From Hanoi

Chương 5: Chương 5: Chương 1




Sáng thứ bảy Trang không đến quán tìm tôi, ban đầu tôi cũng không nhớ gì đến lịch hẹn với cô vì tuần này bận rộn nhiều việc linh tinh quá, nhưng lúc bảy rưỡi sáng cậu em trực cùng đến nhận bàn giao máy thì tôi mới sực nhớ ra mình có hẹn đổi lịch trực với cậu ấy để hôm nay có thời gian rảnh rỗi đi chơi.

Kiên nhẫn ngồi chờ đến chín giờ nhưng tôi vẫn không thấy bóng dáng Trang đâu, giờ này mà còn chưa đến thì chắc chắn cuộc hẹn sáng nay bị hủy rồi. Cô gái này sống theo cảm hứng lắm, có khi cô vẫn nhớ rất rõ lịch hẹn với tôi đấy, nhưng chỉ đơn giản là vì không có cảm hứng nên cô cứ thế hủy cuộc hẹn trong im lặng vậy thôi.

Nhưng đấy vẫn chưa phải điều kinh khủng nhất đâu các bạn ạ, một điều còn kinh khủng hơn nữa là Trang muốn tôi phải tự hiểu ra điều ấy cơ. Có lần tôi trách cô tại sao lỡ hẹn mà không báo lại một câu thì kẻ dị nhân ấy đã tuyên bố một câu gây sốc thế này: “Anh không thấy trời mưa sao?! Hơn nữa, kể cả không mưa mà không thấy em đến thì anh cũng phải tự suy luận ra lý do chứ, thế mới gọi là anh em tri kỷ được chứ!?”

Nghe xong tôi chỉ còn biết chào thua chứ chẳng biết nói gì nữa.

Biết tính Trang như vậy nên lần này tôi cũng chẳng buồn gọi lại, cố ngồi chờ cô thêm đến chín rưỡi rồi tôi đi lên tầng thượng thu mấy bộ quần áo phơi từ hôm trước, sau đó chọn đại một bộ trong đấy và đi vào nhà tắm xả nước tắm rửa.

Thời gian trước đây tôi có yêu một người con gái, cô gái này có một thói quen rất thú vị, đó là cứ vào buổi sáng cuối tuần, sau khi ngủ nướng một giấc thật thoải mái, thức dậy cô sẽ đi tắm rửa sạch sẽ, kế đó sẽ dọn dẹp phòng trọ thật gọn gàng, sau nữa là đi pha một cốc café hòa tan rồi cầm ra góc phòng ở gần cửa sổ, ở đó cô vừa ngồi nhâm nhi ly café thơm phức vừa lắng nghe chương trình radio gửi tặng bài hát theo yêu cầu của thính giả.

Gần gũi với cô lâu, thói quen sạch sẽ ấy của cô không biết từ lúc nào đã nhiễm sang tôi, mỗi khi cuối tuần có thời gian rảnh rỗi là tôi lại thực hiện cái thú vui độc đáo ấy.

Tiếc là hôm nay đám khách quen của quán không cho tôi cơ hội tận hưởng niềm vui riêng tư nhỏ bé của mình, mấy thằng nhóc đến chơi ngửi thấy mùi café liền thò mặt vào phòng tôi đòi uống ké, rồi chúng bàn tán về trò chơi điện tử mà vừa nói vừa văng tục ầm ĩ khiến tôi không thể ngồi yên mà thưởng thức café được.

Một cuối tuần không yên ả.

Tốt nhất là ra đường uống café cho đỡ mất ngon, không có kèo với Trang thì tìm kèo đi chơi với người khác, nghĩ vậy tôi bèn lấy điện thoại di động gọi cho Đăng, cậu bạn ở cùng phòng trước đây, tôi hỏi cậu ta xem có ở nhà không để qua chơi.

Đăng nói là đang đi uống café trên quán Lâm.

“Đang trên Lâm á?” Tôi nói. “Ái chà chà. Đến quán quen mà quên rủ tớ là sao?”

“Tớ nào dám quên cậu chứ.” Đăng cười khúc khích và nói. “Chẳng là hôm nay anh bạn cùng cơ quan rủ tớ ra đây thôi, mà anh ấy cũng sắp về rồi, nếu không quá muộn thì trân trọng mời cậu lên đây ngồi với tớ, rồi tí mình cùng đi ăn trưa luôn.”

“Ok. Tớ cũng muốn ra ngoài đây, buốt hết não với mấy vị thượng đế thích chửi bậy ở quán rồi.” Tôi nói. “Chờ tí nhé. Tớ lên ngay bây giờ đây.”

Café Lâm là điểm hẹn quen thuộc của tôi và Đăng, quán nằm trên đường Nguyễn Hữu Huân và là một trong những quán café cổ nhất của Hà Nội, cảnh trí của quán thì khá đơn giản, từ biển hiệu, cửa chính, cửa sổ, gạch lát nền đến bàn ghế của quán nhìn đều khá cũ kỹ, nhưng bù lại, hương vị café của quán thì lại rất đúng ý của tôi và Đăng, lý do khiến chúng tôi gắn bó với quán cũng chính là vì vị café đặc biệt này, mới uống thì thấy nó hơi sắc và khét, nhưng uống nhiều thì sẽ nghiện vì nó rất ngọt và rất say.

Khi tôi đến nơi thì thấy Đăng đang ngồi ở góc phải bên trong quán ngay gần cửa sổ, anh chàng đang chăm chú lật giở tập tài liệu gì đó liên quan đến lĩnh vực pháp luật.

“Đang nghiên cứu món gì đấy bạn hiền?” Tôi hỏi khi đứng trước mặt Đăng.

Ngước lên thấy tôi Đăng cười mỉm và nói. “Cậu đi nhanh phết nhỉ? Ngồi đi, chờ tớ tí nhé. Ông bạn đồng nghiệp tớ cũng vừa về xong, ông ấy đưa cho đống tài liệu bảo nghiên cứu để ngày mai báo cáo sếp.”

Đăng hiện là sinh viên năm cuối đại học Luật Hà Nội, từ năm thứ ba cậu ta đi học việc ở một văn phòng luật sư, thấy cậu ta rất chịu khó nên sếp vẫn giao việc như một nhân viên chính thức và hỗ trợ cậu ta chút tiền xăng xe điện thoại.

“Ok.” Tôi nói. “Cậu cứ đọc từ từ. Tớ vào gọi nước tiện lấy bao thuốc lá.”

Tôi và Đăng quen được nhau là nhờ có Trang, hai người họ có họ hàng với nhau, thật ra thì mối quan hệ ấy cũng hơi xa xôi một chút, đợt đấy tôi bắt đầu về quán điện tử làm việc nên đi nhờ bạn bè hỏi giúp xem quanh đấy có chỗ nào ở trọ không, vậy là Trang giới thiệu Đăng cho tôi làm quen. Lúc đầu nghe cô bảo đấy là sinh viên luật tôi cũng thấy hơi ngần ngại vì sợ những người học luật thường rất nguyên tắc, thậm chí có phần khô khan, trong khi tính tôi lại sống tùy hứng như thế, chẳng biết về rồi có ở được với nhau lâu không.

Thế nhưng ngay từ buổi gặp mặt đầu tiên, khi Trang dẫn tôi đến thăm phòng trọ, nhìn thấy đống sách triết học, văn học lịch sử chất đầy phòng Đăng thì tôi quá ưng ý và ngay lập tức gật đầu về ở ghép với cậu ta.

Đăng là một người khá điềm đạm và sâu sắc, tuy hơi ít nói và có phần hướng nội nhưng cậu ta rất biết cách lắng nghe và quan tâm người khác. Chính vì những phẩm chất ấy của Đăng mà chúng tôi đã trở thành tri kỷ chỉ sau đúng hai tuần lễ từ khi tôi dọn đồ đến ở với cậu ta, đó là một kỷ lục trong lịch sử giao du kết bạn từ trước đến nay của tôi.

Gọi nước xong quay lại thấy Đăng vẫn đang đăm chiêu với đống giấy tờ, tôi bèn nhẹ nhàng kéo chiếc ghế đẩu ra và ngồi xuống đối diện cậu ta. Sau đó tôi chậm rãi châm lửa vào điếu thuốc, rồi vừa ngồi thư giãn với điếu thuốc tôi vừa ngắm nghía những bức tranh treo kín trên tường.

Có thể nói tranh là một đặc trưng không thể lẫn lộn của quán café Lâm, nghe nói trước kia các văn nghệ sĩ lớn đến quán này ngồi rất nhiều, có những họa sĩ rất thân quen chủ quán nên có khi họ trả tiền nước uống bằng tranh, qua năm tháng những bức tường của quán dần dần được phủ kín bằng tranh, trong đó có những bức vẽ của những họa sĩ sau này rất thành danh như Bùi Xuân Phái hay Tô Ngọc Vân.

Khoảng nửa tiếng sau thì Đăng đọc hết đống tài liệu ấy, cậu ta nói đấy là dự thảo hợp đồng của khách hàng. “Cậu thông cảm nhé.” Đăng nói. “Hai bên khách hàng đều khó chịu. Bên nào cũng muốn lợi thế về mình nên bọn tớ phải cân nhắc điều chỉnh từng điều khoản một.”

“Không sao, công việc phải ưu tiên hàng đầu chứ. Nếu cậu bận thì cứ đọc tiếp đi.” Tôi nói. “Cứ kệ tớ ngắm tranh ảnh tí, lát nữa đi ăn trưa mình nói sau cũng được.”

“À không, tớ chỉ đọc để nắm sơ qua thôi, món này phải để đêm về yên tĩnh nghiền ngẫm mới xử lý hết được.”

“Vậy à. Thế uống nước đi. Cậu uống gì thêm không?”

“Cậu cứ tự nhiên đi. Bọn tớ vừa làm một lượt rồi.” Đăng nói và chỉ vào mấy tách café trên bàn.

Sau đó chúng tôi nói chuyện về kỳ nghỉ hè vừa rồi. Đăng hỏi tình hình tôi thế nào, tôi nói mọi việc cũng bình thường, thậm chí còn bận hơn trong năm một chút, vì đợt này tôi đang làm cộng tác viên cho mấy tờ báo mạng, hôm nào không phải trông quán tôi đều tranh thủ ra ngoài tìm tư liệu về viết để luyện tay nghề.

“Báo mạng à? Họ trả cậu nhiều tiền không?”

“Đủ tiền chè cháo thôi, gọi là có tí động viên ấy mà.” Tôi nói. “Chủ yếu tớ thấy vui, mà nó cũng thiết thực cho công việc tương lai của tớ.”

“Ừm. Hồi tớ mới học việc cũng thấy vất vả lắm, vì pháp luật trên giấy tờ và ngoài thực tế có rất nhiều cái vênh nhau. Giai đoạn đầu của cậu chắc sẽ hơi nhọc chút đấy.”

“Ừ. Tớ sẽ cố gắng.” Tôi nói. “Còn cậu thì sao, về quê vui không?”

“Lúc đầu tớ nghĩ cũng bình thường như mọi năm thôi.” Đăng chậm rãi nói. “Nhưng hóa ra lại là một mùa hè khó quên cậu ạ!”

“Sao vậy? Có sự vụ gì à?”

“Chẳng là tháng trước mấy bác tớ ở quê gọi điện bảo về họp gia đình. Liên quan đến chuyện tìm mộ liệt sĩ, các bác gọi điện nhờ tớ đi cùng với chị họ vào Long An tìm hài cốt bố chị ấy, tức là bác họ tớ ấy, mọi người sợ chị là phụ nữ đi đường xa không chịu được vất vả.”

“Bác cậu hi sinh năm bao nhiêu?”

“Tớ cũng không rõ, nghe mọi người bảo là hồi những năm 70.”

“Mà sao biết đích danh ở Long An để vào tìm vậy?”

“À. Các bác ở quê đi nhờ một nhà ngoại cảm, họ xem tờ tiền xong thì bảo là bác hi sinh ở khu vực huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.”

“Tớ nghe đài báo nói nhiều về ngoại cảm, nhưng chưa tận mắt chứng kiến bao giờ.”

“Tớ cũng không được chứng kiến. Chỉ được nghe nói lại thế thôi.”

“Cậu có tin chuyện ấy không?”

“Chuyện gì cơ?”

“Ý tớ là kiểu người chết về nói chuyện với nhà ngoại cảm bảo là tôi đang ở chỗ này chỗ kia ấy.”

“Thật ra… Tớ chưa trực tiếp trải qua nên không biết kết luận thế nào cả.”

“Gần đây tớ đọc được một cách giải thích khá thuyết phục.” Tôi nói. “Người ta cho rằng con người chúng ta khi chết đi thì vẫn còn những sóng hay dạng thông tin nào đó còn lưu lại trong không gian, và những nhà ngoại cảm là những người có giác quan nhạy bén hơn người thường, như kiểu mũi của chó thính hơn mũi người một trăm nghìn lần ấy. Những nhà ngoại cảm sẽ đón nhận những thông tin ấy như cây ăng ten thu sóng vậy.”

“Cũng có thể...” Đăng nói. “Thật ra trước đây nhà tớ cũng bỏ nhiều tiền ra đi xem thầy bà lắm, nhưng những lần trước đi tìm đều thất bại. Lần này khá may mắn nên mới tìm được bác. Trên đường đi tớ và chị được giúp đỡ nhiều lắm, bộ đội biên phòng trong đấy hỗ trợ rất nhiệt tình, kiểu đi làm việc nghĩa mà, cảm giác nó thiêng liêng lắm. Họ thu xếp cho bọn tớ ở nhờ nhà một ông lính ở ngay sát sông Vàm Cỏ Tây. Tối ở nhà ông ấy nghe kể chuyện Mậu Thân 1968 thì hay lắm, nhân chứng sống mà.”

“Ừm.”

“Trận ấy khốc liệt thế nào thì cử nhân lịch sử như cậu chắc nắm rõ, ông ấy cũng tham gia đánh cầu Sài Gòn để tiến vào thành phố, nhưng không vào được, hai bên đánh nhau ác liệt lắm, bên ta bên địch chết đầy trên cầu. Sau trận chiến thì đơn vị ông ấy phải rút về Đồng Nai, trong lúc hành quân ông ấy có gặp bác tớ và xác nhận giống như nhà ngoại cảm nói là đơn vị bác tớ di chuyển về Long An, tiếc là sau đấy chiến tranh ác liệt nên không biết tin tức gì nữa.”

“Có thêm khẳng định của ông ấy thì chắc chắn quá rồi. Vậy là hôm sau bọn cậu đến Mộc Hóa luôn chứ?”

“Ừ, tối hôm ấy hai chị em tớ mừng lắm, nghĩ chuyến đi thành công sớm hơn dự kiến nhiều.” Đăng nói. “Nhưng tiếc là… ba ngày đào xới sau đó ở Mộc Hóa đã không mang lại một kết quả nào. Bà chị tớ thì gào khóc rống lên vì tuyệt vọng.”

“Hả? Sao lại như vậy?”

“À. Thì không thấy là không thấy thôi.”

“Vậy là thế nào? Sao bảo tìm được rồi.” Tôi hỏi. “Cậu làm tớ tò mò quá.”

“Tức là…” Đăng cười mỉm và nói. “Cuối cùng thì sẽ tìm được, nhưng trước đó có chút rích rắc. Vì điểm đến đầu tiên thật ra không đúng.”

“Hay là… bác cậu đã không dừng quân ở Long An?”

“Đúng vậy.” Đăng gật đầu. “Khi bọn tớ đã hoàn toàn tuyệt vọng thì bên bộ đội lại báo tin là vừa tìm thấy một đồng đội khác của bác, ông ấy nói sự thật là bác tớ hi sinh trên đất Campuchia cơ.”

“Chà. Hành trình thay đổi ngoài dự kiến nhiều đấy.”

“Ừ. Thế là hôm sau bọn tớ lại phải nhờ biên phòng giúp đi qua cửa khẩu Tây Ninh để sang nước bạn.”

“Theo tớ biết thì sau Mậu Thân 1968, quân mình bị truy diệt rất gắt gao, phải rút về nông thôn, rừng núi, thậm chí sang ẩn tránh tận bên Lào và Campuchia.”

“Ừ, đấy cũng là những gì ông đồng đội cũ của bác tớ kể lại.” Đăng nói. “Ông ấy mời bọn tớ về nhà ăn cơm, và trong bữa tối ông đã kể lại chuyện bác tớ hi sinh thế nào, năm ấy ông là lính tác chiến chuyên vẽ bản đồ trận địa, ông trú ở hầm ngay cạnh hầm chỉ huy của bác, trong một lần giao chiến, lúc hai giờ đêm khi nghe tiếng đạn cối nổ gần hầm, ông ấy liền ngó qua thấy hầm chỉ huy bị trúng đạn, lúc đấy trong hầm chỉ huy có bác tớ và một người đồng đội, trận đấy mình bị địch đánh rát quá nên phải liên tục rút lui. Chuyện hi sinh của bác tớ ông ấy vẫn luôn canh cánh trong lòng nhưng không có thông tin gì về nhà bác tớ nên không biết liên lạc với ai.”

“Thời gian cũng hơn ba mươi năm, ông ấy còn nhớ được chỗ hầm ấy không?”

“Đấy cũng là một may mắn nữa cho gia đình tớ. Vì chỗ chiến trường ấy không thay đổi gì mấy so với ngày xưa, chỗ hầm đấy bây giờ là nhà của một bà già người Campuchia.”

“Chà. Lần này thì bọn cậu yên tâm đào lắm rồi nhỉ?”

“Thật ra… tớ có đào đâu. Món này phải có nghề cơ, không phải như đào đất đâu, đào là phải nhẹ nhàng từng chút một, bóp từng cục đất thì mới lần tìm ra được xương cốt. Đào sâu xuống hơn đầu người một chút thì bọn tớ thấy lộ ra mấy vỏ pháo sáng, rồi đến đôi dép cao su, một chiếc lược nhôm, mảnh khăn rằn, cúc áo, xương răng, xương ống quyển, ít tóc. Nhưng khó nhất là xương thịt, vì là xương thịt của hai người cơ, bác tớ và đồng đội chết chung, cơ thể họ lẫn vào nhau không thể tách ra rõ ràng được nữa.”

“Trời!” Tôi nói. “Vậy phải xử lý thế nào?”

“Bọn tớ bốc chỗ tro cốt đó chia làm hai, phải chấp nhận tương đối thôi cậu ạ, miễn tìm được đúng bác mình là mừng rồi, sau đó thì gói bọc lại cẩn thận, quấn lá cờ tổ quốc xung quanh rồi làm lễ. Bà chị tớ mừng lắm, lúc khấn vái cứ khóc lóc sụt sùi suốt.”

Tôi im lặng nuốt nước bọt, câu chuyện của Đăng làm tôi rất xúc động, ngẫm ra người bố quá cố của tôi còn may mắn hơn nhiều người lính khác, ông đã sống sót trở về và được tận hưởng khoảng hai chục năm hòa bình với vợ con.

“Đấy cũng là lần đầu tiên tớ ôm hài cốt người chết.” Đăng nói tiếp. “Lúc đầu thấy cũng sờ sợ, nhưng rồi tự trấn an đây là bác mình chứ ai mà sợ, thế là ôm hài cốt từ đầu đến cuối, từ Campuchia về đến Sài Gòn, rồi lên tàu Thống nhất ra lại miền Bắc. Mà không hiểu sao nhé, bọc hài cốt của bác có hơi ấm như người đang sống ấy, hay là sau một tuần vật vờ nên rối loạn cảm giác sao đó, nhưng thực sự tớ có cảm giác như đang ôm người sống vậy.”

“Thế à. Thảo nào cậu nói đó là một mùa hè khó quên.” Tôi gật gù. “Mà này, đây cũng là một tư liệu giá trị để tớ viết báo đấy. Lúc nào tớ xin phép hỏi kỹ thêm vài thông tin nhé!”

“Ok. Nhưng phải nhớ thay tên tớ trong bài báo đi đấy!”

Sau đó chúng tôi nói thêm một chút nữa về triết học và lịch sử rồi kéo nhau đi ăn bánh mì pate chảo, ăn xong hai thằng lại đi uống café tiếp, lần này là bàn luận về… lịch sử và triết học. Thời gian này tôi và Đăng rất nghiện những đề tài này, cậu ta giới thiệu cho tôi những sách hay về Phật giáo, còn tôi thì đem chuyện lịch sử ra để thảo luận, lần nào đi cũng phải đến tối mịt hai đứa mới chịu chia tay, lúc ra về ai nấy cũng đều rất vui vẻ vì đã có một buổi nói chuyện rất sôi nổi và đầy hứng thú.

Tuy tôi và Đăng là cạ cứng của nhau như vậy nhưng thỉnh thoảng vẫn có lúc tôi có cảm giác là mình chẳng hiểu gì về người bạn tri kỷ ấy cả, bởi vì, thật ra Đăng thuộc mẫu người kín đáo thích sống nội tâm, mọi tâm sự cậu ta đều muốn chôn sâu vùi kín vào trong lòng mình.

Thời gian đầu quen nhau tôi rất bực mình với phong cách ấy của Đăng, vì tôi là thằng thích giãi bày, tôi luôn nói hết những suy nghĩ của mình với cậu ta, còn cậu ta là một người giỏi lắng nghe, nhưng đến lượt mình thì lại chẳng chịu bộc bạch điều gì cả, việc đấy đã làm cho tôi rất tự ái, tôi cảm thấy như kiểu mình là một kẻ vớ vẩn không đáng tin cậy vậy.

Nhưng rồi, dần dần theo thời gian, tôi lại ngộ ra một điều rất thú vị, đó là con người chúng ta không phải ai cũng giống ai, Trang là một kiểu người, Vũ là một kiểu người, còn Đăng lại là một kiểu người hoàn toàn khác, nếu trời sinh cậu ta ra tính cách đã như vậy thì tôi phải biết tôn trọng điều ấy. Và để hai đứa chung sống hài hòa được với nhau thì tôi đã rèn cho mình những kỹ năng như cảm nhận và suy đoán, đến giờ có rất nhiều chuyện tôi và Đăng đã giao tiếp với nhau trong sự im lặng, không cần phải mở lời ra nói thì chúng tôi cũng hiểu được người kia đang nghĩ gì và cần gì.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.