Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Chương 9: Chương 9




Hơn bảy trăm năm sau, khi tìm đọc các tài liệu của thời hiện đại tôi mới biết, sở dĩ anh em họ không thích nghi được với điều kiện khí hậu ở Lương Châu là do họ bị “sốc oxy”. Vùng Sakya nằm ở độ cao bốn nghìn ba trăm mét so với mực nước biển, trong khi Lương Châu chỉ cao khoảng một nghìn mét. Từ vùng đồng bằng lên miền núi cao, người ta sẽ dễ bị phản ứng độ cao vì thiếu oxy, còn từ miền núi cao đi xuống đồng bằng, người ta sẽ bị “sốc oxy” vì phải tiếp nhận quá nhiều dưỡng khí một cách đột ngột. Chứng bệnh phản ứng độ cao và sốc oxy xảy ra ở mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy vào thể chất của từng người. Nghiêm trọng nhất có thể khiến người ta sưng phổi mà chết. Con người hơn bảy trăm năm trước không thể biết được những tri thức này, cũng không có thuốc thang hỗ trợ, họ chỉ quy kết một cách đơn giản nguyên nhân của hiện tượng trên là không hợp thủy thổ.

Nhưng hai năm qua, ba bác cháu họ, một người già cả và hai đứa trẻ đâu chỉ trải qua và chịu đựng những thách thức về sức khỏe?

- Lâu Cát, Kháp Na, hai con có biết vì sao tuổi đã cao, sức đã yếu, vậy mà ta vẫn phải lặn lội ngàn dặm, vượt qua bao gian nan, thử thách để đến được đất Lương Châu này không? – Giọng nói trầm ấm của ngài ngừng lại một lát, rồi tiếp tục cất lên, nhưng ngài đã chuyển hướng câu chuyện sang một đề tài khác. – Sáu trăm năm trước, người anh hùng Songtsan Gampo (Tùng Tán Cán Bố) của chúng ta đã thống nhất các bộ lạc, dời đô về La-ta[1], lập nên vương triều Tufan. Sau đó, các đời tán phổ[2] kế tiếp nhau mở mang bờ cõi thông qua các cuộc chinh phạt.

Tôi không hiểu vì sao ngài Ban Trí Đạt đột nhiên nhắc đến lịch sử Tufan, nhưng tôi linh cảm điều này có liên quan đến việc ngài đến Lương Châu. Tôi rất hào hứng khi được nghe kể về lịch sử vương triều Tufan. Đang chuyên tâm lắng nghe, bỗng tôi cảm thấy một luồng sáng chiếu rọi. Bát Tư Ba khẽ ấn vào người tôi. Tôi chần chừ một lát mới thận trọng ghếch chiếc mũi ra bên ngoài. Bộ lông của tôi đã được hong khô nhờ nhiệt độ cơ thể của Bát Tư Ba, không khí trong lành ào đến, tôi không cảm thấy lạnh mà thấy thoải mái hơn vì không khí đã giúp tôi xua đi mùi vị khiến tôi cảm thấy bồn chồn, hoang mang khi nãy.

Tôi lấy hết can đảm, ngóc đầu lên, rón rén quan sát, cuối cùng tôi cũng đã được nhìn thấy bậc trí giả nổi tiếng nhất vùng Wusi – ngài Ban Trí Đạt của giáo phái Sakya.

Mái đầu trắng xóa, tóc cắt ngắn, lún phún mọc sát da đầu, dáng người cao lớn, lưng hơi còng, đốm đồi mồi mọc chi chít trên gương mặt và bàn tay ngài. So với ba năm trước, ngài già hơn và gầy đi rất nhiều. Nhưng đôi mắt của ngài vẫn rực sáng, vẻ thông tuệ, trác việt vẫn hiển hiện trong thần thái của ngài. Nhìn vào đôi mắt như kết tụ bởi ngàn vì tinh tú ấy, ta có cảm giác như ngài thấu tỏ mọi sự.

Người hầu bước đến, rót thêm trà bơ cho ngài, căn phòng bỗng ngập tràn hương thơm nồng nồng của vị trà bơ. Ngài nhấp một ngụm trà, chậm rãi nói tiếp:

- Vì sao vương triều Tufan lớn mạnh là thế lại sụp đổ chỉ sau đó vài trăm năm?

Kháp Na chớp chớp đôi mắt to tròn, long lanh, tay bóp cằm, ra chiều nghĩ ngợi, vẻ mặt nghiêm túc, trông rất đáng yêu.

Ngài Ban Trí Đạt thở dài buồn bã:

- Vương quốc Tufan ban đầu không theo tín ngưỡng đạo Phật mà sùng bái đạo Bon[3]. Quốc vương Songtsan Gampo kết hôn với Công chúa Văn Thành người Hán và Công chúa Bhrikuti Devi của Nepal. Sau khi đến đất Tạng, hai vị công chúa đã xây dựng đền Jokhang (Đại Chiêu Tự) và đền Ramoche (Tiểu Chiêu Tự), đem tín ngưỡng Phật giáo đến với mảnh đất này, cuộc chiến giữa Bon giáo và Phật giáo cũng bắt đầu từ đó.

Ngài đưa mắt nhìn hai anh em, giọng nói trầm buồn:

- Vị vua cuối cùng là Tán phổ Langdarma đã ra lệnh đàn áp Phật giáo, tăng sĩ bị ép buộc phải hoàn tục, kinh Phật bị thiêu hủy, đền đài, miếu mạo biến thành nơi hành quyết. Kết cục là Langdarma đã bị những người ủng hộ Phật giáo giết chết. Sau khi Nhà vua qua đời, Hoàng hậu và Vương phi câu kết với thế lực hoàng thân quốc thích, vương tôn quý tộc tàn sát lẫn nhau để tranh đoạt vương vị, cuộc nội chiến diễn ra suốt hai mươi năm mà không bên nào giành chiến thắng. Thêm vào đó, hạn hán, mất mùa xảy ra liên miên, ôn dịch hoành hành khắp nơi, nhân dân đói khổ, lầm than, nô lệ vùng lên khởi nghĩa. Cuộc chiến tranh tàn khốc đã xảy ra, mạng người bị xem như cỏ rác, trong vòng năm nghìn dặm, đâu cũng là miền đất chết, máu chảy thành sông. Thế lực của hai bên dần suy yếu và tan rã, từ đó, đất Tạng bị chia năm xẻ bảy, các bộ lạc liên kết với các giáo phái Phật giáo địa phương lập nên chính quyền riêng rẽ, không chịu sự quản thúc của ai, cục diện phân ly này đến nay đã trải qua bốn trăm năm.

Vị trí giả lắc đầu, thở dài ảo não, khẽ khép đôi mắt mẫn tiệp lại, gương mặt đầy nỗi bi ai. Bát Tư Ba đứng lên, lại gần, đấm lưng, bóp vai cho ngài.

- Bác ơi, con biết, bác đến Lương Châu lần này với mong muốn chấm dứt tình trạng hỗn loạn ở Wusi, thống nhất người Tạng về một mối.

Vị trí giả đứng dậy, chầm chậm cất bước, tay chắp sau lưng, dáng vẻ khắc khổ, chiếc cổ dài vằn vện những vết nhăn của tuổi tác. Ngài quay về phía hai anh em Bát Tư Ba, ánh mắt u hoài, giọng thở than:

- Đó là ước nguyện lớn nhất của đời ta. Nhưng nay ta tuổi đã cao, sức đã yếu, chỉ e chẳng thể thực hiện ước nguyện đó. Ta trông cậy cả vào hai anh em con.

Khuôn ngực phập phồng, Bát Tư Ba dường như rất xúc động, cậu cố gắng giữ bình tĩnh, thưa rằng:

- Xin bác đừng lo, Vương gia Khoát Đoan sẽ nhanh chóng quay về Lương Châu. Sau khi gặp ngài, ước nguyện của bác chắc chắn sẽ thành hiện thực.

Kháp Na chớp chớp cặp mắt tròn to, ngước nhìn bác và anh trai ra chiều rất hiểu chuyện. Vị trí giả gật đầu, bàn tay da mồi vuốt ve cái đầu nhỏ xinh của Kháp Na. Sau đó, hai anh em đứng lên chào ngài để về phòng. Vị trí giả bình thản nói với Bát Tư Ba:

- Cho nó ra ngoài đi, đừng làm nó ngạt thở.

Chàng trai trẻ thở dài:

- Vào thời kỳ cực thịnh, vương triều Tufan đã tiêu diệt quốc gia Tuyuhun ở Thanh Hải, ra mặt đối kháng với nhà Đường, vương triều này đã tranh giành được không ít đất đai của Đại Đường. Khi xảy ra loạn An Sử, quân đội của Tufan đã thừa dịp tấn công Trường An và ra sức cướp bóc. Tiếc thay, kể từ vị vua đầu tiên là Songtsan Gampo đến vị vua cuối cùng là Langdarma, vương triều Tufan chỉ kéo dài chừng hai trăm năm rồi sụp đổ hoàn toàn. Cuộc chiến nhằm tranh giành vương vị trong nội bộ hoàng tộc, cùng với cuộc bạo động dữ dội khi tầng lớp nô lệ vùng lên đã tàn sát gần như toàn bộ giới quý tộc Tufan. Cuộc khởi nghĩa nô lệ cũng không giúp tìm ra được người anh hùng có khả năng lãnh đạo, bởi vậy, kể từ đó, Tây Tạng bị chia rẽ, phân ly và cho đến nay vẫn chưa có một vương triều thống nhất.

Tôi buồn rầu, dõi mắt qua khung cửa sổ:

- Sau này tìm đọc nhiều tài liệu liên quan tôi mới biết, cuộc tranh chấp giữa Bon giáo và Phật giáo khi đó chỉ là biểu hiện bên ngoài. Hầu hết các vị vua Tufan đều lên ngôi lúc còn rất nhỏ nên trong khoảng thời gian ấy, hoàng thân quốc thích của nhà vua sẽ tạm thời nắm quyền điều hành đất nước. Đến khi trưởng thành, nhà vua phải ra sức gây dựng và phát triển thế lực thân cận. Thêm vào đó, về đối ngoại, vương triều Tufan ưa dùng vũ lực để mở mang bờ cõi, trong khi đối nội vẫn duy trì chế độ chiếm hữu nô lệ lỗi thời, lạc hậu khiến cho mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên sâu sắc. Thực chất của cuộc xung đột giữa Phật giáo và Bon giáo, phần nhiều là phe phái này lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để đè bẹp thế lực của phe phái kia.

Chàng trai trẻ búng tay điệu nghệ tỏ vẻ tán thưởng:

- Phải công nhận là cô đã đọc rất nhiều sách lịch sử hiện đại. Có điều, sau khi triều đại Tufan sụp đổ, Phật giáo không hề bị tiêu diệt, mà ngược lại, họ đã liên kết với chính quyền địa phương khiến cho sức ảnh hưởng của Phật giáo ngày càng lan rộng. Các giáo phái lớn của Phật giáo Tây Tạng như: Hồng giáo Nyingma, Bạch giáo Kagyu, giáo phái Kadampa (về sau sáp nhập vào Hoàng giáo Gelug) và Hoa giáo Sakya đều xuất hiện trong khoảng thời gian bốn trăm năm này.

Tôi gật đầu:

- Học giả Ban Trí Đạt của phái Sakya nuôi hoài bão lớn, ngài lại là người nhìn xa trông rộng, tiếc rằng khi ấy, thế lực của các giáo phái khác rất mạnh, nhất là giáo phái Kagyu. Trong khi đó, phái Sakya chỉ có sức ảnh hưởng trong phạm vi vùng Hậu Tạng, thực lực của giáo phái này không đủ để thực hiện việc thống nhất Tây Tạng.

Chàng trai mỉm cười:

- Chắc rằng học giả Ban Trí Đạt đã suy nghĩ rất nhiều về chuyến đi Lương Châu, bởi vì ngài không thể chắc chắn người Mông Cổ với quân đội đã và đang quần đảo khắp thiên hạ của họ sẽ lựa chọn phương cách nào để ứng xử với Tây Tạng.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Tức Lhasa ngày nay.

[2] Tức quốc vương. (DG)

[3] Đạo Bon là tôn giáo nguyên thủy nhất của Tây Tạng, đạo này tin rằng vạn vật đều có linh hồn của nó. (DG)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.