Thanh Mai Không Lấy Trúc Mã (1802)

Chương 14: Chương 14: Trưởng thành  - sự trưởng thành của cậu ba và cô đào hát tên ái




Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,

Vô duyên đối diện bất tương phùng.(10)

========================================

Năm Kỷ Tỵ (1809). Ba năm nối tiếp nhau, chớp mắt đã trôi qua mau chóng.

Sáng đầu xuân, thằng Ngãi chạy ù từ bến đò về nhà họ Triệu, vừa vào trong sân gạch đã lập tức hô toáng lên thông báo:

“Ông ơi! Các bà ơi! Cậu Liêm ơi! Cậu Tưởng đỗ rồi ạ!”

Thằng Ngãi to mồm, chạy lăng xăng khắp ngõ ngách trong nhà, gân cổ gào đi gào lại mỗi một câu đó. Chuyện chấn động quá mà, khéo phải báo cho cả xã này biết ấy chứ. Bao nhiêu năm qua, cứ ngỡ cậu Tưởng nhà này chẳng bao giờ động đến sách vở hay chong đèn học bài canh khuya chứ đừng nói đến việc dùi mài kinh sử đến trường thi. Cuối cùng chuyện đó cũng xảy ra, đã thế còn thi đỗ nữa.

Khoa thi năm rồi, Liêm được chọn làm Cống sinh(11) quả là tin vui cho Triệu gia và cả cái xã Thổ. Để chuẩn bị cho kỳ thi Hương, cậu tiếp tục vùi đầu vào sách vở. Năm nay đến lượt Tưởng nối gót anh trai, thật tin mừng nhân đôi.

Chỉ một lúc sau, tất cả mọi người trong Triệu gia đều tề tựu đông đủ ở phòng chính. Từ đám người làm cho đến ba bà, Triệu xã trưởng và cả Tằm. Tất nhiên là để kiểm chứng xem lời thằng Ngãi thực hư thế nào. Triệu xã trưởng cất giọng:

“Có thật là cậu Tưởng đỗ rồi không?”

“Chắc chắn thưa ông. Con lên tận trường thi, đọc kỹ bảng đề danh đến mười lần, quả nhiên có tên cậu Tưởng ạ.”

Ba bà mừng rỡ trước lời khẳng định của tên Ngãi. Triệu xã trưởng thở ra một tiếng nhẹ nhõm. Trước ngày Tưởng đi thi, ông lo đến mất ngủ, mấy ngày qua đứng ngồi cũng chẳng yên vì nôn nóng chờ đợi bảng đề danh. May thay trời phật phù hợp, tổ tông nhà họ Triệu độ trì, đứa con ngỗ nghịch ấy cũng đỗ rồi.

“Cậu Tưởng đâu, mau đi báo cậu biết!” Bà Tư giục thằng Ngãi.

Thằng Ngãi toan đáp dạ thì Tằm liền lên tiếng: “Để con đi báo cho cậu ạ“.

Ban nãy vào thư phòng không thấy Liêm và Tưởng đâu nên Tằm nghĩ hai người đang ở dãy nhà sau. Đúng như suy đoán, lúc Tằm bước ra đây thì đã nghe âm thanh vung gậy và tiếng thơ ngâm nga.

Trên chiếc bàn đá, Liêm chăm chú đọc thơ. Gần đó, Tưởng cầm gậy say sưa múa quyền. Mãi đến khi nghe giọng Tằm cất lên, hai anh em mới ngừng việc đang làm lại. Vẻ như câu hô hào của thằng Ngãi không đến được tai họ nên Liêm vừa hạ sách xuống đã hỏi có chuyện gì sao? Tằm tiến đến gần hai cậu chủ, báo rằng:

“Ngãi vừa từ trên trường thi về, nói cậu Tưởng đỗ rồi ạ.”

Nghe xong, Liêm mừng rỡ lẫn bất ngờ: “Thật sao?“. Tằm đáp vâng, rồi đưa mắt nhìn sang Tưởng đang đặt gậy xuống bàn đá ra điều chẳng mấy quan tâm:

“Tằm chúc mừng cậu.”

“Anh cũng vậy, trời quả không phụ lòng người.”

Đáp lại dáng vẻ mừng rỡ của Liêm và Tằm, Tưởng chỉ khoanh tay nói nhạt:

“Bình thường thôi mà.”

Liêm ngạc nhiên:

“Sao em lại nói thế? Khoa thi vừa rồi có phải đơn giản đâu. Hẳn, thầy Vãn cũng sẽ bất ngờ đấy. Em không vui khi mình đỗ à?”

“Không phải em không vui. Chà, biết nói thế nào nhỉ? Chẳng qua là trước khi đi thi, em đã đoán mình nhất định sẽ đỗ.”

Câu nói đầy kiêu ngạo của Tưởng khiến Liêm buồn cười. Cứ ngỡ lại nghĩ vu vơ gì, hóa ra cậu em trai này hết sức tự mãn với kết quả đó. Vốn, tính Tưởng từ bé đã rất kiên tâm, một khi đã quyết làm chuyện gì thì phải nắm chắc phần thắng. Chợt, Liêm thấy chiếc thoa cài tóc nhỏ trên mái tóc đen tuyền của Tằm, liền hỏi:

“Là em mua sao?”

Tằm ngại ngùng sờ lên mái tóc:

“Của chị Hỷ cho em ạ”

Liêm mỉm cười khen đẹp, “chiếc thoa cài tóc rất hợp với em“. Tằm nghiêng đầu, cười e thẹn. Rồi nhỏ bắt gặp ánh mắt Tưởng hướng vào mình chằm chằm.

“Gì thế thưa cậu?”

Chẳng hiểu sao Tưởng lại mang biểu hiện chán chường, thẳng thừng bảo:

“Vịt thì không bao giờ thành thiên nga đâu. Xấu xí vẫn cứ xấu xí thôi. Ngươi nghĩ với chiếc thoa rẻ tiền ấy là mình sẽ xinh đẹp lên à?”

Liêm liền nhắc: “Sao em nói lạ vậy?”

Còn Tằm dường như cũng quen rồi, đáp:

“Tằm biết mình xấu xí nên không dám mơ được cậu Tưởng khen ạ.”

“Biết thế là tốt đấy. Anh, em phải đến gặp cha và các mẹ.”

Dứt lời, Tưởng rời đi. Tằm nhìn theo, nhăn mũi. Tằm không hề biết rằng, Tưởng đã dừng bước và quay lại, âm thầm quan sát mình từ xa. Sự thật, ánh mắt của cậu khi nãy nhìn vào Tằm, không phải hàm ý chê bai mà là... “Em rất đẹp“. Cậu thấy chiếc thoa cài tóc đó hợp với Tằm vô cùng, nhưng bản thân không thể nói ra những lời đó được. Bởi, Tằm chỉ thuộc về Liêm.

Tưởng vào phòng chính gặp cha và các mẹ. Nhác trông thấy con trai, bà Tư chạy đến khen ngợi đủ thứ. Triệu xã trưởng cũng ra vẻ hài lòng.

“Đây quả là tin vui hiếm có, Triệu gia phải làm cỗ ăn mừng mời mọi người.”

Bà Hai và bà Ba đề nghị. Cũng không thích khoa trương, Tưởng bảo cả nhà ta ăn tiệc mừng với nhau là được. Triệu xã trưởng gật đầu, rồi nói hình như tối nay có một đoàn hát nổi tiếng về xã Thổ hát tuồng. Chúng ta đến đó nghe cho vui.

Vừa hay, bà Ba hỏi tên người làm đứng gần, “cậu Liêm đâu rồi?“. Hắn thưa, “cậu ở ngoài vườn với Tằm ạ“. Tự nhiên bà Hai trầm ngâm, nói với chồng:

“Mình à, tôi thấy Liêm và Tằm vẻ như có cảm tình thân thiết. Lúc nào chúng cũng đi bên nhau, nói cười vui vẻ.”

“Chuyện đó đâu có gì lạ. Liêm và Tằm lớn lên cùng nhau, giả dụ chúng thương mến nhau cũng là lẽ thường.” Bà Tư góp lời.

“Thế à?” Bà Ba ra điều suy ngẫm, “Tằm thông minh lễ phép, đoan trang hiền thục, có đứa con dâu như vậy chắc tôi cũng vui lòng.”

Đợi ba bà vợ nói xong, Triệu xã trưởng bấy giờ mới cất giọng:

“Liêm và Tằm có thương nhau hay không, chờ sau này hỏi rõ. Bây giờ, Liêm phải chú tâm vào khoa thi. Có công danh rồi bấy giờ cưới vợ cũng không muộn.”

Ông vừa dứt lời, Tưởng đã nói ngay rằng mình có việc muốn đến thư phòng. Lúc cậu vừa ra ngoài, bà Tư bất giác dõi mắt nhìn theo.

Tưởng bước chậm rãi trên dãy hành lang ngoài hiên. Những lời vừa rồi của cha và các mẹ cứ lởn vởn trong đầu. Cậu dừng chân, đưa mắt nhìn ra cái sân gạch vắng lặng. Từ sau buổi chiều mưa lũ năm đó, Tưởng biết mình thương Tằm. Thứ tình cảm âm thầm, mãnh liệt nhưng đầy kìm nén. Hơn ai hết, cậu hiểu bản thân không thể đến gần Tằm, cũng như chỉ có thể mang một mối tình si.

Thật xứng đôi vừa lứa! Là thanh mai trúc mã, khéo họ lấy nhau không chừng! Suốt ba năm qua, lúc nào Tưởng cũng nghe mọi người nói về Tằm và Liêm như thế. Dường như trong mắt họ, hai người đó đã thuộc về nhau rồi. Và chính Tưởng cũng nghĩ vậy vì sớm nhận ra, Tằm cảm mến Liêm. Hẳn, anh trai cậu cũng thế.

Từ một cậu chủ nghịch ngợm ham vui, Tưởng bỗng dưng trở nên chững chạc, kiên tâm và thỉnh thoảng trầm lặng một cách kỳ lạ. Mười tám tuổi, cậu là một chàng trai khôi ngô, giỏi cả văn lẫn võ. Ai nấy đều ngạc nhiên về sự thay đổi này. Và có lẽ, chẳng ai biết được vì thương thầm một người mà cậu trưởng thành.

***

Đoàn hát Hồng Đào tuy lang bạt giang hồ nhưng rất có tiếng. Họ biểu diễn từ kinh thành đến các làng xã, khắp dải đất từ Bắc vào Nam, không đâu là không có dấu chân họ đi qua. Nay, đoàn Hồng Đào xuống xã Thổ tận phương Nam, dựng lều hát vở “Phàn Lê Huê” nên mọi người kéo đến xem đông nghịt.

Nghe đâu trong đoàn có cô đào hát tên Ái. Nét đẹp sắc sảo mặn mà, giọng hát mượt mà êm đềm, vậy là ai nấy kháo nhau đến đây xem thử thế nào.

Trong lều, người người ngồi kín hết chỗ. Ngay phía trên hàng ghế đầu tiên là chỗ ngồi của người nhà họ Triệu. Được báo có Triệu xã trưởng đến nghe hát, người trong đoàn dĩ nhiên phải ưu ái cho ông, ba bà và hai cậu ngồi ở trên đầu.

Mãi đến đầu giờ Dậu, tuồng hát Phàn Lê Huê mới mở màn. Tất cả đều chăm chú nhìn khi bóng dáng nữ tướng Lê Huê xuất hiện. Người vào vai này, không ai khác là Ái, cô đào hát nổi tiếng tài sắc vẹn toàn. Đúng như lời đồn, sắc đẹp của Ái nghiêng thành nghiêng nước, có nét già dặn sắc sảo. Cô vừa cất giọng hát lên là mọi người say đắm, hoàn toàn bị cuốn theo.

Vốn chẳng hứng thú gì với tuồng chèo, Tưởng mang dáng vẻ nửa nhàm chán nửa thờ ơ. Ngồi khoanh tay trên ghế chưa được bao lâu là cậu xoay người qua lại, không yên được vì buồn tay chân thế nào ấy. Tuy tính cách đã có phần trầm hơn xưa nhưng cổ nhân bảo, giang sơn dễ đổi bản tánh khó dời, với những thứ Tưởng không thích thì vẫn cảm thấy bị bó buộc.

Trong khi Tưởng ngáp ngắn ngáp dài thì bên cạnh, Liêm lại chăm chú nghe như người mất hồn. Đúng hơn là, cậu không thể rời mắt khỏi Ái. Từ lúc cô đào hát đó xuất hiện, Liêm cảm giác như mình bị bắt mất ba hồn bảy vía. Từ ánh mắt đến giọng hát, cô đều toát lên sự say đắm khó cưỡng. Mười mấy năm chỉ biết vùi mặt vào sách vở văn chương, ngay bây giờ và chính tại đây, cậu Hai nhà họ Triệu mới biết đến thứ cảm giác khác lạ lâng lâng khó tả này.

Đang hát say sưa thì bỗng, Ái làm rơi cây giáo xuống ngay dưới chân Liêm. Tuồng hát dừng lại giữa chừng. Vẫn an nhiên, cô bước xuống tiến đến chỗ cậu. Một cách nhẹ nhàng, Liêm nhặt cây giáo lên đưa cho Ái. Vào khoảnh khắc ánh mắt hai người giao nhau, Liêm thoáng bất động. Phải chăng đã trúng tiếng sét ái tình? Về phần Ái, trông thấy gương mặt thanh tú của cậu Hai Triệu gia, bỗng chốc cũng có chút rung động nhưng đã mau chóng đón lấy cây giáo và mỉm cười.

Lúc Ái quay lại với vở diễn, Liêm vẫn nhìn theo say đắm. Và không ai khác nhận ra dáng vẻ đó của cậu, ngoài Tằm.

----------------------------

Chú thích:

(10) Điển tích xưa của Trung Quốc: “Có duyên nghìn dặm xa còn gặp/ Không duyên trước mặt vẫn cách lòng“.

(11) Là học trò giỏi được chỉ định đi thi Hương.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.