Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 100: Chương 100: Đêm (15)




Sau khi nhận được thiệp mời của bà Tư, cô không chút do dự lập tức quyết định sẽ đi. Nhưng đảo mắt cái lại quên khuấy mất chuyện này, suốt ngày vùi mình ở viện nghiên cứu tính toán. Lúc gần tới giờ, Tạ Trạch Ích gần như ‘xách’ cô lên xe. Đã đến mức đó rồi mà trên đường đi đến khách sạn Thượng Hải, cô nửa ngồi nửa tựa trên ghế phụ, đặt giấy trắng lên chân tiến hành tính toán.

Hai vị phu nhân có ý đồ tính toán thấy rõ, Tạ Trạch Ích vô cùng lo lắng cho cô. Nhưng tới khi xe sắp đến khách sạn Thượng Hải, cô lập tức ném giấy bút đi, ngồi thẳng người dậy, cầm son đỏ thoa lên cánh môi rực rỡ, mím môi lại, dùng năm ngón tay vuốt mái tóc màu hạt dẻ ra sau, búi thành vòng tròn ở sau đầu, để lộ cần cổ trắng nõn.

Xe dừng lại, cô mặc thêm chiếc áo khoác đen lên người. Khi đẩy cửa bước xuống, dáng vẻ lười biếng lôi thôi ngày thường đã biến mất, từ đầu tới chân là phong thái lẫn dáng điệu giống bà Cát bảy tám phần.

Vừa thấy cô bước xuống xe, ba người đang ngồi trên ghế trong đại sảnh khách sạn đồng loạt nhìn cô chăm chú, vô thức đứng dậy.

Có người biết bản thân có gương mặt xinh đẹp nhưng không quan tâm, có người có rất nhiều tuyệt kỹ nhưng chẳng hề khoe khoang. Bình thường không cần, không có nghĩa là không biết dùng.

Ngày trước khi còn cùng bà Cát chơi mạt chược ở biệt thự, bà Cát từng nhắc đến cô cháu gái nhà mình thế này: “Cháu nhà tôi nó không quan tâm ba chuyện vụn vặt, tính nó ấy hả, phải làm chuyện lớn cơ, nên tôi cũng tùy nó. Mấy chuyện vớ vẩn mà bảo nó cũng phải để ý thì đúng là phí cả tài.”

Tuy có hơi không biết trọng nhân tài, nhưng dao mổ trâu chưa chắc đã giết được gà.

Tạ Trạch Ích ngồi trên ghế lái, mỉm cười nhìn theo bóng lưng cô, trong chớp mắt, bao lo lắng đều tiêu tan.

***

Doãn Yên cực kỳ chú trọng vào váy vóc lẫn lớp trang điểm ngày hôm nay. Vì cô ta nghĩ bên cạnh là buổi gặp gỡ của các nhà văn, thêm mấy năm trước Trương Hận Thủy từng viết trong tiểu thuyết là thích con gái Trung Quốc mặc áo khoác màu lam giản dị. Vì để phù hợp với chiếc áo khoác màu lam giản dị này, cô ta đã mặc bên trong bộ sườn xám hoa văn thêu năm đường chỉ tơ màu xanh lá. Hai năm qua thỉnh thoảng lại rộ lên trào lưu mặc sườn xám, không còn chuộng kiểu váy dài tay, nên bộ sườn xám cô ta đang mặc dài quá đầu gối, dài hơn áo khoác lam bên ngoài một chút, để lộ màu xanh lá nạo tâm nạo phổi bên dưới màu lam. Đôi tay trần lộ ra từ tay áo rộng lớn của áo khoác, chỉ khẽ cử động là sẽ thấy được cánh tay trắng muốt.

Người khác hay nói Tư công tử thuộc “phái Uyên Ương Hồ Điệp”, vậy chắc chắn anh có đọc truyện của Trương Hận Thủy.

Cô ta rất hài lòng với kiểu ăn mặc như thế này. Có điều mặt trời vừa khuất bóng thì gió nổi, gió lạnh tới mức cô ta khiến run lẩy bẩy khi đứng bên ngoài khách sạn.

Doãn Yên ngồi trên ghế sofa trong đại sảnh, ai oán: “Sao em ba mãi chưa tới vậy? Đừng có nói là không đến đấy chứ.”

Chu thị cụp mắt, cười một tiếng.

Bà Tư nói: “Đợi một lát nữa đi. Bên trên cũng chỉ mới bắt đầu thôi, không cần phải vội.”

Cô ta nghĩ: không biết giờ Sở Vọng như thế nào nhỉ?

Trong mấy năm ở châu Âu, những cô gái thuộc tầng lớp thượng lưu Trung Quốc đều thích vây quanh cô ta, tụ tập cùng cô ta, trong đó có không ít người đến từ Thượng Hải. Lúc hỏi đến, bọn họ đều nói không nghe thấy tên của em gái cô ta trong giới thượng lưu Thượng Hải.

Cũng đã mười lăm tuổi rồi, chắc chắn dì Cát sẽ cho nó ra ngoài xã giao, nếu không thì làm gì kiếm được một nhà tốt cho nó chứ?

Nghĩ tới đây, Doãn Yên dễ dàng đúc kết một kết luận: dù có sao đi nữa thì chắc chắn không đẹp bằng cô ta rồi. Lấy lại được sự tự tin, cô ta cảm thấy không có gì phải lo.

Doãn Yên vừa nghĩ ngợi vừa ngoảnh đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, đúng lúc trông thấy một chiếc xe Dodge màu đen dừng ngoài khách sạn. Nhân viên đi ra hướng dẫn đỗ xe, từ chỗ ngồi ghế phụ có một quý cô cao thon, mặc đồ đen từ đầu tới chân bước xuống. Người ấy mặc áo khoác màu đen của Chanel mà cô ta đã nhắm từ lâu. Mỗi lần tới cửa hàng hỏi thì đều được báo là: “Bộ đồ này đã có người đặt trước, được đặt may theo kích thước của cô ấy.” Sau một hồi nghe ngóng, cô ta muốn hỏi liệu có thể may một bộ như vậy dựa theo số đo của mình không, nhưng đều bị từ chối.

Đó là bộ đồ mà Doãn Yên cô ta đã ao ước từ lâu, luôn muốn xem rốt cuộc cô gái có được chiếc áo khoác ấy là ai, không ngờ có thể trùng hợp gặp nhau ở Thượng Hải. Cô ta không kìm được ghé mắt nhìn: thì ra ở Thượng Hải này cũng có người ăn mặc sành điệu như dân Paris.

Nhìn lại lần thứ hai, cô ta thấy rõ màu son của cô gái mặc áo đen nọ: đó là sắc màu hồng tím khá đậm, tạo nên cảm giác trung hòa giữa bộ đồ màu đen và làn da trắng muốt.

Đúng là một vẻ đẹp riêng một góc trời. Thân hình cao thon ấy dần tiến về phía bọn họ, vóc dáng yểu điệu, bước chân nhẹ nhàng. Doãn Yên nghĩ bụng: Đẹp quá, từ trên xuống dưới không có lấy một tỳ vết. Lát nữa phải đến hỏi xem ở thượng Hải thì đặt mua áo khoác mùa mới nhất ở Paris như thế nào mới được; với cả son môi đang dùng là của hãng nào.

Cho tới khi thấy rõ mặt người kia, Doãn Yên thất thố đứng bật dậy!

Chu thị thấy Sở Vọng, trong lòng cũng giật mình. Nhưng sau đó lại nghĩ, dù dậy thì có đẹp tới đâu, tính khí có sắc sảo thế nào đi nữa, người phụ nữ kia bà còn không sợ thì há gì phải sợ con nhỏ này? Nghĩ đến đây, bà ta lấy lại bình tĩnh.

Giơ tay kéo Doãn Yên ngồi xuống để cô ta tỉnh táo lại, lúc này, bà lại thấy người đàn ông mặc toàn đồ đen bước ra từ ghế lái xe Dodge: chính là người họ Tạ. Trước khi ra ngoài, bà mới nghe bà Kiều tiết lộ cho biết nhà cậu ta lợi hại thế nào. Thấy hai người một trước một sau đi vào, Chu thị siết chặt ngón tay, bóp Doãn Yên đau tới mức phải hít khí lạnh.

Còn bà Tư khi thấy Sở Vọng thì hai mắt sáng lên, quan sát cô một lượt từ đầu tới chân, mỉm cười đi tới: “Cháu ba.”

Sở Vọng giật mình, nhưng ngoài miệng vẫn đáp: “Không ngờ dì Tư vẫn còn nhớ cháu.” Ngoái đầu nhìn hai người vẫn mang vẻ mặt khó tin, cô duy trì nụ cười bình thản: “Chị hai, và, bà Chu?”

Chu thị ngẩng đầu lên, “Bà Lâm.”

Sở Vọng nghe thế, âm thầm xỉ vả: Ôi chao, cũng ghê gớm nhỉ. Nhưng ngoài miệng thì chỉ đáp: “Ờ.”

Tạ Trạch Ích vừa đến gần, nghe thấy câu “ờ” ấy thì suýt nữa đã cười thành tiếng, vội cúi đầu che giấu. Ý cười còn chưa tan, ngẩng đầu lên thì thấy Chu thị đang nhìn chằm chằm vào mặt mình. Nói là quan sát, không bằng nói là theo dõi.

Anh thôi cười, hai ba bước tiến tới, đưa khăn quàng cổ bị rơi cho cô.

Lần này, ngoài Chu thị ra, ba người khác ở đại sảnh cũng đều đang nhìn anh. Anh không muốn tự giới thiệu mình, nhưng vì bà Tư đã hỏi nên anh chỉ nói ngắn gọn: “Tạ Trạch Ích.” Thấy bà Tư cứ đưa mắt nhìn mình với Sở Vọng, anh bèn bổ sung thêm một câu: “Dì Cát nhờ tôi làm tài xế cho cô ba.”

Bà Tư khách sáo nói: “Cậu Tạ có đi chung không?”

Tạ Trạch Ích nói, “Không, cám ơn bà Tư. Tôi sẽ chờ ở đây.”

Nhân viên dẫn bốn người lên lầu, Tạ Trạch Ích tìm đại một chiếc ghế trống rồi ngồi xuống, uống trà đọc báo. Dù đã được một lúc lâu nhưng anh vẫn có thể cảm nhận được ánh mắt quan sát đầy tò mò của hai mẹ con nhà kia.

***

Tầng một khách sạn Thượng Hải là một vũ trường lớn, tầng hai là nửa sân thượng, là nơi tụ tập ăn uống theo phong cách Tây; lan can đã được sửa, dù là mời ca sĩ đến hát ở tầng một hoặc buổi tối lúc mọi người khiêu vũ, thì người ở tầng hai cũng có thể đứng xem từ xa. Tuy tầng ba nói là tầng, song thật chất lại giống như một phòng ngăn được xây trong rạp hát cao tường, vừa vặn có thể chứa một bàn mấy người ăn cơm, cũng có thể kéo rèm ra vào, ở gần cửa sổ xem náo nhiệt.

Sàn khiêu vũ cũng đã được dọn dẹp, liên tục có tân khách đi vào. Ở tầng hai thì yên tĩnh hơn, hơn hai mươi người quây quần bên bàn ăn dài.

Bốn người tìm một chỗ ở tầng ba ngồi xuống, nhân viên đi tới châm trà.

Trong thời gian từ dưới lầu đi lên, Doãn Yên đã quan sát Sở Vọng rất nhiều lần, nhưng có thế nào cũng không khơi ra được bất cứ khuyết điểm gì. Bây giờ cô ta vừa âm thầm chê bai chiếc áo khoác đen ấy “có lẽ là hàng nhái”, lại muốn lấy chuyện cô và chàng sĩ quan kia để châm chọc. Nhưng vừa mở miệng thốt lên hai chữ “Anh Tạ…” thì Chu thị đã véo mạnh cô ta ở dưới gầm bàn. Doãn Yên quay sang nhìn Chu thị, Chu thị lườm mắt, ra hiệu im lặng.

Nhưng bà Tư đã nghe thấy, còn tiếp lời: “Có phải là con trai trưởng của Tạ huân tước của hiệu buôn Tốn thị không?”

Sở Vọng đáp, “Cháu không biết nhiều về tài sản của Tạ huân tước cho lắm. Anh ấy thân với cô út của cháu, được cô ấy nhờ vả nên anh Tạ mới chăm sóc cháu ở Thượng Hải.”

Vừa rồi đã quan sát một lượt, nên dĩ nhiên bà Tư nhận ra Sở Vọng không có ý gì khác với Tạ Trạch Ích, có thể gọi là nước chảy vô tình. Bà gật đầu tỏ vẻ đã hiểu, lúc này mới nói lại với mẹ con Chu thị: “Hồi trước ở Nhật Bản tôi có nghe nói, ở Hương Cảng có một người là Tạ huân tước giàu tới nỗi địch được cả nước, cũng không biết là thật hay giả.”

Doãn Yên nghiêng người tới trước, lấy làm tò mò. Chu thị cụp mắt uống trà, mặt không biểu cảm.

Bà Tư cười đùa: “Người ngoài bảo, ‘Có thì có, chẳng qua là không biết địch nước nào’.”

Chu thị cười khan hai tiếng: “Chẳng qua là thứ gian thương chỉ biết kiếm lời.”

Bà Tư thở dài: “Nhưng kiếm lời đến nỗi một đại đế quốc khâm phục, còn phong tước cho ông ấy thì cũng nể. Đây không phải là chuyện người bình thường có thể làm được.”

Chu thị tái mặt, nhưng vẫn cố giữ nụ cười. Rồi bà ta dùng tiếng Nhật tán gẫu những chuyện chỉ có người từng sống ở Nhật mới hiểu được, nhờ đó mới có thể khiến bầu không khí hài hòa trở lại.

Nghe thấy dưới lầu có động tĩnh, Sở Vọng vén rèm nhìn xuống. Tiếng động ngày càng ồn ào, Doãn Yên nhìn ngó một hồi, cũng ngồi không yên, đến gần chỗ cô nhìn xuống. Bên dưới lúc nhúc toàn là đầu người, Doãn Yên vừa nhìn đã trông thấy một bóng người tuấn tú cao ráo, không khỏi thốt lên: “Anh… anh Ngôn Tang?”

Nhưng điều khiến Sở Vọng rung động hơn là những nhân vật xuất hiện phần lớn trong sách Ngữ Văn trong thời kỳ trung học của cô, cũng là cơn ác mộng chi phối những năm trung học ấy – nhóm “bắt buộc phải đọc to và học thuộc lòng”*.

(*Ý chỉ những tác giả nổi tiếng có các tác phẩm trong sách Ngữ Văn mà học sinh phải học thuộc.)

Doãn Yên chau mày: “Hồi ở Anh, chị có biết vài người trong số họ. Không phải ngày trước bọn họ nói không thích anh Ngôn Tang à, vì sao lần này lại mời một mình anh ấy đến, rốt cuộc là có ý gì?”

Bà Tư thở dài, “Biết con đường này không suôn sẻ, thế mà thằng bé vẫn cứ muốn đâm đầu vào… Cũng vì chuyện này nên ông nhà tôi nổi giận không ít lần. Biết chị em hai cháu là thanh mai trúc mã với nó, nên lần này gọi hai cháu đến để xem nó bị mọi người bêu xấu thế nào, có gì khuyên nó đôi câu, để nó biết ‘con đường này không suôn sẻ’, sau này không dính vào nữa.”

Chu thị lại không hiểu bà Tư có ý gì.

Hai cô gái trẻ đứng bên cửa sổ, bà Tư và bà cũng nhìn một hồi. Không so không biết, nhưng một khi đã so thì đến chính Chu thị cảm thấy, gu thẩm mỹ của con gái mình còn không bằng đứa kia.

“Mặc sai đồ rồi.”

Chu thi quy mọi thiếu sót về lỗi ăn mặc: “Đáng nhẽ hôm nay đừng có tỏ vẻ tinh tướng ăn mặc theo phong cách học sinh như thế, so sánh với chiếc áo khoác đen kia, thật sự chỉ như một đứa con nít trung học không có ì nổi bật.”

Có điều bà ta đã quên một chuyện: con gái bà ta vẫn là học sinh trung học.

Nhưng Chu thị biết con gái bà ta rất có tài văn chương. Người có bản lĩnh ấy mà, một khi có cơ hội thì chắc chắn sẽ sử dụng, bà chỉ sợ đến lúc đó Doãn Yên lại mất kiên nhẫn, đi lên nói đỡ cho cậu ta, hai đứa bị đám văn nhân chế giễu không nói, chỉ sợ xấu hổ mất mặt. Vì thế nên trước khi đến đây, bà không ngừng dặn dò Doãn Yên:”Dù tới lúc ấy người ngoài có châm chọc cậu Tư thế nào, dù con có thể biện bạch cho cậu ta thế nào đi nữa, thì chỉ cần ngồi bên cạnh bà Tư nói giúp cậu ta mấy câu là được; chớ đến trước mặt đám nhà văn thi sĩ kia nói nhiều làm gì.”

Mấy người dưới lầu lại chen đến tìm kiếm, Sở Vọng đứng bên cửa sổ lắng nghe một hồi, cũng nhận ra ai là tác giả văn học nào trong sách Ngữ văn.

Mà trên thực tế, bữa tiệc lần này vô cùng nổi tiếng, nổi tiếng đến mức có thể đi vào bài thi cấp ba ở thế kỷ 21. Đây là một lần hiếm hoi mà hai phái Ngữ Ti, Tân Nguyệt nhiều năm viết văn khẩu chiến tạm ngừng đình chiến. Thoạt nhìn là tập thể hoan nghênh tài tử về nước, nhưng thực chất là hợp lực nhắm vào người đại diện giới văn hóa từng sinh sống ở nước ngoài, có suy nghĩ chủ nghĩa tự do của phương Tây.

Bởi một lẽ, trong nhóm bọn họ có rất nhiều quan hệ cá nhân, biết rất rõ “chuyện ngoại tình” “tình tay ba” “lăng nhăng” “vứt bỏ vợ cũ” của bạn bè của nhau, cũng bởi vì bản thân không tránh được liên quan, cho nên trong lúc bao che bạn bè thì cũng giơ cao dù bảo vệ mình. Mà Thư Tình Châu Âu ra đời lại cực kỳ nổi tiếng, đã đâm thẳng vào thần kinh nhạy cảm của đám nhà văn thi sĩ nhìn bề ngoài thanh cao trong sạch, nhưng trong thâm tâm lại lăng nhăng nguội lạnh.

Bọn họ muốn tác giả của truyện Thư Tình Châu Âu phải giải thích, muốn bắt anh cúi đầu xin lỗi. Thậm chí còn tới nỗi phải đem thân ra thí nghiệm, bày tỏ ý muốn giao du với bọn họ, đến lúc ấy mới chịu mở miệng vàng tiếp nạp anh vào “văn đàn Trung Quốc”.

Sở vọng tiếp tục nhìn. Lấy ngài Chu và ngài Từ* làm đầu têu, bọn họ liên tục mắng Thư Tình Châu Âu thiếu lối “hài hước Trung Hoa”, nói anh bông đùa kiểu Tây quá “nghiệt ngã”, vì vậy mà không đủ sự “nhã trí” theo phong cách Trung Hoa. Ngôn Tang chỉ cười nhạt phản bác: “Trong văn của tôi không hề có chữ nào liên quan đến ‘hài hước’ cả. Tôi không thích hài hước, tôi chỉ thích nghiệt ngã.”

(*Có thể là Chu Tác Nhân – người sáng lập phái Ngữ Ti và Từ Chí Ma – người sáng lập phái Tân Nguyệt.)

Anh vừa dứt lời, rất nhiều người ngồi đó rối rít vỗ tay, ví dụ như ngài Thẩm bạn của ngài Từ, mới đầu còn trích dẫn cả kinh điển chỉ trích anh đang trong lúc nội loạn ngoại nhục thì chỉ biết say sưa “văn học tầm thường”, “văn học giải trí”. Ngôn Tang vẫn bình tĩnh cười đáp: “Vậy chắc chắn ngài Thẩm đây chưa đọc tác phẩm tôi viết hồi năm mười lăm tuổi rồi.”

Anh vừa dứt lời, một ngài Trương khác đột nhiên ném ly trà đi, bắt đầu công kích Ngôn Tang, nói anh “hèn mọn, thiển cận, vô vị” lại “không có khí khái dân tộc, là đồ dị đoan bị chủ nghĩa tư bản đồng hóa”, “không xứng đứng trên đất Trung”. Không đợi Ngôn Tang trả lời, ngài Úc đã dứt khoát mở miệng mắng to, dùng những từ ngữ thô bỉ hệt như dân miền núi, không hề có hình tượng của một “văn nhân nhã sĩ”. Úc tiên sinh thành công thu hút ánh mắt của mọi người trong khách sạn, cũng khiến cánh phụ nữ phải xấu hổ.

Một trong những người chiến thắng cuộc luận chiến này năm đó là ngài Chu, trong tuyển tập văn học của ông ta có ghi chép về cuộc tranh luận lần này như sau: “Đến dự tiệc tối ở khách sạn Thượng Hải, trong số đó có Từ, Chu, Thẩm, Trương,… Trong bữa tiệc, mọi người châm biếm trách mắng Tư, đôi bên tranh chấp, thấy rõ kẻ bỉ.” Một chữ “bỉ” này được cho là mắng Tư Ngôn Tang là “người bỉ ổi”. Một bài viết trắng đen điên đảo không ra gì này lại thành công đi vào sách sử, trở thành một trong những giai đoạn nổi tiếng xấu xí hóa Tư Ngôn Tang.

Doãn Yên tức tới mức mặt thoắt đen thoắt trắng, tay siết chặt nắm đấm, mấy lần nghe thấy những từ ngữ thô tục và bác bỏ không phân biệt phải trái kia, cô ta lại đấm xuống lan can.

Chu thị thấy con gái có vẻ không nhịn nổi, lớn tiếng gọi: “Doãn Yên!” Thấy mình thất thố, bà ta cười nói: “Nếu khát thì lại đây uống trà đi đã.”

Cả bà Tư lẫn Sở Vọng đều vô cùng bình tĩnh. Bà Tư thì không cần phải nói, còn Sở Vọng thì đã sớm “học thuộc lòng” rồi, thậm chí còn phải làm rất nhiều bài đọc hiểu liên quan đến cuộc tranh luận lần này, nên dĩ nhiên càng không cần nói. Nghiêng đầu lắng nghe ngài Chu nói một hồi, lúc này cô mới đứng lên, mỉm cười nói với bà Tư: “Để cháu đi nói đỡ cho anh ấy.”

Bà Tư cũng chẳng ngăn cản. Cả Chu thị lẫn Doãn Yên đều bị dọa không nhẹ, nhưng ngay sau đó lại mỉm cười, lấy thái độ chờ xem cô bị cười nhạo, càng chăm chú theo dõi cuộc tranh luận bên dưới.

Sở Vọng vén rèm đỏ lên, từ lan can tầng ba đi thẳng xuống chỗ đám đông.

Lúc này ngài Chu đang nói: “Loại tác giả văn học đại chúng như các cậu, vô tổ chức vô cương lĩnh; chỉ biết vui chơi giải trí, chỉ biết chạy theo thị hiếu người dân; không biết quốc gia đang lâm nguy, dân chúng đang lầm than… Nếu cậu nói là muốn kiếm tiền, thì tiểu thuyết của tôi còn bán chạy hơn của cậu… Kìa cô gái, cô là?”

Ngôn Tang đang cau mày nghe ông ta nói xằng bậy, nhưng vừa thấy Sở Vọng thì chân mày giãn ra, hai mắt sáng lên, hét: “Sở Vọng, sao em lại đến đây!”

Cô mỉm cười với anh. Trong tiếng châm biếm của cánh đàn ông, cô nghiêng đầu nói với ngài Chu: “Ông Chu, vì để mừng ngày sinh nhật của mẹ ông, ông đã mua hai bộ gồm hai mươi bốn cuốn tiểu thuyết từ nhà in Thế Giới rồi gửi chúng về quê cho mẹ. Xin hỏi tác giả bộ tiểu thuyết ấy là ai?”

Ngài Chu giật mình, không ngờ đơn đặt hàng tư nhân của mình lại bị người ta biết được, “Làm, làm sao cô biết!”

“Bộ sách mà ông Chu đã mua, chính là Thư Tình Châu Âu và Mê Hồn Du ký do anh Tư sáng tác.” Cô chẳng hề nể mặt, cười nói: “Mẹ không đọc danh tác nhiều-vô-số-kể của con trai, thế mà lại thích tác phẩm của anh Tư Ngôn Tang – người không lọt nổi vào mắt của con trai mình.”

Ngài Chu hừ lạnh: “Phụ nữ phong kiến có khuynh hướng thích mấy thứ tiêu khiển vô giá trị lại dễ hiểu, dù là mẹ tôi thì cũng khó tránh khỏi theo số đông.”

Cô lại nói: “Vậy ông có từng nghĩ đến, mẹ ruột ông bảo ông mua sách cho bà ấy, thực chất là muốn dùng sức lực ít ỏi của mình để con trai biết ở quê còn có một người vợ chưa cưới ‘chết cũng phải là ma nhà họ Chu’ bị ông làm trễ nãi cuộc đời không!”

Ngài Chu tái mặt, còn chưa kịp mở miệng thì ngài Từ đã bị kích thích, “Hàm hồ!” Ngài Trương còn tức giận hơn: “Hôn nhân kiểu cũ chỉ là hủ tục, phải sớm ngày bài trừ mới đúng!”

Sở Vọng nhìn hai người trước mặt, cười nói: “Qua miệng ngài Từ, mấy câu như ‘nơi Thanh Đảo nghe thấy tiếng thơm’, ‘phong nhã tài hoa’ của ngài Trương đây lại biến thành ‘cuộc hội ngộ động lòng’. Tới khi đọc Thư Tình Châu Âu thì có phản ứng quá khích như vậy, hèn gì hèn gì.”

Thấy cô khích bác ngài Từ, ngài Thẩm không vui: “Cô là ai? Còn nhỏ mà muốn làm mẹ đỡ đầu thứ hai hả?”

“Mẹ đỡ đầu dám mắng ngài Từ đây ngoại tình, tư tưởng vợ người khác, còn anh!” Sở Vọng cười nói: “Ha! Được lắm. Đúng là màn kịch bao che xuất sắc. Chẳng trách hôm nay các anh lại mời anh Tư tới đây, thì ra vốn là cùng một giuộc.”

Ngài Chu nói: “Đây là tiệc của Ngữ Ti và Tân Nguyệt chúng tôi, từng câu từng chữ đều sẽ được ghi lại. Một đứa con gái vô danh tiểu tốt như cô đừng có phá đám.”

Sở Vọng càng cười tươi hơn: “Ngài Chu đã nghĩ xong sẽ viết như thế nào chưa? ‘Trong bữa tiệc, mọi người châm biếm trách mắng Tư, đôi bên tranh chấp, thấy rõ kẻ bỉ’. Có phải thế không?”

Ngài Úc dùng tiếng Anh gọi nhân viên đến: “Có thể mời người này ra ngoài được không hả?!”

Nhân viên vừa đi đến thì Tư Ngôn Tang cười nói: “Đây là vợ chưa cưới của tôi, xin đừng đuổi cô ấy đi.”

Đương lúc nhân viên khó xử không biết làm sao thì Ngôn Tang đã đứng dậy, nhường chỗ của mình cho cô.

Sở Vọng thở phào, nói tiếp: “Các ngài mời anh Tư đến tham dự tiệc là có ý gì? Giải mối hận trong lòng? Hay hoan nghênh anh ấy về nước?”

Thẩm tiên sinh nói: “Đương nhiên là để cậu ta biết giới văn nhân trong nước hiện nay như thế nào.”

Sở Vọng nói: “Giải Nobel Cambridge còn đánh giá anh là ‘người rất cầu thị, không xấu hổ vì chân tướng; là người tuyệt vời lại nghiêm túc, đưa ra lời đánh giá rất chính xác trong giới du học Trung Quốc hiện nay, là tác phẩm về Trung Quốc mà đến tận bây giờ tôi thấy chân thật nhất, đầy đủ nhất, quan trọng nhất’. Trong số các anh đã có ai từng được nhận giải thưởng Nobel chưa, có tư cách gì để chỉ trích anh ấy không?”

Ngài Từ nói: “Cậu ta học địa chất, giữa chừng mới đổi ngành, không xuất thân từ khoa Trung Văn.”

Sở Vọng hỏi ngược lại: “Ngài Từ, không phải ông cũng xuất thân từ ngành Luật sao. Nói tôi nghe xem, anh và ông ấy ai viết văn hay hơn?”

Sở Vọng cố gắng: “Nếu các ngài muốn nói ‘anh ấy không có cống hiến gì cho nền văn học Trung Quốc đương đại’, vậy xin hỏi, Ngữ Ti và Tân Nguyệt tranh luận nhiều năm như thế, rốt cuộc là vì điều gì mà lần này mọi người lại có mặt đông đủ ở đây, cùng ‘hòa thuận’ uống trà ăn cơm?”

Ngài Trương đang định nói những lời đó thì đã bị cô chặn họng, trong một thoáng, trên bàn cơm lặng như tờ.

“Truyện Thư Tình Châu Âu không phải là văn học nghệ thuật sao? Vậy văn học nghệ thuật là gì?”

Ngài Úc cười giễu: “Không ngờ anh Tư lại rảnh rỗi quan tâm cả tình sử văn nhân như chúng tôi, thực đúng là ‘vui cảnh lầu son mê múa hát, ngựa thì chết mập, đứt cung tên’, là ‘đem bả danh lợi hảo, đổi cuộc say cạn chén’, hay là ‘con hát biết chi hờn mất nước’…”*

(*Theo thứ tự: trích trong bài Quan san nguyệt của Lục Du, bản dịch của Lâm Trung Phú. Trích bài Hạc xung thiên của Liễu Vĩnh. Trích bài Bạc tần hoài của Đỗ Mục, bản dịch của Khương Hữu Dụng.)

“Các anh luôn mồm đòi “fair play”, nhưng rồi “fair play” thế đó hả?” Sở Vọng cười lạnh, kéo tay Ngôn Tang rời đi, vừa đi vừa nói, “Anh Tư, anh có tài năng xuất chúng của mình, không cần phải tự hạ giá trị bản thân, tụ tập với bọn họ làm gì.”

Ngài Trương nói: “Văn đàn Trung Quốc có thêm cậu ta cũng không nhiều lên, mà bớt cậu ta cũng không ít đi.”

Sở Vọng nghe thế, ngoái đầu nói: “Ông nhớ kỹ những lời này cho tôi! Năm mươi năm, không… Mười năm sau, tôi hỏi lại ông, văn đàn Trung Quốc thiếu anh ấy thì có còn không thiếu không, nhiều thêm ông thì có phải là quá dư thừa không!”

***

Cô kéo Ngôn Tang chạy một mạch xuống lầu, đến bên gần sàn khiêu vũ thì mới buông tay ra, há miệng thở dốc.

Ngôn Tang bị cô kéo chạy một đường, đến một câu cũng không nói gì, chỉ mỉm cười nhìn cô chăm chú. Thấy cô mệt, anh giơ tay muốn giúp cô thuận khí thì lại bị cô tránh đi.

Một lúc sau, Sở Vọng nói: “Anh Tư… Anh thật sự không cần phải cúi đầu với bọn họ. Bây giờ đừng làm thế, sau này cũng không cần.”

Anh nửa hiểu nửa không gật đầu, cười nói, “Được.”

Nghĩ một lúc rồi cô nói tiếp: “Đừng tin bọn họ nói bậy bạ gì mà ‘thổ địa nước ngoài không sinh ra được nhà văn Trung Quốc’. Anh đừng vì thế mà gật bừa, nếu bọn họ không tha cho anh thì anh đến nơi khác chấp nhận mình là được.”

Ý cười in đậm trong đáy mắt lẫn chân mày của Ngôn Tang: “Vậy em có đi cùng anh không?”

Cô im lặng.

May mắn là lần này bà Tư nghe thấy tiếng động nên cũng đi xuống, theo sau còn có Chu thị và Doãn Yên. Ngôn Tang thấy thế, không vui hỏi: “Vì sao… Lần nào cũng nhiều người kéo đến vậy?”

Cô đứng cạnh anh: “Dì Tư quan tâm anh mà.”

Sau đó quay sang lễ pháp nói với bà Tư: “Dì Tư tốt bụng mời cháu đến đây, nhưng cháu lại gây ra họa lớn. Là cháu đã lỗ mãng, vô cùng xin lỗi.”

Bà Tư cười nói: “Không sao, cháu nói hay lắm.” Rồi bà quay người đi ra ngoài, nói, “Ngôn Tang, cha và em trai con vẫn đang chờ con ở nhà.”

Ngôn Tang xoay sang hỏi Sở Vọng, cô cau mày lắc đầu, tỏ ý anh nên đi với mẹ.

Đúng lúc này, anh lại thấy Tạ Trạch Ích ở đằng xa đang tiến đến gần, càng không chịu đi.

Sở Vọng ngoái đầu nhìn lại theo ánh mắt anh, nhanh chóng chào tạm biệt anh. Sau đó bước nhanh đến bên cạnh Tạ Trạch Ích, đi thẳng ra khỏi khách sạn.

Tạ Trạch Ích nói: “Đau lòng à?”

Cô cười khổ, “Có chút chút.”

Tạ Trạch Ích nói: “Những lời em nói bảo vệ cậu ta lúc nãy, nói hay lắm.”

Sở Vọng hỏi: “Anh nghe thấy hả?”

“Ừ. Hôm nay ở khách sạn Thượng Hải, e là không ai không nghe thấy.”

“Có lẽ đó là đỉnh điểm trong đời em.”

“Đỉnh điểm một lòng bảo vệ người nào?”

Cô thở dài, cười nói: “Đỉnh điểm dày công tu dưỡng văn học.”

“Ồ.”

Sở Vọng nhấc chân đá anh: “Ồ cái gì mà ồ?”

Tuy Tạ Trạch Ích né được cú đá nhưng lại thở dài một tiếng.

Sở Vọng không chú ý, chỉ ngẩng đầu nghĩ: bà Tư muốn anh tìm một người vợ có thể khuyên anh biết điều nhượng bộ. Nhưng hôm nay cô lại tới giúp anh đại náo gây lớn chuyện. Con dâu nhà họ Tư chắc chắn không đến lượt cô rồi.

Nhưng nếu không tới, bảo anh phải dập đầu nhận sai, bỏ mặc tiền đồ vì một đám văn nhân chuyên lăng nhăng trác táng kia ư?

Cô không làm được.

***

Sau khi lên xe, Doãn Yên vui mừng hỏi Chu thị: “Mẹ, em ba hôm nay… đã lỗ mãng làm sai rồi đúng không?”

Chu thị đang nhớ lại “nhà họ Tạ” mà người ta nhắc đến, cùng với biểu cảm không che giấu của Tạ Trạch Ích khi nhìn chằm chằm cô bé, có chút nửa buồn nửa vui.

Có lẽ… cứ gả nó cho cậu Tư, phải chăng còn tốt hơn?

__

*Qin: Về tên phái, mấy chương trước mình để là Trăng Non, nhưng như thế không đồng nhất với tên phái Ngữ Ti là Hán Việt nên từ nay về sau mình để là Tân Nguyệt. Mong các bạn thông cảm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.