Đại Đế Cơ

Chương 7: Chương 7: Bên đường




Tiết Thanh cũng không biết rằng chỉ vì chuyện này mà nàng bị Liên Đường thiếu gia nghĩ rằng mình là một đứa nhỏ không tầm thường. Đương nhiên, cho dù Liên Đường thiếu gia có đứng trước mặt nàng để nói chuyện này, nàng bất quá cũng chỉ gật đầu cười một cái.

Vốn dĩ nàng đúng là người không tầm thường mà, Tiết Thanh nàng chính là người rất xem trọng bản thân mình, không phải tình huống vạn bất đắc dĩ (1) sẽ không tự hạ mình đâu.

Biến cố đột ngột này Tiết Thanh cũng không hề để ý. Vì nghe Ngô quản gia nói Quách Hoài Xuân không ở nhà nên nàng cũng không vội vã đi gặp, chỉ lo đi lại hoạt động gân cốt mỗi ngày, cũng không đi tiểu hoa viên nữa mà đi ra ngoài.

“Thanh Tử ca ca, Thanh Tử ca ca...”

Tiết Thanh mới vừa đi ra đường một lát liền nghe được tiếng gọi của đám trẻ con, nàng mỉm cười, không ngẩng đầu lên mà bắt đầu nâng áo nhấc chân... Một quả bóng lăn qua bị nàng giẫm dưới chân, rồi dùng mũi chân phối hợp cùng mu bàn chân hất cầu lên, quả cầu bằng da nhanh chóng bay ra ngoài.

Quả cầu vượt qua cây trúc ở cổng, lăn lộc cộc ra ngoài, đụng vào phía trên đống củi đang chất đống loạn xạ.

Đám trẻ con vỗ tay bôm bốp í ới gọi nhau đuổi theo.

Viện phía trước lộn xộn cũ nát, quần áo của những đứa trẻ cũng mộc mạc hết mức, có đứa thậm chí còn không mang giày nhưng việc này cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc vui chơi của bọn chúng, đứa nào cũng cười vui vẻ đi tranh đoạt quả bóng da.

Tiết Thanh tựa hồ như đang nhìn ngắm một bức tranh vẽ những đứa bé đang chơi xúc cúc nhưng không khí chợ búa nồng đậm thế này lại nhanh chóng khiến nàng trở về hiện thực.

“Thanh Tử ca ca cùng chơi luôn đi.” Bọn trẻ hô to.

Kể từ sau một lần chơi xúc cúc ngày đó, những đứa trẻ này đã quen với nàng, bọn trẻ con còn nhỏ cũng không biết cái gì gọi là người ngoài, cái gì là cô gia hay đồ chó ghẻ (4), chỉ nhớ rõ tên Tiết Thanh là người biết chơi xúc cúc là đủ rồi.

Tiết Thanh cũng không cảm thấy chơi cùng những đứa nhỏ bốn năm tuổi này có gì không ổn, hai ngày nay mỗi lần đến đây nàng đều tham gia cùng chúng nó.

Lần này cũng không ngoại lệ, nàng buộc áo lên cao một chút, sau đó hòa mình cùng đám trẻ con, dẫn cầu xoay trái rẽ phải, đi thẳng đến khi xuyên qua sân nhà mới xoay người đá một cước đưa bóng bay vào cầu môn, trường bào vừa để xuống nhẹ nhàng, thân người vừa bước ra khỏi cửa, sau lưng đám trẻ con lên tiếng gọi theo huyên náo.

Trong ngõ nhỏ yên tĩnh một chút, hai bé gái đang ngồi xổm trên mặt đất chơi dương quải (5), một bé gái khác cột tóc đuôi sam cao chót vót cũng đang cầm một chiếc chong chóng lên chơi.

Tiết Thanh đi qua đứng bên cạnh nhìn một lát, vẫn là nhịn không được nên ngồi xuống thử nắm một cái. Mấy bé gái chắc là lần đầu tiên gặp một cậu trai đã lớn như vậy mà còn cùng các bé chơi mấy trò này nên trợn mắt há hốc mồm nhìn xem nhưng cũng không ngăn cản.

Tiết Thanh cũng không đoạt đồ chơi của mấy đứa nhỏ, chơi một hai lần liền đặt xuống giống như nghỉ ngơi, sau đó lại đi ra hướng đầu ngõ.

Không khí mùa xuân càng nồng đượm, trên đường phố càng có nhiều người qua lại, vô cùng náo nhiệt. Tiếng rao hàng, tiếng cười nói ùa đến dồn dập khiến Tiết Thanh đứng tại đầu phố không khỏi trở nên hoảng hốt, cứ như nàng đang đi tới một nơi có cảnh trí bắt chước trang trí theo kiểu cổ trang vậy. Thế nhưng những nhân vật nam nữ già trẻ đang đi tới đi lui trước mắt cùng cách trang trí nhà cửa hai bên đường lại không phải là thứ mà cảnh quan nhân tạo có thể so sánh được.

Tiết Thanh cũng không đi dạo trên đường nữa mà ngồi tựa lên con ngựa đá bên vệ đường, bên cạnh có một đứa trẻ đang cưỡi trên lưng ngựa, thấy nàng định ngồi xuống liền lật đật trèo xuống đất chạy đi.

Tiết Thanh nhìn thấy chiếc mũ cùng đôi giày hình đầu hổ mà đứa trẻ kia đang mang thì không khỏi bật cười, ánh mắt lại chuyển hướng về phía đường xá, quan sát phong cảnh chợ búa hữu tình.

Đây cũng không phải là con đường phồn hoa nhất, đa số những con đường nhỏ như thế này đều bán rượu thịt, thức ăn và đồ chơi… còn có không ít hộ dân cư ở sát bên đường nữa. Vào lúc trời trong xanh nắng đẹp thế này, không ít phụ nữ choàng khăn trên đầu đang nói cười trên đường, trong tay họ không mang giày khâu tay thì cũng là những món đồ ăn ngon vừa thu hái được.

Nhìn xem phong cảnh vừa giống thời Đường lại vừa giống thời Tống, vụ thu hoạch vừa qua có vẻ cũng không tệ, khắp nơi đều tràn đầy sự phồn thịnh, an vui, Tiết Thanh im lặng nghĩ ngợi trong lòng, ánh mắt lại hướng về một hướng khác. Lúc này nàng nhìn thấy một bà cụ lưng còng đang khom lưng dắt tay một đứa bé gái tầm bảy tám tuổi đi, tầm mắt của nàng liền ngừng lại.

Trên đầu bé gái kia có cắm một cây cỏ tiêu.

Đây là muốn bán đứa nhỏ.

Bà lão kia vừa đi vừa lẩm bẩm chào mời người đi đường, người qua đường hoặc là nhìn nhiều hơn hai con mắt (4) hoặc là tránh đi, nhưng cũng không phải là không có người mua. Một người ngồi kiệu đi qua dừng lại, từ trong kiệu chìa ra một cánh tay mập mạp mang vòng tay vàng, những chiếc móng tay được sơn đỏ tươi vẫy vẫy.

Bà lão kia liền vui mừng hớn hở nắm tay đứa nhỏ đi qua, đẩy lên trước cỗ kiệu cho người ta nhìn, tình hình cụ thể Tiết Thanh không nghe được, chỉ thấy không bao lâu bàn tay trong chiếc kiệu kia liền ném ra một xâu đồng tiền lớn.

Bà lão quỳ xuống đất dập đầu, cỗ kiệu liền đi về trước, bé gái kia liền bị thúc giục nhanh chóng đi theo.

Cho đến giờ phút này, vẻ mặt bé gái kia mới biến đổi, bất chợt òa khóc lên, tựa hồ như muốn quay trở về, thế nhưng cô bé lại bị một người hầu đi bên cạnh cỗ kiệu đánh cho mấy cái, nhéo lấy cánh tay nhỏ bé của cô bé rồi thấp giọng quát mắng, bé gái kia liền bị người ta ôm lấy mang đi.

Bà lão vẫn quỳ trên mặt đất chậm chạp không đứng dậy, qua một hồi lâu khi cỗ kiệu trên đường đi xa đến mức không thể nhìn thấy được nữa, bà mới run rẩy đứng lên.

Tiết Thanh nhìn thấy bà lão khóc đỏ cả mắt, trong miệng lẩm bẩm, nét mặt đờ đẫn, tập tễnh bước đi rồi khẽ thở dài một cái.

Luôn có những ngày không dễ chịu chút nào.

Cũng trách không được tại sao Thôi thị lại không nỡ rời khỏi Quách gia, cô nhi quả mẫu (5) bên ngoài tìm kế sinh nhai nào có dễ dàng gì, đặc biệt là còn mang theo con gái, làm những nghề nghiệp phải xuất đầu lộ diện bên ngoài cũng bị hạn chế rất nhiều... Cũng may Thôi thị nhất thời nổi lòng tham nên mới hồ đồ bắt mình giả trang thành con trai.

Con trai trong nhà chỉ cần có sức lực, có đầu óc, biết chữ, muốn kiếm phần cơm ăn cũng không phải việc khó gì, Tiết Thanh đang suy nghĩ xem mình nên làm nghề gì thì bỗng có người dừng lại bên cạnh nàng.

“Tiết Thanh, huynh ở chỗ này làm gì vậy?” Một giọng nữ thanh thoát nói.

Tiết Thanh ngẩng đầu lên, nhìn thấy một cô gái mặc váy áo màu xanh, buộc chúm tóc mai, cũng không có đeo đồ trang sức gì. Tuy chỉ có độc hai sợi dây màu đỏ nhưng vẫn lộ ra nét thanh tú, đáng yêu.

Đây là con gái của Tống tẩu - Thiền Y - năm nay mười hai tuổi.

Không biết có phải bởi vì khi mới sinh ra gặp đúng dịp nhìn thấy xác ve hay không, rất may là nàng không bị gọi là Thiền Thoái, Thiền Y nghe có vẻ êm tai hơn, mặc dù cái thứ ấy cũng không đẹp mắt gì lắm.

Trong lòng Tiết Thanh suy nghĩ, nhìn cô gái cười cười, cô gái này thường hay đến nhà thăm bệnh, nói chuyện động viên Thôi thị, là một đứa trẻ hiểu chuyện lại ngoan ngoãn.

“Nhìn người.” Tiết Thanh cười nói.

Thiền Y cười hì hì, đang muốn nói gì đó thì thấy Tiết Thanh nhích người về một bên khác của tảng đá, đưa tay vỗ vỗ bên cạnh.

“Muội ngồi đi.” Tiết Thanh nói.

Thiền Y hơi kinh ngạc, nhớ lại Tiết Thanh này trước kia luôn không nói chuyện cùng người khác, đừng nhắc đến việc chủ động mời nàng ngồi, lại còn là mời rất nhiệt tình.

Nàng đã mười hai tuổi, biết rõ nam nữ khác biệt, trong lòng suy nghĩ không nên ngồi giống như các đại nha đầu (6) trong nhà để thể hiện thái độ cao quý, nhưng lại thấy trong lòng không muốn vậy... Rốt cuộc nàng cũng chỉ là một đứa trẻ, thích nghe theo chủ ý của bản thân hơn nên vuốt nhẹ váy áo rồi ngồi xuống.

“Huynh muốn nhìn người vậy hôm nay cùng muội đi tới miếu Thành Hoàng đi.” Nàng chủ động mở miệng nói chuyện, nói xong lại nghĩ tới Tiết Thanh mới bệnh nặng một trận: “Nhưng mà huynh không thể đi được, có hơi xa, người lại đông, huynh đi rồi sợ chịu không nổi thôi!”

“Có chuyện gì ở miếu Thành Hoàng vậy?” Tiết Thanh hỏi.

Thiền Y ngạc nhiên đáp:

“Làm sao huynh biết được miếu Thành Hoàng có chuyện?” - Nàng nói: “Là nghe người trong nhà lớn nói sao?”

Vì cho dù miếu Thành Hoàng có nhiều người đi chăng nữa, nàng ta cũng sẽ không đặc biệt nói ra vào ngày hôm nay.

Tiết Thanh cười cười không đáp.

Thiền Y cũng cho qua.

“Sáng nay muội mới nghe được các chị trong nhà lớn nói, hôm nay Quách gia bày biện đồ cúng ở miếu Thành Hoàng.” Nàng nói: “Còn mời cả đội lân khua chiêng múa trống đấy, muội đi trễ hơn, đứng ở đằng sau nên không thấy rõ con lân trèo lên trèo xuống và trở mình lăn lộn mấy vòng.”

Mặc dù không rõ là bày biện cúng kiếng cái gì nhưng mà cũng có thể tưởng tượng ra cảnh tượng náo nhiệt vui vẻ ấy, Tiết Thanh mỉm cười nghe cô gái huyên thuyên giải thích.

Thiền Y khoa tay múa chân, thấy Tiết Thanh yên lặng nghe nàng nói chuyện. Tiết Thanh trước đây cũng thích yên tĩnh, nhưng đó là thái độ trốn tránh người, cốt là để cho người ta nói không được nữa, còn hiện tại chàng trai này ánh mắt trong trẻo ôn hòa, ngẫu nhiên khẽ gật đầu, nghe rất chân thành cũng cảm thấy rất hứng thú, giống như muốn hối thúc nàng nói tiếp.

Ngay cả phụ mẫu cũng không bao giờ có thái độ giống như vậy khi ngồi nghe nàng nói chuyện.

Thiền Y cảm thấy một niềm vui mà từ trước đến nay không có, cười hì hì một tiếng, nghiêng đầu nhìn Tiết Thanh.

“Nói đến cái này cũng có liên quan đến Tiết Thanh huynh đấy.” Nàng nói.

Tiết Thanh “ừm” một tiếng.

“Chẳng lẽ lại là vì ăn mừng ta trở thành cô gia Quách gia sao?” Nàng nói, mắt mang ý cười.

Thiền Y cười khanh khách.

“Sao huynh biết?” Nàng buột miệng nói, vô tình lè lưỡi rồi vội che miệng lại, sắc mặt lo lắng nhìn Tiết Thanh.

***

(1) Vạn bất đắc dĩ: không phải tình huống nguy cấp

(2) Đồ chó ghẻ: ý nói người đê tiện

(3) Dương quải: thường là đồ chơi của các bé gái, làm từ xương đầu gối của con dê

(4) Nhìn nhiều hơn hai con mắt: ý nói tò mò

(5) Cô nhi quả mẫu: người phụ nữ góa chồng cùng đứa con không cha của mình

(6) Đại nha đầu: những người hầu gái có quyền hoặc tuổi cao.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.