The Dream Hunters [Truy Mộng]

Chương 5: Chương 5




Thoạt đầu là bóng tối.

Trong bóng tối, một ánh sáng lập lòe thành vật thể. Và rồi một cái khác, rồi cái nữa. Những đốm sáng bắt đầu di động.

Là đom đóm. Lúc đầu chỉ bằng một nắm tay, rồi một bầy, và rồi hàng trăm, hàng ngàn đom đóm tỏa ánh sáng lạnh lẽo của chúng trong bóng tối.

Chúng gợi cho nhà sư một dòng sông sao, hay là một chiếc cầu sao, hoặc một dải lụa, hun hút vào trong bóng tối, lấp lánh, và rồi nhà sư bước dọc theo dải lụa này.

Trong tay chàng vẫn còn nắm giữ lá bùa, nó sáng còn hơn những con đom đóm nữa.

Khi chàng đang đi, những con đom đóm, đang lập lòe chiếu sáng, bắt đầu rơi rụng xuống, rơi xuống như những cánh hoa trà.

Nhà sư cũng rơi xuống. Khi đang rơi chàng nhận ra mình không rơi trong bọn đom đóm, nhưng là xuyên qua dãy Ngân Hà, dòng sông của những vị thần trên bầu trời đêm.

Chàng rơi nhẹ nhàng xuống một cánh đồng hoang vu màu xanh rêu. Chàng lồm cồm bò dậy.

Chàng bắt đầu đi trên cánh đồng. Trong giấc mơ chàng mang những đôi dép gỗ to lớn, loại mà người ta mang trong mùa mưa, để giữ chân trên cao, và tránh bùn. Khi chàng đi, những đôi dép gỗ bị bào mòn và tan biến, và rồi chàng phải bước trên cỏ với đôi chân trần, những cọng cỏ sắc như hàng trăm con dao, và máu chảy từ lòng bàn chân, để lại những dấu chân đỏ thắm của chàng ở phía sau.

Chàng đi xuyên qua một cánh đồng toàn là đống xương lớn, bể nát, và không phải hình người.

Chàng đi xuyên qua một đầm lầy, nóng bỏng và ướt, và trong không khí toàn là những con ruồi nhuế và côn trùng nhỏ đến nỗi mắt thường không thấy, chúng đậu trên da chàng, trên khóe mắt, và cắn chàng, nơi nào bị cắn là làn da nơi ấy bị sưng tấy lên. Và rồi không gian dày đặc những côn trùng.

Lá bùa của chàng chói sáng, chàng giơ nó thẳng trước mặt, và tiếp tục bước tới.

Rồi chàng cũng ra khỏi đầm lấy. Chàng phủi những con ruồi nhuế trên cổ, và côn trùng khỏi mắt.

Chàng đi qua một khu vườn biết nói, nó khuyên chàng nên quay trở lại, bảo rằng Mộng Đế không phải là người có thể tìm được, và chàng nên ở lại nơi này, và đi trên thảm cỏ của nó, và ngồi cạnh dòng suối ngọt ngào của nó; nhưng làm sao mà khu vườn nói với chàng được, chàng không thể giải thích.

Chàng tiếc nuối rời khỏi khu vườn, và tiếp tục đi tới.

Chàng nhận ra mình đang đứng trước hai căn nhà, cạnh nhau, và có hai người đàn ông đang ngôi trên hiên nhà, và họ đang câu cá trong hồ nước bên dưới.

“Tôi đang tìm Mộng đế,” nhà sư gọi. “Có phải đi đường này không?”

“Làm sao mà ngươi không tới được?” người đàn ông đầu tiên nói. “Khi mọi con đường đều là của ngài?”

Người thứ hai, dáng vẻ mập mạp và buồn bã, không nói gì.

Nhà sư giơ tấm bùa ra cho họ xem. Và ngay lúc ấy, nếu chàng còn có nghi ngờ gì trước đây, thì giờ chàng biết chắc rằng mình đang mơ. Bởi vì chàng có thể đọc được chữ trên mảnh giấy. Chúng rất đơn giản, đơn giản đến nỗi chàng không hiểu tại sao trước đây mình lại không đọc được, chúng nói về một người tạo, nặn ra, và làm nên mọi vật từ hỗn mang, và từ thinh không, người chuyển hóa những thứ từ trong không có hình dạng đến không-thể-có-thật, nhưng nếu không có chúng thì những vật thật thụ cũng không có ý nghĩa.

Người đàn ông thứ hai hắt hơi, để thu hút sự chú ý của nhà sư, và rồi y chỉ tay, như là tình cờ, đến một ngọn đồi nọ.

Nhà sư cúi đầu cám ơn, và đi đến ngọn đồi.

Khi đến chân đồi, chàng nhìn trở lại, chàng thấy gã mập đang nằm úp mặt xuống mặt nước của hồ cá, còn kẻ thủ ác đang nhìn xuống từ hàng hiên nhà.

Khi đến lưng chừng đồi, chàng nhìn lại một lần nữa và thấy ngôi nhà đã biến mất, mang theo hai người đàn ông và cái ao, và thay vào đó là một nghĩa trang.

Trước mặt chàng là một tòa nhà to lớn, hoàn toàn đồng nhất với mọi thứ chung quanh: nó đồng thời là một cái đền, một lâu đài, và một tòa nhà. Đó là nơi của thác nước, và vườn tược, của những tấm sáo vẽ đầy hoạ tiết và vòm mái cong. Chàng không thể xác định được nó là một ngôi nhà, hay là hàng trăm ngôi nhà. Chàng thấy nhiều cái sân, vườn cây ăn quả, và cây cối: hoa xuân, và lá thu, và quả mùa hè đều cùng một chỗ trên vòm cây của khu vườn kì lạ.

Những con chim xinh đẹp đang hót trên cành cây, chúng có màu xanh và đỏ thắm như là những cánh hoa biết bay, và chúng hót những bài hát thật là kì diệu.

Nhà sư chưa từng thấy một nơi nào như đây.

Nhà sư đến bên một cánh cổng bằng gỗ, trên khắc những con thú lạ, và chàng đánh vào cái trống nhỏ treo ở đó.

Không có tiếng động nào vọng ra, nhưng chàng biết chắc những người cần biết chàng ở đây đã nghe được.

Cánh cổng chuyển động và biến hình, và một con thú sặc sỡ nhiều màu sắc đứng trước mặt chàng: đó là một con chim khổng lồ, với cái đầu như đầu sư tử, răng nó sắc nhọn, đuôi là con rắn và đôi cánh to lớn. Đó là một itsumade to lớn, một con vật trong truyền thuyết.

“Hãy nói,” con itsumade nói. “Ngươi là ai, và ngươi tìm chủ nhân có chuyện gì?”

“Nơi này thật là đẹp,” nhà sư nói, “và vẻ đẹp càng tăng lên khi biết rằng lúc tôi tỉnh dậy mọi nơi khác đều thiếu thốn, vì chúng không thể là nơi đây. Có thật là tôi đang đứng trong đại quan viên của Mộng Đế hay không?”

Nhà sư nói thật dịu dàng, nhưng chúng mang ý nghĩa quở trách thần giữ cửa, bởi vì ngay cả một quái thú trong truyền thuyết cũng cần phải có phép lịch sự.

“Nơi đây đúng là Mộng Cung,” itsumade gầm gừ. “Hãy nói mau ngươi cần gì, nếu không ta sẽ ăn ngươi đấy.”

Nhà sư giơ tay ra, cho itsumade thấy lá bùa của chàng. Nó sáng rực lên. Con itsumade cúi đầu và nói nhỏ. “Tôi thật không biết,” nó nói. “Tôi nghĩ ngài chỉ là một người mơ thường.”

Nhà sư nhận ra lúc đó có một người đang nhìn ông từ trên cao của cây sồi đen. Kẻ nhìn trộm là một con quạ, to lớn, đen tuyền, và khi nó thấy nó đã bị phát hiện, nó liền bay xuống chỗ nhà sư, đậu trên con đường nhỏ trước mặt chàng.

“Hãy theo ta,” con quạ nói, giọng nó nghe như hai viên sỏi cạ vào nhau.

“Ngươi sẽ dẫn ta đi gặp Mộng Đế chứ?” nhà sư hỏi.

“Ngươi đã không hỏi một bài thơ, một chiếc lá rơi, hay sương mù trên đỉnh núi,” con quạ đáp. “Vậy thì tại sao lại đi hỏi ta?”

Ngôi nhà như một mê cung, và qua nhiều phòng tranh và sảnh đường, mờ mờ, kỳ lạ và khắc khổ; qua con đường có màn che, bên cạnh hồ nước bình lặng, bước trên những tảng đá và hòn sỏi nhẵn nhụi, nhà sư theo sát con chim.

“Bằng câu trả lời của ngài,” nhà sư nói, “tôi đoán rằng ngài là một nhà thơ.”

“Ta là thị thần của Mộng Đế,” con quạ đáp, “và ta chỉ làm theo lệnh ngài thôi.” Nó đập cánh và bay lên, đậu lên một tấm sáo, vừa tầm với đầu của nhà sư. “Nhưng ngươi nói đúng. Ta đã từng là một nhà thơ, và như tất cả những nhà thơ khác, ta đã ở trong Mộng Quốc quá lâu.”

Con quạ đưa nhà sư vào trong một căn phòng trang trí toàn là tấm sáo vẽ. Cuối căn phòng là một cái bục cao, trên bục là một cái ghế gỗ khảm xà cừ. Nó là một cái ghế hoàn hảo, đơn giản và lạ thường, và nhà sư biết ngay đó là ngai của Mộng Đế.

“Chờ ở đây,” con quạ nói; và rồi bay đi như một cận thần đầy quyền lực.

Nhà sư ngại ngùng đứng trong sảnh đường, và đợi Mộng Đế.

Trong trí tưởng tượng gcủa nhà sư, Mộng Đế là một ông lão, với hàm râu dài với móng tay dài, và rồi có lẽ như là Phật Tổ, và rồi là một con quỷ, nửa người nửa rồng.

Mắt chàng dán lên những tấm sáo đầy họa tiết treo quanh căn phòng. Chỉ cần nhìn thì chúng đứng yên, nhưng khi chàng ngó đi chỗ khác và nhìn lại thì sẽ thấy những hình thù khác. Những sinh vật trong đó đã di động, khi chàng nhìn đi nơi khác. Cổ tích đã kết thúc, và chuyện cổ khác bắt đầu.

Một giây trước chàng vẫn còn một mình trong đại sảnh, nhìn lên tấm sáo vẽ, và rồi chàng không còn một mình nữa, Mộng Đế đã ngồi trên ghế.

Nhà sư cúi đầu thật thấp.

Mộng Đế có làn da trắng ngà như mặt trăng mùa đông, mái tóc đen như đôi cánh quạ, và đôi mắt ngài là hồ nước trong đêm tối trong đó những ngôi sao lấp lánh và cháy bỏng. Trường bào là màu của đêm tối, trên gấu áo là ánh lửa và những khuôn mặt hiện lên rồi biến đi. Ngài nói, trong một giọng nhẹ nhàng, nhưng mạnh mẽ như lụa. Ngươi được hoan ngênh ở chốn này, ngài nói, những lời vang vọng trong đầu nhà sư. Nhưng ngươi không nên đến đây.

“Thần đến,” nhà sư nói, “để cầu xin cho sự sống của một con cáo, trong thế giới của thần, nó bị lạc trong mộng quốc. Nếu không có sự trợ giúp của ngài, e rằng nó sẽ chết.”

Và có lẽ đó là điều mà nàng muốn, Mộng Đế đáp. Để được lạc trong mộng. Dĩ nhiên nàng có lý do để làm việc đó, và ngươi không biết về lý do đó. Hơn nữa, nàng là một con cáo. Mạng nàng có là gì với ngươi chứ?

Nhà sư ngập ngừng. “Phật tổ bảo ta phải yêu mến và tôn kính chúng sanh. Con cáo này đã không làm hại thần.”

Mộng Đế nhìn nhà sư. Chỉ có vậy thôi sao? Ngài nói, không chút xúc động. Đó là lý do ngươi bỏ lại ngôi chùa, và đến tìm ta? Chỉ vì người yêu thương và tôn kính chúng sinh?

“Tôi có trách nhiệm với tất cả,” nhà sư nói. “Bởi vì, là một đệ tử nhà Phật, tôi đã đặt sau lưng mình tất cả những ràng buộc của ham muốn, tất cả những ràng buộc thế gian.”

Mộng Đế không nói gì cả. Dường như ngài đang đợi.

Nhà sư cúi đầu thấp hơn nữa, “Nhưng thần nhớ cảm giác của làn da nàng, khi nàng hóa thân thành thiếu nữ, và đó là một kỷ niệm mà thần sẽ mang xuống mồ, và đến thế giới bên kia nữa. Tất cả những ràng buộc của tình cảm rất khó mà xóa đi.”

Ta hiểu rồi, Mộng Đế đáp. Ngài đứng dậy, và rồi, bước xuống bậc thềm. Ngài là một người rất cao, nếu ngài là người. Đi theo ta, ngài nói.

Họ bước qua một thác nước đổ xuống trên tường của cung điện. Dòng nước tẻ ra và tỏa hơi mà không làm cho họ bị ướt.

Bên kia thác nước là một căn nhà nghỉ nhỏ, và Mộng Đế dẫn nhà sư đến nơi đó.

Tiểu hồ ly của ngươi cũng đến gặp ta, và hỏi xin một đặc ân, Mộng Đế nói, mặc dù nàng thành thật về tình yêu của mình hơn là ngươi. Và ta đã ban cho nàng một đặc ân. Nàng đã mơ giấc mơ của ngươi. Nàng mơ hai giấc mơ đầu với ngươi, nàng mơ giấc mơ cuối thay cho ngươi, và nàng đã dùng chìa khóa để mở cái hộp.

“Nàng ở đâu?” nhà sư hỏi. “Thần có thể mang nàng trở lại không?”

Sao ngươi lại muốn mang nàng trở lại? Mộng Đế hỏi. Nàng không muốn vậy, và cũng không mang lại kết quả tốt cho ngươi.

Nhà sư im lặng.

Mộng Đế chỉ vào cái bàn trong ngôi nhà nghỉ. Trên đó là một cái hộp sơn mài nhỏ, nhà sư lập tức nhận ra cái hộp trong mơ của chàng. Trong ổ khóa là một cái chìa.

Nàng ở trong đó. Hãy theo cô ta, nếu ngươi muốn.

Nhà sư chầm chậm mở cái hộp. Nó hé ra, mở toang, cho đến khi nó bao trùm cả thế giới, và không ngần ngại, nhà sư bước vào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.