From Hanoi

Chương 9: Chương 9: Chương 2




Sáng thứ bảy, tôi thức dậy từ lúc năm giờ rưỡi sáng, lòng dạ xốn xang khi nghĩ đến cuộc hẹn với Lan nên cả đêm qua tôi không thể ngủ thật sâu giấc được.

Dậy sớm thì có nhiều thời gian chăm chút ngoại hình hơn, sau khi dọn dẹp qua loa tầng một và mở cửa tiễn vài vị khách về, tôi tranh thủ đi tắm rửa cạo râu ria, sau đó đi úp mì ăn liền ăn, cuối cùng là dành nửa giờ đồng hồ để lựa ra bộ quần áo đem lại cho mình cảm giác tự tin nhất.

Buổi sáng nay theo lịch thì Cường trực thay nên tôi không có nhiều việc để làm, hơn nữa mặc đẹp vào rồi cũng ngại lao động, vì thế sau một hồi suy nghĩ tôi quyết định đi ra quán trà đá ở hồ chùa Láng ngồi uống nước giết thời gian. Lúc ấy mới gần bảy giờ rưỡi sáng.

Ngồi nói chuyện với chủ quán một lúc tôi chợt nhớ ra mình vẫn chưa xin được số của Lan, chẳng may hôm nay cô học xong sớm thì sao, có thể lúc ấy cô thấy ngại vào quán báo lại cho tôi nên sẽ về trước, nghĩ đến những khả năng ấy tôi vội đứng dậy trả tiền nước rồi đi ra điểm đón xe, tôi không muốn bỏ lỡ cuộc hẹn quan trọng này, cả hai lần trước chúng tôi chỉ gặp nhau được một chốc một lát thì đã phải chia tay rồi.

Sự chờ đợi không làm cho tôi thấy phiền hà chút nào, chỉ có đôi chân là hơi mỏi một chút, nhưng rồi, đến chín giờ hơn khi Lan xuất hiện thì tôi lại phục hồi hoàn toàn sức lực, bây giờ tôi có thể chạy việt dã thêm cả chục cây số nữa cũng không hề hấn gì.

Sáng nay Lan mặc áo thun quần bò nhìn rất trẻ trung năng động, chiếc áo thun cổ tròn tay ngắn ôm dáng rất đẹp, trên áo còn in hình một chiếc xe đạp cổ nhìn khá lạ mắt. Cô rất tươi tỉnh và chào hỏi tôi rất niềm nở.

Đứng chờ thêm vài phút nữa thì xe buýt 09 đến, tôi và cô cùng nhanh chóng lên xe.

Xe buýt 09 này tôi mới đi được hai lần, vì đây không phải tuyến buýt tiện đường đi học của tôi, còn Lan thì tỏ ra rất quen thuộc với tuyến xe này, cô chọn ngay hàng ghế ngay trên cửa sau của xe, cô nói đấy là chỗ ngồi ưa thích nhất của mình, cô ngồi bên trong sát cửa sổ còn tôi thì ngồi ngoài.

Lan có một thói quen khi lên xe, hôm ấy tôi nhìn thấy lần đầu nhưng sau này luôn thấy nó lặp lại mỗi khi cô vừa ngồi ấm chỗ, đó là việc buộc lại tóc, tôi không bao giờ hỏi lý do vì thấy câu hỏi ấy hơi vô duyên, nhưng tôi thích nhìn việc ấy, những động tác tay của cô lúc ấy rất khéo léo và mềm mại, giống như các bé gái khi chơi búp bê vậy, mọi thứ được thực hiện một cách nhẹ nhàng, cẩn thận và hướng đến sự hoàn mỹ.

“Cậu cũng có vẻ thích đi xe buýt?!” Tôi hỏi khi cô đã xong việc.

“Thật ra…” Lan nói, tay phải vẫn ướm ướm lên tóc xem đã đẹp hẳn chưa. “Tớ chỉ thích đi xe buýt 09 cậu ạ, tớ không thích sự xô bồ, những tuyến xe khác cậu biết đấy, đông không thở nổi. Chỉ có tuyến này không đông khách lắm, vì hướng lên bờ hồ của nó không tiện cho sinh viên đi học, mà tớ toàn đi cuối tuần nên càng ít người hơn.”

“Đi xe buýt cũng vui.” Cô nói tiếp. “Bình thường không có ai nói chuyện tớ toàn đeo tai nghe, vừa thư thả nghe nhạc vừa nhìn ngắm phố phường, hôm nào có tâm sự thì không ngắm phố xá mà ngồi suy tư nhiều chuyện, nói chung tớ thấy thời gian trên xe buýt cũng rất thi vị, giá trị ngang bằng một cuộc café ấy.”

“Cậu nói hay thế. Hôm nay cậu dẫn đi tớ mới biết đấy, thường tớ toàn đi xe buýt đông nghẹt người nên không cảm nhận được việc ấy.”

“Vậy à!? Thế tí nữa khi lên hồ Gươm tớ sẽ chia sẻ thêm với cậu những cảm nhận của tớ về nơi ấy để bọn mình có thể hiểu nhau hơn.”

“Tớ rất chờ đợi ấy.” Tôi nói. “Nhưng tớ hơi thắc mắc là sao cậu lại gõ mấy ngón tay lên thành ghế trước thế kia? Cậu muốn kiểm tra xem ghế cứng không à?”

Lan hơi giật mình khi thói quen đã trở thành phản xạ của cô bị tôi để ý, cô ậm ờ một lúc rồi giải thích cho tôi biết là hồi bé cô có học piano, cũng chơi được vài bài đơn giản, nhưng sau đó vì nhiều lý do nên bỏ ngang, không hiểu vì sao giờ lên xe, mỗi khi có tâm sự hay trong lòng không yên là cô lại gõ ngón tay mô phỏng việc đánh piano, việc đó đã trở thành một cách giải tỏa cảm xúc rất riêng của Lan.

Để đỡ xấu hổ Lan bèn chuyển qua đề tài thần tượng. Lan hỏi tôi có lây bệnh thần tượng của Trang không, tôi nói có, nhưng thần tượng của tôi là người Việt, đó là cố ca sĩ Ngọc Lan, cô sinh năm 1956, quê ở Nha Trang, cô ở đỉnh cao sự nghiệp vào thập niên 80 khi chúng tôi mới ra đời, chỉ tiếc là hồng nhan bạc mệnh, bông hoa hương sắc vẹn toàn ấy phải tàn phai quá sớm, cô mất khi mới ngoài bốn mươi tuổi vì bệnh hiểm nghèo.

“Vậy là tớ cùng tên với thần tượng của cậu à?” Lan tủm tỉm.

Không chỉ giống cái tên đâu, cậu nhẹ nhàng, sang trọng và quý phái y như thần tượng của tớ nữa ấy, tôi định nói thế nhưng thấy giống nịnh đầm quá nên thôi.

Lan nói cô có nghe nói về thần tượng của tôi vài lần trước đây nhưng không biết cụ thể lắm, bởi vì thời cô ở đỉnh cao sự nghiệp chúng tôi còn bé tí và khi còn sống cô cũng nổi tiếng ở hải ngoại nhiều hơn ở trong nước.

Một lúc sau thì xe lên đến bờ hồ, vừa xuống xe Lan đã đưa ra một lời đề nghị, cô muốn rủ tôi đi bộ một vòng xung quanh hồ với cô, cô nói đó là thói quen của cô mỗi khi lên đây chơi. Lâu rồi tôi không tập thể dục nhưng chỉ đi bộ một vòng quanh hồ này thì tôi hoàn toàn làm được.

Đối với Lan hồ Gươm hình như là một nguồn cảm hứng sống gì đó rất đặc biệt, tôi thấy cô trở nên phấn khởi và sôi nổi gấp đôi bình thường. “Cậu có điều gì chưa biết về nơi này không, tớ sẽ làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho cậu!” Cô nói. “Hồi cấp ba ấy, bọn tớ hay lên đây bắt chuyện với mấy vị khách Tây và giới thiệu du lịch miễn phí cho họ, thật ra mục đích chính của bọn tớ là để học nói tiếng Anh tốt hơn.”

Tôi có đi ngang qua đây một vài lần nhưng chưa hiểu rõ nơi này lắm, cũng chỉ biết mỗi một câu chuyện đã trở thành huyền thoại, đó là vua Lê Thái Tổ, sau khi kiên cường đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước, ông đã trả thanh gươm thiên mệnh cho rùa thần ở hồ này, đến nay nhiều người vẫn tin rằng hậu duệ của rùa thần vẫn ở đâu đó dưới hồ và đang trầm ngâm chứng kiến những đổi thay của đất nước.

Trong lúc bước đi chậm rãi bên nhau, Lan bắt đầu chỉ cho tôi từng chỗ một, cô nói về đền Ngọc Sơn, tháp Bút và cầu Thê Húc, cô nói cầu đấy là nơi có nhiều du khách thăm viếng nên được chăm chút khá cẩn thận. “Nếu cậu chịu khó để ý một tí, cậu sẽ phát hiện ra là nước sơn của cây cầu ấy lúc nào cũng tươi mới.”

Bên kia là đầu đường Lò Sũ, Lan nói tiếp, cái tên ấy có từ rất lâu rồi, khu đấy chuyên bán các loại cặp và túi xách cho khách du lịch, rồi đường Đinh Tiên Hoàng là khu chuyên bán đồ cho khách du lịch, rồi cô còn kể tôi nghe chuyện về nhà hát múa rối Thăng Long…

Ngoài ra, có một chủ đề tôi thấy Lan tỏ ra khá thích thú, đó là chuyện về bến xe điện ở khu vực bờ hồ này, nó là do người Pháp xây và hoạt động đến khoảng những năm 1990 thì dừng. Đại khái nó cũng giống như bến xe buýt bây giờ vậy, từ bến xe này những chuyến tàu điện sẽ tỏa đi khắp nơi về các cửa ô ngoại thành.

“Thật ra là…” Lan nói. “Tớ cũng chưa được đi xe điện bao giờ đâu, năm tớ bốn tuổi là dừng hoạt động rồi, tớ chỉ nhớ mang máng thôi, hình như tớ đã từng thấy nó hồi bé rồi. Thế hệ bố mẹ tớ thì vẫn còn đi, ông hay nói ấn tượng nhất là điều gì cậu biết không?”

Thấy tôi vừa cười vừa lắc đầu, cô giơ tay lên làm động tác lắc như lắc cái chuông: “Là cái tiếng leng keng lúc tàu dừng bến và xuất bến đấy, cả mẹ tớ cũng từng đi rồi, bà nói tàu điện là một thời quá khứ dịu dàng dễ thương của thế hệ bà.”

Sau vài phút suy tư, Lan bắt đầu nói với giọng tự sự. “Tớ không biết nữa cậu ạ, có lẽ tớ là mẫu người hoài cổ, vì vậy, tớ chỉ nghe kể lại về tàu điện mà tớ cũng thấy thinh thích rồi nhé, có phải phụ nữ thường hay thế không nhỉ, nhưng không hiểu sao tớ thấy con người tớ hay sống với những hoài niệm lắm nhé! Tớ không hoàn toàn sống trong thực tại này như mọi người xung quanh đâu.”

“Thế cũng tốt mà, tớ thấy những người hoài niệm đều là những người coi trọng tình cảm.”

“Nhưng… tớ sợ không hợp với xã hội này.” Cô vừa nói vừa lơ đãng nhìn hãng kem Bốn Mùa.

Thấy cô nhìn quán kem nên tôi hỏi xem cô có muốn ăn kem không, cô bảo thôi, để tí mua sách xong cô sẽ dẫn tôi đi ăn kem, cứ yên tâm, cô là thổ địa ở khu vực này mà.

Thấy cô đang nhiều cảm xúc tôi bèn thêm thắt vài câu cho vui: “Dù sao, xe điện là câu chuyện thuộc về quá khứ rồi. Còn trong hiện tại thì điều gì làm cho cậu thích nhất ở bờ hồ này?”

“Bây giờ á, bây giờ điều tớ thích nhất là những hàng cây xung quanh bờ hồ!!” Lan trả lời ngay, không do dự dù chỉ một giây.

“Ở đây nhiều cây lắm cậu ạ, cây lộc vừng này, cây si già này, cây hoa gạo, hàng liễu rủ này, hoa ban rồi cả bằng lăng nữa. Tất cả đều đẹp, mỗi cây mỗi vẻ cậu ạ!” Cô vừa nói vừa chỉ tay loạn xạ làm tôi nhìn theo không kịp.

Rồi bất chợt, Lan quay sang nhìn thẳng vào mắt tôi khiến tôi rất lúng túng. “Hồ Gươm mà mất đi những hàng cây này thì sẽ không còn là hồ Gươm nữa.” Cô bắt đầu bộc bạch. “Cậu biết không, đôi khi đi dạo quanh bờ hồ một mình và nhìn ngắm những cây cổ thụ này, tớ cảm thấy dường như sự im lặng và trầm ngâm của chúng lại có nhiều ý nghĩa với tớ hơn những ồn ào của tha nhân xung quanh nhé!”

Tôi rất ngạc nhiên với lời tâm sự ấy của Lan, nhận xét ấy thật quá ấn tượng. Con người ta thường chỉ nghĩ đến bản thân và những lợi ích vật chất dễ thấy thôi, phải gắn bó, phải trân trọng, phải lãng mạn và yêu tự nhiên lắm người ta mới rút được ra một kết luận nhân văn và đậm chất thơ như vậy.

“Này.” Lan tiếp tục hỏi tôi. “Nói tớ nghe đi, cậu thích mùa nào nhất trong năm?”

Tôi nói mỗi mùa có một cái hay riêng, Lan nói cô thích nhất là mùa thu.

“Đối với tớ, mùa thu là mùa của sự tinh tế.” Cô nói. “Tớ yêu những làn gió heo may, yêu những chiếc lá vàng rụng, yêu bầu trời trong vắt tĩnh lặng của mùa thu. Không biết cậu thấy thế nào, còn đối với tớ mùa thu luôn mang lại một tâm trạng bồn chồn khó tả. Dường như đó là một điểm gặp gỡ kỳ diệu của cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Cậu đã bao giờ thử nhặt một chiếc lá vàng mùa thu lên mân mê trên tay chưa?”

“Tớ chưa. Cậu thử rồi à?”

“Tớ làm rồi. Khi ấy tớ chợt cảm thấy hoài niệm về một thời tuổi thơ đã xa, cảm thấy trân trọng phút giây hiện tại, rồi lại thấy buồn man mác khi nghĩ về tương lai.”

“Ừ, tớ sống ở đây mấy năm cũng thấy mùa thu Hà Nội có điều gì đó rất lạ.” Tôi nói. “Văn nghệ sĩ sáng tác về mùa thu Hà Nội vừa nhiều lại vừa hay, đủ thấy mùa thu Hà Nội đem lại nhiều cảm xúc như thế nào.”

“Ừ, buồn cười lắm, đợt trước con bạn tớ gọi điện từ Sài Gòn ra hỏi tình hình ngoài này thế nào, tớ bảo Hà Nội vào thu được mấy ngày rồi, nó cười sặc sụa rồi nói chả ai định nghĩa cái kiểu ấy cả?!”

“Ha ha.” Tôi bật cười, tôi cũng chưa thấy ai định nghĩa lạ đời như thế bao giờ.

Trên đường đi xem sách, Lan hỏi tôi đã đọc sách viết về Hà Nội của những tác giả như Thạch Lam, Tô Hoài, Nguyễn Tuân chưa. Khi tôi nói chưa đọc, cô nháy mắt tinh nghịch và hứa hôm nào sẽ cho tôi mượn vài cuốn.

Sau nửa tiếng chọn sách trên phố Đinh Lễ, chúng tôi mỗi người cầm một túi nilon đựng sách đi thong dong hướng về cửa hàng kem Tràng Tiền. Vừa đi vừa thảo luận chuyện sách vở, cô khoe với tôi quyển Đại gia Gatsby: “Thấy dạo này mọi người hay nhắc đến quyển này nên tớ cũng lên mạng đọc qua, giờ mua bản giấy về để đọc kỹ hơn.”

“Ơ. The Great Gatsby mà lại dịch là đại gia à, nghe không hợp lý lắm nhỉ. Tớ đọc cuốn ấy từ mấy năm trước, bản cũ tên là Gatsby vĩ đại cơ, từ trước đến nay cũng chỉ thấy người ta dịch như vậy, chắc họ mới tìm cách tiếp cận khác với tác phẩm, nhưng thế này tớ không thấy thuyết phục lắm.”

“Cậu nói rõ hơn được không?”

Tôi giở cuốn sách ra, chỉ đoạn cuối cho Lan: “Muốn hiểu tại sao dịch là vĩ đại thì cậu phải đọc đoạn đám tang, ông bố Gatsby nói với tác giả rằng nếu con ông còn sống thì nó sẽ là một người vĩ đại.”

“Ừ, tớ hiểu ý cậu rồi, Gatsby vĩ đại vì anh ta rất tài giỏi đúng không.” Lan nói. “Anh ta từ một kẻ tay trắng trở thành một tỉ phú thì chắc chắn phải là một người vĩ đại rồi.”

“Không, vẫn chưa đủ.” Tôi trầm ngâm. “Bố Gatsby không hiểu gì nhiều về anh ta, đấy chỉ là lời nhận xét của người ngoài cuộc nhìn vào cơ ngơi anh ta, còn quan điểm của tác giả thể hiện ở nhân vật Nick mới quan trọng, tớ cảm thấy mình hiểu cách nhìn nhận của tác giả về Gatsby, giữa một thế giới đồng tiền lên ngôi, giữa những kẻ ích kỷ, vô trách nhiệm, kể cả cô gái anh ta yêu cũng là người như vậy, thế mà trong hoàn cảnh ấy vẫn có một người dám yêu một cách trong sáng, mãnh liệt và sẵn sàng chết cho người mình yêu như vậy, thì nhân cách ấy mới đúng là vĩ đại, vừa vĩ đại vừa hiếm hoi.”

Lan chăm chú nghe tôi nói, lần trước thấy tôi hút thuốc cô trêu là tập đú làm tôi thấy bị chạm tự ái, lần này tôi muốn thể hiện chút kiến thức để cô hiểu về tôi nhiều hơn.

“Vậy là theo cậu Gatsby có những phẩm chất vĩ đại, nhưng nói anh ta là đại gia thì cũng đâu có gì sai?”

“Ừ, không sai, nhưng tớ không thấy thuyết phục lắm!”

Lan chăm chú nghe tôi nói, cô tỏ ra nghiêm túc và tập trung như thể đang trong giờ thảo luận ở lớp học vậy.

Đến lượt Lan xem cuốn sách tôi mới mua, quyển đầu tiên là tiểu thuyết Rừng Nauy của nhà văn người Nhật Murakami, tôi từng đọc trên mạng rồi, bây giờ mới có tiền mua bản giấy.

“Tớ cũng đọc cuốn này rồi, đọc theo phong trào thôi, thấy mọi người rộ lên tìm đọc thì mình cũng đọc, nhưng đọc xong thì chẳng hiểu gì cả.” Cô nói. “Tớ thấy không khí buồn và ảm đạm lắm, con người chẳng có sức sống gì cả.”

“Tớ hiểu, có lẽ vì bối cảnh hai nước khác nhau, cậu sống trong một xã hội đang phát triển đầy sức sống thế này, thì thấy bối cảnh trong truyện khó hiểu là phải.” Tôi nói. “Hơn nữa, nhân vật chính tự lập rất sớm, những thanh niên còn sống phụ thuộc gia đình như các cậu thì khó đồng cảm lắm.”

“Cậu nói như kiểu cậu hiểu nhân vật chính lắm ấy!?” Cô bĩu môi, lần đầu tiên tôi thấy cô thoát ra khỏi cung cách cư xử xã giao với tôi.

“Nói chung tớ đọc thấy rất thấm.” Tôi nói. “Ngoài ra, đúng là tớ cũng phải chật vật tự kiếm tiền nuôi thân mà. Chị tớ có chu cấp một chút, nhưng chị ấy bận nên lúc nhớ lúc quên, cơ bản vẫn phải tự trông vào mình.”

Sau đó Lan giở đến quyển thứ hai, đó là quyển Cái vô hạn trong lòng bàn tay của hai tác giả Trịnh Xuân Thuận và Matthieu Ricard, nói về khoa học, triết học và Phật giáo. Cô xem qua vài trang rồi nhăn mặt. “Trời trời. Sách gì khó đọc thế này. Cậu thích triết học à?”

“Không, cũng không khó đọc lắm đâu, nói về khoa học nhưng theo cách phổ thông đại chúng.” Tôi nói. “Hơn nữa, triết học cũng hay mà, ai rồi chẳng có lúc phải hỏi mình đến từ đâu, mình sẽ đi về đâu, chết có phải là hết không.”

“Vậy à…” Cô trả sách cho tôi và nói. “Tớ có đứa bạn thân, nó bảo với tớ triết gia là những người không bình thường, họ chỉ chuyên làm phức tạp hóa mọi vấn đề lên, ví dụ như quyển sách này này, rõ ràng nó là quyển sách, nhưng thật buồn cười khi triết gia lại bảo nó không phải là quyển sách.”

“Tớ thì lại cho rằng triết gia là những người thông thái, việc muốn tìm ra bản chất thực tại của họ là việc có ý nghĩa rất lớn lao, thật sự thì sự tồn tại của chúng ta còn biết bao điều chưa giải thích được, cậu có nghĩ thế không?”

“Tớ thì… không tìm hiểu sâu nên không dám kết luận gì, tớ chỉ muốn sống một cuộc đời yên ả, rồi chết như tất cả những người khác trên đời này, tớ thấy việc suy tư kia không thực tế với tớ lắm, có lẽ tại trí óc tớ nữa, nói thật là tớ học môn triết kém lắm, tớ không hợp với những môn học lô gic hay những suy luận sâu xa, tớ thích những thứ thiên về cảm giác, nghệ thuật hơn.”

“Ví dụ?”

“Nấu ăn chẳng hạn, tớ thích nấu ăn lắm nhé, hồi nhỏ tớ hay ước mơ được trở thành một đầu bếp giỏi, một bà chủ nhà hàng sang trọng, tớ muốn làm những món ăn ngon, tớ hay tìm tòi mấy cái đấy lắm.”

“Trời ạ! Thế cậu vào học ở khoa báo chí làm cái quái gì vậy?”

“Thì… học theo ý bố mẹ tớ mà.” Cô xịu mặt. “Bố mẹ tớ nghĩ là học hành phải thành ông nọ bà kia, phải ngồi văn phòng máy lạnh nhàn nhã chứ, còn lao động chân tay thì làm sao bố mẹ tớ đồng ý cho tớ học. Ôi, nếu tớ mà nói ra á, họ sẽ bảo nghề lao động chân tay thật là vất vả tầm thường.”

“Sao cậu không thử thuyết phục bố mẹ? Làm công việc mình yêu thích mới phát triển được chứ.”

“Nói thật sự là… bởi vì chính tớ cũng hoang mang không biết mọi việc sẽ thành ra thế nào, cái tương lai bố mẹ sắp đặt cho tớ cũng nhàn thân thật mà.” Lan nói và cố gượng cười với tôi. “Tớ thấy sợ và không dám mạo hiểm cậu ạ!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.