Sống Lại Chờ Em Lớn Lên

Chương 20: Chương 20: Chúng ta giao lưu một chút.




- Các bạn ban 10, các bạn có cảm thấy dễ chịu không?

Mặc dù lời nói của chủ nhiệm ban 7 Trương Tú Vân có chủ đích rõ ràng nhưng đối tượng mà cô nói chuyện là “học sinh ban 10”, vì vậy mà đám học sinh ban 10 cảm thấy tức tối, có người còn thốt lên cả tiếng hừ đầy tức giận, có người vỗ bàn, có người xì xầm, chỉ có điều xuất phát từ sự tôn trọng đối với giáo viên, nên chẳng có một ai trực tiếp phản bác.

- Cô Trương, cô có ý gì?

Thầy Chu đứng ở cửa, cố gắng kìm cơn giận.

- Có ý gì? Anh hỏi học sinh của tôi phải bái phục ban của anh.

Trương Tú Vân xoay đầu trả lời không hề có lấy một chút lịch sự.

Đúng như những gì Hứa Đình Sinh vẫn nhớ từ kiếp trước, cô giáo Trương Tú Vân là một người rất mạnh mẽ, mối quan hệ với nhiều giáo viên khác cũng không được tốt lắm, mà dường như cô cũng không để ý tới điều này.

Nhưng sự thật vẫn có sự khác biệt, lúc đầu khi cô giáo Trương Tú Vân xuất hiện ở cửa ban 10, Hứa Đình Sinh còn tưởng cũng giống như kiếp trước, cô tới mời mình tới giao lưu phương pháp học tập các môn xã hội với các bạn ban 7. Nhưng kết quả là hắn đã nhầm, cô bước lên bục giảng và nói một câu như vậy.

Nói xong, ánh mắt của cô liền nhìn về phía Hứa Đình Sinh.

Chủ nhiệm trương bước theo ra khỏi phòng làm việc liền vội vàng kéo thầy Chu lại. Ít nhiều thì hai giáo viên không nên cãi nhau trực tiếp trước mặt học sinh, nhưng chuyện ở bên này hơi ầm ỹ nên các giáo viên ở phòng làm việc môn văn đều bước ra ngoài.

Chủ nhiệm ban 7 đứng trên bục giảng của ban 10 mà chủ nhiệm ban 10 thì lại đứng ở trước cửa tạo nên một bầu không khí ngột ngạt.

- Có chuyện gì vậy?

Các giáo viên dò hỏi nhau rồi bàn tán.

Trong tiếng xì xầm, Hứa Đình Sinh đứng dậy.

- Cô Trương.

Hứa Đình Sinh lên tiếng gọi.

Tất cả ánh mắt đầu được thu hút về phía hắn, đồng thời bầu không khí cũng hơi yên lặng.

Hứa Đình Sinh mỉm cười, nói bình thản:

- Cô Trương, nếu lúc trước cô...em nghĩ khả nghi nhất chính là em đúng không? Em vừa suy nghĩ, các thầy cô vì kỳ thi của em mà rất đau đầu, hay là, mời các thầy cô cùng chứng kiến, em tới ban 7 giao lưu với các bạn học sinh của ban 7 về phương pháp học tập được không?

Hứa Đình Sinh nói là “giao lưu” nhưng khi lọt vài lỗ tai của mọi người, hơn nữa là các giáo viên thì lại biến thành hắn muốn “vào học” ở ban 7, bất chấp đối mặt nhiều người để bảo vệ sự trong sạch.

Hứa Đình Sinh không để cho một ai ngắt lời, hắn đã quyết định môn để “giao lưu“. Lịch sử, không phải lịch sử thì còn là môn nào?

- Trong kỳ thi lần này kết quả môn xã hội của em tốt nhất, nên giao lưu với các bạn học ban 7 về môn lịch sử đi. Đúng lúc có chủ nhiệm Trương ở đây và các thầy cô khác có thể chứng kiến.

Trong quá trình nói chuyện, Hứa Đình Sinh vẫn giữ nụ cười tươi, giọng nói bình thản nhưng bất cứ một ai nghe thấy cũng nghĩ hắn đang khiêu khích, khiêu khích một cách rõ ràng.

Cho nên, dù là chủ nhiệm Trương hay cô Trương Tú Vân cũng không thể nào từ chối.

... ...

Cuối cùng buổi “giao lưu” được tiến hành ở phòng học giáo dục truyền thống, bởi vì Hứa Đình Sinh phải tới ban 7 nhưng “người nhà” ban 10 lo lắng nên đi theo, chưa kể còn rất nhiều giáo viên, phòng học của ban 7 không thể nào ngồi đủ.

Bình thường phòng giáo dục truyền thống để giáo viên mở các lớp công cộng công khai hoặc có chuyên gia đến giảng bài mới sử dụng. Mới đầu chủ nhiệm Trương cảm thấy như vậy đã nể mặt Hứa Đình Sinh rất nhiều nhưng khi nghĩ kỹ, nếu hắn bị sỉ nhục trước mặt nhiều người cũng chẳng có gì sai. Như vậy sau này phó hiệu trưởng cũng không đổ lỗi lên đầu mình, vì vậy liền đồng ý.

Còn có một nguyên nhân là y không ngăn cản được chuyện này. Học sinh ban 7 không phục cũng vậy mà học sinh ban 10 đang tức giận cũng thế, bọn họ cần phải chấm dứt.

Kết quả là người của hai ban rồng rắn nối đuôi nhau tiến vào trong phòng giáo dục truyền thống, một số học sinh của ban khác cũng tới, trong đó có không ít học sinh đứng thứ nhất thừ hai. Nhưng đây đang là thời gian hoạt động ngoại khóa, tin tức tỏa ra, có ai không muốn tới xem?

Sau khi trong phòng học truyền thống đã chật cứng người, cuối cùng Hứa Đình Sinh cũng nhìn thấy Ngô Nguyệt Vi, còn thấy được vị phó hiệu trưởng. Chủ nhiệm Trương đang ân cần lấy ghế cho ông.

Thầy Chu ngồi ở một góc tường, đưa mắt nhìn lên Hứa Đình Sinh ở trên bục như muốn cổ vũ. Lúc này, cảnh tượng quá hoành tráng khiến cho mấy giáo viên còn trẻ cũng phải hồi hộp, nói gì Hứa Đình Sinh chỉ là một học sinh. Thật ra thầy Chu rất lo lắng.

Hứa Đình Sinh đáp lại với thầy Chu bằng một nụ cười tươi, rồi bước chân lên trên bục.

Từ bước đầu tiên bước lên bục, Hứa Đình Sinh cảm thấy hơi ngây dại, sững sờ đứng ở đó. Cái cảm giác này rất kỳ diệu, ảo ảnh kiếp trước và kiếp này đan xen vào nhau tạo ra vô số cảnh tượng thay đổi trước mặt Hứa Đình Sinh.

Kiếp trước, có vô số lần hắn từng đứng trên bục giảng. Hôm nay đối với hắn mà nói cái vị trí nho nhỏ này vừa quen thuộc vừa xa lạ, vừa thương cảm lại vừa kích động.

Bốn năm, ở kiếp trước Hứa Đình Sinh làm giáo viên bốn năm, không nịnh bợ lãnh đạo, không lừa tiền lừa bạc nhưng đó là vị trí yên ổn nhất của hắn, là đoạn thời gian thỏa mãn và vui thích nhất.

Trong một khắc đó, thậm chỉ Hứa Đình Sinh cảm thấy kinh nghiệm kiếp trước của bản thân giống như một giấc mộng, nghỉ việc trong mơ, Hạng Ngưng ở trong mơ, thất bại ở trong mơ, đau khổ ở trong mơ, sống lại ở trong mơ.... Sáng sớm tỉnh mộng, hắn trở lại với sự thật, tới ban vào tiết.

Dưới đài, những tiếng cười ồn ào kéo Hứa Đình Sinh trở lại với sự thật.

- Đừng nói là sợ tới mức mất hồn chứ?

Có người lẩm bẩm. Thật ra rất nhiều người đều nghĩ như vậy.

Hứa Đình Sinh cảm thấy có lỗi nên cười cười che giấu. Cảnh tượng này còn lâu mới dọa được hắn. Ngoại trừ kinh nghiệm bốn năm dạy học ra, ở kiếp trước Hứa Đình Sinh còn là giáo viên trẻ nhất đại biểu cho thành phố Tiệm Nam tham gia lớp đánh giá công tác giảng dậy trong toàn tỉnh. Đối mặt với giáo viên và chuyên gia đến từ các nơi, hắn chưa hề cảm thấy hồi hộp.

Kiếp trước của Hứa Đình Sinh, lớp đánh giá công tác giảng dậy toàn tỉnh đó là “phương pháp ngoại giao mới của Trung Quốc”, hắn đã tham dự lớp dạy này mấy chục lần ở các địa phương khác nhau, muốn quên cũng khó.

Nó cũng là nội dung hôm nay hắn chuẩn bị giảng. Nếu đã chơi lớn vậy thì phải làm cho thật hoành tráng, có thể sử dụng một bài giảng giải quyết vấn đề đối với Hứa Đình Sinh chưa bao giờ là chuyện khó khăn.

- Bạn Hứa Đình Sinh, xin hỏi người lãnh đạo các nước tham dự hội nghị Potsdam là ai? Có bao nhiêu quốc gia tham gia vào hội nghị Potsdam?

Khi Hứa Đình Sinh chuẩn bị lên tiếng thì một học sinh nữ của ban 7 lên tiếng hỏi như vậy. Hứa Đình Sinh không nhận ra đó là ai. Thật ra có lẽ cô cũng không có ác ý chỉ có điều do không phục một học sinh như Hứa Đình Sinh lại dám nói không biết thẹn rằng cho bọn họ “được học”, bất chấp ý của Hứa Đình Sinh là giao lưu.

Cho nên vấn đề mà cô đưa ra có thể nói là rất xảo quyệt.

Hứa Đình Sinh mỉm cười đáp:

- Tham gia hội nghị Potsdam là ba nước Xô Viết, Mỹ, Anh. Trong đó người lãnh đạo của Xô Viết là Joseph Stalin. Còn về nước Mỹ thì cần các bạn chú ý một chút. Lúc này đại diện cho nước Mỹ tham dự các hội nghị quan trọng trước đây là tổng thống Roosevelt đã mất nên đại diện cho nước Mỹ cũng chính là tân tổng thống Harry S. Truman. Nếu vào kỳ thi thật sự, mọi người nhớ chú ý tránh để nhầm lẫn, cũng giống như bạn gái xinh xắn này đang hỏi tôi.

Phía dưới liền vang lên tiếng cười, đồng thời có mấy người lấy bút ra bắt đầu ghi chép.

Đợi cho tiếng cười bớt dần, Hứa Đình Sinh mới tiếp tục nói:

- Về phía nước Anh lại càng phức tạp hơn một chút. Lúc đầu đại diện cho nước Anh tham dự các hội nghĩ vẫn là người mà tất cả đều biết Churchill đó là một người đàn ông béo dễ thương luôn dẫn đầu chụp ảnh. Nhưng trong quá trình diễn ra hội nghị, nước Anh tiến hành bầu cử, Churchill bị thua cho nên, mọi người chú ý, nước Anh còn có một vị tân thủ tướng Clement Attlee cũng tham dự hội nghị Postdam.

Những điểm trí thức không được đề cập tới trong sách nên gần như không thể xuất hiện trong kỳ thi. Nhưng cũng vì vậy mà hiệu quả của nó gây ra càng mạnh hơn. Bởi vì nếu Hứa Đình Sinh chỉ nói những gì trong sách, người ban 7 nắm giữ được điểm quan trọng có rất nhiều. Nhưng bây giờ hắn lại nới tới cả những kiến thức bên ngoài, dùng tri thức để đè người nên hiệu quả tốt hơn nhiều.

Sau khi nói tới Churchill, Hứa Đình Sinh còn cố tình nói chậm đồng thời đưa tay làm dấu khiến cho những tiếng cười vui vẻ lại vang lên, nhưng khi hắn nhắc tới Clement Attlee thì bên dưới hoàn toàn yên tĩnh. Vào thời đại này máy tính vẫn chưa được thông dụng, học sinh tiếp xúc với tri thức thật ra cũng tương đối chật vật, cho nên gần như không ai biết tới điều này.

Hứa Đình Sinh nhìn mấy vị giáo viên lịch sử của trung học Lệ Bắc đang thì thầm với nhau, trong số họ có rất nhiều người cũng không để ý tới chuyện này.

- Cuối cùng, trong vấn đề mà bạn học này đưa ra, tôi nhận thấy một điểm, mọi người không cần phải hiểu, chỉ cần nhớ, nhớ tham dự hội nghị Postdam là ba nước Xô Viết, Anh, Mỹ nhưng đó chỉ là danh nghĩa bề ngoài trong thông cáo Postdam, còn nguyên nhân thì tôi không cần phải lý giải...

Khi hắn nói xong, không hề có tiếng cười nào thốt lên. Mặc dù bên dưới bục giảng vẫn có tiếng cười nhỏ nhưng xét cho cùng tiếng bút lướt trên giấy loạt xoạt còn to hơn. Rất nhiều người đang ghi chép.

Hứa Đình Sinh tạm nghỉ một chút, đợi mọi người ngẩng đầu lên, mới nói tiếp:

- Trả lời vấn đề đó như vậy, không biết bạn giá xinh xắn đã hài lòng chưa?

Nữ sinh ban 7 đưa ra câu hỏi nhìn Hứa Đình Sinh mà hai má ửng đỏ, gật đầu nói:

- Ừ, cảm ơn.

Hứa Đình Sinh nhìn khắp toàn phòng:

- Các bạn học khác có vấn đề gì không?

... ...

Tiếp theo, Hứa Đình Sinh liên tục trả lời bảy, tám câu hỏi. Trong đó cơ bản là hỏi thật, đương nhiên cũng có người cố ý gây khó, chẳng hạn như hỏi thời điểm xa xôi, khó nhớ... Nhưng Hứa Đình Sinh đều đáp được.

Những câu hỏi vẫn tiếp tục, đám học sinh ban 7 hỏi càng lúc càng hóc búa, dường như quyết làm cho Hứa Đình Sinh xấu hổ.

- Xin hỏi bạn Hứa, chiến hạm Trấn Viễn bị đánh chìm trong trận chiến Hoàng Hải, có bao nhiêu quan binh chết trận?

Một âm thanh vang lên, Hứa Đình Sinh nhìn theo tiếng nói thì thấy đó là một nữ sinh năm đầu của khoa văn. Hứa Đình Sinh nhớ rất kỹ tên của cô ấy là Diệp Oánh Tĩnh. Sở dĩ hắn nhớ không phải vì thành tích tốt của cô ấy mà là vị sự xinh đẹp.

Thường thấy học sinh nữ mạnh mẽ nhưng hiếm khi thấy học sinh nữ xinh đẹp.

Thật ra Diệp Oánh Tĩnh hỏi câu đó cũng có phần gây rối. Lúc trước, đám học sinh ban 7 hỏi cho dù có hóc búa tới mấy cũng không làm gì được, nhưng khi cô hỏi dường như là để làm rối loạn.

Toàn bộ học sinh ban 10 có phần tức tối, nhỏ giọng mắt nhưng Hứa Đình Sinh lại nhìn Diệp Oánh Tĩnh bằng ánh mắt cảm ơn. Nếu nói nghiêm túc đây là một câu hỏi khó thì việc xen vào thật ra là giúp gỡ rối cho hắn. Bởi vì chẳng có ai để ý tới chuyện Hứa Đình Sinh trả lời sai. Những người khác sẽ chỉ để ý rằng Diệp Oánh Tĩnh cố ý gây rối mà thôi.

- Cô bé này có sự chính nghĩa đấy.

Hứa Đình Sinh thầm khen rồi cười nói:

- Cảm ơn bạn Diệp Oánh Tĩnh đã giúp tôi, có điều vấn đề này tôi có thể trả lời. Trong trận hải chiến Hoàng Hải, khi chiến hạm Trấn Viễn bị chìm, quan binh chết vì nước là 246 người.

Ngược lại Hứa Đình Sinh còn giúp cho Diệp Oánh Tĩnh đồng thời cho ra đáp án. Câu trả lời của hắn hết sức rõ ràng và quả quyết, mang theo một sự tự tin mãnh liệt.

Không một ai thắc mắc. Tất cả mọi người, từ học sinh cho tới giáo viên đều ngơ ngác: “Không ngờ hắn còn biết cả cái này? Vậy thì khả năng đọc và ghi nhớ đến mức độ nào?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.