Hoa Vàng Cố Hương

Chương 3: Q.1 - Chương 3




Trưởng thôn Điện Nguyên bị nhà họ Lý thuê người giết thật.

Nhà họ Lý vốn là cư dân lâu đời của thôn Mã. Nghe nói thôn Mã do tổ tiên ông ta sáng lập. Lúc đầu tổ tiên ông ta làm nghề buôn muối, sau đó chuyển sang buôn bán súc vật, bất động sản, chắt chiu mãi mới gây dựng nên cơ nghiệp. Nhà họ Tôn đến đây sinh sống muộn hơn nhà họ Lý. Ông nội Lão Nguyên chuyển từ nơi khác đến đây sinh sống. Nghe nói, hồi mới đến đây, ông nội Lão Nguyên phải làm tá điền cho ông nội Lão Hỷ. Nhưng sau này, nhà họ Tôn cũng phất lên nhờ buôn muối, súc vật và bất động sản. Nhưng thói đời, nhà nào giàu trước thường khinh rẻ nhà phất lên sau. Nhà phất lên sau lại cảm thấy mình có chút gì đó không phải với nhà giàu trước. Nghe đâu, đến đời bố Lão Nguyên, khi gặp bố Lão Hỷ, ông vẫn theo thói quen cúi khom người chào:

- Ông chủ đã xơi cơm chưa ạ?

Bố Lão Hỷ gọi thẳng tên của bố Lão Nguyên, trả lời một câu bằng giọng kẻ cả rồi đi thẳng.

Nhưng đến đời Lão Nguyên và Lão Hỷ thì tình hình có đổi khác. Con em hai nhà đều biết chữ. Tài sản của nhà họ Tôn chẳng kém gì nhà họ Lý. Huống hồ, nhà họ Tôn còn có quan hệ họ hàng với một số địa chủ khác. Thuở nhỏ, Lão Nguyên và Lão Hỷ cùng chơi với nhau. Sau khi hai ông bố qua đời, Lão Nguyên cảm thấy mình đã đến lúc ngang hàng với Lão Hỷ. Lúc gặp mặt, Lão Hỷ gọi ông là “Lão Nguyên”, ông cũng gọi Lão Hỷ là “Lão Hỷ”. Lão Nguyên cho là mình có thể bình đẳng với Lão Hỷ, nhưng Lão Hỷ lại không nghĩ như vậy. Ông ta cho rằng, gia đình Lão Nguyên trước kia chẳng qua chỉ là một hộ tá điền, sau này phất lên nhờ bán muối và buôn bán gia súc. Thế mà nhà nó dám gọi thẳng tên mình. Hỗn quá! Mặc dù ngoài mặt Lão Hỷ cũng để cho Lão Nguyên gọi thẳng tên mình, nhưng trong bụng thì rất coi thường ông ta. Một lần đang đi trên đường, Lão Hỷ gặp Lão Nguyên. Hai bên chào hỏi nhau xong, Lão Hỷ chỉ với theo Lão Nguyên nói với con trai là Lý Văn Náo:

- Ông nội lão ta vốn là một tên ăn xin!

Chỉ duy nhất có một nơi Lão Nguyên không gọi thẳng tên của Lão Hỷ. Tại đây, Lão Hỷ có thể gọi thẳng tên Lão Nguyên, nhưng Lão Nguyên lại không dám gọi thẳng tên Lão Hỷ. Nơi đó là văn phòng thôn. Kể từ khi thôn Mã trở thành một đơn vị hành chính, có văn phòng thôn hẳn hoi, chức trưởng thôn luôn thuộc về nhà Lão Hỷ. Ông nội Lão Hỷ làm trưởng thôn, bố Lão Hỷ làm trưởng thôn. Đến đời Lão Hỷ, ông ta vẫn làm trưởng thôn. Bởi trong thôn chưa bao giờ có một văn phòng tử tế, nên nhà Lão Hỷ dành hẳn chiếc sân sau để làm nơi làm việc. Treo biển “Văn phòng thôn Mã” đàng hoàng. Mọi việc trong thôn, từ giải quyết tranh chấp, thu thuế đất đến cử phu phen phục dịch... tất tật đều diễn ra ở chiếc sân này. Hễ nghe tiếng chiêng nổi lên là dân trong thôn lũ lượt kéo đến đây họp. Những khi thu thuế đất, cử phu phen phục dịch, các đời trưởng thôn họ Lý chỉ cần điểm danh sổ hộ khẩu:

- Nhà Trương Tam nộp năm đấu lương thực thuế đất!

- Nhà Lý Tứ nộp một con gia súc!

Trương Tam, Lý Tứ lập tức đứng lên trả lời: “Bẩm trưởng thôn, rõ rồi ạ!”

Đến đời Lão Hỷ vẫn họp hành như vậy, vẫn réo tên như vậy. Đọc đến tên Lão Nguyên, Lão Hỷ hô:

- Nhà Lão Nguyên nộp một thạch[1] lương thực thuế đất!

- Nhà Lão Nguyên nộp một con gia súc!

Lão Nguyên mặc dù khác những người đi họp khác ở chỗ ông là một địa chủ, nhưng điểm ông giống họ là vẫn phải nộp thuế đất, cử phu phen phục dịch như thường. Người khác đều trả lời: “Bẩm trưởng thôn, rõ rồi ạ!”, chẳng lẽ mình mình một kiểu: “Lão Hỷ, đã rõ rồi!”, thế thì bất tiện quá. Lão Nguyên đành trả lời:

- Thưa trưởng thôn, rõ rồi ạ!

Những thôn khác khi họp thôn thường bố trí cho cánh địa chủ, nhà giàu ngồi hàng trên. Ở đó đặt một chiếc ghế dài và một chén trà. Nhưng vì ngày thường Lão Nguyên toàn gọi thẳng tên Lão Hỷ, nên Lão Hỷ cố tình không làm như vậy. Không xếp ghế lên hàng trên, cũng không có trà. Lão Hỷ cố ý để Lão Nguyên ngồi chung với bọn tá điền rách rưới hôi hám, còn ông ta thì tự pha cho mình một chén trà, bưng đến ngồi ở chiếc bàn phía trước. Nhìn xuống dưới thấy Lão Nguyên ngồi lọt thỏm giữa đám người ô hợp, mặt mũi đỏ gay như gà chọi, trông rất thảm hại. Lão Hỷ nói với con trai:

- Thầy chỉ thích họp thôn. Bởi chỉ khi họp thôn, thầy mới có cảm giác thầy là Lý Lão Hỷ!

Bởi vậy, số lần họp thôn nhiều hơn trước. Việc bé bằng mắt muỗi cũng bắt họp thôn. Chẳng hạn, chuyện nộp bánh nướng cho quân đội ngang qua làng, thường thì chỉ cần giao cho nhà nào đó làm bánh là được, nhưng Lão Hỷ cứ đòi phải đánh chiêng họp thôn. Lão Nguyên rất sợ họp thôn. Bởi mỗi lần họp, ngồi giữa đám tá điền, ông lại nghĩ đến chuyện tổ tiên nhà mình trước đây cũng là tá điền. Ông nói với Điện Nguyên:

- Anh chớ coi thường cái chức trưởng thôn. Cái chức này ghê gớm lắm đấy. Mình chọc Lão Hỷ thì được, nhưng đừng dại mà dây với trưởng thôn! Nguyên do vì sao thì thầy cũng chẳng lý giải nổi!

- Thế thì lúc họp thôn, thầy đừng đi!

- Mỗi chuyện họp mà không dám đi. Làm thế chỉ tổ người ta khinh cho!

Con trai Lão Nguyên là Điện Nguyên và đứa cháu ông ta là Mao Đán vốn thích bạo lực, tính tình nóng nảy, vung roi ngựa lên nói:

- Một mình nhà nó ôm khư khư cái chức trưởng thôn đã bao năm nay, vậy mà vẫn không chịu buông ra. Thôn này đã đến lúc phải thay chủ!

Lão Nguyên nghe vậy, biến sắc, vội ngăn lại:

- Nói năng phải giữ mồm giữ miệng kẻo chuốc họa vào thân. Không nghe trong kịch người ta hát thế nào à! Các anh có thành địa chủ, người ta cũng không quan tâm, chẳng qua họ khinh. Các anh muốn thay đổi trật tự ở cái thôn này, người ta lại không ăn thịt anh luôn đấy!

Điện Nguyên và Mao Đán lúc ấy không nói năng gì. Nhưng sau này trong một lần cưỡi ngựa đi thu tô, Điện Nguyên nói:

- Thầy anh kể cũng nhát gan. Một thằng trưởng thôn quèn thì có gì là ghê gớm! Trong kịch người ta hát thế nào? Chẳng phải là giết vua thì sẽ có ngày làm vua sao? Anh em mình phải thử một phen!

Nói xong, hai anh em nhìn nhau cười, quất ngựa phóng đi.

Cơ hội quả nhiên đã đến. Dân quốc rồi. Cách mạng rồi. Nhưng phải sau khi Dân quốc 3 năm, trên huyện trên xã mới làm một cuộc cách mạng, thay cả huyện trưởng, xã trưởng. Nhưng trưởng thôn thì vẫn không thay, vẫn là Lão Hỷ, vẫn họp làng thường xuyên. Tân xã trưởng là Điền Tiểu Đông, một thanh niên mặt còn hơi sữa, vốn cũng có được mấy năm đèn sách. Quan mới nên hăng hái lắm. Ngày hôm sau đã tổ chức cuộc họp với trưởng thôn các thôn. Tại cuộc họp, anh ta giảng giải một thôi một hồi về chủ nghĩa Tam dân[2] của Tôn Trung Sơn. Nói mãi, các vị trưởng thôn rốt cuộc cũng chẳng hiểu mô tê gì. Tiểu Đông dừng lại giữa chừng hỏi:

- Các vị nghe có hiểu không?

- Hiểu rồi ạ! - Các trưởng thôn đáp.

- Chủ nghĩa Tam dân là gì?

- Là dạy dân phải biết tuân thủ phép tắc ạ!

Tiểu Đông cười, rồi giảng tiếp. Trưởng thôn các thôn khác đều nhẫn nại nghe giảng, nhưng trưởng thôn thôn Mã là Lão Hỷ lại không thể ngồi lâu hơn được nữa. Ông làm trưởng thôn đã mấy chục năm nay. Mỗi khi xã trưởng triệu tập họp đều là bàn chuyện nộp tiền, bắt lính, đã bao giờ thấy nói mấy chuyện thế này đâu? Lão Hỷ có chút coi thường vị xã trưởng mặt còn hơi sữa này. Họp được nửa chừng, ông ta lấy cớ ra ngoài vệ sinh rồi bỏ họp, cưỡi ngựa về nhà hút thuốc. Tiểu Đông biết chuyện nổi giận, cũng muốn nhân việc này cảnh cáo cấp dưới. Anh ta muốn phế chức trưởng thôn của Lão Hỷ, thay bằng một thanh niên. Tiểu Đông nói:

- Lão Hỷ tuổi đã cao, nên rút lui, để cho thanh niên làm trưởng thôn!

Tin đến tai Lão Hỷ. Ông chỉ cười khểnh, thằng nhãi này còn ngây thơ lắm. Họ Lý nhà ta ở cái làng Mã này đã có trăm năm. Thay đổi giang sơn dễ thế sao? Con trai cả ông ta là Văn Náo nói:

- Thầy, đừng để người ta phế chức của thầy thật, kẻo chẳng còn mặt mũi nào nữa. Hay ta đem biếu xã trưởng mấy bao vừng!

- Xã trưởng gì cái thằng Tiểu Đông quèn ấy, nó chẳng qua chỉ là một thằng nhãi ranh! Thầy không tin nó phế được chức của thầy. Nó phế thầy, lấy ai trong cái thôn này có thể đứng ra làm trưởng thôn? Để nó tìm xem! - Lão Hỷ cười khểnh.

Văn Náo nghĩ một lúc, mãi chẳng nghĩ ra ai có thể lên làm trưởng thôn thay bố. Lúc ấy mới yên tâm. Nhưng vẫn nói:

- Theo con, thầy vẫn nên nhường Tiểu Đông một bước!

- Đợi việc qua rồi, khi nào nó đến thôn mình, cha bắt mấy con chó nướng. Thế là xong chuyện ấy mà!

Nhưng Lão Hỷ đã lầm. Ông ta không còn cơ hội mời Tiểu Đông ăn chó nướng, bởi Tiểu Đông đã tìm được người thế vào chức trưởng thôn của ông. Đó chính là Tôn Điện Nguyên - con trai của Tôn Lão Nguyên. Trước đó, Tiểu Đông đã cho người xuống thôn thăm dò. Nếu phế chức trưởng thôn của Lão Hỷ quả là khó tìm được người thay thế. Bởi trong thôn chỉ có hai nhà địa chủ, ngoài nhà họ Lý ra, chỉ còn nhà họ Tôn. Còn lại đều là bọn tá điền khố rách áo ôm. Người của Tiểu Đông lúc đầu e nhà họ Tôn sợ đắc tội với nhà họ Lý không dám làm trưởng thôn. Nào ngờ, lúc đặt vấn đề với Điện Nguyên, anh ta chẳng những không hề sợ sệt mà còn vung roi ngựa lên ra chiều khoái chí. Nhân viên điều tra vừa ra về, Điện Nguyên đã nói với Mao Đán:

- Anh đã bảo thôn này phải đổi chủ. Bây giờ cơ hội đến rồi! Nhân viên điều tra còn lo mình không dám làm cơ đấy. Hừ, anh chẳng tin, ở cái thôn này, chỉ nhà họ Lý mới làm được trưởng thôn. Họ Tôn nhà ta cứ làm trưởng thôn xem đứa nào đụng được vào mình!

Nói xong, cả hai cùng cười, quất ngựa phi lên trên xã tìm Tiểu Đông, bảo muốn mượn cuốn “chủ nghĩa Tam dân” về để xem. Tiểu Đông hỏi:

- Hai anh biết chữ không?

- Sao lại không biết? Cả hai chúng tôi đều học ở trường tư thục!

- Thế thì hay quá. Tôi cho các anh mượn cuốn “Chủ nghĩa Tam dân”. Đọc xong, các anh sẽ biết phải làm trưởng thôn như thế nào!

Mặc dù sau này cuốn “Chủ nghĩa Tam dân” đều bị Điện Nguyên và Mao Đán chùi đít, nhưng Điện Nguyên vẫn được làm trưởng thôn. Ngày nhậm chức, Điện Nguyên quyết định dành chiếc sân mé tây làm văn phòng, rồi bảo Mao Đán dẫn Lão Phùng và Lão Đắc, sang nhà Lão Hỷ gỡ tấm biến “Văn phòng thôn Mã” về treo ở sân nhà mình.

Nghe nói con trai sắp làm trưởng thôn, Lão Nguyên giận lắm, ra sức khuyên can:

- Điện Nguyên, Mao Đán, các anh không làm được cái chức trưởng thôn này đâu. Họ Lý nhà người ta làm trưởng thôn đã trăm năm nay. Các anh chán sống hết rồi à?

- Thầy, sao thầy nhát thế! Nhà họ Lý khua chiêng họp làng để làm nhục cha. Bây giờ có người coi trọng mình, cất nhắc mình làm trưởng thôn, cha lại sợ!

- Sau này mình cũng khua chiêng để nhà nó đến họp! - Mao Đán chêm vào.

- Các anh đúng là tuổi trẻ bồng bột, ngựa non háu đá. Cái chức trưởng thôn không dễ nhằn đâu!

- Không là không thế nào? Để cháu dẫn người đến nhà Lão Lý dỡ tấm biển. Cháu thách nhà nó dám đánh rắm một cái đấy! - Mao Đán hùng hổ.

- Đúng là tuổi trẻ bồng bột, bồng bột lắm. Lỡ xảy ra việc gì đừng có đến tìm tôi. Tôi già rồi, sắp xuống lỗ đến nơi rồi! - Lão Nguyên thở dài.

Từ đó, Điện Nguyên làm trưởng thôn. Phó trưởng thôn không thay đổi, vẫn là Hắc Tiểu. Hắc Tiểu vốn là một tay buôn lừa. Lúc nhàn rỗi, cũng đi làm thuê kiếm tiền. Hắc Tiểu sở dĩ không bị thay vì Điện Nguyên thấy anh ta biết gõ chiêng triệu tập dân làng. Kể từ đó, mỗi khi trong thôn xảy ra tranh chấp, kiện tụng, Điện Nguyên đều giải quyết tại văn phòng đặt ở khoảnh sân mé Tây trong nhà. Tại đó, anh cũng cho bắc một chiếc chảo để nướng bánh. Mỗi khi kiện tụng, nguyên cáo và bị cáo đều phải nộp bột mỳ để Vĩ Ba nướng bánh. Sau khi ăn bánh xong, trưởng thôn và các vị có máu mặt trong thôn mới phân xử phái trái đúng sai. Những lúc phải thu lương, cử phu phen phục dịch, tuyển đinh, Điện Nguyên đều cho khua chiêng họp thôn. Chỉ có điều khi điểm danh để giao việc, hễ đọc đến tên Lão Hỷ là cấm bao giờ thấy người nhà ông ta có mặt. Mao Đán tức giận:

- Mẹ kiếp, ngày xưa nó họp thôn, chú mình không dám vắng mặt. Bây giờ mình tổ chức họp lại chẳng bao giờ thấy mặt mũi nó đâu. Để em dẫn vài người đến gô cổ nó lại!

- Mặc kệ lão ta. Không có lão ta, mình vẫn họp như thường! - Điện Nguyên có phần điềm đạm hơn.

Thấy Điện Nguyên lên làm trưởng thôn, cũng bắt đầu phân xử phải trái, gõ chiêng họp thôn, nhà họ Lý tức nổ đom đóm mắt. Lão Hỷ có mấy thằng con to cao lực lưỡng. Xét về khoản hung hăng, hiếu chiến, chẳng hề thua kém Điện Nguyên và Mao Đán. Con trưởng Lão Hỷ là Văn Náo nói:

- Hai cái thằng ăn xin khố rách áo ôm mà cũng đòi làm trưởng thôn! Thầy, chỉ cần thầy nói một tiếng, con sẽ dẫn vài người sang dạy cho bọn nó một bài học!

- Còn dạy với dỗ cái gì? Chức trưởng thôn nhà ta đã bị phế. Nhà người ta bây giờ đã là trưởng thôn rồi! - Lão Hỷ cười

- Nhưng nhà ta làm trưởng thôn đã trăm năm nay rồi!

- Giang sơn nhà Thanh những mấy trăm năm, chẳng phải cũng bị đại bác của ông Tôn[3] tiêu diệt sao? Nhà mình đã ăn thua gì!

- Thầy, chẳng lẽ mình chịu khoanh tay ngồi nhìn nhà nó tiếp tục làm trưởng thôn sao?

Lúc này, Lão Hỷ thôi cười:

- Cứ để hai thằng nhãi ranh vắt mũi chưa sạch này làm. Xem chúng nó làm được đến đâu! Anh còn bồng bột quá. Xử lý công việc không nên nóng nảy như vậy!

Ngày Điện Nguyên nhậm chức, Mao Đán dẫn người đến dỡ tấm biển, Văn Náo nói:

- Thầy, bọn Mao Đán đến gỡ biển!

- Chỉ là tấm biển gỗ, cho nó gỡ!

Đến lúc họp thôn, Văn Náo nói:

- Thầy, nhà nó khua chiêng họp thôn!

- Không đi! Nhà mình cấm không ai được đi họp, cho nhà nó họp một mình!

Thế là cả nhà không ai đi họp. Văn Náo nói nhỏ với mấy anh em:

- Thầy nhát quá! Thầy mà không ngăn, anh đã xé xác hai thằng họ Tôn kia ra làm hai mảnh rồi!

Kể từ đó, mấy anh em nhà họ Lý và họ Tôn mỗi lần cưỡi ngựa đi đâu chạm trán nhau là gườm gườm nhìn nhau, sau đó cùng vung roi quất ngựa, lao qua nhau sát sàn sạt. Dần dà, đến cả tá điền của hai nhà cũng không nói chuyện với nhau. Đợi anh em nhà họ Lý đi qua, Mao Đán mới chỉ với theo nói với Điện Nguyên:

- Anh xem, mấy cái thằng thảo dân này không chịu phục, cứ tưởng thôn này vẫn là thiên hạ của chúng nó!

- Được, mình sẽ rình cơ hội trị cho chúng nó một trận!

Sau đó, hai anh em lại quất ngựa phi như bay.

Cơ hội trừng trị anh em nhà họ Lý đã đến. Mùa thu năm ấy, cậu cả nhà họ Lý là Văn Náo bức tử một người. Văn Náo là kẻ hiếu sắc, đã có hai vợ, nhưng vẫn tòm tem với vợ của tá điền Triệu Tiểu Cẩu. Chuyện này lúc đầu do hai người tự nguyện. Sau mỗi lần gần gũi, Văn Náo đều tặng chị ta một chiếc bánh lạc to bằng cái chậu rửa mặt. Vợ Tiểu Cẩu rất khoái chí. Tiểu Cẩu cũng biết chuyện, nhưng vì không dám gây sự với cậu chủ, lại thấy chiếc bánh lạc to bằng cái chậu rửa mặt cũng có lúc cần đến mỗi khi dỗ con, đành giả câm giả điếc. Có lúc, anh ta cũng lấy một miếng bánh cho lên lò nướng, vừa ăn vừa nói:

- Nhiều mỡ ghê nhỉ, ướt hết cả tay!

Văn Náo và vợ Tiểu Cẩu vốn chỉ dám bậy bạ vào buổi tối. Nhưng chiều hôm ấy uống rượu say, tưởng buổi chiều là buổi tối, nên ban ngày ban mặt mà Văn Náo vẫn mò sang nhà Tiểu Cẩu tìm người tình. Thấy vợ Tiểu Cẩu đang cọ nồi trong bếp, Văn Náo chồm đến đè nghiến chị ta xuống đống rơm, rồi cuống quýt tụt quần chị ta. Vợ Tiểu Cẩu vùng vẫy:

- Ban ngày ban mặt cậu làm cái gì đấy!

Nhưng vợ Tiểu Cẩu không khỏe bằng Văn Náo. Giãy giụa một lúc thì mệt nhoài. Văn Náo vẫn đè nghiến chị ta. Chị ta chỉ còn biết giục:

- Cậu làm nhanh lên. Kẻo ban ngày có người trông thấy!

Nỗi lo sợ của vợ Tiểu Cẩu đã thành sự thật. Tiểu Cẩu không biết Văn Náo đến, nên dẫn mấy người đến hoạn lợn giúp. Chuồng lợn và bếp ở cùng một gian. Vừa bước vào trong là nhìn thấy ngay cảnh chướng mắt. Nếu chỉ có một mình, Tiểu Cẩu còn có thể kiếm cớ làm hòa, nhưng đằng sau anh còn có bao nhiêu người. Làm thế thì còn mặt mũi nào nữa. Tiểu Cẩu rống lên một tiếng:

- Con mẹ mày chứ, ban ngày ban mặt mà dám bậy bạ à!

Rồi xông đến đánh. Nhưng anh ta không dám đánh Văn Náo, chỉ đánh vợ, vừa đánh vừa chửi:

- Con đĩ, ban ngày ban mặt mà dám dẫn trai về nhà!

Văn Náo xốc quần chạy thẳng. Vợ Tiểu Cẩu vừa chịu đòn vừa giải thích không phải chị dẫn trai về nhà mà là bị cưỡng bức. Thấy hàng xóm đứng chật bên ngoài xem, vợ Tiểu Cẩu xấu hổ, chạy vào nhà cởi dây thắt lưng treo cổ tự vẫn.

Vợ chết. Tiểu Cẩu phát khùng. Mấy đứa con ở nhà khóc như ri không ai trông nom! Phải đến nhà họ Lý nói cho ra nhẽ. Đến nơi, mới biết Văn Náo đã cưỡi ngựa xuống làng thu tô từ sớm! Một tên trong đám anh em của Văn Náo là Lý Văn Võ cũng là một tay dữ dằn. Hắn vung roi ngựa quất Tiểu Cẩu một roi đuổi ra ngoài:

- Vợ mày chết, đến đây kêu khóc cái gì!

Tiểu Cẩu bị đòn đau, bèn đến Văn phòng thôn kiện. Trưởng thôn Điện Nguyên và Mao Đán nghe xong, mừng thầm. Điện Nguyên nói:

- Giỏi thật! Thanh thiên bạch nhật mà dám cưỡng hiếp đàn bà con gái, lại còn bức tử người ta, thật coi Trời bằng vung! Bây giờ là thời đại nào rồi? Bây giờ là Dân quốc! Mau gô cổ nó lại!

Rồi cử Mao Đán đi bắt Văn Náo. Lúc này Lão Nguyên mới đi từ trong ra, nói:

- Văn phòng thôn này to nhường nào mà đòi xử cả vụ án mạng? Xã có văn phòng xã, huyện có nha môn huyện. Vụ án ngoài thẩm quyền của mình thì chuyển lên trên!

- Đúng. Đúng. Tiểu Cẩu, văn phòng thôn không đủ thẩm quyền để xử vụ án mạng. Mày hãy kiện lên xã, lên huyện đi! - Nghe cha nói, Điện Nguyên mới ngớ ra.

Tiểu Cẩu vốn nghĩ trên xã trên huyện chẳng thèm quan tâm đến những việc như thế này. Bây giờ nghe nói trên xã trên huyện người ta cũng quan tâm đến việc của mình, Tiểu Cẩu bỗng thấy mình to ghê. Anh nói:

- Được, cậu không xử được thì con lên xã, lên huyện!

Tiểu Cẩu tìm lên xã, lên huyện. Xã trưởng Tiểu Đông nghe nói cậu cả nhà họ Lý cưỡng hiếp đàn bà con gái lại còn bức tử người ta thì giật mình:

- To gan thật, to gan thật!

Ngay lập tức cho người xuống điều tra. Sau khi đến thôn, nhân viên điều tra ăn cơm trưa tại văn phòng thôn. Vừa ăn bánh nướng, nhân viên điều tra vừa hỏi Điện Nguyên đầu đuôi vụ án, Mao Đán ngồi bên cạnh chêm vào:

- Thưa anh, bức tử thì mới chỉ một người. Nhưng những người chưa bị bức tử thì không biết còn bao nhiêu nữa!

Nhân viên điều tra luôn miệng thở dài:

- Thật chẳng ra sao cả! Nó định làm càn ở cái xã này chắc!

- Thế đã ăn thua gì. Nó còn không coi phép tắc ra gì sất. Gặp anh em tôi mà nó chẳng thèm nhướng mắt! - Mao Đán tiếp lời.

Nhân viên điều tra về báo cáo lại với Tiểu Đông. Tiểu Đông báo lên Phòng Tư pháp Huyện. Phòng Tư pháp cử tổ trưởng Mã và hai nhân viên xuống thôn, cầm theo sợi dây thừng, bắt trói cậu cả của Lão Hỷ giải đi thật. Nhà họ Lý phải bỏ ra một ít tiền để lo lót (trong đó bao gồm tám đấu cao lương đỏ trả cho nhà Tiểu Cẩu), nên chưa đầy hai tháng, Văn Náo lại được thả về. Nhưng kể từ đó, uy tín của nhà họ Lý bị giảm đáng kể. Trưởng thôn Điện Nguyên và Mao Đán hể hả:

- Họ nhà Lý lần này bị mình làm cho ê chề! Người nhà nó bị giải lên huyện, ấy thế mà nó cũng có dám động đến lông chân mình đâu!

Phó trưởng thôn Hắc Tiểu trước đây làm phó cho Lão Hỷ, bây giờ lại làm phó cho Điện Nguyên. Anh ta nói:

- Bẩm trưởng thôn, cái hôm Văn Náo bị gô cổ lại, con sợ quá!

- Mày không việc gì phải sợ. Nếu cứ sợ thế thì chúng ta làm sao quản lý được cái thôn này!

Kể từ đó, hai anh em nhà họ Tôn vênh váo ra mặt, nghênh ngang cưỡi ngựa phi qua làng. Có việc gì lại bảo Hắc Tiểu khua chiêng họp thôn.

Văn Náo sau khi được thả về nói với Lão Hỷ và anh em trong nhà:

- Vợ một thằng tá điền chết thì có gì là to tát. Cùng lắm nhà mình bỏ ra ít tiền là xong. Nhưng để đến cơ sự này, tất cả chỉ tại mấy thằng ranh nhà họ Tôn!

Lão Hỷ trợn mắt:

- Anh giỏi thật đấy! Ban ngày ban mặt đi chiếm đoạt vợ người ta. Tôi thấy anh bị người ta bắt cũng hay. Để anh sáng mắt ra lần sau đừng có bậy bạ!

- Kể ra thì anh con cũng có cái sai, nhưng cũng tại thằng ranh họ Tôn hống hách quá! Lúc đầu thầy bảo nhường chức trưởng thôn cho nhà nó không sao cả. Để bây giờ nhà nó báo huyện xuống bắt người nhà mình! Nhà nó thật chẳng coi nhà mình ra gì! Thầy, không thể để thằng ranh này làm trưởng thôn được. Để con tìm mấy người đến dạy cho nó một bài học! - Văn Vũ, em trai Văn Náo, xen vào.

- Thầy cũng muốn dạy cho chúng nó một bài học lắm chứ! Nhìn hai con nhái đó nhảy qua nhảy lại trước mắt mình, thầy cũng căm lắm chứ! Nhưng chưa đến lúc. Ta phải chờ cơ hội. Thầy tin, sông có khúc, người có lúc! - Lão Hỷ thở dài.

Cơ hội của Lão Hỷ cuối cùng cũng đã đến. Mùa đông năm ấy, Viên Thế Khải xưng đế, Dân quốc không còn là Dân quốc nữa. Mặc dù Viên Thế Khải làm hoàng đế chẳng bao lâu, nhưng nhân sự ở bên dưới còn thay đổi nhanh hơn cả hồi đầu Dân quốc. Loáng cái, huyện trưởng, xã trưởng đều bị thay. Chức xã trưởng lại do một thân hào trước đây là Lão Chu đảm nhận. Còn chàng thanh niên mặt còn hơi sữa Tiểu Đông phải cuốn gói ra đi. Được tin, Lão Hỷ lập tức hô người nhà bày rượu ra. Trong bữa tiệc, Lão Hỷ lại cười cười nói nói rất vui vẻ. Uống rượu xong, Lão Hỷ bảo Văn Náo và Văn Vũ ở lại, rồi hỏi Văn Náo:

- Văn Náo, hồi bị tống vào tù, bị người ta trói tay, anh có đau không?

- Đau chứ ạ!

- Trong tù có buồn không?

- Buồn chứ ạ!

- Kẻ nào tống anh vào tù?

- Thằng nhãi họ Tôn! Thầy, thầy hỏi những việc không hay ho này làm gì?

- Làm gì à? Ngày xưa chẳng phải anh lúc nào cũng đòi dạy cho thằng ranh đó một bài học hay sao? Đến lúc rồi đấy. Hãy nghĩ cách cho nó một bài học!

Văn Náo phấn khởi hẳn lên:

- Để con đi lấy roi ngựa!

- Tôi có bảo các anh đi đánh nhau đâu! Các anh đừng dại ra mặt, hãy thuê người vùng khác. Các anh đừng tiếc tiền, bảo hắn ta bí mật đánh què chân nó. Tàn phế, không đi lại được, nó sao làm được trưởng thôn? Nó không làm được trưởng thôn thì thân hào Chu trong xã sẽ lại tìm ai thay thế?

Nghe Lão Hỷ nói vậy, cả Văn Náo và Văn Vũ đều thấy cha mình cao tay:

- Thầy, con hiểu rồi, nhà mình sẽ lại được làm trưởng thôn!

- Đi mau đi!

Văn Náo và Văn Vũ đi ngay tức thì. Lão Hỷ lại nói:

- Nhớ không được đánh chết nó. Để nó sống cho nó nếm mùi đau khổ!

Văn Náo và Văn Vũ làm theo lời cha, tìm được một sát thủ người vùng khác, dặn hắn làm những điều như Lão Hỷ dặn. Giao kèo xong, Văn Náo bỗng muốn trả thù riêng, bèn nói với sát thủ:

- Mày giết chết nó đi!

Vài ngày sau, tên sát thủ khử luôn trưởng thôn Điện Nguyên tại lò gạch. Lão Hỷ nghe nói trưởng thôn bị giết chết, rất bất bình, mắng con trai:

- Tôi đã bảo anh phải để nó sống, sao lại giết nó?

Văn Náo tỉnh bơ:

- Chẳng lẽ nó không đáng tội chết sao? Riêng nó, giết hai lần cũng đáng!

Lão Hỷ chỉ tay vào thằng con trai:

- Anh là thằng ngu, không hơn không kém! Lẽ ra phải để cho nó sống! Thế có để sơ hở gì không?

Văn Vũ nói:

- Thầy, thầy cứ yên tâm, mình thuê người ở vùng khác, sơ hở thế nào được!

- Thế thì tốt, mau đưa cho thằng sát thủ 50 đồng tiền Tây, rồi bảo nó cuốn xéo thật xa! Từ nay về sau, không bao giờ được nhắc đến chuyện này nữa!

Văn Náo đi trả tiền cho tên sát thủ. Lúc gần đến nơi, Văn Náo lại nổi máu tham, cất 20 đồng vào túi áo, chỉ trả tên sát thủ 30 đồng, làm hắn rất bất mãn.

Khi xác của trưởng thôn được đặt ở chiếc sân mé Tây nhà họ Tôn, Lão Hỷ dặn đầu bếp chuẩn bị một hộp thức ăn đen rồi dẫn đầy tớ đến viếng.

Hai tháng sau khi trưởng thôn chết, Lão Hỷ bảo Văn Náo mang biếu thân hào Chu hai bao tải bông. Hai hôm sau, thân hào Chu nói:

- Trưởng thôn thôn Mã chết, chưa có người thay thế. Không thể để tình trạng này kéo dài mãi. Phải mời Lão Hỷ xuống núi lần nữa!

Thế là Lão Hỷ lại được làm trưởng thôn thôn Mã. Ngày ông nhậm chức, vốn định bảo Văn Náo dẫn người đến nhà họ Tôn gỡ biển, nào ngờ chưa kịp đi, nhà họ Tôn đã cho người mang tấm biển đến, khiến Lão Hỷ rất kinh ngạc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.