Chung Cực Giáo Sư

Chương 6: Chương 6: Tiếng Vỗ Tay Như Sấm, Nước Mắt Loang Khóe Mi




Hoàng Hạo Nhiên muốn từ bỏ cho rồi.

Lão làng vừa ra tay là biết ngay lợi hại.

Cậu cố ý chọn hai vấn đề ít gặp trong văn học để thử thách Phương Viêm mà Phương Viêm đều nói ra đáp án ngay lập tức, hơn nữa đáp án của hắn còn vượt xa mong đợi của cậu chàng.

Những tri thức ấy mà hắn còn hiểu biết thế này thì đương nhiên hắn cũng chẳng lạ gì mấy thứ kiến thức được viết rõ ràng trong sách giáo khoa.

Nghĩa là hắn hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt vai trò giáo viên ngữ văn trung học này.

Hoàng Hạo Nhiên vui vẻ trong lòng, ông thầy này trẻ tuổi nhưng không dốt nát, học rộng biết nhiều ra phết. Hắn không những thuận miệng đáp đúng hai câu hỏi của cậu, mà còn thuộc nằm lòng cả sách cổ văn kinh điển “Hán Thư” làm cậu cũng phải chùn bước nữa chứ.

Thầy giỏi thì trò học hỏi được nhiều.

Thế nhưng Hoàng Hạo Nhiên vẫn thấy cực kì chua xót. Bị người khác đè đầu trong mảng tri thức cổ văn mà mình hằng kiêu ngạo, cậu không muốn phải chấp nhận sự thật tàn khốc ấy chút nào.

Cho nên cậu vẫn kiên trì hỏi câu hỏi thứ ba.

Cậu tháo kính xuống, dùng một chiếc khăn vải màu vàng lau sạch.

Hoàng Hạo Nhiên không hỏi ra câu hỏi thử thách thứ ba một cách tùy tiện, bởi vì cậu biết người thầy trẻ tuổi như bạn cùng lứa trước mặt mình đây không hề dễ đối phó.

Cậu muốn đề bài thứ ba phải khó thêm một chút, muốn dùng đề bài này quật ngã Phương Viêm.

Hành động này vừa cảm tính lại vừa đánh đố người khác, thế nhưng cậu muốn thắng! Keo này cậu phải thắng, phải lấy lại một chút tự tôn và kiêu ngạo mới được!

Phương Viêm nhìn Hoàng Hạo Nhiên, tất cả học sinh lớp 9 cũng đổ dồn ánh mắt nhìn Hoàng Hạo Nhiên.

Sau hai keo bại trận, lần này chắc chắn Hoàng Hạo Nhiên muốn hòa một ván.

Đề thứ ba là cơ hội cuối cùng của cậu.

Cậu sẽ ra đề thế nào đây?

Hoàng Hạo Nhiên đeo kính lên, siết chặt vải lau kính trong tay rồi nói khẽ:

- Đọc “Lão Tử Ngũ Thiên Văn”.

- Gì cơ?

Có rất nhiều học sinh không hiểu “Lão Tử Ngũ Thiên Văn” là cái gì.

- Là “Đạo Đức Kinh” đấy.

Có học sinh nói.

Xôn xao.

Tất cả học sinh đều nhìn Hoàng Hạo Nhiên như nhìn một thằng điên. Thằng ranh này chơi ác thế ai chơi?

Có thể nhiều người không biết “Lão Tử Ngũ Thiên Văn” chứ “Đạo Đức Kinh” thì ai mà chẳng nghe tới ít nhiều.

Chưa nói đến cổ văn khó đọc, chỉ riêng độ dài của “Đạo Đức Kinh” đã khiến người ta đau hết cả đầu.

“Lão Tử Ngũ Thiên Văn”, nghe cái tên là đủ biết nó có tới hơn năm ngàn chữ. “Đạo Đức Kinh” hiện tại chia thành tám mươi mốt chương, chứa đựng những tư tưởng cốt lõi của Đạo Giáo.

Học thuộc bài cổ văn kinh điển dài dằng dặc như thế không sót một chữ nào, chẳng phải đánh đố người ta thì là gì?

- Đánh đố quá!

Một cô bé xinh xắn đứng lên nói:

- Hoàng Hạo Nhiên, ông làm thế là không được. Ông có muốn làm khó thầy Phương thì cũng đừng chơi bẩn thế chứ? Sao ông không bắt thầy ấy đọc “Hồng Lâu Mộng” luôn đi cho chắc thắng?

- Đúng đó, ông bắt thầy ấy đọc, ông đọc được thì đọc trước cho tụi tui nghe thử cái?

Một nữ sinh khác phụ họa.

- Thầy Phương, đừng nghe nó, thầy thắng rồi, thầy có tư cách làm thầy của bọn em mà.

Nữ sinh thứ ba đứng lên.

Phương Viêm tự nhiên bắt đầu nhớ nhà, nhớ ba mẹ thân ái của mình quá.

Cảm ơn ba, cảm ơn mẹ, cảm ơn hai người đã sinh con ra xinh đẹp như hoa!

Đẹp trai thích thật đấy, tuy không dùng mặt đến ngân hàng quẹt thẻ được, nhưng mà muốn học sinh nữ ủng hộ thì dễ như trở bàn tay.

Là một thầy giáo phái thần tượng, Phương Viêm cảm thấy cuộc sống của mình chẳng có áp lực gì.

Hoàng Hạo Nhiên cười lạnh nói với mấy nữ sinh kia:

- Tui nói rồi, tui thử thách thầy ấy ba câu, thầy ấy cũng có thể thử thách tui ba câu. Nếu thầy thấy khó quá thì hỏi lại em câu này luôn cũng được.

Mọi người im lặng.

Thánh học đáng sợ quá, không ngờ lại có thể đọc hết cả “Đạo Đức Kinh” luôn. Trên thế gian này còn có gì có thể ngăn cản bước đi của bọn họ nữa chứ?

- Em dám chắc là muốn ra đề này à?

Phương Viêm nhìn Hoàng Hạo Nhiên bằng ánh mắt bình tĩnh rồi hỏi đầy ôn hòa.

Người có tài luôn dễ dàng có được sự tôn trọng của người khác.

Nói thật thì ban đầu Phương Viêm có hơi bất mãn với Hoàng Hạo Nhiên.

Những học sinh khác đều bị khí chất ngầu lòi của mình chinh phục, cả đám không ho he tiếng nào chấp nhận thầy giáo mới là mình đây, ranh con này ở đâu chui ra mà lắm chuyện thế?

- Thầy dựa vào cái gì mà đòi làm thầy của em?

Xem xem, câu hỏi này có nghe có sốc óc không không? Có lộn ruột không?

Thế nhưng bây giờ Phương Viêm đã tha thứ cho Hoàng Hạo Nhiên rồi, thậm chí còn hơi thinh thích cậu học sinh này nữa. Bởi vì một học sinh có thể thuộc lòng được “Đạo Đức Kinh” thì đúng là nên kiêu ngạo thật đấy.

Tri thức văn học uyên bác, hình tượng nhân vật sinh động, tính cách không thỏa hiệp với hiện thực, cậu nhóc này có được những điều mà vô số học sinh khác còn thiếu sót.

Nếu tất cả học sinh lớp 9 đều như Hoàng Hạo Nhiên thì Phương Viêm chẳng còn mặt mũi cũng như tư cách mà ở lại đây làm giáo viên.

Vì có Hoàng Hạo Nhiên nên hắn mới tìm thấy giá trị của mình.

- Đúng vậy.

Ánh mắt của Hoàng Hạo Nhiên nhìn Phương Viêm trên bục giảng trở nên kiên định:

- Nếu thầy thấy khó thì em sẽ đọc thuộc lòng từ đầu đến cuối cho thầy nghe.

- Thầy Phương, bây giờ em gọi thầy là thầy, thầy có tư cách làm thầy giáo của bọn em. Nhưng em muốn thắng thầy. Dù thầy có là thầy của em thì em cũng vẫn muốn thắng thầy.

- Em quyết định không đổi đề khác chứ?

Phương Viêm thích cái tự tin này của cậu, bèn cười hỏi.

- Không.

Thái độ của cậu chàng cực kì kiên quyết, trả lời chỉ bằng một chữ.

- Thế thì...

Phương Viêm bước vài bước trên bục giảng, đoạn nói:

- Đề này quá đơn giản, chúng ta tăng thêm độ khó cho nó đi. Thầy sẽ đọc ngược “Lão Tử Ngũ Thiên Văn” từ cuối lên.

Phương Viêm thanh thanh cổ họng, cao giọng đọc:

Tín ngôn bất mỹ. Mỹ ngôn bất tín. Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện. Tri giả bất bác. Bác giả bất tri. Thánh nhân bất tích. Tức dĩ vi nhân dĩ dũ hữu. Tức dĩ dữ nhân dĩ dũ đa. Thiên chi đạo lợi nhi bất hại. Thánh nhân chi đạo nhi bất tranh.

Tiểu quốc quả dân. Sử hữu thập bá chi khí nhi bất dụng. Sử dân trọng tử nhi bất viễn đồ. Tuy nhiên hữu chu dư vô sở thừa chi. Tuy hữu giáp binh vô sở trần chi, sử dân phục kết cường nhi sử dụng chi. Cam kỳ thực, mỹ kỳ phục, an kỳ nhạc, nhạc kỳ tục. Lĩnh quốc tương vọng, kê khuyển chi thanh tương văn, dân chí lão tử bất tương vãng lai.

Phương Viêm vừa ngâm nga vừa viết bảng.

Từng hàng từng hàng chữ thảo đẹp tựa rồng bay từ tay hắn viết xuống, hòa quyện cùng giọng đọc vần điệu rõ ràng.

Hắn càng đọc càng nhanh, càng viết càng nhanh, phấn viết ma sát với bảng đen vang lên từng tiếng soàn soạt.

Khẩu quyết rõ ràng mang theo hạo nhiên chính khí, thư pháp tuyệt đẹp như mây bay nước chảy, người đọc văn, người viết chữ, hòa làm một thể với áng văn kinh điển thiên cổ “Đạo Đức Kinh”.

Hắn là Lý Bạch đấu rượu trăm ngày, hắn là mỹ thiếu niên múa kiếm trong rừng trúc, hắn là Kê Khang tấu Quảng Lăng Tán trước lúc hành hình. Bất cứ loại hình nghệ thuật nào được biểu diễn đến mức tột cùng đều toát lên vẻ đẹp rung động tâm hồn, chinh phục lòng người.

Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh. Vô danh thiên địa chi thủy. Hữu danh vạn vật chi mẫu. Cố thường vô dục dĩ quan kỳ diệu. Thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu. Thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh, đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn.

Cuối cùng, sau khi câu đầu tiên của “Đạo Đức Kinh” được ngâm xong thì cũng là lúc phấn viết trong tay Phương Viêm gãy đôi vì lực đè quá mạnh.

Thiếu niên cười trong sáng, tư thái phóng khoáng, ánh dương ngoài cửa sổ chiếu vào mạ lên người hắn một tầng sáng chói như dát vàng.

Giờ này khắc này, hắn tựa thần minh!

Trầm mặc.

Sau đó, tất cả học sinh đều đứng vụt dậy.

Tiếng vỗ tay ầm ầm vang lên.

Tiếng vỗ tay như sấm dậy, đôi mắt ai nấy đều lóng ánh ánh nước!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.