và cũng tán thành. Thầy nghe lời con, tạm thời không gây chuyện với nhà họ Tôn, họ Hứa. Nhưng bây giờ, nhà nó làm trưởng thôn, mình không gây chuyện với nó, nhưng nó vẫn cứ sinh sự với mình, lúc nào cũng làm khó nhà mình. Lâu nay, chúng nó bóp mình như bóp một con khỉ?

- Nhà nó lại mới làm gì nhà mình ạ?

- Mới rồi bọn Nhật đòi bột mỳ, mỗi người 5kg. 5kg thì 5kg, bọn Nhật mà đòi thì ai dám không nộp. Nhưng một người nộp 5kg, nhà mình cũng chỉ phải nộp 100kg. Nhưng Bố Đại vụ lợi, bắt nhà mình nộp 200kg. Đấy chẳng phải là mình bị nó bắt nạt sao?

- Thầy nộp chưa?

- Nhà nó dẫn trai làng đến, dám không nộp? Bố Đại thời trẻ giết người nhà mình, ức hiếp nhà mình, bây giờ lại vẫn bắt chẹt nhà mình! Thầy không nghĩ đến thì thôi, chứ cứ nghĩ đến là lại chẳng muốn sống nữa!

Tiểu Vũ nghe thầy nói, cũng thấy Bố Đại hơi quá đáng. Vuốt mặt phải nể mũi. Ít ra mình cũng là sĩ quan quân đội, có quân lính dưới quyền hẳn hoi! Lúc này, tiểu đội trưởng Ngô đã trở về nhà, đứng đằng sau Tiểu Vũ hầu chuyện. Nghe đến đây, không kìm được, nói:

- Đại đội trưởng, lão già này thật không biết điều! Để em dẫn vài anh em qua bên đó cho lão ta một bài học!

Tiểu Vũ giơ tay ngăn lại:

- Cũng chẳng cần phải dạy cho nhà nó một bài học. Chỉ có điều, vì sao lại thu thừa ra 100kg bột thì phải hỏi cho ra nhẽ. Anh Ngô, anh đem theo hai người đi xem thế nào. Không được nổi nóng, không được đánh người, chỉ hỏi xem sao phải nộp nhiều bột mỳ thế, rồi quay về nói cho tôi biết!

Tiểu đội trưởng Ngô đứng nghiêm, nói:

- Rõ!

Rồi quay ra mang theo hai tên cảnh vệ đi sang nhà Bố Đại. Văn Vũ thấy con cử lính đi hỏi chuyện Bố Đại, trong lòng có phần khoan khoái, nói chuyện hào hứng hẳn lên.

Tiểu Vũ dặn tiểu đội trưởng Ngô “không được nổi nóng”, nhưng khi anh ta dẫn hai người lính đến nhà Bố Đại, chưa nói câu gì đã nổi nóng, chỉ roi ngựa vào mặt Bố Đại nói:

- Ông có phải là trưởng thôn không?

Bố Đại đang ngồi hút thuốc dưới gốc táo. Cả đời ông ta chỉ dùng roi ngựa chỉ người khác, làm gì có chuyện người khác dùng roi ngựa chỉ vào mình? Nhưng thời trẻ ông cũng đã từng đi lính, biết lợi hại của cánh lính trẻ, huống hồ có những ba người, lại đều khoác súng cả. Giận lắm, nhưng Bố Đại vẫn cứ phải xởi lởi:

- Trưởng thôn gì đâu, cũng chỉ là chân sai vặt phục vụ các anh thôi. Xin hỏi các anh ở bộ phận nào đấy ạ?

Nói rồi, chìa ống điếu ra, ý mời thuốc. Nào ngờ, tiểu đội trưởng Ngô vung roi, vụt văng ống điếu:

- Đừng vòng vo! Bọn tao là lính của đại đội trưởng Tiểu Vũ. Hôm nay đến cho mày một bài học!

Lúc này, Bố Đại mới biết đây là lính của Tiểu Vũ, nhưng thấy ống điếu bị đánh văng đi, cũng không dám nổi giận, chỉ nói:

- Nhưng tôi có chỗ nào đắc tội với đại đội trưởng Tiểu Vũ đâu?

- Mày không đắc tội với đại đội trưởng, nhưng lại đắc tội với bố đại đội trưởng! Tao hỏi mày, nhà khác chỉ phải nộp mỗi người 5kg bột cho quân Nhật, sao nhà ông Văn Vũ phải nộp nhiều thế?

Lúc này, Bố Đại mới biết đầu đuôi sự tình, nhặt ống điếu lên nói:

- Các anh hiểu lầm rồi. Lần này lẽ ra nộp bột theo đầu người. Nhưng như thế thì không đủ số lượng bọn Nhật yêu cầu. Nếu thiếu, bọn Nhật đến sẽ đánh tôi. Tôi đành chuyển thành nộp bột mỳ theo diện tích ruộng. Nhà đại đội trưởng Tiểu Vũ nhiều ruộng, nên phải nộp nhiều. Không tin, các ông có thể kiểm tra sổ sách!

Tiểu đội trưởng Ngô vung roi lên:

- Tao không cần biết mày có tính theo diện tích ruộng hay không, cũng chẳng có thời gian đi tra sổ sách nhà mày. Tóm lại, nhà ông Văn Vũ không phải nộp nhiều! Mày làm việc tích cực cho bọn Nhật thế, chẳng phải Hán gian thì là gì! Mày cõng 100kg bột mỳ thu thừa đem trả lại nhà ông Văn Vũ, thì tao tha. Còn ông dám hé miệng nói nửa chữ “không”, tao sẽ dùng roi ngựa dạy bảo mày trước!

Bố Đại thấy một tên lính quèn mà cũng hung hăng như vậy, còn liên tục vung roi trước mặt mình, trong lòng có phần tức giận, nói:

- Anh làm lính thì cũng phải biết điều, không thể đang dưng bảo mang bột về. Anh mà mang bột về, bọn Nhật đến đánh tôi thì sao?

Tiểu đội trưởng Ngô thấy Bố Đại cãi lý với mình, liền nổi giận:

- Mày sợ bị bọn Nhật đánh, thì không sợ tao đánh chắc? Tao đánh mày hai roi trước vì tội làm Hán gian, xem mày sợ bọn Nhật hay sợ tao!

Nói xong, toan vung roi xuống. Lúc này, một người lính chạy ra từ chuồng ngựa nói:

- Dừng tay, không được đánh dân!

Tiểu đội trưởng Ngô và hai tên lính cảnh vệ giật mình, quay đầu lại, thì ra là một chiến sĩ Bát lộ quân. Anh ta chính là Tiểu Phùng, được Thỉ Căn cử về để trinh sát tình hình. Về đến thôn, cả ngày chẳng thám thính được việc gì, ngoài việc ngày 15 quân Nhật sẽ đến thôn lấy bột mỳ. Bởi vậy, cả ngày ở trong chuồng ngựa chơi với Tiểu Đắc. Hôm ấy đang chơi, thấy có mấy tên lính quân trung ương đến, đòi đánh người nhà Thỉ Căn, liền chạy ra ngăn chặn.

Tiểu đội trưởng Ngô thấy xuất hiện một chiến sĩ Bát lộ quân, đành tạm thời không đánh Bố Đại, quay ra chỉ roi ngựa vào Tiểu Phùng:

- Anh chạy ra đây làm gì?

Nào ngờ, Tiểu Phùng cũng bạo gan, tay chạm vào khẩu súng nói:

- Tôi là Bát lộ quân, lính của đại đội trưởng Thỉ Căn!

Tiểu đội trưởng Ngô thấy Tiểu Phùng mặc bộ quân phục bằng vải thô, nhưng vẫn chưa thoát khỏi dáng vẻ của một anh nông dân, hơi có chút xem thường, nói:

- Tôi không cần biết anh là lính của ai. Tôi đến đây là để dạy cho tên Hán gian một bài học, ảnh hưởng gì đến anh?

- Ông ấy không phải là Hán gian!

- Thu bột mỳ thay bọn Nhật, không phải Hán gian thì là gì? Nếu ông ta mang trả lại bột cho nhà ông Văn Vũ thì tôi không đánh. Còn nếu không, tôi đánh!

- Không được mang chỗ bột này về. Đánh ông ấy hay không là chuyện nhỏ. Nhưng nếu mang bột mỳ về, sẽ làm hỏng mất kế hoạch quân sự của chúng tôi!

- Bát lộ quân nghèo rớt như các anh mà cũng đòi có kế hoạch quân sự! Kế hoạch quân sự của các anh có phải là bảo vệ việc thu bột mỳ cho quân Nhật không? Thế mới biết, Bát lộ quân các anh cũng câu kết với bọn Nhật, cũng là bọn Hán gian! Không đánh ông ta cũng được, nhưng tôi phải trói tên Hán gian là anh lại! Anh em, trói tên Hán gian Bát lộ quân này cho ta!

Tiểu Phùng thấy đối phương đòi trói mình, liền rút súng ra. Nhưng người của tên Ngô nhiều, Tiểu Phùng chưa kịp rút súng ra đã bị ba tên bọn chúng xông vào trói gô lại, rồi giải về nhà Văn Vũ. Tiểu đội trưởng Ngô vào nhà sau báo cáo trước:

- Báo cáo Đại đội trưởng, đã bắt được một tên Hán gian Bát lộ quân!

Tiểu Vũ giật mình:

- Cái gì? Bắt được một tên Hán gian Bát lộ quân? Sao lại bắt? Tôi bảo anh đi hỏi việc, sao lại bắt người!

Tiểu đội trưởng Ngô đắc ý nói:

- Đây là một tên lính của Thỉ Căn. Đang ở trong nhà, chạy ra nói đỡ cho cái lão khốn kiếp đó! Em bắt luôn!

Nói rồi, đẩy Tiểu Phùng vào. Tiểu Vũ biết Tiểu Phùng, còn nhớ, ngày trước anh nuôi ngựa cho nhà Thỉ Căn; Tiểu Phùng trông thấy Tiểu Vũ áo mũ chỉnh tề, đeo găng tay trắng, có cả mấy người lính đứng đằng sau, bắt đầu hoảng. Sợ Tiểu Vũ ra lệnh giết, Tiểu Phùng toát mồ hôi, nói:

- Thưa đại đội trưởng Tiểu Vũ, việc này là hiểu lầm, hiểu lầm ạ. Tôi là Bát lộ quân, không phải Hán gian. Anh không được giết tôi!

Tiểu đội trưởng Ngô nói:

- Thế sao bọn tao bảo lấy bột về, mày lại không cho lấy, còn bảo là làm hỏng kế hoạch quân sự của chúng mày. Thế chẳng phải chúng mày theo bọn Nhật sao?

Câu nói này gây sự chú ý của Tiểu Vũ. Anh hỏi:

- Kế hoạch quân sự? Kế hoạch quân sự gì vậy? Tiểu Phùng, anh nói cho tôi biết, rồi tôi sẽ thả anh ngay!

Tiểu Phùng nghĩ đến lời dặn của Thỉ Căn, không được để lộ bí mật quân sự, nên ngậm tăm.

Tiểu đội trưởng Ngô thấy vậy, xông lên đá Tiểu Phùng một cái:

- Mẹ mày chứ, sao không nói? Đại đội trưởng của chúng tao hỏi mày đấy. Không nói, tao đánh!

Tiểu Vũ ngăn tên Ngô lại, đến trước Tiểu Phùng, tự tay cởi trói cho Tiểu Phùng, nói:

- Tiểu Phùng đừng sợ. Hãy nói cho tôi biết. Bây giờ đang là lúc quốc cộng[10] hợp tác, cùng nhau kháng Nhật. Chúng ta đã là một phe rồi. Anh nói cho tôi biết, tôi không nói lại với người khác là được chứ gì? Tôi biết, Bát lộ quân ai ai cũng là hảo hán, không phải là Hán gian. Các anh không bao giờ thu bột mỳ thay quân Nhật. Chưa biết chừng, còn muốn đánh bọn Nhật ấy chứ, phải không nào?

Tiểu Phùng thấy Tiểu Vũ nói năng lễ độ. Đường đường là một đại đội trưởng lại tự tay cởi trói cho mình, thế là trợn mắt nhìn tên Ngô nói:

- Đúng vậy. Bát lộ quân chúng tôi luôn hướng về nhân dân, làm gì có chuyện làm việc thay bọn Nhật? Chúng tôi đang có kế hoạch đánh quân Nhật. Ngày 15 này bọn chúng đến đây thu bột, chúng tôi sẽ giã cho chúng nó một trận! Lúc này các anh mang bột về, không có bột để nhử bọn Nhật, chẳng phải là làm hỏng kế hoạch quân sự của chúng tôi sao?

Tiểu Vũ vắt tay lên trán, nghĩ một lúc rồi cười nói:

-Tôi hiểu rồi, tôi hiểu rồi. Chỉ tại chúng tôi không biết. Chỗ bột này không thể mang về được. Được rồi, việc hôm nay đến đây là xong. Anh về đi, chúng tôi không cần chỗ bột đó nữa!

Rồi thả Tiểu Phùng về. Tên Ngô và mấy tên lính cảnh vệ ra chiều không vui. Tiểu Phùng thấy mình nói lại được với cả bọn Tiểu Vũ, không những không phải đem bột sang trả, mà lại còn được thả, rất khoái chí vì mình có bản lĩnh, đấu khẩu được với cả bọn chúng nó, mà vẫn không làm hỏng kế hoạch quân sự của quân mình.

Tiểu Phùng vừa đi khỏi, Tiểu Vũ liền chào cha ra về, khiến cả Văn Náo và bọn lính ngơ ngác. Mấy người nói:

- Vẫn còn sớm mà!

- Trung đoàn trưởng bảo tối nay có cuộc họp, phải về khẩn trương! - Lại quay qua nói với cha: - Thầy, chuyện 100kg bột coi như xong. Không nên vì tí bột mà làm phức tạp mọi chuyện!

Nói xong, đi ra cửa lên ngựa, làm Văn Vũ không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Lúc ra đến đường, mấy tên cảnh vệ còn trách. Hôm nay lẽ ra nắm phần thắng, người mình lại đông hơn, ai ngờ sợ cả một tên lính Bát lộ quân! Tiểu Vũ không thèm để ý đến bọn chúng, ra sức quất ngựa.

Về đến nơi đóng quân trời đã tối, trong phòng đã có ánh đèn. Tiểu Vũ vừa xuống ngựa, lính cần vụ của đại đội liền đi lấy nước cho đại đội trưởng rửa mặt. Lúc mang nước rửa mặt đến, không thấy Tiểu Vũ đâu. Anh đã vội lên trung đoàn, quên cả rửa mặt. Trung đoàn trưởng đang ở nhà với vợ chơi mèo. Tiểu Vũ hô một tiếng “Báo cáo”, rồi không đợi trả lời, bước luôn vào trong. Vị trung đoàn trưởng này chính là người đến trường cấp 3 số 1 Khai Phong năm ấy. Ông là sinh viên khóa 13 trường quân sự Hoàng Phố, rất yêu quý Tiểu Vũ. Thấy anh xông vào, cũng không quở trách. Nhưng vợ ông bất ngờ thấy một tên lính xông vào, làm hỏng cuộc chơi với mèo, có phần không vui, bĩu môi bế mèo đi ra ngoài. Tiểu Vũ cảm thấy rất áy náy, nhưng trung đoàn trưởng không cố chấp, cười nói:

- Cậu có việc gì vậy?

Tiểu Vũ đi đến bên trung đoàn trưởng, thầm thì một hồi. Trung đoàn trưởng nghe xong, đặt tay lên chiếc đầu hói suy nghĩ một lúc, rồi nói:

- Cũng được. Cậu đem theo mười mấy tên lính thử xem. Tôi cũng ghét đảng cộng sản, toàn làm những việc đen tối, gây xích mích. Nhưng cậu phải cẩn thận, tuỳ cơ ứng biến, kẻo xôi hỏng bỏng không mà còn chuốc vạ vào thân!

Tiểu Vũ đứng nghiêm đáp “Rõ” một tiếng rồi lui ra ngoài. Về đến đại đội, Tiểu Vũ liền nói với với đại đội phó:

-Ngày mai chọn ra một trung đội, chuẩn bị ngày 15 chiến đấu!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.