Thịnh Thế An Ổn

Chương 2: Chương 2: Tái Ngộ




Thế gia vọng tộc, hàng lang uốn lượn chín khúc, mỗi khúc quanh lại mở ra một cảnh sắc tươi đẹp khác nhau.

“Cỏ Yên biêng biếc tơ xanh, Dâu Tần sắc lục buông cành sởn sơ.” * (Chú thích cuối chương)

Muôn hoa như gấm vóc, tiếng chim hót như hòa quyện cùng hương hoa.

Tạ Ý Hinh dựa nghiêng vào ghế quý phi cạnh cửa sổ, nhìn một gốc cây đào nhỏ bên ngoài cửa sổ đến xuất thần.

“Cây đào là tinh hoa của năm loài cây. Tinh hoa của nó sinh ở quỉ môn nên có thể ngăn chận trăm thứ quỉ. Cho nên tạo ra hình người bằng gỗ đào để trước cửa cổng là để trấn áp tà mị.” **

Khi một đứa bé vừa được sinh ra, cha của bé sẽ tự tay trồng một gốc cây mang ngụ ý chúc phúc. Đây là truyền thống xưa nay ở Tạ gia, chuyển tải kỳ vọng của bậc trưởng bối với lớp con cháu nối nghiệp.

Cây đào nhỏ ngoài sân kia chính là cây mà ông nội nàng đã bảo cha nàng tự tay trồng xuống khi nàng vừa sinh ra, ngụ ý mong nàng được mọi sự tốt đẹp. Phỏng theo chiều cao của cây, lúc này hẳn là nàng vẫn chưa cập kê.

Nàng còn nhớ rất rõ, nàng đã từng lặng lẽ quay về đây một lần lúc nghe tin Tạ gia bị cửa nát nhà tan, cây đào này lúc ấy đã già cỗi quắt queo, thân bị sâu đục đến mục ruỗng, nào có dáng vẻ tươi tốt sinh động như hiện nay?

Chuyện cũ như khói như sương, cuộc đời như một giấc mộng phù du. Nếu chẳng phải vì ký ức kiếp trước quá mức sâu sắc đau đớn thì chắc ngay cả chính nàng cũng sẽ tưởng những thăng trầm mà nàng trải qua trong kiếp trước chỉ là những cảnh trong mơ mà thôi.

Họ Tạ nhà nàng là một trong mười gia tộc lớn ở Đại Xương Quốc, thậm chí trên danh nghĩa còn được xếp vào một trong bốn gia tộc lớn nhất.

Tổ phụ Tạ Trì Lễ của nàng từng sóng vai vào sinh ra tử giành thiên hạ với Thái Tổ Quân Vô Uy, lại là thầy dạy của đương kim Thánh Thượng. Vì thế nên nhà họ Tạ hiện nay cả về thanh danh lẫn thực lực đều vô cùng hiển hách, không một ai dám khinh thường.

Tiếc rằng, khi tổ phụ qua đời thì Tạ gia đã mất đi chiếc ô bảo hộ, đã vậy phụ thân nàng còn chọn lựa quá sớm người nào sẽ là hoàng đế kế nhiệm, cùng với họ hàng và đệ tử của Tạ gia liên tiếp phạm phải sai lầm trong nghiệp làm quan nên đã khiến đương kim Thánh Thượng và Hoàng Đế kế nhiệm không vừa lòng.

Từ đó, Tạ gia bắt đầu suy sụp với một tốc độ mà mắt thường cũng có thể thấy được. Sau đó nữa, phụ thân nàng và một ít đệ tử quan viên phe Tạ gia cũng dần dần hoặc bị bãi chức về nhà hoặc không được bổ nhiệm.

Mà kẻ đầu sỏ chủ mưu việc này, từ chuyện nàng gặp nạn tại nhà chồng năm đó đến việc Tạ gia bị chèn ép đến người người nhà nhà đều điêu linh sau này, không ai khác chính là Quân Cảnh Di, hiện là Tam Hoàng tử và tương lai sẽ là Thánh Thượng. Hoặc phải nói chính xác hơn, kẻ đầu sỏ làm ra chuyện này là Ân Từ Mặc, thứ nữ nhà họ Ân mới đúng.

Nàng đưa ra được kết luận này không phải vì nàng chết bởi tay Ân Từ Mặc, mà là vì sau khi tân Hoàng đế đăng cơ được vài năm thì Ân gia là kẻ giành được lợi ích lớn nhất sau khi Tạ gia rơi đài. Tuy rằng thủ đoạn mà Ân gia dùng để đối phó với Tạ gia luôn bí ẩn và không kịch liệt, hơn nữa đa số các âm mưu này đều được tính toán rất kỹ để đổ lỗi cho các đối thủ chính trị của Tạ gia, nhưng từ khi được trọng sinh mấy ngày qua, Tạ Ý Hinh đã rút ra được kinh nghiệm xương máu: nếu suy nghĩ kỹ thì không khó để phát hiện, tất cả những sự việc không hay xảy ra cho Tạ gia ít nhiều đều có bóng dáng của Ân gia ở phía sau.

Đối với Tạ Ý Hinh mà nói, việc Ân gia ra tay đối phó với Tạ gia tuy có khiến cho người ta đứng ngồi không yên nhưng cũng không phải không thể chấp nhận, bởi dù sao trên triều đình có nhiều quyền lợi hấp dẫn như vậy, có người muốn ngoi lên thì ắt phải có kẻ đi xuống, dù chuyện đi xuống này là chủ động hay bị động. Chuyện như thế cũng là bình thường thôi. Nàng tuy là phận đàn bà con gái cũng hiểu được đạo lý này.

Nhưng điều khiến nàng không thể chấp nhận được chính là thái độ của Quân Cảnh Di. Hắn vừa bước chân lên Đế vị là đã lập tức im lặng mặc kệ cho các thế lực mới tiến hành công kích Tạ gia. Chính thái độ bàng quan khoanh tay đứng nhìn kiểu đó đã khiến những kẻ còn đang xem xét dè chừng liền hiểu ngay là tân Hoàng đế đã ngầm đồng ý. Lập tức, các gia tộc đang rình chờ xung quanh Tạ gia như hổ rình mồi liền gia nhập hàng ngũ chèn ép, chia cắt tài nguyên chính trị của Tạ gia.

Tạ gia từ trước vẫn luôn đứng sau ủng hộ hắn bước lên Đế vị, mặc dù không muốn kể lể công trạng nhưng cũng không thể phủ nhận là không có công. Cho dù sau này không biết vì sao mà Tạ gia lại đắc tội với tân Hoàng đế thì cũng không thể vin vào cớ này để lừa gạt hãm hại. Vắt chanh bỏ vỏ kiểu đó thật sự là khó coi! Chính vì việc Tạ gia tham dự vào phe phái tranh giành ngôi Hoàng đế bị người khác vạch trần từ quá sớm, đến nỗi không thể không xuất ra toàn bộ lực lượng để đối phó chứ không thể nằm im che dấu thực lực như những gia tộc khác, nên sau khi tân Hoàng đế đăng cơ thì càng không có cơ hội khôi phục sức mạnh. Tất cả mọi việc đều vì hắn mới có.

Đến giờ nhớ lại mà nàng vẫn khó mà chấp nhận được.

Ngẫm lại những năm đó, có biết bao nhiêu thân tộc và đệ tử của Tạ gia bị nhục mạ, bao nhiêu con cháu họ Tạ dần dần bị đẩy ra khỏi triều đình, vì thất bại mà trở nên hậm hực, mà đa số các nhân sỹ có tài lại gặp họa mà bị đẩy vào ngục. Còn một điều mà Tạ Ý Hinh cũng không biết là sau khi nàng chết vài năm, cha nàng và một số thúc bá cũng lần lượt cách thế, con cháu dòng chính họ Tạ không một ai tránh khỏi đều tử vong hết, mà cái chết của họ vô cùng đa dạng mà kỳ quặc. Chỉ còn lại một ít dòng nhánh và họ hàng xa nhưng họ đều là hạng người yếu hèn không năng lực. Vả lại, Hoàng đế đã hạ lệnh trong vòng ba đời không cho con cháu họ Tạ vào triều làm quan nên Tạ gia sợ là vĩnh viễn cũng không có khả năng lật lại thế cờ.

Tạ Ý Hinh còn nghĩ, việc hai con của nàng gặp phải chuyện bất trắc chẳng phải là hậu quả của việc mất đi chỗ dựa từ gia tộc đó sao? Thân phận tiểu thư dòng chính Tạ gia của nàng đã khiến kẻ khác kiêng kỵ, nên bọn chúng muốn nhổ cỏ phải nhổ tận gốc đấy thôi.

Kiếp trước, bọn chúng đúng là đã làm được điều này.

Thế nhưng, nếu nàng đã được trọng sinh, thì vì chính mình mà cũng là vì thân nhân dòng tộc, nàng sẽ không để cho Tạ gia lụn bại rồi đi đến suy đồi.

Nàng tin rằng huynh đệ thúc bá họ Tạ không phải là những kẻ không có năng lực, mà kiếp trước gia tộc nhà nàng thua ở chỗ không quan tâm tính toán hơn thua cùng với việc đánh giá sai tình thế nên mới dẫn đến việc bị đánh bất ngờ trở tay không kịp.

Nhưng kiếp này, nàng tin, có hiểu biết và kiến thức đi trước mười mấy năm của nàng, cộng với sự đồng lòng cố gắng của toàn gia tộc, vận mệnh bi thảm của gia tộc nhất định có thể xoay chuyển được!

Bắt đầu từ hôm nay, nàng sẽ dùng hết mọi khả năng của mình để mưu tính dọn đường cho nàng, cho toàn gia tộc họ Tạ có được một đời an bình thịnh vượng. Nếu đến cuối cùng vẫn không thể thay đổi được kết cục, nàng cũng muốn cắn một miếng thịt trên người bọn chúng theo cùng!

Sau khi xác lập quyết tâm trong lòng, mắt Tạ Ý Hinh ánh lên vẻ sáng ngời, không còn nét hoang mang mờ mịt và giận dữ lúc trước nữa. Nàng vuốt ve chiếc lá trên cây đào nhỏ trước mắt, nhẹ nhàng thở dài khoan khoái.

Một gia tộc còn không đặt chân vào được danh sách mười gia tộc lớn như Ân gia mà dám mơ mộng viễn vông nuốt luôn Tạ gia, miệng rộng quá nhỉ, không sợ mắc nghẹn mà chết à?

Nàng nhớ rất rõ, ở kiếp trước, những bài bố tính toán mà Ân gia nhằm vào Tạ gia đã âm thầm bắt đầu từ lúc Ân Từ Mặc thể hiện bản thân cho mọi người đều biết. Đã vậy, ngay từ đầu các thúc bá Tạ gia đều vô cùng khinh địch, đến khi liên tiếp gặp khó khăn tổn thất dẫn đến suy sụp trên triều đình thì họ mới ý thức được rằng đối thủ lần này rất khó đối phó.

Tranh chấp trên triều đình cũng như đánh một bàn cờ chính trị, có thua cũng coi như bình thường, đối với Tạ gia thì những tổn thất đó dù có đau cũng không đến mức tổn hại đến gân cốt.

Nhưng thủ đoạn của Ân gia lại vô cùng ác độc, thừa dịp hỗn loạn trong buổi giao thời giữa hoàng đế cũ và mới để thực hiện một động tác quyết liệt: làm cho Tạ Mịch Hãn, đệ đệ của nàng và cũng là thiếu gia con dòng chính của họ Tạ, trở nên tàn phế. Chiêu này đã khiến cho Tạ lão gia vốn đang bệnh nhẹ nghe tin liền bị kích động, bệnh tình chuyển biến xấu, rồi sau đó đột tử. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, toàn bộ Tạ gia đại loạn, thế nên bị kẻ khác chui kẽ hở vào bên trong và bắt được không ít nhược điểm của Tạ gia.

Có thể nói, Tạ lão gia chính là chiếc ô bảo hộ cho nhà họ Tạ. Còn ông ở đó thì cho dù tân Hoàng đế có bất mãn với Tạ gia thế nào cũng phải kiêng kỵ một hai. Nhưng khi Tạ lão gia mất, mọi bảo hộ đều không còn tồn tại.

Cho nên, điểm mấu chốt quan trọng nhất của toàn bộ sự việc này chính là ông nội của nàng. Chỉ cần ông nội còn sống một ngày thì nhà họ Tạ còn có thời gian hóa giải mỗi một âm mưu quỷ kế nhằm vào Tạ gia. Còn về phần những kẻ kia, ừm, có thể từ từ tính toán.

May mà lúc này nàng chỉ mới có mười bốn tuổi và vừa quen biết đám Chu Thông Dục và Ân Từ Mặc chưa bao lâu. Mọi việc còn kịp có thời gian để thay đổi.

Ngẫm kỹ những chuyện này xong, Tạ Ý Hinh bỗng cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm, hoặc ít ra là không còn cảm giác khó thở như đang có một tảng đá chặn ngang trong ngực nữa.

“Xuân Tuyết, chúng ta đi thôi, chắc ông nội bà nội sắp về tới rồi.” Tạ Ý Hinh ngước khuôn mặt sáng ngời lên, vừa cười vui vẻ vừa nói. Mấy ngày trước ông bà nội nàng lên chùa, hôm nay sẽ về tới.

Xuân Tuyết thấy nàng cuối cùng cũng nở nụ cười liền lén thở phào trong bụng. Mấy ngày trước Tam tiểu thư sốt xong tỉnh lại trông cứ lạ lạ thế nào, tự dưng vô duyên vô cớ nổi giận với bà vú, rồi từ đó tới giờ mặt mày vẫn luôn nghiêm nghị, đêm thì lại bị ác mộng đánh thức mấy lần. Hôm nay cười thế này thì chắc là đã khỏe hẳn rồi nhỉ?

“Tiểu thư, bên ngoài gió máy, tiểu thư phủ thêm áo choàng đi.”

Tạ Ý Hinh chà chà cánh tay, thấy đúng là hơi lạnh thật nên ngoan ngoãn khoác áo choàng.

Lúc Tạ Ý Hinh dẫn theo nha hoàn đi đến cổng chính thì thấy Nhị thẩm và kế mẫu của nàng đã mang theo mấy đứa bé chờ sẵn ở đó.

Nhị thẩm Quản thị nhìn thấy nàng thì hỏi han vẻ quan tâm, “Hinh nha đầu, không khí ngoài trời rất độc, con còn chưa khỏe hẳn nên mau về phòng nghỉ đi.” Bà nghĩ mà không vui, hễ Hinh nha đầu xuất hiện là chiếm hết sự chú ý của hai ông bà lão.

Nếu như chỉ nhìn đôi mày nhíu chặt và vẻ mặt trách cứ của Nhị thẩm thì chắc ai cũng nghĩ là Quản thị thật lòng quan tâm người khác, nhưng vì trong thân thể mười bốn tuổi của Tạ Ý Hinh lại mang một linh hồn hai mươi bảy tuổi nên hiển nhiên là nàng sẽ không lẫn được nét không vui trong mắt Quản thị. Vì thế, Tạ Ý Hinh chỉ mỉm cười, “Nhị thẩm, con khá hơn nhiều rồi. Với lại đã lâu con không gặp ông bà nội nên nhớ ông bà lắm.”

Thấy vẻ mặt của Tạ Ý Hinh, Quản thị biết ngay là khuyên không được nên lập tức vuốt đuôi, “Ha ha, Hinh nha đầu thật hiếu thuận, Dong nha đầu nhà ta lại chẳng giống con được chút nào, suốt ngày chỉ biết chơi đùa thôi.” Dong nha đầu mà Quản thị nhắc đến chính là Tạ Dong Nhu, đích nữ của chi thứ hai, hiện đang mất hứng trừng mắt nhìn Tạ Ý Hinh.

Tạ Ý Hinh cứ kệ cho nàng trừng mắt. Mấy cô nương mười ba mười bốn tuổi có lòng tự ái rất cao, không bao giờ chấp nhận việc bị so thua sút ngay trước mặt người khác. Nàng là người từng trải nên hiểu được.

Lập tức, Quản thị liền đổi giọng, “Ông bà vừa rời phủ có mấy ngày thì con liền bị bệnh. Nhìn con kìa, mới mấy ngày mà gầy xọp đến má hóp hẳn đi. Lát nữa ông bà nội mà thấy thì chắc đau lòng lắm.”

Đây là muốn bóng gió rằng Văn thị làm kế mẫu mà lại không chăm sóc chu đáo đích nữ do chính thê để lại, hai ông bà cụ vừa khuất mặt khuất mày thì Tạ Ý Hinh liền bị bệnh.

Văn thị nắm chặt tay con Tạ Mịch Hãn, miệng mím lại chứ cũng không giải thích cái gì, bởi vì đúng là hai ông bà lão vừa đi vài ngày thì Tạ Ý Hinh sinh bệnh, dù nguyên nhân là do ban đêm trời trở lạnh.

Tạ Mịch Hãn bị đau, ngửa đầu kêu Văn thị một tiếng, “Nương!”

Thấy vậy, Tạ Ý Hinh thầm thở dài. Cũng khó trách Quản thị đâm thọc như thế. Nhà mẹ đẻ của Quản thị không hề kém nhà của Văn thị, nhưng khi hai người gả vào Tạ gia thì sự chênh lệch lại rất lớn. Văn thị làm vợ kế của đích trưởng Tạ gia nên nắm trong tay quyền quản lý hậu viện. Quản thị là vợ của đích thứ nên đành phải xếp dưới Văn thị, trở thành người phụ thuộc, với lại nàng là người háo thắng nên đương nhiên là không phục.

Mà kiếp trước, Tạ Ý Hinh mắt nhắm tai ngơ như không thấy mối bất hòa giữa Nhị thẩm và Văn thị, bởi lúc đó nàng vô cùng đề phòng Văn thị, lúc nào cũng nghĩ mọi điều Văn thị làm đều có mục đích xấu.

Nếu nói sâu xa, Văn thị còn có quan hệ bà con với bên ngoại của Tạ Ý Hinh nữa kia.

Nàng còn nhớ rất rõ, lúc Văn thị vừa gả vào phủ thì đối xử với nàng vô cùng tốt. Chẳng qua lúc đó nàng không hiểu chuyện lại rất tùy hứng nên đã dần dà mài mòn sự quan tâm của kế mẫu. Mà cũng không biết bắt đầu từ lúc nào, sự quan tâm của kế mẫu chỉ còn ở vẻ bề ngoài.

Hình như là vì có một năm, kế mẫu không biết từ đâu học được cách trồng cây anh đào. Lúc ấy, nàng đã từng hỏi xem mình có muốn trồng không, nếu muốn, nàng sẽ cho người nhân cây giống ra cho mình. Nhưng lúc ấy mình cũng không quan tâm và cũng không muốn nợ tình cảm của kế mẫu lên lập tức từ chối. Khi đó mình cũng không biết, cây anh đào này là giống cực kỳ quý hiếm do bên nhà mẹ Văn thị đem từ Nhật Bản về, ngay bản thân Văn thị cũng chỉ có một thôn trang trồng loại này mà thôi. Nên cử chỉ cho mình giống về trồng tại thôn trang thế này thật sự là Văn thị rất tốt bụng. Thế nhưng mình lại không chấp nhận được ý tốt của kế mẫu. Đến năm cây anh đào đậu quả thì lập tức được xem là một dạng của quý để tiến cống hoàng cung làm ngự dụng. Chỉ trong thời gian ngắn, giá anh đào tăng cao đến chóng mặt, hơn nữa nó lại hiếm có nên có trả giá cao cũng không có mà mua. Khi đó, Quân Cảnh Di và Chu Thông Dục biết được nhà mình có thôn trang trồng anh đào thì liền hỏi mình có thể đến chơi mấy ngày không. Thời điểm đó mình đã lún sâu vào bể tình với Chu Thông Dục nên luôn muốn làm cho hắn vui, liền đòi Văn thị đưa cho mình thôn trang kia. Văn thị không đồng ý ngay mà còn tỏ vẻ khó xử. Sau đó mình phản ứng thế nào nhỉ, hình như là đi năn nỉ bà nội lấy quyền áp xuống, đoạt thôn trang về tay mình.

Sau này, nàng loáng thoáng biết được, thôn trang này đã được Văn thị cho vào phần quà tặng thêm trang*** đưa cho nhà họ Trình, vì đại tiểu thư họ Trình có ân chữa bệnh cho Tạ Vi Lan. Đây coi như vừa là quà tặng thêm trang vừa là lễ vật đáp tạ ân tình. Cho nên hành động của mình chẳng khác ngang ngược chiếm đoạt gì mấy. Mà chuyện này hình như là xảy ra trong năm nay.

Tạ Ý Hinh cười đầy chua sót. Hóa ra kiếp trước cá tính của mình cũng chẳng hay ho gì, vừa tùy hứng vừa ngang ngược, đúng là không thể làm cho người khác thích nổi. Chẳng trách lúc nàng khăng khăng muốn lấy Chu Thông Dục, Văn thị có mấy lần muốn nói lại thôi lúc chỉ có hai người với nhau. Chắc hẳn lúc ấy Văn thị đã cảm thấy cuộc hôn nhân này có gì đó không ổn, nhưng vì nàng hiểu rằng mình nhất định không nghe lọt vào tai nên mới ngần ngừ như vậy.

Giờ ngẫm lại, mình cũng chẳng phải là kẻ hoàn toàn vô tội gì, phụ bạc người khác nhiều, và cũng bị kẻ khác phụ bạc không ít.

Bên này Tạ Ý Hinh còn đang đắm chìm trong hồi ức, bên kia Nhị thẩm lại bắt đầu gợi ý trắng trợn hơn. “Hinh nha đầu, nói cho Nhị thẩm nghe, con bị bệnh lần này có phải do trong phòng thiếu thốn gì hay không, hay là do kẻ hầu người hạ trong phòng không quan tâm chú ý.” Giọng Quản thị đầy vẻ hưng phấn khôn kể, nói đi nói đi, tốt nhất là làm lớn chuyện đến lão phu nhân phải đứng ra phân xử đi, như vậy cả hai đều không hay ho.

Nhị thẩm hết lần này đến lần khác dùng danh nghĩa quan tâm nàng để châm ngòi xung đột, thật đúng là không thể nào làm cho người ta ưa được.

“Nhị thẩm, trong phòng con chẳng thiếu cái gì. Mẫu thân quan tâm Xuân Noãn Các chu đáo lắm, chưa từng để Xuân Noãn Các thiếu thứ gì cả. Đám Xuân Tuyết cũng hầu hạ cẩn thận, ngài đừng lo.”

Ai nấy đều không ngờ Tạ Ý Hinh sẽ đứng về phía Văn thị nên kinh ngạc nhìn nàng.

Lòng Văn thị ấm áp, cảm thấy những cố gắng của mình cũng không phải không có được báo đáp.

Tạ Ý Hinh cũng lười giải thích. Được trọng sinh một đời, ánh mắt của nàng đã không còn bị bó buộc tại những việc lông gà vỏ tỏi trong hậu viện nữa. Vả lại, khách quan mà nói, từ khi Văn thị quản lý hậu viện thì cũng không có sai lầm gì, như thế là đủ rồi. Nàng cần gì tự tìm phiền phức, cứ hễ thấy Văn thị thì lại hăng tiết như gà chọi mà kiếm chuyện với kế mẫu? Làm chuyện khiến ai nấy đều mệt mỏi để làm gì?

Nàng chỉ cười, vẫy vẫy tay với Tạ Mịch Hãn. Từ lúc nàng ra đây tới giờ, thằng bé vẫn tò mò nhìn nàng không rời.

Tạ Mịch Hãn là do Văn thị sinh, mới bốn tuổi, chẳng hiểu sao lại đặc biệt thích gần gũi với nàng. Lúc còn bé, chỉ cần Tạ Ý Hinh vừa xuất hiện thì trong mắt cậu bé sẽ chẳng còn thấy ai khác, lớn hơn một chút thì rất thích chạy tới Xuân Noãn các chơi. Tiếc là ở kiếp trước, trước khi nàng lập gia đình thì tính tình không được nhẫn nại, hơn nữa cũng không hề thích đệ đệ cùng cha khác mẹ này nên thường thì chả quan tâm thằng bé, lúc buồn bực trong lòng còn có thể lôi nó ra mắng, còn không thì chọc cho nó tức mà khóc lên. Lớn hơn chút nữa, Tạ Mịch Hãn cũng hiểu được đại tỷ tỷ không thích mình nên dần dần không xuất hiện nữa.

Chuyện thế này cũng có thể bỏ qua, nhưng điều làm cho Tạ Ý Hinh cảm động cùng áy náy là lúc nàng bị buộc lui về Phật đường, Tạ Mịch Hãn tự mình chạy tới Chu gia, ra mặt đòi công lý cho nàng. Đó là thời điểm khó khăn nhất của Tạ gia bởi tổ phụ vừa qua đời không lâu, thậm chí ngay cả phụ thân nàng cũng không dám đến thăm nàng một chuyến. Nhưng Tạ Mịch Hãn lại đi, cho dù tình trạng của hắn lúc đó cũng chẳng tốt là bao, vừa bị từ hôn mà đường làm quan cũng bị bế tắc, còn vô kỳ bất ý bị thương ở chân.

Hắn không thể biết nàng vừa khiếp sợ vừa khổ sở biết bao khi chạy ra được tới cổng lớn và nhìn thấy hắn vì bị gia đinh của Chu phủ đẩy ngã mà chật vật lắm mới đứng dậy được. Bởi vì Tạ gia đã rơi đài, hắn có ra mặt đòi công lý cho nàng thì hiển nhiên cũng chẳng có kết quả. Khi hắn bị đám gia đinh đánh đuổi mà tập tễnh bước đi, Tạ Ý Hinh che mặt khóc òa lên. Nàng hối hận, hối hận sao lúc chưa xuất giá lại không đối xử với hắn tốt một chút! Hắn là đệ đệ của nàng, đệ đệ duy nhất của nàng kia mà! [Văn thị lúc sinh hắn bị tổn thương cơ thể nên không thể sinh nở được nữa].

Nhớ tới chuyện xưa, Tạ Ý Hinh lại lần nữa cảm tạ Ông Trời đã cho nàng cơ hội làm lại một lần nữa.

Trong lúc tâm tư Tạ Ý Hinh trăm chuyển ngàn hồi, cậu bé bốn tuổi ngửa đầu nhìn Văn thị dò hỏi.

Văn thị do dự một chút rồi mới chậm rãi gật đầu. Có được sự chấp thuận của mẫu thân, cái miệng hồng hồng xinh xinh của cậu bé liền toét ra cười, để lộ mấy cái răng nhỏ xinh trăng trắng, vui vẻ phóng về phía Tạ Ý Hinh, “Đại tỷ tỷ --”

Tạ Ý Hinh cố lắm mới đón được quả pháo tiểu này, đưa tay nhéo nhéo khuôn mặt bụ bẫm của bé, cười nói, “Nặng quá, đại tỷ tỷ sắp ôm hết nổi rồi.”

Cậu bé được Tạ Ý Hinh bế cười tít cả mắt, đầu be bé ra sức gật gật, “Ừ, Hãn nhi sẽ cao nữa, cao vầy nè, cao tới vậy nè.” Nói xong liền giãy dụa đòi đứng xuống, vươn cánh tay béo núc lên cao trên đầu quơ quơ ra dấu.

Tạ Ý Hinh phì cười, những người khác cũng cười xòa. Cậu bé không biết mọi người đang cười cái gì nên loay hoay xoay người hết nhìn người này lại ngó người kia, mặt đầy ngơ ngác.

Nhìn dáng vẻ ngu ngơ này của cậu, mọi người càng vui vẻ.

“Hãn Ca Nhi, đệ nha, giờ mới cao được nhiêu đây thôi.” Tạ Ý Hinh mỉm cười kéo tay cậu xuống đặt lên đỉnh đầu rồi kéo ngang sang người mình, chỉ ra độ cao chính xác của cậu lúc này, “Muốn cao thêm chút thì mỗi ngày đều phải ăn cơm nha.”

Cậu bé miễn cưỡng gật đầu, vẻ mặt rối rắm, “Nhưng mà... không thích ăn cơm, ăn đồ ăn mới ngon.”

“Nếu chỉ ăn toàn đồ ăn không thôi thì sẽ không cao lên được đâu.”

Đại tỷ tỷ nói là đúng, cậu bé vui vẻ đồng ý ngay, “Hãn nhi biết rồi, Hãn nhi sẽ nhớ ăn cơm.”

Văn thị nhân cơ hội dặn thêm, “Hãn Ca Nhi, con là hay nguỵ biện “Nam tử hán đại đậu hũ” lắm (ngược với “nam tử hán đại trượng phu”). Sao, giờ đồng ý với đại tỷ tỷ là sẽ ăn cơm ngoan rồi thì phải làm được nha, không thì nương mách đại tỷ tỷ đó.”

“Nương, Hãn nhi nhất định sẽ cố ăn cơm thiệt nhiều, nương đừng mách đại tỷ tỷ--” Sợ đại tỷ tỷ sẽ không có ấn tượng tốt về mình, Tạ Mịch Hãn vội vàng cam đoan.

“Được rồi, được rồi, nương không mách đâu--”

Quản thị xoắn khăn tay, nhìn ba người trước mặt vui vẻ hòa thuận mà tâm tình không vui.

Lúc tiếng cười đùa vẫn còn vang vọng, tiếng bánh xe lăn lộc cộc trên đường dần tiến đến gần, mấy cỗ xe ngựa uy nghi trang trọng lần lượt tiến vào tầm mắt mọi người, phía sau còn đi theo mấy cỗ xe ngựa bình thường

“Đại tỷ tỷ, đại tỷ tỷ, ông nội bà nội về đến rồi.” Tạ Mịch Hãn tỏ vẻ vô cùng hưng phấn.

Tạ Ý Hinh nghi hoặc, sao lại nhiều xe ngựa như vậy? Đáp án được công bố sau đó không lâu. Chỉ lát sau, người ngồi trong các xe ngựa kia lục tục xuống xe, có ông bà nội của nàng, còn có vài thiếu niên. Mắt Tạ Ý Hinh trợn lớn. Quân Cảnh Di? Chu Thông Dục?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.