Bí Thư Tỉnh Ủy

Chương 5: Chương 5: Chương 3




Trăng đầu tháng đã lặn, chỉ còn lại bầu trời trắng đục nhờ nhờ. Thỉnh thoảng vài ba ngôi sao lấp ló run rẩy trong cơn gió bắc lạnh buốt. Đường làng hun hút gió. Dậu một tay bê cây đèn dầu, một tay cầm cuốn sổ ghi công điểm đưa lên chắn gió cho đèn khỏi tắt. Tế đi bên cạnh, hai người vừa đi vừa chuyện trò.

- Cấy hái xong có khi phải ngược Phú Thọ, Tuyên Quang mua sắn về thái phơi khô chống đói thôi ông ạ. Cây lúa vừa đặt xuống đã gặp ngay vụ rét thế này, đói là cái chắc – Tế bảo.

- Làm ăn kiểu này không gặp rét cũng đói chứ nói gì gặp rét. Cái thằng Ninh càng ngày càng bố láo. Sáng nay nó và thằng Kiểm bừa nhốn bừa nháo mấy đường rồi ngồi nghỉ chờ kẻng đánh. Tớ bảo nó, nó trương mắt ếch lên cười hềnh hệch khích tớ là muốn lấy cái danh hiệu anh hùng lao động. Trước đây nó là thằng làm ăn có trách nhiệm lắm chứ đâu có thế.

- Dần dần rồi thế cả ông ạ. Đến như tôi, nếu không phải là đảng viên thì tôi đã xin ra khỏi Hợp tác xã để lo kinh tế cho gia đình chứ chẳng dại gì ngồi chung trên cái thuyền nát này để nhìn thấy cảnh mình cùng bị chết chìm.

Trên sân Hợp tác một số người ngồi co cụm vào nhau mồm xuýt xoa vì lạnh. Tiếng rít thuốc lào lanh lảnh. Tiếng nói chuyện lập bập, đứt đoạn. Trên hiên, Ngọ và Lấu ngồi cạnh cây đèn bão. Ngọ vẫn ăn mặc như thường ngày. Chiếc áo bông và cái mũ biên phòng bỏ giải che tai lơ lửng. Có tiếng đàn ông trong đám đông nói to:

- Bình điểm xét điểm gì thì làm nhanh cho bà con về nghỉ ông đội trưởng ơi. Rét quá. Ngồi ngoài trời một lúc nữa là bà con chết cóng mất.

- Chú Bản phải không? Sợ chết cóng thì về ấp vợ mà ngủ. Xã viên đã đến đủ đâu mà bình với xét.

- Ai đến sau nghe sau. Ông cứ đọc tên những người có mặt ở đây trước đi. Ông rỗi rãi còn sức mà ấp vợ chứ chúng tôi cả ngày ngoài đồng lấy sức đâu mà ấp.

- Tôi nói thật mà chú xỏ xiên rồi. Đã làm ăn tập thể thì nghe bình điểm cũng phải nghe tập thể, chú hiểu chưa nào?

Hoang nói vọng lên:

- Có việc làm tập thể, có việc không làm được tập thể đâu ông đội trưởng ạ.

Mọi người cười râm ran. Lác đác vẫn còn người cầm đèn vào sân Hợp tác. Ngọ đứng lên che mắt cho khỏi chói ánh đèn nhìn xuống bên dưới:

- Thôi được rồi. Chiếu cố nguyện vọng của bà con, thư ký cứ đọc nhé. Ai chưa có thì lát nữa đọc lại để khỏi phải kiện cáo lôi thôi. Bây giờ mọi người nghe thư ký đội đọc điểm của từng người trong ngày. Ai đồng ý thì thôi, ai thắc mắc thì tôi sẽ giải đáp. – Ngọ quay lại bảo Lấu – Đọc đi.

Lấu kéo cây đèn bão gần lại phía mình rồi đưa sát cuốn sổ vào ngọn đèn:

- Bà con nghe tôi báo điểm từng người nhé. Trước hết là số lao động tát nước. Hôm nay ở đồng Nang gồm những người sau đây: Bà Thất, bà Tắc, bà Sáng, em Lục, bà Điềm, bà Hòe. Điểm tát nước, sáng năm điểm, chiều ba điểm. Cộng tất cả là tám điểm.

Bà Thất đứng bật dậy:

- Chúng tôi tát cả ngày vẹo xương sống sao lại chấm cho chúng tôi tám điểm?

- Các bà tát cả ngày nhưng mực nước quy định của hợp tác là xâm xấp mặt ruộng cao năm phân. Ruộng các bà tát hôm nay chỉ cao có ba phân – Ngọ giải thích.

- Ông ra đo khi nào mà bảo tôi tát cao có ba phân. Hỏi bà Điểm, bà Hòe, con Lục cùng tát ở cánh đồng Nang xem nước cao năm phân hay ba phân?

- Tôi không ra đo nhưng có người báo với tôi.

- Quân nào báo ông nói cho tôi biết tôi vạch mặt nó ra.

- Làm ăn tập thể, có con mắt tập thể. Người ta vì lợi ích của Hợp tác mà báo chứ chẳng thù hằn gì bà mà bà đòi vạch mặt người ta.

Dậu ngồi bên dưới nói to:

- Thôi không phải đôi co với nhau nữa. Các bà có thiệt vài điểm thì cũng chỉ hụt một nắm thóc chứ cân lạng gì mà đôi co cho mệt. Đề nghị thư ký đọc tiếp đi.

Bà Thất ấm ức ngồi xuống. Lấu nói tiếp:

- Các bà ghi vào sổ cho cẩn thận kẻo quên lại cãi nhau. Riêng em Lục tuy cùng tát ở đồng Nang nhưng buổi sáng được ba điểm, chiều hai điểm. Cộng cả ngày là năm điểm.

Lục kêu lên:

- Cháu cùng tát như mọi người, ai cũng cầm hai dây gàu như nhau. Cháu còn kéo khoẻ hơn. Mấy lần bà Thất còn mắng cháu kéo khoẻ như trâu suýt làm bà ấy ngã. Thế mà các bà được tám điểm, cháu năm điểm là thế nào?

Ngọ lại đứng dậy giải thích:

- Cháu kéo khoẻ nhưng cháu đang ở tuổi lao động phụ. Không thể so bì với lao động chính như các bà được.

- Cháu ở tuổi lao động phụ nhưng cháu làm cật lực chứ có làm phụ đâu. Chú hỏi bà Thất thử xem. Cho cháu điểm như vậy là bất công.

Bích ngồi dưới nói to:

- Đúng đấy. Em Lục đã ở tuổi mười sáu rồi. Em ấy đang ở sức lao động dồi dào. Chấm điểm cho em như vậy là không công bằng.

- Lại cái Bích hả? Mày định chống lại những quy định của Nhà nước đấy phải không? Nếu thấy không công bằng mày và cái Lục kéo nhau lên chính phủ mà kiện. Hợp tác cứ chiếu theo quy định mà làm.

- Có chỗ kiện thì cháu đi kiện chứ cháu sợ gì mà không kiện. Phân biệt lao động phụ với lao động chính nhưng ối người hưởng điểm của lao động chính mà suốt ngày chẳng đụng vào cái cày cái cuốc, chẳng biết đồng ruộng là gì. Quy định gì mà lạ đời thế.

Lục ức quá ngồi khóc rưng rức. Bà Mão ngồi cạnh khuyên Lục:

- Thôi cháu. Nhà nước đã áp thế rồi. Hợp tác cũng làm theo quy định của Nhà nước, có nói lắm cũng thế thôi.

Lục mếu máo:

- Nhưng cháu ức lắm cơ.

Dậu ngồi cạnh đấy cũng khuyên Lục:

- Thôi cháu ạ. Chú bừa mửa mật ra mà cũng bằng điểm những người cắm bừa ngồi hút thuốc lào cả buổi. Biết có nói cũng chẳng làm thay đổi được gì nên chú cũng đành ngậm miệng nhận cho xong.

Cuộc bình điểm kéo dài trong không khí cãi vã đến khuya mới tan. Trên đường về Dậu đi cùng Ngô, bí thư chi bộ Hợp tác xã Gia Đạo. Dậu than thở:

- Thời thế này rồi sẽ đi đến đâu hả ông? Bi quan lắm ông ạ. Ông thấy đấy. Hôm nay đội giao hai lượt bừa đơn, ba lượt bừa kép, thế mà phần lớn những người đi bừa chỉ bừa lượt đơn đầu tiên là nghiêm chỉnh. Đến lượt đơn sau thì bừa một đường bỏ một đường. Đến khi bừa kép thì chẳng khác gì cho bừa gãi lên ruộng. Bừa một đường bỏ đến ba đường. Năm sào ruộng mà có đến mười hai trâu bừa. Mỗi lần quay bừa là đầu trâu húc vào nhau. Bừa vài đường cắm bừa lên ngồi hút thuốc. Tôi và thằng Mai không làm ăn kiểu gian dối ấy được nên hai chú cháu cặm cụi làm. Chỗ nào bừa dối, tôi và thằng Mai bừa lại. Thế mà tôi và thằng Mai bị tay Ninh giễu là đang phấn đấu trở thành anh hùng lao động. Tối hôm nay thì công điểm của tôi và công điểm của thằng Mai bằng những người kia. Nói thật với ông tôi chán đến cổ kiểu làm ăn này lắm rồi. Ông nghĩ có cách gì làm chuyển biến cách thức làm ăn hiện nay của Hợp tác xã không ông? Để tình trạng này kéo dài thì nguy quá. Không khéo Hợp tác xã tan rã mất.

- Khó lắm. Đường lối chính sách Đảng và Nhà nước đã vạch ra. Quy chế, quy tắc điều lệ về Hợp tác xã nông nghiệp đã thành văn bản có tính pháp chế, nó đã trở thành khuôn mẫu rồi. Không dễ gì thay đổi được đâu.

- Ông biết sáng nay đi từ ngoài đồng về cái Bích nói với tôi những gì không? Nó bảo giá như Hợp tác xã quay lại cái thời kỳ nó còn đi học mà hóa hay. Cứ góp ruộng vào làm chung. Trâu bò, cày bừa của nhà ai nhà ấy dùng. Đến vụ cứ tính diện tích ruộng góp cho Hợp tác và công lao động mà chia sản phẩm. Sau đó đóng góp gì thì đóng góp. Từ chiều đến giờ tự nhiên trong đầu tôi cứ lởn vởn câu nói của cái Bích. Con bé ấy nhiều lúc nó nghĩ những điều mà chúng ta không nghĩ đến ông ạ.

- Người ta đi về phía trước chứ ai lại đi thụt lùi. Cứ theo ông bây giờ ta quay về Hợp tác xã cấp thấp sau đó lùi về thời kỳ vần công đổi công hay sao.

- Nếu biết đi nhầm đường thì việc lùi lại để chọn con đường khác đi nhanh hơn thì cũng nên lùi.

- Ông nói với tôi thì được chứ ông nói công khai câu vừa rồi là ông mang họa đấy.

Bóng Dậu và Ngô lùi dần vào bóng đêm. Chỉ còn nhìn thấy hai ngọn đèn dầu le lói trên con đường làng.

_________________

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.