Chờ Đợi Giọng Nói Của Em

Chương 4: Chương 4: KHÔNG THỂ BIẾT ƠN




Tiểu Lộ, nữ, 16 tuổi, học sinh lớp 11

Khi còn nhỏ, tôi ước ao mình có thể lớn thật nhanh. Nhưng giờ khi đã trưởng thành thì tôi lại thầm mong thời gian có thể quay trở lại.

Kể từ khi tôi bắt đầu học cấp hai, mẹ đã tỏ ra “quan tâm đặc biệt” đến tôi. Cả ngày mẹ không ngừng cằn nhằn, nào là: “Còn nhỏ không chịu phấn đấu thì sau này khổ cả đời”, rồi thì: “Con gái mà cứ kết bạn lung tung, không khéo lại mắc lừa đấy con ạ!” … Ôi, tôi nghe những lời này đến chán ngấy ra rồi. Có đôi lúc do không chịu nổi nên tôi cũng cãi lại mẹ. Thế nhưng chỉ cần tôi nói một câu là y như rằng mẹ tôi lại giảng cho một tràng toàn là đạo lí và cuối cùng thì lần nào phần thắng cũng thuộc về mẹ tôi.

Lâu dần, tôi đã “luyện” thành công ngón “giả câm, giả điếc”. Mẹ nói cái gì, tôi cũng tỏ ra chăm chú lắng nghe, nhưng thực ra, những lời mẹ nói chỉ như gió thoảng qua tai. Nhưng dù gì đi nữa thì tôi vẫn cố gắng để giảm thiểu tối đa số lần bị nghe mẹ mắng. Ví dụ như, mỗi ngày, cứ tan học là tôi lại cắm đầu đi thẳng về nhà, vừa đi vừa nhìn đồng hồ. Chưa bao giờ tôi la cà dọc đường vì sợ khi về đến nhà mẹ lại hỏi này hỏi nọ là: “Con đi đâu giờ này mới về?”.

Sáng thứ Bảy hôm đó, mẹ tôi đi ra ngoài có chút việc. Tôi đang ở nhà làm bài tập thì nghe thấy có tiếng gọi mình ở bên dưới nhà vọng lên. Hóa ra đó là ba người bạn cùng lớp với tôi, hai nữ một nam. Họ nói muốn đến nhà tôi chơi. Mừng thầm trong bụng vì không có mẹ ở nhà, tôi liền mời các bạn vào nhà. Thực ra, tôi rất thích mời bạn bè đến nhà, nhưng mẹ tôi lại không thích tôi làm như vậy. Bạn bè tôi rất hay mời tôi đến nhà chơi. Bố mẹ của các bạn rất tâm lí, nhiệt tình tiếp đãi chúng tôi, còn giữ chúng tôi ở lại ăn cơm. Thật đáng ngưỡng mộ!

Mấy người bạn vào nhà tôi chơi đều tỏ ra rất ngạc nhiên, họ ngắm nghía mọi thứ trong nhà. Điều đó cũng dễ hiểu vì đây là lần đầu tiên họ đến nhà tôi chơi mà. Tôi cất sách vở và cùng họ xem sách trên giá sách của mình. Cậu bạn nam thích thú nghịch cái bật lửa của bố tôi. Chúng tôi hào hứng kể chuyện về các thầy cô giáo, các bạn học sinh và những tin tức “nóng hổi” xảy ra trong trường. Đang nói chuyện vui vẻ thì mẹ tôi về.

Mẹ đứng ở cửa, thấy trong nhà có người lạ thì tỏ ra rất kinh ngạc. Tất cả chúng tôi đều nhìn mẹ. Mẹ tôi cố nặn ra một nụ cười miễn cưỡng trên khuôn mặt, nụ cười ấy khiến mẹ giống như đang khóc. Không khí bỗng trở nên nặng nề, các bạn của tôi nhanh chóng tạm biệt ra về.

Các bạn vừa về, mẹ lập tức đóng cửa lại, nghiêm mặt hỏi tôi: “Mấy đứa nó là ai? Bạn học à? Cùng lớp với con à? Tên là gì? Bố mẹ làm gì? Đến tìm con có việc gì?”. Tôi dở khóc dở cười, nhưng chẳng biết làm sao, mẹ tôi là người như vậy đấy. Tôi lần lượt trả lời cho bằng hết những câu hỏi mang tính chất vấn của mẹ, thế mà mẹ vẫn không chịu bỏ qua. Tối hôm đó, mẹ còn cho “triệu tập” một “hội nghị gia đình”. Một lần nữa mẹ nhấn mạnh và yêu cầu tôi phải dồn hết tâm trí và sức lực cho học tập, không được tùy tiện giao du với bạn bè. Nói chung lại là những đạo lí cũ rích mà mẹ đã nói không biết đến bao nhiêu lần rồi, thậm chí tôi còn có thể đọc thuộc lòng những điều này nữa cơ! Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu, tâm trạng rất tồi tệ. Thậm chí tôi còn nghĩ, chắc là mẹ đang muốn giày vò mình. Bố tôi trước đây không bao giờ lên tiếng, nhưng lúc đó, mẹ bắt bố phải tỏ rõ thái độ nên bố tôi cũng lập lại một tràng giang đại hải những điều mẹ vừa nói, nào là: thời buổi này xã hội rối ren, không được có ý đồ làm hại người khác, nhưng cũng không nên quá cả tin, rồi thì vân vân và vân vân. Cuối cùng, đến lượt mẹ tôi đưa ra kết luận: “Trong thời gian đi học, tuyệt đối không được giao du với đám con trai!”

Hôm đó lòng tôi vô cùng ấm ức, không sao học bài được. Tôi cảm thấy mình giống như một phạm nhân, không chỉ mất đi quyền tự do về hành động mà cón mất luôn cả quyền tự do trong suy nghĩ. Chỉ cần tâm trạng tôi có đôi chút khác thường (thậm chí ngay cả bản thân tôi cũng không phát hiện ra) là mẹ tôi lại bắt đầu chất vấn cho bằng được nguyên nhân. Chỉ cần tôi một lần làm bài kiểm tra không tốt là y như rằng mẹ tôi lại bắt đầu “bài diễn văn” dài vô tận.

Còn nữa, ngay từ nhỏ bố mẹ đã coi tôi như “động vật bảo vệ cấp một”. Mỗi khi nhà có khách là tôi bị bố mẹ nhắc vào trong phòng, không cho phép nói chuyện hay tiếp xúc với khách khứa. Nếu mà khách có ở lại ăn cơm thì tình cảnh của tôi đúng là thê thảm: mẹ ở trong bếp làm cơm, bố ở phòng khách tiếp khách, còn tôi một mình trong phòng với cái dạ dày cứ sôi lên ùng ục, đành phải gặm mì tôm cho đỡ đói. Lúc ăn sơm, bố mẹ không cho phép tôi ăn cùng với khách mà phải đợi đến khi khách khứa ăn xong rồi tôi mới được ngồi ăn. Tôi thật không hiểu nổi, tại sao bố mẹ luôn chê bai tôi nhát gan mà lại không chịu tạo điều kiện cho tôi có cơ hội rèn luyện để mạnh dạn hơn? Nếu như nhà có khách, tại sao bố mẹ không để cho tôi có cơ hội rót trà mời khách, không cho tôi tiếp chuyện với họ để tôi có thể mạnh dạn hơn và học hỏi được nhiều điều hơn từ họ?

Một lần khác, có một bạn nam gọi điện thoại cho tôi để hỏi bài. Mẹ tôi nhấc máy, không những không đưa điện thoại cho tôi mà còn chất vấn bạn ấy, hỏi bạn ấy tìm tôi có việc gì. Bạn ấy nói gọi điện thoại hỏi bài tôi, thế nhưng mẹ tôi không tin, còn mắng cho cậu bạn kia một trận. Tôi rất buồn, dù gì tôi cũng đã mười sáu tuổi rồi. Một đứa con gái mười sáu tuổi chẳng lẽ lại không được có một chút tự tôn nào hay sao? Sao mẹ nỡ đối xử với bạn tôi như vậy? Ở trong nhà, hai bố con tôi đều im lặng trước những lời mắng mỏ và cằn nhằn của mẹ. Về sau, nghe các bạn cùng lớp nói, cậu bạn hôm gọi điện đến nhà tôi đã nói rằng mẹ tôi là một “bà già dở hơi”. Tôi cảm thấy thực sự mất mặt và xấu hổ, chỉ muốn chui xuống đất cho xong.

Thực ra, tôi rất yêu mẹ. Tôi biết mẹ vì tôi mà vất vả nhiều. Nhưng tôi không thể biết ơn những gì mẹ đã dành cho tôi. Ngay cả khi đã khôn lớn tôi cũng tin rằng mình sẽ không thể biết ơn sự “giáo dục” nghiêm khắc quá mức này.

Cho dù tình mẹ có vĩ đại đến đâu đi chăng nữa thì mẹ cũng chỉ là một “con người” bình thường mà thôi. Những người mẹ khác nhau có cách thể hiện tình cảm với con mình theo những cách khác nhau. Trên đời, có một số người mẹ có cách thể hiện tình cảm làm cho con cái thấy sợ hãi, khó tiếp nhận. Bởi thứ tình cảm này luôn kèm theo đòi hỏi, yêu cầu. Mẹ của Tiểu Lộ là một ví dụ điển hình. Mẹ Tiểu Lộ liên tục xâm phạm tự do về tinh thần của con gái. Đương nhiên bà không hề cảm nhận được những tổn thương mà bà đã gây ra cho con gái mình. Nếu như cảm nhận được thì chắc rằng mẹ cô bé đã không làm như vậy. Bởi vì xét cho cùng không có bà mẹ nào lại cố ý làm tổn thương con mình.

Trên đời này không có ai là hoàn hảo cả. Mỗi người mẹ đều ít nhiều có những nhược điểm riêng. Những người mẹ hay cằn nhằn thường là do áp lực của cuộc sống. Thực ra, mẹ Tiểu Lộ đã cố gắng hết sức vì gia đình, vì con gái. Vì thế Tiểu Lộ nên có thái độ khoan dung trước những ứng xử sai lầm của mẹ trong vấn đề giáo dục con cái. Đôi khi sự “cằn nhằn” của mẹ Tiểu Lộ không phải nhằm mục đích uốn nắn hành vi cho con gái, mà chỉ đơn thuần để trút bớt những bực dọc ở trong lòng mà thôi. Những lúc này Tiểu Lộ chỉ cần lắng nghe. Cho dù có bị nói oan đi chăng nữa thì đó cũng là mẹ mình, có thiệt gì đâu cơ chứ? Chúng ta thường xuyên phải chịu ấm ức trước người ngoài, vậy tái sao không thể cười xòa, bỏ qua tất cả cho mẹ của mình cơ chứ?

Tiểu Lộ cũng có thể tạo ra cơ hội thay đổi tính cách của mình. Ví dụ: giao lưu rộng rãi với bạn bè trong trường, chur động giúp đỡ các bạn trong lớp… Dần dà, mối quan hệ với bạn bè trong lớp tốt lên, bản thân Tiểu Lộ cũng sẽ mạnh dạn hơn. Nếu như Tiểu Lộ một mặt sống ỷ lại vào mẹ mình, mặt khác lại trách cứ mẹ không tâm lí, thì có phải là cô bé này đang mượn cớ để lười nhác không nhỉ?


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.