Trí Tuệ Đại Tống

Chương 31: Q.1 - Chương 31: Vân Đại đi thi.




Vân Tranh không cố ý làm thế, y thề, chỉ là cuộc sống mưu sinh khó nhọc từ nhỏ để lại không ít tính xấu, khiến y luôn tìm cách tận dụng mọi điều kiện có lợi nhất để hoàn thành mục đích của mình, hành vi bản năng thuần túy, chỉ là lương tâm y chưa mất, đáng lẽ lúc này đây có thể vui vẻ mời các hương thân uống trà, thành tâm thành ý cám ơn họ, nhưng giờ nhìn ai cũng cảm giác họ đang ném cho mình ánh mắt khinh bỉ.

Những lời giả tình giả nghĩa thì y có thể nói vô cùng chân thành, nhưng lúc xúc động thật sự lại thấy khó nói ra lời.

Muốn đi giúp đỡ mọi người cho bớt áy náy, nhưng lại bị tộc trưởng mắng một trận, sắp tới kỳ thi rồi, sao còn đi lăng quăng như kẻ vô công rồi nghề, nói xong chỉ các hương thân:

- Đó là đám vô tích sự, gia gia cháu cũng thế, đầu không có chữ nên cả đời phải làm trâu ngựa, bây giờ có cơ duyên tốt, chỉ cần cháu thi đỗ đồng sinh, rồi thi được tú tài, cả trại được giảm nửa quan lương, miễn hết lao dịch, cháu có biết sẽ bao người không cần chết oan nữa không? Xéo về đọc sách, còn dám tới xem xây nhà sẽ đánh gãy chân.

Rầu rĩ về nhà trúc nằm vật ra sàn nhà, để cho con rắn trông nhà bò lên bụng mình, giờ quen với nó lắm rồi, không sợ nữa.

Vân Nhị từ sông về, tò mò bò tới hỏi:

- Vân Đại, sao mặt mày u ám thế kia?

- Mất mặt, dùng mưu kế nhầm người, Vân Nhị nhớ kỹ, sau này muốn sử dụng tâm kế phải xem đối tượng là ai, nếu không một chùy lương tâm gõ xuống, làm đệ không đứng thẳng lưng lên được.

Con rắn tựa hồ hiểu được lời Vân Tranh, thè lưỡi trườn khỏi người y, đi tìm chuột trút giận.

Vân Nhị chống cằm nhìn y:

- Thế chẳng phải là vẫn còn lương tâm là gì?

Vân Tranh định trả lời, nhưng xuyên qua khe hở nhìn thấy tộc trưởng đang ngó nghiêng về phía này, liền đọc vang:

- Khổng Tử vu hương đảng, tuân tuân như dã, tự bất năng ngôn giả ; kỳ tại tông miếu triêu đình, liền liền ngôn, duy cẩn nhĩ. Triêu, dữ hạ đại phu ngôn, khản khản như dã ; dữ thượng đại phu ngôn, ngân ngân như dã. Quân tại, địch địch như dã, dữ dữ như dã.

Đó là thiên hương đảng trong Luận ngữ, nói tới chuyện Khổng Tử đã gặp qua nhiều năm trước, tình huống tương tự với Vân Tranh bây giờ, đại khái ý nói Khổng Tử lúc ở quê nhà thì như người không biết ăn nói, đối diện với quân vương thì nói năng cẩn thận, gặp mặt đồng liêu thì tràng giang đại hải, thánh nhân khi xưa đã thấu triệt đạo lý đi với bụt mặc áo cà sa, đi với mà mặc áo giấy.

Tộc trưởng nghe Vân Tranh đọc sách thì vui sướng lắm, nhổ nước bọt vào lòng bàn tay, vung cuốc lên tiếp tục làm việc. Hương thân giúp xây nhà chỉ cần một bữa cơm thôi, chuyện làm cơm giao cho Tịch Nhục và lão bà Thương Nhĩ, chẳng có gì ngon lành, một nồi cơm gạo thô, một cân thịt mỡ làm thành tóp mỡ xảo rau, có mỡ dính vào là thành món ngon rồi.

Buổi tối Tịch Nhục trở về nhà hậm hực cáo trạng, lão bà của Thương Nhĩ toàn ăn vụng tóp mỡ, còn rưới trộm mỡ nóng vào cơm ăn, ăn như lợn ấy.

Loại chuyện này Vân Tranh chỉ cười cho qua, lúc y ở công trường còn chẳng phải cũng thế à? Ăn ít tóp mỡ, lấy ít mỡ rán có là gì, đó là phúc lợi của đầu bếp:

- Mai cắt thêm ít thịt, để trong rau xào có vài miếng thịt nạc.

- Thiếu gia, không được đâu, nhà ta cho mọi người mỗi ngày ăn một cân thịt lợn, thế đã là bữa ăn ngon nhất trong trại rồi, nếu thiếu gia còn thêm thịt, về sau người khác làm nhà phải nấu cơm mời người khác ra sao? Với lại ba mấy người ăn một cân thịt đã là quá nhiều.

Tịch Nhục kiên quyết phản đối:

- Không sao, ngươi nói với mọi người là ta sắp thi, nên muốn chút may mắn, mời mọi người ăn thịt để cho lòng yên tâm. Vừa mới kết thúc gieo mầm, mọi người đều mệt mỏi còn giúp nhà ta xây nhà, ăn ít thịt thà dầu mỡ mới có sức làm việc, ngươi không muốn sớm ngày được ở trong nhà ngói à?

Vân Tranh nói chuyện luôn đầy đủ lý lẽ khiến người ta không bắt bẻ được, Tịch Nhục thấy té ra còn có lý do như vậy liền đồng ý, bây giờ chuyện trọng đại nhất trong trại là khảo thí của thiếu gia, chỉ cần liên quan tới khảo thí, dù giết cả hai con lợn đang nuôi thì Tịch Nhục cũng không tiếc.

Hôm sau cả ngày Vân Tranh không bước chân ra khỏi nhà, còn cố ý ngồi ở dưới hiên viết lách đọc sách, tới khi mặt trời xuống núi, mới vươn mình đứng dậy, đi ra nói chuyện với mọi người.

- Mọi người đã ăn thịt rồi, sau này không cần hoang phí như thế, cháu chỉ cần đỗ đồng sinh, gia gia không ăn thịt cũng thoải mái.

Thương lão kéo Vân Tranh qua một bên cằn nhằn:

- Làm việc khổ cực phải ăn chút thịt mới có sức ạ.

Mọi người vây lấy Vân Tranh hỏi khảo thí có phải là còn phải bái thần, qua quỷ môn quan không, nghe đâu phàm người nào giả vờ biết chữ đi qua quỷ môn quan mà bị Đế thính tra ra, sẽ bị tống xuống dưới mười tám tầng địa ngục, càng nói càng xa chủ đề. Mãi mới có người nói muốn xem giấy thi, cả đời họ chưa được thấy, thế là nhao nhao hưởng ứng.

Tộc trưởng thấy Vân Tranh định về nhà lấy giấy, tức giận đánh vào lưng y một cái, quay sang mắng mỏ hương thân:

- Xem cái gì mà xem, các ngươi có biết chữ không? Có khác gì chó xem trăng, xéo hết. Vân Đại, cất giấy cho kỹ, chẳng may làm hư hỏng là không thi được nữa, mấy ngày nữa gia gia đưa cháu đi thi, nghe nói khi thi phải dùng giỏ trúc đựng bút giấy, Thương Cửu, trong trại ngươi đan lát giỏi, tối nay làm một cái, không được chậm trễ.

Vân Nhị bê bát cơm ngồi ở bậc thềm ăn nhìn cảnh này mà ao ước, trước kia nó đi thi cuối năm cũng chỉ có cái bánh bao khô queo không nhân, mẹ nó chẳng thèm cổ vũ một câu, hạ quyết tâm, phải đi thi, nhất định phải đi thi.

Ngày 10 tháng 2 tới rất nhanh, canh ba đã bị Thương lão tới nhà thúc dậy, Vân Tranh ra mở cửa phát hiện bên ngoài đông đúc, toàn là nam nhân, Tịch Nhục vừa mới bế Vân Nhị ra cửa liền bị Thương lão cướp lấy, đẩy vào nhà, nghiên cấm không cho ra.

Một bức tượng hổ được khiêng tới, Vân Tranh đoán đây là một trong số vật thiêng thờ ở Tiên Nhân động, ngọn núi sau trại có cái động cực lớn, có thể chứa mấy trăm người, có cả dấu tích người tiền sử vẽ lên vách đá, nghe nói đó là nguồn gốc của Đậu Sa trại, giờ không ai sống trong hang nữa, nên nó thành nơi thờ cúng, Vân Đại biết nơi đó nhưng chưa vào.

Thương lão đích thân dùng nước sạch rửa bức tượng không biết bao nhiêu năm tuổi này, sau đó tới Thương Nhị tới rửa lần nữa, đó là quyền lợi của tộc trưởng và thiếu tộc trưởng.

Sau khi tượng được rửa sạch sẽ, Thương lão bảo Vân Đại, Vân Nhị quỳ xuống, ông giơ bức tượng lên thành kính khấn vái, Thương Nhĩ rót rượu vào trong mồm hổ, mất nửa ngày trời mới thấy rượu chảy ra từ đít con hổ. Thương lão bảo Vân Tranh há mồm, y muốn từ chối, nhưng nghĩ tới mình làm thế sẽ bị tộc trưởng đánh chết tươi, đành nhắm tịt mắt uống. Gì không nói chứ, đây là rượu ngon từ hũ có si, còn có vị ngọt của mạch nha, Vân Nhị thấy Vân Đại uống có vẻ thư thái lắm, cũng đứng lên đòi uống, Thương lão cưng chiều vuốt mũi nó:

- Cháu còn nhỏ, đợi lớn lên rồi sẽ có phần, uống rượu từ hổ đen rồi sẽ là người cùng nhà.

- Cháu không uống rượu hổ đen cũng là người cùng nhà mà.

Lời nói trẻ thơ của Vân Nhị làm Thương lão vui lắm, những người khác cũng cười rộ lên, lúc này ai dám nói huynh đệ Vân Đại Vân Nhị là người nơi khác tới sẽ không phải chỉ bị một người đánh chết.

Vân Tranh uống rượu xong, người khác lần lượt đi qua hoặc đấm hoặc vỗ người y một cái rồi đi hết, Thương Nhĩ mang tượng hổ đen cất đi.

Thương lão tự mình kiểm tra từng món một, bút lông, nghiên mực, giấy chứng nhận, không thiếu gì cả, cho vào trong giỏ ít bánh và năm sáu quả trứng gà luộc, xuống lầu dắt xe trâu, chở Vân Đại, Vân Nhị và Tịch Nhục tới Đậu Sa quan.

Vân Đại cứ càm thấy long trọng quá, hồi xưa y đi thi đại học cũng một thân một mình, sáng tự dậy tự chuẩn bị đồ, giờ có thi đồng sinh thôi, mà Đậu Sa quan cách có 20 dặm, cần thiết phái hơn chục thợ săn đeo cung dắt dao tháp tùng không? Người ta có khi tưởng mình đi đánh chiếm Đậu Sa quan.

Hôm nay dừng ở đây nhé!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.