Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 5: Chương 5: Hành trình mới






Sau khi tiễn cha con nhà họ Tư rời khỏi Thiệu Hưng, Lâm Du gọi ba anh em đến, nói với bọn họ về kế hoạch tương lai.

Lâm Tử Đồng đã biết chuyện mình sẽ phải theo cha đến Bắc Bình. Nhưng về chuyện hai chị em phải theo bác cả tới Hương Cảng, Doãn Yên vô cùng sững sờ, sau đó khóc toáng lên, bày tỏ không muốn rời xa cha anh.

Qua truyện ký của Tư Ngôn Tang, Sở Vọng đã biết trước tương lai của mình. Khi nghe đến “tin dữ” này, cô không biết nên khóc hay cười nữa, thôi thì cứ theo vận mệnh sắp đặt vậy. Điều này khiến Lâm Doãn Yên đã khóc ngất phải bớt ra mười giây biểu diễn quý báu, ngay trước mặt cha anh và bác cả, chỉ thẳng vào mũi Sở Vọng hét to: “Em ba là đồ lạnh lùng, tâm địa sắt đá!”

Sở Vọng đảo mắt. Cô có thể làm gì được hả? Nếu cô có thể diễn xuất chân thật được như thế thì đã thi vào đại học Điện ảnh Bắc Kinh từ lâu rồi, chứ việc gì phải vật lộn với đám vi sinh trong phòng thí nghiệm cả ngày lẫn đêm.

Bác cả của cô cũng chế giễu: “Cậu công tử nhà họ Tư lên tàu rồi mà vẫn dặn đi dặn lại, bảo cháu ba ‘nhất định phải ngoan ngoãn chờ cậu ta về’. Giờ cháu ba vui còn chẳng kịp, làm gì còn thời gian buồn bã với cháu hai?”

Doãn Yên nghe thế thì càng òa khóc to hơn.

Sau ngày hôm ấy, tất cả mọi người trong Lâm phủ bận tới nỗi chân không chạm đất. Một số người hầu không muốn xa ông chủ và cậu cả cũng được bố trí theo bọn họ đến Bắc Bình. Còn về hai cô chủ, bà cả Lâm* đã có lời dặn, không cần dẫn theo đầy tớ người hầu đến Hương Cảng. Ở chỗ bà có đủ người, huống hồ đường sá xa xôi, đến bên kia cũng không quen thuộc, thế là bà tính tiền công rồi cho a hoàn hầu hai cô chủ nghỉ việc. Vì chuyện này mà Doãn Yên lại khóc ngất tiếp.

(*Bà cả Lâm tức bà Kiều, chị gái của Lâm Du.)

Những người quản gia già đã hầu hạ ba đời thì ở lại trông nom nhà cửa, bận rộn lên xuống gần một tháng, hầu hết những thứ cơ bản đều được chuẩn bị xong xuôi. Lần này Lâm Du và Tử Đồng đi đường thủy lên Bắc, rương hành lý chất những hai con thuyền; Còn Doãn Yên và Sở Vọng thì ít hơn bọn họ nhiều —— chỉ có hai chiếc xe hơi nhỏ đến đón các cô gái tới bến tàu Thượng Hải để gặp bác cả, sau khi chất hành lý của Doãn Yên lên xe xong, Sở Vọng nhìn: làm gì còn chỗ trống để đặt đồ của cô nữa?

Hành lý của Sở Vọng chỉ vỏn vẹn một chiếc cặp da, bên trong đựng vài bộ đồ và vật dụng hằng ngày. Tuy cô rất muốn khuyên chị là: phải biết cách lựa chọn, nếu không sẽ có ngày gặp nạn. Nhưng có vẻ chị cô mắc chứng ái vật nghiêm trọng —— mắt nhìn lom đom đống hành lý chất bừa lộn xộn của mình, không cho bất cứ ai đến gần nội trong vòng ba mét.

Sở Vọng đành chịu, đặt chiếc cặp da bé nhỏ đáng thương của mình lên băng ghế sau.

Hai chị em sẽ xuất phát trước cha anh, sau khi thu xếp ổn thỏa, bốn người bọn họ đứng giữa sân.

Trong sân có một gốc lê, lúc này đang là mùa hoa lê nở rộ. Lâm Du nhìn gốc cây cảm khái, cũng muốn để ba đứa con của mình bộc bạch nỗi lòng.

Tử Đồng nói: “Hoa lê sắp rụng, lại sắp có quả ngon để ăn rồi; đáng tiếc năm nay không được ăn lê.”

Doãn Yên ngước đôi mắt ầng ậng nhìn lên: “Nếu hoa lê của cha rụng xuống, thì sẽ là lúc Doãn Yên trở thành người lớn.”

Rồi ba người đồng loạt nhìn sang Lâm Sở Vọng.

Sở Vọng: “Ấy. Trọng trường Trái Đất là 9,81 m/s2, có thể thấy tốc độ hoa lê rụng là 0,08 m/s, rơi theo hướng Tây Nam, mật độ không khí trong mùa này khoảng 1,3 kg/m3, diện tích tiếp xúc của hướng cánh hoa thẳng đứng là 4 cm2, từ đó suy ra tốc độ gió vào lúc này là khoảng 3,6 m/s.”

Ba người cha anh chị: “…”

Sở Vọng không khỏi nhìn trời: “Đó là tốc độ của gió nhẹ không mạnh. Nên cha và anh cả sẽ thuận buồm xuôi gió.”

Cho dù là gì thì cha và anh vẫn miễn cưỡng đón nhận lời chia tay tạm biệt chẳng ra gì của cô, sau đó đưa hai chị em lên xe.

Sau khi lên xe, Lâm Doãn Yên lại bắt đầu khóc lóc. Mới đầu Lâm Sở Vọng còn có thể an ủi vài câu như “ở Hương Cảng có bãi biển”, “trên bờ có rất nhiều người ăn mặc hở hang”, “có rất nhiều người Tây”, nhưng chẳng mấy chốc cô đã ngủ say trong bản độc tấu không biết mệt của Doãn Yên.

Tới lúc tỉnh dậy mới ảo não phát hiện, cô đã bỏ lỡ phong cảnh của vùng tô giới nổi tiếng mất rồi, chỉ có thể ngắm nhìn phong cảnh ngoài bãi ghềnh ở bến tàu mà thôi. Lúc cô tỉnh lại thì Doãn Yên đã thôi khóc, thay vào đó là nhanh nhảu chào người bên ngoài cửa: “Chào bác cả ạ.”

Sở Vọng tự xách hành lý của mình xuống xe, còn hành lý của Doãn Yên thì có hai phu khuân vác thuần thục vác xuống. Đúng lúc này, một cô gái mười một mười hai tuổi đứng cạnh bác cả chợt mắng bằng chất giọng Thượng Hải: “Sao không chuyển cả nhà tới luôn đi?”

Nghe xong câu đó, Sở Vọng bất giác vui vẻ, nhìn cô gái kia với vẻ khen ngợi —— cô ấy có khuôn mặt đúng tiêu chuẩn con gái thời kỳ dân quốc: da trắng, lấm tấm tàn nhang, gương mặt hơi gồ*, chiếc sườn xám ca rô màu vàng tơ làm bật lên áo khoác màu lam phớt hồng bên ngoài, thoạt trông rất xinh xắn đáng yêu.

(*Mặt gồ là một trong những đặc điểm ngoại hình ở người châu Á, ảnh minh họa bên trái.)

Untitled

Người bác cả nghe thế thì trêu, “Nếu Doãn Yên muốn dọn cả nhà tới, vậy còn Tiết Chân Chân hai ngày trước muốn dẫn theo a hoàn người hầu phụ bếp ở dinh thự họ Tiết đến Hương Cảng thì sao hả?”

Tiết Chân Chân đỏ mặt, bất chợt phát hiện Lâm Sở Vọng tay xách cặp da đứng lẻ loi cạnh Doãn Yên. Thế là cô nàng chỉ vào Lâm Sở Vọng, “Mợ à, vì sao nó có thể dẫn theo a hoàn còn cháu thì không được?”

Sở Vọng: “…”

Bà Kiều: “… Đây là em ba nhà họ Lâm.”

Thực ra cũng không thể trách Tiết Chân Chân nhìn lầm được. Lâm Sở Vọng lúc này quá gầy, một người thiếu dinh dưỡng mặc một chiếc áo cực kỳ mộc mạc, chiếc áo dày nặng là thế mà cũng trở nên nhẹ tênh. Cô gái bé nhỏ xách một chiếc cặp đứng bơ vơ, đi theo sau lưng Lâm Doãn Yên tuy mới mười hai tuổi nhưng đã dậy thì ra dáng, không phải trông rất giống a hoàn theo hầu của cô chủ nhà giàu ư?

Bà Kiều vừa dứt lời, Tiết Chân Chân lại nhìn cô một lượt từ trên xuống dưới, cười khẽ một tiếng rồi ngoảnh mặt đi. Lâm Doãn Yên thấy cả, có điều cô ta kiêu ngạo quen rồi, tuy mình cũng không thích cô em gái này, nhưng nói như vậy cũng không khác gì làm nhà mình mất mặt. Thế là cô nàng giả vờ như không nghe thấy gì, cũng giả vờ không quen biết Lâm Sở Vọng.

Nhưng chẳng mấy chốc Sở Vọng đã quên đi sự tồn tại của người ngoài, nhìn bến tàu rộn rã trước mặt: Tàu Hà Lan, tàu Anh Quốc, tàu Nhật Bản,…; Có người đi xe điện, xe kéo hay thậm chí là xe hơi riêng của nhà mình vào bến tàu…

Bọn họ sẽ lên khoang hạng nhất trong chiếc tàu Nhật Bản. Con tàu này xuất phát từ thành phố Kobe, đi ngang qua Thượng Hải rồi đến Hương Cảng, Mã Lai, cuối cùng cập bến Singapore. Vé tàu hạng ba vốn đã rất đắt đỏ, người nhà bình thường khó mà mua nổi, chứ đừng nói gì đến vé tàu hạng nhất. Cho nên khi người hầu của bác cả trình vé tàu ra để lên tàu, cô nhanh mắt liếc sang, thấy được con số 38 đồng bạc đáng yêu.

Cùng trong bối cảnh đương đại, trên con tàu Titanic rời cảng Anh Quốc hướng về New York, nhờ có số tiền đánh bạc mà Jack mới kiếm được tấm vé hạng ba, với một người dân thành phố bình thường như anh ta thì điều đó chẳng khác gì trúng độc đắc; và cũng như chàng nghệ sĩ piano trên con tàu sang trọng Virginia vậy*, quả đúng là hình ảnh thu nhỏ của giới thượng lưu châu Âu…

(*Trong bộ phim “Huyền thoại 1900”, 1900 là tên của một anh chàng chơi piano trên con tàu lênh đênh giữa đại dương. Anh ta là đứa trẻ bị bỏ rơi trên khoang hạng A của con tàu thủy Virginia. Ở đây tác giả muốn nói, trong thời đại ấy người bình thường khó có thể đặt chân lên tàu thủy.)

Sở Vọng nhẩm tính, trước và trong thời kỳ dân quốc, một đồng bạc có thể mua được 18-20 cân gạo, tính theo giá một cân tám xu hôm nay thì 1 đồng bạc tương đương với 360 nhân dân tệ. Vậy có nghĩa, một tấm vé tàu tương đương với 13.680 nhân dân tệ… Nghĩ đến đây, cô không khỏi nhớ lại lúc mình mua vé máy bay đi du học, với cái giá đó thì có thể mua một được ghế hạng thương gia bay từ Thượng Hải đến miền đông nước Mỹ, thậm chí may mắn thì mua khoang hạng nhất cũng được.

Nên Sở Vọng đoán, hoặc là cha mình tìm được một việc khá tốt trong chính phủ mới, hoặc là người bác cả này quá hào phóng, có thể vung một số tiền lớn như thế với ba cô cháu gái của mình.

Khoang hạng nhất có lối đi riêng nên không cần phải chen chúc với các vị khách khác, cũng vì thế mà thong thả hơn rất nhiều. Hành khách khoang hạng nhất đi từ Thượng Hải không nhiều lắm, sau khi tìm được buồng của mình, bọn họ thấy những phòng khác trong khoang đều khép kín cửa, yên lặng như tờ. Có lẽ vì đi tàu trên biển chòng chành nên bây giờ người ta đang ngủ. Tuy là tàu Nhật Bản nhưng thiết kế trong khoang lại theo kiểu châu Âu cổ điển. Về mức độ tiết kiệm không gian và khéo léo hoạch định mà nói, những con tàu châu Âu khác còn lâu mới sánh bằng.

Nói tóm lại, tuy phòng nhỏ nhưng nội thất rất đầy đủ, năm người ở một buồng cũng không sợ chật. Ba gian phòng đặt sáu chiếc giường. Lâm Doãn Yên khóc lóc đòi ở chung với bác cả, nếu không ban đêm sẽ sợ. Người hầu của bác cả ở riêng một phòng, còn một phòng ba giường khác thì để Tiết Chân Chân và Lâm Sở Vọng ở.

Đợi sắp xếp hành lý xong, trên đường quay về sau khi ăn tối ở phòng ăn ăn, Lâm Doãn Yên nghe thấy tiếng nhạc waltz ở phòng khiêu vũ vọng ra, thế là bảo muốn đi xem; còn Tiết Chân Chân lại la hét đòi nhân lúc hoàng hôn ra boong tàu ngắm mặt trời lặn. Cuối cùng bác cả quyết định: đi ngắm mặt trời lặn trước, sau đó về phòng khiêu vũ xem người ta khiêu vũ.

Vừa ăn cơm xong, trên biển đang có gió lớn, đây lại là lần đầu tiên Lâm Doãn Yên đi biển nên chẳng mấy chốc cô gái đã say sóng, lập tức nôn ngay trên boong. Tiết Chân Chân thấy thế thì lại lấy chuyện “đúng là tới từ vùng quê” để chế giễu cô nàng. Một lúc sau, bác cả hứng gió to quá nên cũng cảm thấy khó chịu. Vậy là người hầu đỡ hai người bọn họ vào trong khoang.

Lúc này trên boong chỉ còn lại Tiết Chân Chân và Sở Vọng.

Gió biển thổi bay lọn tóc xoăn tự nhiên của Tiết Chân Chân, cô nàng nhìn sang Sở Vọng đứng yên, “Chị gái của em nôn tới mức không thiết tha xem dạ vũ nữa, xem ra bị say sóng thật rồi.”

Gió thổi bay chiếc áo khoác của cô gái bé nhỏ, nhìn vào không khác gì con diều giấy, như thể muốn thổi bay người ta. Đôi mắt của cô nheo lại trong cơn gió, lông mày nhíu chặt, song vẫn im lặng nhìn ra xa, không biết đang nghĩ gì.

Tiết Chân Chân thấy cô không để ý đến mình thì tức giận nói, “Người khác nói chuyện với em mà em lại thờ ơ thế hả, đúng là không biết phép tắc.”

Chợt cô bé lẩm bẩm gì đó trong miệng, thốt ra một chuỗi các con số.

Gió quá lớn, dãy số kia bị gió thổi tan. Tiết Chân Chân sửa lại tóc tai, hét lớn hỏi, “Em nói gì thế?”

Sở Vọng nhìn cô, đợi gió nhỏ đi mới nói, “Sắp có sóng to, mau vào khoang thôi.”

Tiết Chân Chân xem thường, “Đây không phải là lần đầu tiên chị đi biển, và chị chưa bị say sóng lần nào.”

Sở Vọng tính toán kích thước của lực ly tâm, cảm thấy người bình thường như mình không thể chịu đựng được, thế là không khuyên nữa mà bỏ chạy vào trong khoang. Cô vừa đi vào chưa được bao lâu thì trên tàu bắt đầu dùng tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Quảng Đông và tiếng phổ thông thông báo một lượt, nói sắp có sóng to, mời mọi người ở trên boong nhanh chóng vào khoang.

Sở Vọng vừa nằm xuống thì Tiết Chân Chân đã đen mặt đi vào, nằm trên giường cạnh cô lầm lì không nói. Một lát sau, con tàu chao đảo dữ dội, mấy thứ đồ nhẹ trong phòng đã bắt đầu lắc lư. Rương hành lý rơi xuống, như quả bowling văng đi xa, đập vào vách tường.

Tiếng nôn mửa ở phòng bên vang lên liên tiếp, ngay đến bên này cũng có thể nghe thấy rõ. Cô nghĩ trong đầu, may mà bác cả có dẫn người hầu theo, nếu không cũng không biết ai sẽ chăm sóc cho một phòng người lớn ốm yếu đây.

Có điều cô cũng chỉ vui được một lúc, vì khi quay đầu lại thì Tiết Chân Chân mặt mày tái nhợt nhìn cô van nài, “Mau đem ổng nhổ đến đây.”

Sở Vọng lập tức nhảy dựng lên, lắc chuông gọi người phục vụ trên tàu đưa ống nhổ đến, nhưng lúc phục vụ tới thì đã muộn rồi, lối đi giữa giường của Lâm Sở Vọng và Tiết Chân Chân đã gặp họa. Người phục vụ không hề đổi sắc, mau chóng gọi thêm vài người nữa đến lau nhà, thay khăn trải giường, cuối cùng đưa thuốc say sóng tới… Một lúc sau, lại có quản lý đến xin lỗi, dùng tiếng Trung bập bẹ nói, “Cơn gió này sẽ kéo dài khoảng hai giờ, chúng tôi vô cùng xin lỗi.”

Vừa nói vừa gập mình liên tục, gập tới mức Sở Vọng cũng muốn khom lưng với anh ta. Sau đó anh ta khép cửa đi ra, xem chừng là đến phòng tiếp theo xin lỗi.

Sau khi phục vụ rời đi, Sở Vọng lại nằm xuống. Dưới tác dụng lớn của ngoại lực, cách tốt nhất để giữ cơ thể được ổn định chính là giảm trọng tâm, gia tăng lực ma sát giữa cơ thể và ngoại vật (tức là gia tăng diện tích tiếp xúc giữa cơ thể và giường). Cô không muốn thể dịch trong dạ dày mình như nước trái cây, bị máy ly tâm khuấy thành bãi chất lỏng.

Một lúc sau, quả nhiên sóng to đã giảm đi, tiếng người đi lại và cười nói xôn xào ngoài hành lang cũng dần tấp nập. Cô thật sự muốn đến phòng khiêu vũ xem sao, xem trên con tàu Thượng Hải trong thời kỳ này có nhân vật nào giống nghệ sĩ chơi Piano trên biển không. Nhưng không biết vì sao mà từ khi mấy người trong buồng nằm xuống, những ngày tiếp theo lại không khá hơn chút nào, chỉ cần con tàu thoáng lắc lư là lại nôn dữ dội. Nhất là phòng bên cạnh, Lâm Doãn Yên là người nôn dữ nhất; nôn liên tục khiến căn phòng ngập mùi hôi thối, làm bà Kiều nôn nao theo.

Sở Vọng không khỏi thầm than: ngày trước mình đi máy bay đường dài suốt mười tiếng liền, ngồi trên máy bay không khác gì chùm nho hong gió —— còn mình chính là chùm nho kia. Không chỉ ngồi ê mông mà bắp chân cũng sưng lên, không khí khô hanh tới nỗi tróc da chảy máu mũi. Chính vì thế nên cô khá ghét đi máy bay đường dài.

Mà nay chỉ đi từ Thượng Hải đến Hương Cảng lại mất những bốn ngày đi tàu. Có cảm giác như vừa tỉnh dậy, phát hiện bản thân đang bị nhốt trong hộp sắt, trôi nổi giữa đại dương mênh mông, dưới mười mét dưới chân lại chính là đáy biển sâu mấy ngàn mét… Chỉ nghĩ đến thôi đã thấy sợ hãi lắm rồi.

Nếu bảo cô đi tàu đến đại lục Á Âu thì… Sở Vọng thật sự không dám tưởng tượng. Cho nên xuất ngoại du học trong thời kỳ này đâu phải là chuyện gì đáng để hâm mộ, làm một nhóm người dẫn đường, Sở Vọng không khỏi kính nể trước dũng khí của bọn họ.

Tóm lại trong mấy ngày tiếp đó, Sở Vọng nhờ phục vụ báo với phòng bếp mỗi ngày đưa tới ít đồ ăn thanh đạm, cô cũng ăn tạm. Khi những người trong phòng nôn thì cô sẽ dọn dẹp giúp phục vụ; Nếu bọn họ không nôn, cô cũng chỉ nằm dài trên giường tăng diện tích tiếp xúc, không đi ngắm phong cảnh trên biển, cũng không xuống mấy khoang dưới khảo sát cảnh tượng của du thuyền trong thời kỳ này.

Bất tri bất giác, con tàu đã chậm rãi tiến vào cảng Victoria, trong tiếng động cơ nổ của những chiếc tàu thủy, tất cả mọi người rối rít chạy lên boong, cùng vỗ tay hân hoan với bờ biển trước mặt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.