Đại Đường Song Long Truyện

Chương 10: Chương 10: Phấn Đấu Quên Mình




Ngày hôm sau, trời còn chưa sáng hai gã đã xách hành lý lên đường.

Chính quyết định đột biến này đã thay đổi cuộc đời hai gã, cũng thay đổi cả vận mệnh của thiên hạ và võ lâm.

Đích đến là Lạc Dương, vùng đất phía Đông của Đại Tùy.

Ngày ấy Tống Lỗ từng nói sau khi đến Tứ Xuyên làm công chuyện, y sẽ đến Lạc Dương thử vận may tìm Hòa Thị Bích trong truyền thuyết, bởi đây không phải là chuyện dăm bữa nửa tháng có thể làm xong, nên mặc dù đã cách nửa năm, nhưng hai gã vẫn muốn thử đến Lạc Dương một chuyến, xem xem có thể gặp được Tống Lỗ không.

Càng đến gần Trường Giang, hai gã càng cảm nhận được sự áp bức của chiến loạn tới gần kề, trên đường bất thời đều gặp phải người đang chạy loạn, khi được hỏi đến thì chẳng ai biết mình đang chạy trốn người nào nữa, ngay cả Tùy Quân hay Nghĩa quân cũng không phân biệt được.

Ngày hôm đó, hai gã đến một huyện thành nhỏ, tìm khách điếm trọ qua đêm. Nửa đêm, đột nhiên nghe thấy tiếng rầm rập trên phố, quang cảnh hỗn loạn phi thường.

Hai gã biết có chuyện chẳng lành, vội thu xếp hành lý, chạy ngay xuống lầu, kéo áo một trong những khách trọ đang định bỏ chạy lại hỏi thăm.

Người kia nói:

- Đỗ Phục Uy đã đại phá quân Tùy ở Đông Lăng, tiến chiếm Lịch Dương, thật không ngờ quân mã của y lại đến nhanh như vậy!

Nói đoạn lại hoảng hốt bỏ đi.

Hai gã cũng không ngờ Lịch Dương lại thất thủ nhanh đến vậy, làm hỏng cả kế hoạch đến Lịch Dương ngồi thuyền lên Bắc của chúng. Ra đến ngoài phố, chỉ thấy người xe tranh đường, giẫm đạp lên nhau mà trốn chạy xuống hướng Nam, dọc đường tiếng trẻ kêu góc gọi mẹ vang động cả trời xanh. Hai gã tuy đảm lượng hơn trời, nhưng dù sao cũng vẫn chỉ hai hai đứa trẻ to đầu, nhất thời bị không khí thê lương, thảm đạm cực độ đó làm cho cảm nhiễm, lòng dạ rối như tơ vò, vội vội vàng vàng đi theo dòng người rời khỏi huyện thành.

Trên đường vứt đầy những thứ người dân chạy loạn bỏ lại, gia cụ, y phục, mũ mão, giầy dép, có thể thấy tình hình hỗn loạn thế nào.

Hai gã cố sống cố chết nắm chặt tay đối phương, sợ bị dòng người xô đẩy làm lạc mất nhau.

Ra đến thành ngoại, thấy khắp nơi đều là người dân chạy nạn đang cầm đèn cầm đuốc dáo dác bỏ chạy, thật không ngờ một huyện thành nhỏ bé, ngày thường trên phố vắng teo, vậy mà lại có nhiều người đến vậy.

Khấu Trọng kéo tay Từ Tử Lăng thay đổi phương hướng, rẽ theo đường nhánh rời khỏi đoàn người, trầm giọng nói:

- Chúng ta vẫn phải lên phía Bắc, cùng lắm thì không đến Lịch Dương nữa.

Từ Tử Lăng gật đầu nói:

- Như thế được lắm, chúng ta chỉ cần cẩn thận một chút là được.

Hai gã thương thảo một hồi, sau liền quay ngược trở lại, tiếp tục ngược lên mạn Bắc.

Từ sau khi rời khỏi Thúy Sơn, đây là lần đầu tiên hai gã đi đường trong đêm, bất ngờ lại phát hiện ra mặc dù chỉ có chút ánh sáng mờ nhạt của mấy vì sao, nhưng hai gã vẫn nhìn đường sáng rõ như ban ngày.

Đi được khoảng hơn một canh giờ, chợt thấy phía trước lửa bốc ngụt trời, cùng với đó là tiếng hò hét vang dội, hai gã sợ đến hồn bay phách lạc, vội vội vàng vàng chuyển hướng bỏ chạy, chính vì vậy, mà cả hai đã mất hết cả cảm giác về phương hướng.

Đến sáng ngày hôm sau, hai gã đến được một thôn làng nhỏ, đang định tìm người hỏi đường thì bất chợt có tiếng vó ngựa rầm rập vang lên, một đội nhân mã lao từ trên triền núi xuống như gió. Hai gã cả kinh, vội vàng nấp vào một bụi cỏ gần đó.

Đội nhân mã này ước chừng hơn sáu chục người, chỉ cần nhìn võ phục hỗn loạn trên mình chúng cũng biết đây là nhân mã của nghĩa quân, trên tay kẻ nào cũng buộc một dải khăn xanh. Toán quân xông thẳng vào thôn làng, phóng tiễn hạ sát mấy con chó đang lao ra cản chân ngựa, tiếp đó xông vào từng nhà một lục soát, dồn hết hơn trăm nam nữ lão ấu trong làng ra ngoài, nhất thời gà bay chó chạy, tiếng kêu than khóc lóc vang trời, khiến hai gã cảm thấy vô cùng bất nhẫn.

Nếu như hai gã có võ công cái thế, lúc này đã xông ra chủ trì chính nghĩa rồi.

Nhưng hai gã cũng biết được một điều, dù là võ nghệ cái thế như Sở Bá

Vương Hạng Vũ thì cũng cần phải có đủ thứ điều kiện khác nữa, bằng không thì cũng đâu có kết cục phải tự vẫn bên dòng Ô Giang như vậy.

Ở trong cái thời đại loạn lạc này, lực lượng của một người nhỏ đến mức căn bản không đáng nhắc đến.

Quân khăn xanh bắt nam nữ trong thôn xếp thành hai hàng riêng biệt, sau đó triển khai vòng vây, đề phòng có ai trốn thoát.

Hai gã giờ mới hiểu tại sao khi nghe tin nghĩa quân sắp tới, cả huyện thành lại bỏ chạy sạch sẽ như vậy.

Đáng thương cho đám người ở thôn làng này tin tức không linh, quân binh vào tận trong thôn rồi mà vẫn chưa biết là chuyện gì xảy ra.

Hai gã nào đã từng thấy qua cảnh tượng như thế này, nhìn thấy đám nghĩa binh, tay cầm đao cầm kiếm, kẻ nào cũng là hạng hung đồ giết người không nháy mắt, nên chẳng dám thở mạnh lấy một hơi. Đặc biệt bọn gã chỉ cách tên nghĩa binh gần nhất có hơn mười bước, quả thật là nguy hiểm vô cùng.

Một tên trong bọn xem ra có vẻ là thủ lĩnh của đám nghĩa quân này dẫn theo bốn gã tùy tùng, thúc ngựa đi chầm chậm xung quanh, chọn ra những thanh niên trai tráng đẩy ra một bên, một tên khác lấy dây thừng ra trói họ lại thành một sâu, thái độ ngang ngược vô đạo phi thường. Người nào dám phản kháng, roi ngựa lập tức quất xuống như điên cuồng, đánh cho thừa sống thiếu chết.

Hai gã nhìn cảnh tượng này mà xanh mặt tím mày, nhưng chỉ có thể nén phẫn hận lại trong lòng mà không dám nói ra.

Những người phụ nữ thấy nhi tử, trượng phu của mình bị bắt đi làm phu dịch, gào khóc thảm thương, nỗi thống hận thấu tận trời xanh.

Nhưng đám người được gọi là nghĩa quân này kẻ nào kẻ nấy đều hung hãn tàn ác, tuyệt chẳng có chút lòng trắc ẩn.

Tên thủ lĩnh đám quân binh sau khi chọn xong nam đinh, đi dạo một vòng xung quanh đám phụ nữ hài nhi, đột nhiên dừng ngựa lại, chỉ roi vào một nữ nhân quát:

- Ngươi ra đây!

Đám thôn dân lập tức làm loạn lên, nhưng nhanh chóng đã bị lũ "nghĩa quân" quát dẹp, đương nhiên cũng không tránh khỏi mấy người bị đánh đến trọng thương, bán sống bán chết.

Hai gã Khấu, Từ nhìn mà ***g ngực như muốn nổ tung, nhưng hai gã cũng biết, dù mình có ưỡn ngực xông ra cũng chẳng được tác dụng gì, ngược lại chỉ chuốc họa vào thân mà thôi. Đến giờ cả hai thấy cái cách nghĩ dựa vào nghĩa quân, gia nhập nghĩa quân của mình trước đây sao mà ngu muội, sao mà ngây thơ đến thế.

Thôn nữ kia bị kéo ra ngoài, quả nhiên là một tiểu mỹ nhân, thân hình đầy đặn, khuôn mặt thanh tú chẳng trách đã làm cho tên đầu lĩnh kia phải động tâm.

Tên đầu lĩnh cười lên một tràng dâm dật, chợt một gã thanh niên nghĩa binh lạnh lùng lên tiếng:

- Kỳ lão đại, Đỗ Tổng quản không phải đã có lệnh là không được gian dâm phụ nữ hay sao? Bây giờ Kỳ lão đại ngươi dừng ngựa trước vực thẳm có lẽ vẫn còn kịp đấy!

Người này mặt đầy chính khí, lại dám dĩ hạ phạm thượng, Khấu Trọng với Từ Tử Lăng không ngờ trong đám nghĩa quân ô hợp lại có nhân vật thế này, trong lòng cũng thầm khâm phục.

Kỳ lão đại "hừ" lạnh nói:

- Lý Tịnh ngươi hãy bớt quản chuyện không phải của mình đi, bây giờ ta đã gian dâm phụ nữ chưa? Ta chỉ muốn dẫn mỹ nữ này về nhà, mai mối cưới hỏi đàng hoàng, nạp làm thê thiếp, như vậy chẳng lẽ không được? Lẽ nào Đỗ gia lại quản cả chuyện hôn nhân của thuộc hạ?

Lý Tịnh đang định lên tiếng thì thôn nữ kia đột nhiên há miệng cắn mạnh vào tay tên quân lính đang giữ chặt mình, tên quân khăn xanh nhất thời đau quá liền buông tay. Cô thôn nữ không biết lấy đâu ra sức lực, lao như điên cuồng ra khỏi trùng vây, chạy thẳng về phía hai gã Khấu, Từ đang ẩn nấp.

Bốn tên quân khăn xanh khác lập tức quát mắng, thúc ngựa đuổi theo.

Hai gã Khấu, Từ thấy vẻ mặt khiếp sợ kinh hãi của cô thôn nữ, tức thì một bầu nhiệt huyết trào lên trong ngực, chẳng kể đến sự an nguy của bản thân, cúi xuống nhặt đá, xông ra ném về phía mấy tên quân khăn xanh đang đuổi theo.

Trước đây ở Dương Châu, công phu lợi hại nhất của hai gã chính là ném đá, có thể nói là công đa nghệ thục, viên đá bay một đường thẳng như kẻ chỉ lao tới mấy tên quân binh. Bọn chúng bởi không phòng bị, nên đã có hai tên trúng đá vào giữa ngực, ngã lăn xuống ngựa.

Lúc này cô thôn nữ cũng sức cùng lực kiệt, ngã nhào xuống đất.

Khấu Trọng chợt cảm thấy toàn thân bừng bừng, nội kình chân khí lan tỏa khắp cơ thể, tựa hồ như có hổ dữ tới đây gã cũng có thể đánh chết hai ba con vậy, những hòn đá ném ra cũng có lực đạo hơn gấp bội phần, trong lòng cao hứng khôn tả, gã quay sang phía Từ Tử Lăng hét lớn:

- Tiểu Lăng, mau cứu người cướp ngựa!

Những hòn đá ném ra liên tiếp, hai tên quân khăn xanh còn lại đang định giương cung nạp tiễn thì đã ăn phải hai hòn đá vào mặt, kêu thảm lên một tiếng rồi ngã lăn xuống đất.

Tiếng vó ngựa rầm rập vang lên, đám quân khăn xanh thấy đồng bọn bị ngã liền lập tức trào lên như nước lũ.

Lúc này Từ Tử Lăng đã đỡ thôn nữ kia dậy, đang không biết làm sao lên ngựa thì thấy truy binh đuổi tới nhất thời hoảng hốt mà quên đi rằng mình không biết võ công, cứ thế đuổi theo một con chiến mã vừa chạy vọt qua, còn đỡ cả thiếu nữ kia nhẹ nhàng bay lên mình ngựa một cách hết sức dễ dàng.

Lúc này Khấu Trọng cũng đã nhảy lên một con chiến mã khác, nhưng chiến mã đã lập tức dựng đứng người lên, hất gã rơi xuống đất.

Từ Tử Lăng cũng bị con ngựa ***g lên, quay mòng mòng mà không có cách nào điều khiển nó lao về phía trước.

Đám quân khăn xanh chỉ còn cách hai gã chừng vài chục bước, mấy tên đi đầu đã giương cung nạp tiễn, song vì sợ đả thương ngựa nên còn chưa tên nào buông tên.

Từ Tử Lăng kêu lớn:

- Trọng thiếu gia mau lên!

Khấu Trọng lúc này không biết làm thế nào, chỉ hét lên một tiếng rồi tung mình lên không, hạ thân xuống lưng ngựa của Từ Tử Lăng, ôm chặt eo gã hét lên:

- Chạy mau!

Chính vào lúc tình thế gấp gáp đến độ có thể khiến người tóc đen biến thành bạc trắng này, thôn nữ đột nhiên nắm lấy dây cương, hô lên một tiếng, đôi chân nhỏ thúc mạnh vào hông con ngựa.

Chiến mã hí lên một tiếng dài, lao về phía trước như một mũi tên, mắt thấy sắp lao vào cây rừng thì đột nhiên trước mặt hiện ra một con đường đất, sau vài lượt rẽ trái ngoặt phải, Khấu Trọng, Từ Tử Lăng và cô thôn nữ đã bỏ lũ tặc binh không quen đường lại phía sau.

Khấu Trọng và Từ Tử Lăng cùng lúc hoan hô vang dội, cùng lúc Từ Tử Lăng cũng giật mình nhận ra mình đang ôm chặt thân thể mềm mại của một vị cô nương hoàn toàn xa lạ.

Cô thôn nữ này chẳng những kỵ thuật tinh thâm, mà đối với địa hình nơi đây cũng nắm rõ như lòng bàn tay, chỉ thấy cô điều khiển ngựa xuyên qua rừng sâu, lên đồi xuống dốc, qua suối vượt đèo, chẳng mấy chốc tiếng hò hét truy đuổi của địch nhân đã hoàn toàn biến mất.

Ba người đang cao hứng thì bỗng nhiên chiến mã sút móng, hất tung cả ba người vào một bãi cỏ, rồi ngã gục xuống đất.

Khi cả ba vừa bò dậy, cô thôn nữ xinh đẹp kia chợt kinh hãi kêu lên một tiếng, dùng hai tay ôm chặt trước ngực. Thì ra trong lúc chạy trốn, y phục của nàng ta đã bị móc rách cả, để lộ ra hai gò ngực trắng như tuyết.

Hai gã vội quay người không dám nhìn.

Khấu Trọng thấy nàng ta chỉ thấp hơn mình chừng ba bốn thốn, liền ném bao phục về phía sau rồi nói:

- Y phục đều sạch sẽ cả đấy, lấy tạm một bộ mà thay đi, chúng tôi sẽ không nhìn lén đâu.

Sau một hồi sột soạt, thôn nữ cất giọng hổ thẹn nói:

- Thay xong rồi!

Hai gã quay người lại, nhất thời đều ngây người ra, trong lòng thầm nhủ:

“Không ngờ nàng ta lại xinh đẹp như vậy!”.

Thôn nữ này tuổi chừng đôi mươi, hai mắt đen láy, da trắng như bạch ngọc, mặc y phục của đàn ông vào lại có một vẻ phong vận khác thường.

Chỉ thấy nàng ta đưa tay vẫy vẫy hai gã lại, thấp giọng nói:

- Đi theo tôi!

Hai gã quay đầu lại nhìn con chiến mã đã sùi bọt mép, thoi thóp nằm dưới đất, thở dài một tiếng rồi đi theo nàng thôn nữ.

Đi chừng hơn nửa canh giờ, ba người đến được một thạch động kín đáo trên núi, thiếu nữ đợi cho hai gã ngồi xuống rồi cúi đầu nói:

- Đa tạ hai vị hảo hán trượng nghĩa cứu giúp, tiểu nữ tử vô cùng cảm kích!

Hai gã lần đầu tiên được tôn xưng làm hảo hán, trong lòng sung sướng đến tận mây xanh, nhưng trong lòng cùng lúc dấy lên một mối nghi ngờ. Nữ tử này dáng vẻ không giống như thôn nữ bình thường, hơn nữa cách ăn nói cũng khác hẳn với những cô gái lớn lên trong cảnh nghèo khó ở một thôn làng nhỏ bé hẻo lánh như nơi này.

Nữ tử thấy hai gã tròn mắt nhìn mình, có vẻ như đang hoài nghi gì đó, đồng thời cũng phát giác hai gã này tuy thân hình khôi vĩ, nhưng thực tế vẫn chỉ là hai tên tiểu tử to đầu kém mình vài tuổi, khuôn mặt ngây thơ vô tà, bất giác cảm giác xấu hổ và sợ hãi giảm đi gần hết, nhẹ giọng nói:

- Nô gia tên Tố Tố, không phải là người của Phổ Gia Thôn, chỉ vì bị thất tán với chủ nhân nên mới chạy loạn đến đây, được người của Phổ Gia Thôn hảo tâm lưu lại cho ăn cho uống!

Khấu Trọng làm ra vẻ hiểu biết nói:

- Tố Tố tỷ tỷ xinh đẹp như vậy, dù là có hảo tâm hay không hảo tâm thì cũng có rất nhiều người muốn tranh giành để lưu giữ tỷ lại, đây là chuyện hết sức tự nhiên!

Tố Tố đỏ mặt nói:

- Không phải như vậy đâu!

Từ Tử Lăng thấy gã bắt đầu ba hoa, liền lừ mắt một cái rồi hỏi:

- Tỷ tỷ đã ở đây bao lâu, tại sao lại thông thuộc hoàn cảnh đến vậy?

Khấu Trọng cũng cười hì hì nói:

- Kỵ thuật của tỷ tỷ đúng thật là lợi hại vô song!

Hai gã trước giờ luôn bị người khác khinh khi ăn hiếp, vì vậy khi được người khác đối xử tốt mới mình một chút, cả hai đều vô cùng cảm động. Hiện giờ tự dưng lại có một vị tỷ tỷ xinh đẹp gọi chúng là anh hùng hảo hán, cái thứ cảm giác mới mẻ mà hưng phấn này thiết nghĩ không cần phải nói cũng có thể hiểu được.

Tố Tố không biết vì sao mà hai má bỗng đỏ hồng, nhẹ giọng nói:

- Tôi sống ở Phổ Gia Thôn mới được một tháng thôi, nhưng đã từng ba lần theo dân làng đến đây săn bắn rồi nên mới biết ở đây có một hang động, còn về kỵ thuật thì... đều là tiểu thư nhà tôi dạy cả đấy. Hình như hai người chưa từng cưỡi ngựa thì phải?

Hai gã ngần ngại, thầm nhủ: “Làm gì có anh hùng hảo hán nào lại không biết cưỡi ngựa chứ?”.

Khấu Trọng khẽ đằng hắng một tiếng, lảng tránh sang chủ đề khác:

- Tiểu thư của tỷ tỷ không biết là người ở đâu?

Tố Tố thấy hai gã trước sau gọi mình là tỷ tỷ thân thiết như vậy, trong lòng cũng cảm thấy vui thích, liền nhu hòa nói:

- Tiểu thư nhà tối vốn là độc nữ của Trác lão gia Trác Vô Hà, ngày hôm đó, đội ngũ của chúng tôi bị tập kích, mọi người đều chạy toán loạn. Nhưng tiểu thư của tôi võ nghệ cao cường, có lẽ sẽ vô sự, giờ chắc tiểu thư đã đến Vinh Dương rồi.

Trong ba tháng làm tạp vụ nấu bếp trong tiệm ăn của lão Trương, mỗi ngày bọn thương khách qua lại đều bàn tán xôn xao các tin tức, lời đồn từ khắp nơi truyền về, trong đó được nhắc đến nhiều nhất chính là Trác Nhượng và đại tướng của lão Lý Mật.

Năm trước, Lý Mật đầu quân cho Trác Nhượng, khiến thực lực của Trác Nhượng gia tăng đáng kể. Họ Lý này đã đại phá Tùy quân ở Đại Hải Tự, Vinh Dương, đuổi giết Trương Tu Đà. Quân Ngõa Cương từ đó thanh thế đại thịnh, oai trấn bát phương, trở thành đại long đầu của nhiều lộ binh mã, đích thực thế lực không thể xem thường. Chẳng ngờ vị tỷ tỷ xinh đẹp ngồi trước mắt hai gã lại là a hoàn của nữ nhi của Trác Nhượng.

Khấu Trọng kinh ngạc nói:

- Vinh Dương không phải là chỗ ở cách Lạc Dương có gần trăm dặm sao?

Tại sao tỷ tỷ lại lưu lạc đến tận đây như vậy?

Tố Tố đáp:

- Tiểu thư muốn đến Lịch Dương nghe Thiên Hạ Đệ Nhất Tài Nữ Thượng T úPhương hát xướng, nào ngờ tin tức bị tiết lộ, chưa đến nơi thì đã xảy ra chuyện.

Nếu không phải vì ngựa của tỷ tỷ đây chạy nhanh, e rằng đã không có duyên gặp phải các đệ rồi.

Không biết từ lúc nào, nàng đã tự nhận làm tỷ tỷ của hai gã.

Chính vào lúc này, một tiếng ho nhẹ từ ngoài cửa động truyền vào.

Ba người nghe tiếng kinh hãi khôn tả, vội quay đầu ra quan sát. Chỉ thấy một người thân hình cao lớn, tuổi chừng hai hai, hai ba đang bước vào bên trong động. Khấu Trọng tròn mắt nhìn y, thất thanh kêu lên:

- Ngươi không phải là kẻ tên Lý Tịnh ấy hay sao?

Người này chính là gã thanh niên Lý Tịnh đã lên tiếng cảnh cáo tên thủ lĩnh Kỳ lão đại, y tuy không anh tuấn lắm, tướng mạo lại thô hào, nhưng mũi thẳng trán cao, khuôn mặt rộng mở, song mục sáng ngời, làm cho người ta có cảm giác rằng y là một nhân vật vừa trầm tĩnh ổn định, lại túc trí đa mưu.

Lý Tịnh mỉm cười, lộ ra hai hàm răng trắng như tuyết, hoàn toàn tương phản với làn da đen bóng, thô rám của y, gật đầu nói:

- Ta chính là Lý Tịnh, vị tiểu huynh đệ này nhãn lực thật là lợi hại, lúc ấy ta và hai người cách nhau ít nhất cũng phải mười lăm bước chân, vậy mà tiểu huynh đệ vẫn có thể nhận ra tướng mạo của Lý mỗ, vừa liếc thấy đã gọi ra tên. Nhưng thân thủ của các ngươi lại không giống người đã từng luyện qua võ công lắm, điều này mới thật là kỳ quái!

Hai gã đều chấn động trong lòng, Lý Tịnh này chỉ dựa vào một câu nói của Khấu Trọng mà có thể suy luận ra bao điều như vậy, quả thật trí mưu và kiến thức không phải hạng tầm thường.

Tố Tố run run nói:

- Cùng lắm ta cùng với hảo hán quay trở lại, xin chớ làm hại hai đứa nó!

Lý Tịnh cười lên ha hả:

- Chỉ bằng một câu nói có tình có nghĩa này của tiểu thư, Lý Tịnh này dù cóp hải liều mạng cũng phải bảo vệ các vị. Ba người yên tâm, chỉ có một mình ta đến đây thôi, tên Kỳ lão đại kia đã bị ta bắn chết rồi, cái thứ dâm đồ đó có lưu lại trên thế gian cũng chỉ hại thêm nhiều người nữa mà thôi.

Khấu Trọng thấy y khí độ hơn người, dáng vẻ cũng thập phần dũng mãnh, biết rằng dù hai gã có hợp lực lại cũng không phải đối thủ của y, huống hồ trên người Lý Tịnh còn có trường đao cung tiễn. Có điều y nói đã bắn chết Kỳ lão đại, lại nói sẽ liều mạng bảo vệ ba người, trong lòng nghĩ mãi cũng nghĩ không ra lý do để y lừa gạt mình, tinh thần giới bị cũng giảm đi ít nhiều:

- Lý đại ca, mời ngồi!

Lý Tịnh cởi cung tiễn, đặt đao xuống đất, ngồi xuống bên cạnh ba người.

Đợi mọi người ngồi xuống hết mới mỉm cười nói:

- Đáng lẽ ta đến từ lâu rồi, nhưng vì phải quét dọn vết tích của ba người lưu lại nên mới đến trễ một chút!

Từ Tử Lăng và Khấu Trọng đưa mắt nhìn nhau, lắc đầu nói:

- Chúng ta không nghĩ đến điểm này!

Lý Tịnh cười vui vẻ vỗ vào lưng gã một cái, tay kia giơ ngón cái lên nói:

- Kiến nghĩa hữu vi, không sợ cường bạo, là hành vi của hảo hán. Càng khó hơn là hai người còn chưa thành niên đã có đảm lượng, mưu trí và thân thủ như vậy, tương lai nhất định sẽ trở thành nhân vật siêu phàm xuất chúng.

Tiếp đó lại quay sang nói với Tố Tố:

- Kỵ thuật của tiểu thư cũng cao siêu lắm!

Ba người được y tán thưởng, mặt đỏ hồng lên, đồng thời cũng sinh hảo cảm với hán tử này.

Tố Tố nói:

- Đám quân khăn xanh đó liệu có trút giận lên người của Phổ Gia Thôn không?

Lý Tịnh làm như không có chuyện gì nói:

- Đây là nguyên nhân thứ hai khiến ta phải đến muộn, chính là phải phóng thích cho dân làng vô tội, chứ giết Kỳ lão đại và mấy tên chó theo đuôi hắn bất quá cũng chỉ mất nửa tuần trà mà thôi.

Tố Tố tuy hoan hỉ trong lòng, nhưng cũng có chút sợ hãi vì Lý Tịnh hoàn toàn chẳng coi chuyện giết người là quan trọng.

Lý Tịnh cười nhạt nói:

- Giết người có thể đoạt ngựa, nhưng bởi vì ta không đoán được tiểu thư là người nơi khác, nên chỉ dẫn có hai con ngựa tới đây, đến giờ gặp được tiểu thư, mới biết mình đã mang thiếu một con ngựa.

Khấu Trọng và Từ Tử Lăng trong lòng bội phục vô cùng, Lý Tịnh này quả đúng là nhân vật trí dũng song toàn. Nhưng cả hai cũng không cầm được mà nảy sinh chút cảm giác sợ hãi với con người này.

Lý Tịnh quan sát hai gã hồi lâu rồi thành khẩn nói:

- Đây là thời đại mà thiên hạ đại loạn, gặp nhau nói chuyện phải bằng binh đao, người không tử thì ta ắt vong, con người mà không tâm lang thủ lạt tất sẽ bị đào thải. Vì vậy, chúng ta phải nhận định rõ mục tiêu, định ra nguyên tắc của mình, phân rõ hắc bạch thị phi, bạn bè bằng hữu hay oan gia, kẻ thù, như vậy là đã có thể không hổ thẹn với lương tâm của mình rồi.

Tố Tố nói:

- Còn những kẻ mà hảo hán chưa giết, bọn chúng liệu có tìm đến đây không?

Lý Tịnh mỉm cười nói:

- Chủ yếu là chúng sẽ tìm ta để tính nợ, Đỗ Phục Uy danh tiếng tuy lớn, nhưng lại không có đảm lược và tài trí để tranh thiên hạ, lại dung túng thủ hạ, tham cái lợi trước mắt mà cưỡng bức trai tráng gia nhập đội ngũ, làm cho thiên oán nhân nộ, thôn trấn hoang tàn... trước đây ta còn coi y như một nhân vật đáng trọng, bây giờ thì đã nhìn rõ rồi.

Khấu Trọng thích nhất là nói chuyện nghĩa quân, chỉ vì Từ Tử Lăng không hứng thú lắm nên mới không có đối tượng để nói chuyện, nay gặp được Lý Tịnh, thật chẳng khác gì người trong nghề gặp nhau, vui mừng khôn xiết nói:

- Lý đại ca cho rằng đạo nghĩa quân nào là có tiền đồ nhất?

Từ Tử Lăng nghĩ ngợi giây lát, chợt nhớ tới Tố Tố cũng có thể coi là người của Trác Nhượng, liền nhắc nhở gã:

- Trọng thiếu gia, không được nói lung tung.

Lý Tịnh thấy Từ Tử Lăng không ngừng nhìn Tố Tố, sau lại đánh mắt với Khấu Trọng, liền ngạc nhiên hỏi:

- Tiểu thư là người ở vùng nào?

Tố Tố vội nói ra thân thế, sau đó tiếp:

- Tiểu tỳ chẳng biết gì về chuyện đại thế thiên hạ cả đâu, các vị cũng không cần phải vì tôi mà phải úy kỵ điều gì.

Lý Tịnh hiển nhiên rất coi trọng Khấu Trọng và Từ Tử Lăng, nghiêm mặt nói:

- Theo tình thế hiện tại, tuy rằng nghĩa quân ở khắp nơi, nhưng người có thể xem là nhân vật xuất sắc thì lại chẳng có bao nhiêu. Thanh thế thịnh nhất có lẽ là Đại Long Đầu Trác Nhượng, bất quá thủ hạ đại tướng của Trác gia là Lý Mật thanh thế xem chừng còn lớn hơn cả chủ, lại là người thâm mưu viễn lự, am tường binh pháp, nắm giữ trọng quyền, nếu cứ chủ tớ bất phân như vậy, tương lai nhất định sẽ có chuyện.

Tố Tố biến sắc nói:

- Vậy phải làm sao đây?

Lý Tịnh trầm giọng nói:

- Tiểu thư nếu tin lời Lý mỗ thì từ nay hãy rời khỏi Trác Gia, tránh được cái họa thuyền chìm người chết sau này!

Tố Tố thê lương nói:

- Tiểu tỳ từ nhỏ đã được bán vào Trác Gia, lúc ấy lão gia còn đang làm quan ở Đông Quận, về sau vì lão gia giết chết con nhà quyền quý, bị phán tử hình nên mới khởi binh tự lập, còn tiểu thư thì luôn coi tôi như tỷ muội, tôi làm sao có thể rời khỏi tiểu thư cho đành chứ?

Khấu Trọng le lưỡi nói:

- Thì ra Trác Nhượng vẫn còn chưa được coi là lợi hại nhất, vậy thì tên Lý

Mật đó có phải có tiền đồ nhất không?

Lý Tịnh cười khanh khách nói:

- Bốn chữ "có tiền đồ nhất" này rất là hay. Có thể thấy tiểu huynh đệ ngày sau nhất định sẽ là nhân vật hùng tài đại lược. Huynh đệ nói chẳng sai, Lý Mật chẳng những là võ lâm cao thủ thuộc hàng nhất lưu trong thiên hạ, mà còn là một nhà binh pháp dụng binh như thần nữa, hơn nữa hắn cũng rất có mị lực, là một nhân vật đỉnh thiên lập địa. Vấn đề là đối thủ của hắn quá nhiều, trước tiên là Tứ

Đại Môn Phiệt, nhân tài nhiều như vân tập, bọn họ quyết không để thiên hạ của nhà Tùy rơi vào tay người của gia tộc khác đâu. Hơn nữa Tứ Phiệt hùng cứ một phương, lại biết trị quốc an dân, khí độ hơn người, những điều này các đạo nghĩa quân nông dân làm sao bì được, Đỗ Phục Uy chính là một ví dụ điển hình, võ công cao cường thì sao chứ? Dù y có võ công cao hơn nữa e rằng cũng khó mà thành được đại nghiệp.

Hai gã cùng lúc nghĩ tới Vũ Văn Hóa Cập, trên mặt lộ ra vẻ phẫn hận khôn tả.

Lý Tịnh kinh ngạc nói:

- Lý mỗ còn chưa thỉnh giáo cao danh quý tánh của hai vị tiểu huynh đệ.

Khấu Trọng và Từ Tử Lăng biết đã bị y nhìn thấu tâm sự, cố ý muốn dựa vào thân phận lai lịch của hai gã để suy đoán. Từ Tử Lăng nói tên hai gã ra, rồi thẳng thắn nói:

- Vũ Văn Hóa Cập đã giết mẹ chúng tôi, vì vậy chúng tôi muốn tìm hắn báo cừu.

Lý Tịnh nghĩ tới khúc chiết bên trong, còn tưởng Vũ Văn Hóa Cập đã thật sự hại chết mẹ hai gã, cũng giống như rất nhiều người khác đã bị Dương Quảng hại cho gia phá nhân vong vậy, về sau nghe Từ Tử Lăng giải thích rõ ràng, mới biết được tình hình bên trong. Y liền nghiêm mặt nói:

- Hai vị huynh đệ hiển nhiên là mới nhập giang hồ, còn chưa thông hiểu nhân tình thế thái. Hành tẩu giang hồ cần biết một câu này: "gặp người chỉ nói ba phần thật", rất nhiều kẻ bề ngoài thì đáng tin cậy, nhưng nói không chừng, vào một tình thế nào đó, kẻ ấy sẽ trở thành địch nhân đáng sợ nhất của ta. Vì vậy mỗi câu nói của chúng ta trước đó, đều có thể trở thành yếu điểm để địch nhân khai thác.

Lý Tịnh vui vẻ nói:

- Những người khiến Lý mỗ vừa gặp đã thấy hợp ý như hai vị tiểu huynh đệ đây thật ít lại càng ít, còn vừa gặp đã thấy hết hy vọng lại nhiều không kể xiết.

Trên thế gian này có rất nhiều chuyện xem như tuyệt đối không có khả năng, đều do những người có chí khí một tay làm nên, kẻ bố y cũng có thể được phong hầu bái tướng, thậm chí đăng lên bảo tọa cửu ngũ chí tôn, người nghèo rớt mùng tơi cũng có thể trở thành phú gia địch quốc, những chuyện này sớm đã có tiền lệ, vì vậy hai người phải luôn luôn nỗ lực vươn lên.

Khấu Trọng và Từ Tử Lăng nghe mà hai mắt sáng rực lên.

Được nói chuyện với Lý Tịnh, thật chẳng khác gì đang trong màn đêm tối tăm mà gặp được ánh đèn, khiến hai gã nhìn thấy được hi vọng và mục tiêu, làm phấn chấn lại chí khí đã bị đả kích nặng nề bởi cái chết bi thảm của Phó Quân Sước.

Lý Tịnh tiếp tục nói:

- Ngoài Trác Nhượng, Lý Mật, hiện giờ có thanh thế lớn nhất là Vương Bạc, Đậu Kiến Đức và Đỗ Phục Uy, ba thế lực này xem ra... là có tiền đồ nhất.

Khấu Trọng thấy một nhân vật kiến đa thức quảng, tài giỏi hơn người như Lý

Tịnh mà cũng sử dụng câu nói này của gã, trong lòng đắc ý vô song, nói:

- Đỗ Phục Uy thì huynh đã nói qua rồi, còn hai thằng cha Vương Bạc và Đậu Kiến Đức thì có lợi hại không?

Tố Tố cười hì hì nói:

- Sao gọi người ta là thằng cha?

Lý Tịnh mỉm cười nói:

- Khấu tiểu huynh đệ vẫn còn trẻ con mà! Vương Bạc là đệ nhất cao thủ

Trường Bạch Phái, được xưng tụng là "Tiên Vương" trong võ lâm, y tự xưng là Tri Thế Lang, bài Vô Hướng Liêu Đông Lãng Tử Ca do y sáng tác đã đi sâu vào lòng người, nhờ vậy mà y nắm được lòng dân, được dân chúng vùng Sơn Đông rất ủng hộ, so với Đỗ Phục Uy thì mạnh hơn rất nhiều.

Lý Tịnh ngừng lại giây lát rồi nói tiếp:

- Nếu Trác Nhượng và Lý Mật trở mặt, vậy thì kẻ trở thành long đầu thay thế nhất định là Đậu Kiến Đức ở Thanh Hà chứ chẳng nghi, người này là Bá chủ hắc đạo vùng Hà Bắc, trước đây đã từng làm Lý trưởng, về sau do gia tộc thân hữu của y bị Dương Quảng giết sạch, nên mới phẫn hận mà gia nhập quân khởi nghĩa của Cao Sĩ Đạt. Sau khi Cao Sĩ Đạt tử chiến sa trường, quyền bính liền rơi vào tay y. Người này võ công đã tới mức xuất thần nhập hoá, thủ hạ tới hơn mười vạn, hùng cứ nơi Cảo Kê Bạc, thế lực xuyên suốt Hoàng Hà, tuyệt đối không thể xem nhẹ.

Khấu Trọng thở dài than:

- Nghe Lý đại ca một hồi còn hơn cả nghe trộm trong tiệm ăn con bà nó kia ba tháng, cái gì mà Dương Huyền Cảm, Tống Tử Hiền, Vương Tu Bạt, Ngụy Đao Nhi, Lý Tử Thông, Lư Minh Nguyệt, Lưu Vũ Châu chứ, tên thì nghe rõ là hay, khiến cho đầu đệ ong hết cả, thì ra lợi hại nhất lại là mấy người này.

Lý Tịnh lấy lương khô chia cho mọi người rồi nói:

- Chúng ta phải qua đêm ở đây rồi mới đi được, lúc ấy truy binh đã người mệt ngựa mỏi, cho dù chúng ta có gặp phải chúng cũng không có gì phải sợ.

Hai gã sớm đã kính Lý Tịnh như bậc thần minh, nghe y nói mà gật đầu lia lịa.

Tố Tố chợt hỏi:

- Lý đại ca rời khỏi Đỗ Phục Uy, sau này có dự liệu gì hay không?

Lý Tịnh không đáp mà hỏi ngược lại:

- Ba người định đi đâu?

Tố Tố cúi đầu đáp:

- Tôi muốn đến Vinh Dương tìm tiểu thư để xin tiểu thư nhắc nhở lão gia đềp hòng Lý Mật.

Khấu Trọng cũng đáp:

- Chúng tôi phải đến Lạc Dương tìm một vị bằng hữu.

Lý Tịnh gật đầu nói:

- Ta lại muốn đến Đại Đô xem khí số của người Tùy thế nào, dù sao cũng phải ngược lên mạn Bắc, để ta tiễn ba người một đoạn vậy! Dọc đường có thể tiện thể truyền cho hai vị tiểu huynh đệ một ít kỵ thuật, xạ tiễn và võ công căn bản.

Hai gã Khấu, Từ cả mừng thốt:

- Sư phụ!

Lý Tịnh vội nói:

- Ngàn vạn lần không được gọi ta là sư phụ, chúng ta chỉ dùng bối phận ngang hàng mà nói chuyện thôi, huống hồ mẹ hai người đã truyền cho hai người căn bản nội công vững chắc, có thể nói là cao thâm khó dò, thêm vào hai người có căn cốt tuyệt thế, con người lại linh hoạt cơ trí, tương lai nhất định sẽ trở thành cao thủ tuyệt đỉnh, xưng hùng vũ nội, hiện giờ hai người có thể chưa tin vào bàn thân mình, song sự thực trong tương lai sẽ chứng minh rằng ta tuyệt đối không sai.

Hai gã đưa mắt nhìn nhau, chưa biết nói gì thì Lý Tịnh đã dài người đứng dậy nói:

- Để ta dậy cho hai người kỵ mã trước, sau đó sẽ truyền đao pháp. Đao pháp của ta tính đi tính lại cũng chỉ có hơn mười thức, rất thích hợp để xung sát trong chốn thiên quân vạn mã, còn để tranh hùng trong giang hồ thì e rằng không đủ, nhưng khi xung phong trên chốn sa trường thì uy lực vô cùng, đặc biệt là khi đối phương nhân số đông hơn gấp bội. Còn tiễn thuật của Lý mỗ là ngộ được từ thuật xạ kỵ của người Hồ, về mặt này ta cũng có mấy phần tự tin.

Hai gã không ngờ gặp được kỳ ngộ như vậy, vội vàng quỳ xuống bái tạ.

Lý Tịnh cười lên ha hả, dẫn theo hai gã bước ra khỏi thạch động.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.