Ôsin Nhà Bộ Trưởng

Chương 13: Chương 13: Kế Hoạch Ăn Trộm Của Ôsin




Mấy ngày gần đây Quỳnh Hoa cứ thấp thỏm không yên. Có hai việc khiến cô cảm thấy bất an. Việc thứ nhất là bệnh tình của thầy cô không rõ ràng, lành dữ chưa biết. Đại Xuân sau khi gửi ý kiến chẩn đoán của các chuyên gia ở đây về quê vẫn chưa thấy hồi âm ra sao, không biết các bác sĩ ở quê có chẩn đoán ra chính xác bệnh tình của thầy cô hay không, có cần phải đưa thầy cô tới bệnh viện lớn ở thành phố điều trị hay không. Giả sử như thầy cô phải đi trị bệnh, vậy khoản tiền trị bệnh biết lấy ở đâu ra? Chuyện thứ hai mà Quỳnh Hoa lo lắng là tối hôm kia có một phó bí thư huyện ủy tới gặp Từ Văn Tuấn, Quỳnh Hoa đã báo cáo cho Vương Hãn Đông về họ tên của người đó và cuộc đối thoại của họ mà cô nghe lén được, đại ý là vị phó bí thư huyện ủy này muốn nhờ Từ Văn Tuấn đưa ông ta lên làm chức bí thư, nếu Từ Văn Tuấn có thể giúp ông ta như ý thì ông ta sẽ bỏ ra 100 vạn tệ để “đền đáp”, khi đó Từ Văn Tuấn vẫn chưa từ chối. Vương Hãn Đông sau khi nghe được tin này, không những khen ngợi Quỳnh Hoa làm rất tốt mà còn thưởng thêm tiền cho Quỳnh Hoa. Hôm sau, ông sai Châu Lệ gửi vào tài khoản ngân hàng của Quỳnh Hoa thêm 1.000 tệ. Quỳnh Hoa được thưởng 1.000 tệ, không những không cảm thấy vui mà còn có cảm giác tội lỗi vì mình đang bán đứng nhà chủ. Từ đó cô luôn cảm thấy người nhà họ Từ nhìn cô bằng ánh mắt khác thường, thực ra là vì Quỳnh Hoa tự tưởng tượng ra vậy thôi, nếu thực sự nhà họ Từ phát hiện ra việc làm của cô, chắc chắc họ sẽ không cho cô ở thêm một ngày nào nữa, nói không chừng còn có một đống phiền phức chờ đợi cô.

Hôm nay Quỳnh Hoa đã làm xong hết mọi việc nhà, không chờ được liền gọi điện thoại cho Đại Xuân:

- Anh Đại Xuân, có tin tức gì của thầy em chưa?

Tiếng Đại Xuân vang lên trong điện thoại:

- Gần đây nhà anh không gửi thư lên. Anh đoán chắc là bệnh tình của chú không có vấn đề gì lớn, nếu có tình hình gì khẩn cấp thì họ cũng biết số điện thoại của anh, chắc chắn sẽ gọi tới. Em đừng lo lắng quá rồi sinh bệnh, lại khổ ra.

Quỳnh Hoa lúc này vì muốn nói với Đại Xuân vài câu để giảm bớt nỗi lo lắng trong lòng mình. Cô biết một khi Đại Xuân có thông tin gì về tình trạng bệnh của thầy cô, chắc chắn anh sẽ lập tức gọi điện cho cô, bởi vậy cô lại nói “mọi việc của em đều tốt” rồi cúp điện thoại.

Vì hai chuyện trên mà tâm trạng Quỳnh Hoa luôn không thoải mái. Lúc bận làm việc nhà, cô còn có thể tạm thời quên đi những phiền não này, nhưng chỉ cần xong việc nghỉ ngơi, những suy nghĩ này lại hành hạ đầu óc cô. Cô cảm thấy buồn chán, bèn về phòng mình xem ti vi. Cô xem hết một lượt sáu mươi kênh truyền hình mà vẫn không thấy có hứng thú, thế là tắt ti vi đi, nằm lên giường ngẩn ngơ nhìn trần nhà.

Quỳnh Hoa buồn bã nằm trên giường suốt một tiếng, cô nhìn đồng hồ treo trên tường, đã tới giờ chuẩn bị làm bữa tối. Quỳnh Hoa vào phòng bếp, đặt nồi canh cá lên bếp ga đun nhỏ lửa, rồi bắt đầu rửa cá chép. Thức ăn hôm nay gồm có bốn món, là ớt xanh xào thịt bò, cá chép sốt cà chua, rau cải cuộn nấm và tôm chiên giòn. Tiêu chuẩn dùng cơm nhà Từ Văn Tuấn luôn chấp hành nghiêm chỉnh quy định của trung ương, mỗi bữa cơm gồm có bốn món ăn và một món canh. Quỳnh Hoa bữa nào cũng phải chấp hành đúng quy định này, hơn nữa số lượng thức ăn cũng phải vô cùng chính xác. Mỗi khi ăn cơm, thông thường là ba người nhà họ Từ dùng cơm trước, sau đó những thức ăn còn thừa lại thì để cho Quỳnh Hoa “thưởng thức”. Cần kiệm luôn là đức tính tốt đẹp của người Trung Quốc, thức ăn hằng ngày của nhà Từ Văn Tuấn đều không được lãng phí một chút nào.

Đang lúc Quỳnh Hoa chú tâm đánh vảy cá thì tiếng điện thoại gấp rút trong phòng khách vang lên. Điện thoại nhà họ Từ vang lên chủ yếu là tìm ba người họ, bây giờ họ không có ở nhà, nhận điện thoại hay không cũng không quan trọng lắm, lúc này hai tay Quỳnh Hoa đều là vảy cá, bởi vậy cô không muốn đi nghe điện thoại. Nhưng người gọi điện thoại hình như rất ngoan cố, tiếng điện thoại cứ réo mãi không ngừng. Quỳnh Hoa bực bội buông con cá xuống, rửa qua tay rồi đi nghe điện thoại, cho dù là điện thoại của ai, câu trả lời chỉ có một: Thủ trưởng không có nhà. Khi Quỳnh Hoa nhấc ống nghe lên, đang định nói câu mà mình đã chuẩn bị trước thì trong điện thoại vang lên tiếng Đại Xuân:

- Quỳnh Hoa phải không? Anh Đại Xuân đây. Sao lâu thế em mới nghe điện thoại? Làm anh sốt cả ruột. Thầy em với Kim Hoa tới rồi, giờ đang ở chỗ anh. Lúc nào em có thời gian để qua đây?

Nghe Đại Xuân nói thầy mình và Kim Hoa đã lên, Quỳnh Hoa cảm thấy chắc chắn có việc gì bất thường. Nếu không phải vì chữa bệnh thì chắc chắn thầy cô và Kim Hoa không chịu bỏ ra một số tiền lớn để lên thành phố, vậy thì chắc chắn bệnh tình của thầy rất nghiêm trọng, bệnh viện địa phương không có khả năng chữa trị, không tới bệnh viện lớn thì không chữa khỏi. Quỳnh Hoa chưa bao giờ lâm vào tình cảnh nào khó khăn như thế này, lúc trước cho dù trời có sập xuống, cũng tin tưởng là thầy mình sẽ đỡ, bây giờ thì phải làm thế nào? Một lúc lâu cô không nói được lời nào, những giọt nước mắt dâng lên bờ mi rồi lã chã rơi xuống, chảy cả vào khóe miệng, cô còn cảm nhận thấy một vị mằn mặn nơi đầu lưỡi.

Đại Xuân ở đầu dây bên kia càng sốt ruột hơn:

- Quỳnh Hoa, em sao thế? Sao không nói gì hả?

Quỳnh Hoa nức nở:

- Anh Đại Xuân, thầy em bệnh nặng lắm phải không? Đại Xuân nghe thấy tiếng khóc của Quỳnh Hoa, an ủi cô:

- Quỳnh Hoa, em đừng có khóc. Bệnh của chú Giải Phóng không sao, bác sĩ ở quê nói chỉ cần tới bệnh viện có điều kiện tốt một chút khám là có hi vọng chữa khỏi.

Lời nói của Đại Xuân an ủi Quỳnh Hoa được đôi chút, cô thôi khóc:

- Em đang chuẩn bị bữa tối cho nhà chủ, họ đều không ở nhà. Em nấu cơm xong, chờ họ về rồi lập tức tới chỗ anh.

Đại Xuân biết làm thuê cho nhà người ta thì chẳng còn cách nào hơn:

- Được, bọn anh ở căn phòng của Quế Hương chờ em.

Quỳnh Hoa cúp điện thoại, tiếp tục công việc đang dở dang. Cô vừa rửa rau, vừa âm thầm rơi những giọt lệ thương cha.

Quỳnh Hoa nhanh nhẹn làm xong thức ăn. Cô thấp thỏm ngồi trong phòng khách, chờ nhà họ Từ đi làm về. Người đầu tiên về nhà là Thẩm Thái Hồng. Quỳnh Hoa thấy Thẩm Thái Hồng mừng như người chết đuối vớ được cọc, cô vội vàng kể lại cho Thẩm Thái Hồng nghe chuyện của thầy cô, xin bà cho cô được đi thăm thầy. Thẩm Thái Hồng biết thầy Quỳnh Hoa đã tới, không cho cô đi thì cũng không được. Bà vào phòng bếp lướt qua một lượt, thấy Quỳnh Hoa đã chuẩn bị đầy đủ thức ăn nên đồng ý cho cô đi.

Quỳnh Hoa vội vàng quên cả ăn cơm tối, hấp tấp ra khỏi cửa. Cô đi như chạy ra bến xe buýt, đúng lúc xe số 11 đi tới, Quỳnh Hoa bèn nhảy lên luôn. Ba mươi phút sau, Quỳnh Hoa đã bước chân vào căn phòng nhỏ của Quế Hương. Quỳnh Hoa vừa nhìn thấy thầy đã sững sờ đứng im. Chỉ có vài tháng mà Ngô Giải Phóng như biến thành một con người khác. Ông đã mất đi sự nhanh nhẹn, nước da đem sạm, mái tóc khô queo, sắc mặt vàng ệch, hai mắt sưng đỏ, lại còn vừa bị chảy máu cam, hai lỗ mũi vẫn còn nhét hai miếng bông to tướng. Quỳnh Hoa vừa thấy thầy mình như vậy, nghe sống mũi cay cay, rồi không nhịn được nữa, cô ào vào lòng thầy mà khóc. Tiếng khóc của em gái động đến nỗi đau của Kim Hoa, cô cũng bật lên khóc theo. Đại Xuân thấy hai chị em đau lòng như vậy, đứng cạnh khuyên nhủ:

- Hai đứa đừng khóc nữa, cả nhà lâu lắm mới gặp nhau, bây giờ phải vui mới đúng chứ. Chú đang bị bệnh, con người có ai mà không bệnh tật? Hai đứa khóc như thế, trong lòng chú cũng thấy khó chịu, như vậy càng không tốt cho bệnh tình của chú. Vả lại trình độ y học bây giờ cao lắm, chú tới đây khám bệnh chẳng phải là để chữa cho khỏi sao? Hai đứa cứ khóc thế làm mọi chuyện rối cả lên, làm sao mà bàn việc được.

Lời nói của Đại Xuân quả nhiên có tác dụng ngăn dòng nước mắt của hai chị em. Ngô Giải Phóng bởi vì sức khỏe hư nhược, thấy Quỳnh Hoa cũng không nói gì, chỉ có những giọt nước mắt là sáng lên trong đáy mắt, hai tay ông nắm chặt lấy hai tay của Quỳnh Hoa, cứ như thể chỉ cần ông buông ra là Quỳnh Hoa sẽ bay đi mất. Quế Hương lúc này lấy một chiếc ghế ra bảo Quỳnh Hoa ngồi xuống, rồi lại lấy một chiếc khăn ướt cho hai chị em lau mặt:

- Quỳnh Hoa đừng có lo quá. Chị hỏi Kim Hoa rồi, bác sĩ địa phương nói là bệnh tình của thầy em có thể là nước tiểu nhiễm độc. Bệnh này không phải là bệnh không chữa được, tới những bệnh viện lớn đều có thể chữa khỏi.

Đại Xuân tiếp lời:

- Kim Hoa, giờ cũng không còn sớm nữa, chúng ta tìm một cái nhà trọ nhỏ nào đó ở gần đây để chú nghỉ ngơi, chờ sắp xếp cho chú xong xuôi rồi thì chúng ta bàn nhau xem nên chữa bệnh cho chú thế nào. Em thấy sao?

Kim Hoa từ trước tới giờ chưa bao giờ đi xa, kiến thức lại không bằng Quỳnh Hoa nên cũng chẳng có chủ ý gì:

- Anh Đại Xuân, anh thấy thế nào tốt thì cứ làm thế.

Đại Xuân đưa mọi người đi tìm một nhà nghỉ nhỏ. Mỗi người một ngày mất 30 tệ, đây đã là cái giá thấp nhất ở đây rồi. Sắp xếp xong xuôi cho Ngô Giải Phóng, Đại Xuân nói:

- Anh bảo Quế Hương tạm thời ở đây chăm sóc cho chú, hai em theo anh ra ngoài cổng, bàn xem ngày mai đưa chú đi khám bệnh thế nào. Chúng ta nói chuyện không được để chú nghe thấy, sợ chú lại suy nghĩ lung tung.

Kim Hoa và Quỳnh Hoa theo Đại Xuân ra ngoài, Đại Xuân nói:

- Nếu bệnh của chú thực sự là nước tiểu nhiễm độc thì điều trị ra sao, các bác sĩ đương nhiên sẽ biết, nhưng vấn đề ở đây là tiền trị bệnh không phải là một con số nhỏ. Bây giờ những người mắc bệnh này không ít, trên ti vi, báo đài hằng ngày đều có đưa tin về việc quyên góp cho những người bị nhiễm độc nước tiểu. Bây giờ quan trọng nhất là tiền, không có tiền thì làm sao chữa bệnh?

Kim Hoa hỏi:

- Anh có biết bệnh này phải mất bao nhiêu tiền mới chữa được không?

- Nếu thực sự là nước tiểu nhiễm độc giai đoạn cuối, chỉ có thay thận mới giữ được tính mạng cho chú. Phẫu thuật thay thận phải mất tầm ba, bốn mươi vạn.

Nghe nói tới một khoản tiền lớn như vậy, hai chị em đều ngây người ra. Kim Hoa nói:

- Bán cả hai chị em em đi cũng không được ngần ấy tiền. Thế phải làm thế nào? Chẳng nhẽ bọn em lại đến đây uổng công sao?

Quỳnh Hoa cắn môi không lên tiếng, hai mắt ầng ậng nước: Lần này thì thầy chết thật rồi? Cô nghe thầy kể ngày xưa khi u sinh cô, bởi vì không có tiền khám bệnh nên mới chết. Bây giờ thầy lại đi vào con đường cũ của u sao? Sao số phận của người nghèo đều như vậy? Cô nhớ lại số tiền khổng lồ nhà chủ để dưới gầm giường tới mốc meo, trong khi đó cô cần tiền chữa bệnh cho thầy mà lại hai bàn tay trắng, ông trời quả thật không công bằng. Đại Xuân thấy Quỳnh Hoa im lặng không lên tiếng, bèn hỏi:

- Em nói xem làm thế nào? Cứ cho là đi vay thì chúng ta ở đây không ai thân thiết, biết vay mượn ở đâu khoản tiền lớn thế? Vay rồi bao giờ mới trả lại được? Thầy em không hỏi rõ vấn đề, chưa chuẩn bị gì đã tới rồi. Bây giờ chúng ta đúng là tiến thoái lưỡng nan.

Quỳnh Hoa lúc này cũng không nghĩ ra việc gì, chỉ đành đi tới đâu tính tới đó:

- Ngày mai chúng ta tới bệnh viện tìm bác sĩ khám xem sao đã, ngộ nhỡ thầy em không bị nhiễm độc nước tiểu thì sao? Trong thẻ ngân hàng của em vẫn còn một ít tiền, cứ lấy ra cho thầy khám bệnh. Nếu không đủ thì em nghĩ cách khác.

Cuộc thảo luận ngắn ngủi của ba người tới đây là kết thúc. Quỳnh Hoa nói cũng may hai tháng nay cô không nghỉ buổi nào, tối nay cô sẽ về xin nghỉ, ngày mai đưa Kim Hoa và thầy cô tới bệnh viện khám bệnh. Ba người lại quay về phòng trọ, lúc này Ngô Giải Phóng đã ngủ rồi. Đại Xuân bảo Kim Hoa cũng đi nghỉ, anh và Quế Hương đưa Quỳnh Hoa ra bến xe buýt rồi hai người cũng về căn phòng nhỏ của mình dưới hầm để xe.

Quỳnh Hoa về tới nhà họ Từ đã là gần 11 giờ. Nhìn ánh đèn lọt ra từ căn phòng trên gác, Quỳnh Hoa đoán vợ chồng Từ Văn Tuấn vẫn chưa ngủ. Phòng của Từ Thẩm Bình tối om, chắc là đêm nay anh lại không về nhà. Quỳnh Hoa rửa ráy chân tay xong lên giường đi ngủ, lúc này cô không tài nào chợp mắt được, một chữ “tiền” to đùng cứ quay đi quay lại trong đầu cô. Vào lúc quan trọng như thế này, tiền chính là mạng sống của người nghèo, không có tiền thì mạng của thầy cô cũng hết. Ngộ nhỡ thầy cô thực sự bị nhiễm độc nước tiểu, không có tiền thì làm thế nào? Chẳng nhẽ cứ giương mắt lên nhìn thầy cô chết? Quỳnh Hoa nghĩ lại hồi nhỏ, một lần không cẩn thận, cô bị ngã xuống một cái hố lớn ở trên núi, thầy cô cứu cô từ cái hố lên, cõng cô về nhà rồi khiêng cô tới bệnh viện. Nếu cô không có cách nào chữa bệnh cho thầy cô, cứ để thầy như vậy mà đi theo u cô, vậy thì cô sẽ ân hận cả đời này mất.

Lúc này, một kế hoạch bạo gan bắt đầu hình thành trong suy nghĩ của Quỳnh Hoa.

***

Ngày hôm sau, Quỳnh Hoa xin Thẩm Thái Hồng cho nghỉ để đưa cha đi khám bệnh. Quỳnh Hoa xin phép sử dụng ngày nghỉ của mình, hơn nữa lí do xin nghỉ cũng rất chính đáng, bởi vậy cho dù Thẩm Thái Hồng vô cùng không muốn thì cũng không tìm được lí do gì để từ chối. Bà nghĩ: Muốn giải quyết vấn đề cơm nước trong nhà hai ngày này, hoặc là cả nhà ra ngoài ăn, hoặc là bà phải đích thân vào bếp. Khổng Tử từng nói: “Quân tử tránh xa chuyện bếp núc”. Thẩm Thái Hồng là một cục trưởng, cục trưởng cũng là quân tử, bởi vậy tránh bếp càng xa càng tốt. Đã nhiều năm nay bà không động tay vào nấu nướng, bây giờ không thích nghi được với dầu mỡ, bởi vậy bà lựa chọn giải pháp: Bữa trưa và bữa tối tới nhà hàng dùng cơm, bữa sáng thì mua sữa, bánh mì ở siêu thị về dùng tạm cũng được.

Quỳnh Hoa đi xe buýt tới nhà nghỉ. Cô và Kim Hoa giúp thầy rửa mặt súc miệng, sau đó ăn một bát cháo loãng ở quán bán rong ven đường, Quỳnh Hoa bảo Kim Hoa cùng thầy đứng chờ cô ở đó, rồi vội vàng chạy tới chỗ Đại Xuân lấy thẻ ngân hàng, rút hết số tiền có trong thẻ ở điểm rút tiền ngay trước cổng tiểu khu, tổng cộng có 3600 tệ. Trong lòng Quỳnh Hoa thầm cầu khấn, hi vọng thầy cô không mắc bệnh nhiễm độc nước tiểu, nếu không chút tiền này không thể cứu nổi cái mạng của thầy. Quỳnh Hoa nghĩ giờ đang là giờ cao điểm, đi xe buýt rất đông, thầy cô sức khỏe lại không tốt, cô bèn nghiến răng gọi taxi. Tài xế đưa ba người tới thẳng Bệnh viện Nhân dân thành phố.

Quỳnh Hoa lần trước đã cùng Đại Xuân tới bệnh viện này nên trình tự khám bệnh cũng đã khá rành rẽ. Lần này cô bỏ ra 10 tệ để xếp hàng xin khám khoa nội tiết, hi vọng các bác sĩ có thể loại bỏ nghi vấn thầy cô bị nhiễm độc nước tiểu. Quỳnh Hoa đưa thầy và Kim Hoa chạy mấy vòng khắp các tầng bệnh viện, lúc thì làm xét nghiệm nước tiểu, lúc thì siêu âm, đi suốt cả một buổi sáng, đừng nói là Ngô Giải Phóng, ngay cả Quỳnh Hoa và Kim Hoa cũng phải thở không ra hơi. Kết luận cuối cùng mà các bác sĩ đưa ra về bệnh tình của Ngô Giải Phóng khiến Quỳnh Hoa vô cùng thất vọng. Bác sĩ nói rõ ràng với Quỳnh Hoa rằng: Ngô Giải Phóng bị nhiễm độc nước tiểu, hơn nữa đã tới giai đoạn gần cuối, phương pháp điều trị tốt nhất bây giờ là thay thận, nhưng trước khi thay thận, mỗi tuần phải tiến hành lọc máu ba lần, nếu không hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Bác sĩ nói:

- Bệnh nhân bị nhiễm độc nước tiểu giai đoạn cuối sẽ xuất hiện các triệu chứng như thiếu máu, mất sức, buồn nôn, chướng bụng, chán ăn, cao huyết áp, trong miệng có mùi nước tiểu, sạm da, tóc khô…, đồng thời sẽ gây ra nhiều hiện tượng nữa như phù não, sau đó có thể sẽ bị hôn mê, co giật, cương cứng và cuối cùng là dẫn tới tử vong.

Lời nói của bác sĩ như sét đánh ngang tai, khiến Quỳnh Hoa suýt nữa thì ngã lăn ra đất. Kim Hoa càng tỏ ra hoảng hốt hơn, luôn miệng kêu:

- Thế thì làm thế nào bây giờ? Làm thế nào bây giờ?

Cuối cùng hai người nghe theo lời dặn dò của bác sĩ, trước tiên đưa bố đi lọc máu. Quỳnh Hoa khó khăn lắm mới xếp được hàng để nộp lệ phí, hai chị em dìu ông tới phòng lọc máu. Khi người ta tiến hành lọc máu cho ông, hai chị em đi đi lại lại trên hành lang chờ đợi. Quỳnh Hoa tính toán một lúc, trừ đi số tiền khám bệnh ngày hôm nay, số tiền còn lại trong tay cô đủ cho thầy làm lọc máu bốn lần nữa, mười ngày sau phải làm thế nào? Số tiền để lọc máu những lần sau lấy ở đâu ra? Nếu thực sự phải thay thận cho thầy thì lấy đâu ra tiền? Đó là cô còn chưa tính tiền ăn ở, sinh hoạt phí của thầy cô với Kim Hoa. Một đồng tiền cũng đủ để thay đổi một con người, mấy chục vạn tệ thay thận có lẽ đủ để bức chết hai người con gái yếu đuối!

Suy nghĩ tối hôm qua lúc này lại hiện về trong đầu Quỳnh Hoa, cô cảm thấy nếu không làm như vậy, chắc chắn thầy cô chỉ còn nước chết. Nhưng cô lại không dám nói kế hoạch này cho Kim Hoa biết, càng không dám nói với Đại Xuân, cô biết nếu cô nói kế hoạch này ra, sẽ không có ai ủng hộ cô cả. Nhưng con người khi đã đi đến bước đường cùng, thà liều mạng còn hơn là chịu chết, Quỳnh Hoa quyết định sẽ liều một lần.

Một giờ đồng hồ sau, quá trình lọc máu của Ngô Giải Phóng đã kết thúc. Từ trên giường bệnh bước xuống, tinh thần của ông đã khá hơn rất nhiều, chỉ có điều cổ tay bị dây chun buộc cố định hai sợi dây dẫn máu, để lần sau không cần phải chích ven thêm lần nữa. Quỳnh Hoa đưa thầy và Kim Hoa ra khỏi bệnh viện, hai người vào quán ăn đối diện, mỗi người ăn một bát bánh sủi cảo nhân thịt. Ngô Giải Phóng chỉ ăn có mấy miếng đã đặt bát đũa xuống, ông nói ông không muốn ăn, bụng vẫn còn đầy. Kim Hoa ăn nốt số bánh còn lại. Sau đó ba người bắt xe về nhà trọ.

Quỳnh Hoa dìu thầy lên giường nằm rồi bảo Kim Hoa chăm sóc bố, còn mình đi tới tiểu khu tìm Đại Xuân. Hai vợ chồng Đại Xuân vừa ăn cơm xong, Quế Hương đang thu dọn bát đũa. Quỳnh Hoa nói cho hai người biết tình hình ở bệnh viện. Lần này Quỳnh Hoa nói chuyện, từ đầu tới cuối đều tỏ ra vô cùng bình tĩnh, Đại Xuân cũng thấy rất kinh ngạc, sao bỗng dưng Quỳnh Hoa lại trở nên kiên cường như vậy? Anh hỏi Quỳnh Hoa:

- Bệnh của chú Giải Phóng, hai em định như thế nào?

Câu trả lời của Quỳnh Hoa nằm ngoài dự đoán của Đại Xuân:

- Em định thay thận cho thầy em.

Quế Hương kinh ngạc hỏi:

- Thay thận phải mất mấy chục vạn, em lấy đâu ra ngần ấy tiền? Em định đi cướp ngân hàng chắc?

Đại Xuân cũng cảm thấy suy nghĩ của Quỳnh Hoa quả là hoang đường:

- Quỳnh Hoa, em thực sự định thay thận cho chú hả? Chúng ta ngay cả tiêu pha cũng phải dè dặt, mấy chục vạn tệ tiền thay thận, có muốn đi vay cũng chẳng ai dám cho vay. Anh thấy bây giờ cứ làm lọc máu đã, có bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu lần. Cho dù kết quả cuối cùng như thế nào thì chúng ta cũng đã cố hết sức rồi, sau này không cảm thấy có lỗi với chú nữa.

Quỳnh Hoa cũng không nói gì thêm, không giải thích thêm nửa lời. Cô bàn với Đại Xuân:

- Thầy em phải ở lại đây chữa bệnh, tạm thời không về được. Cứ ở nhà nghỉ thời gian dài sẽ tốn rất nhiều tiền, anh có thể giúp em thuê một căn phòng nhỏ, chỉ cần đủ cho thầy em với Kim Hoa ở là được rồi. Địa điểm tốt nhất là ở gần chỗ em ở một chút, em có thể thường xuyên tới thăm thầy, ít nhiều cũng giúp được phần nào.

- Chú Giải Phóng đây nghỉ lâu dài đúng là tốn tiền thật. Bây giờ thuê phòng không khó, có trung tâm môi giới nhà đất chuyên làm chuyện này. Nếu thuê phòng ở gần chỗ em thì hơi đắt. Một căn phòng đơn ít cũng phải 1.500 tệ, cũng chẳng khác gì ở nhà nghỉ. Tiểu khu của bọn anh ở ngoại thành phía đông, tiền thuê nhà không đắt bằng chỗ em, chỉ cần hai, ba trăm tệ là được rồi. Em đi thường xuyên có thể không tiện lắm nhưng Kim Hoa lúc nào cũng ở cạnh chú rồi, anh với Quế Hương cũng ở gần, cũng có thể thường xuyên sang chăm sóc, em cứ yên tâm.

Quỳnh Hoa cảm thấy lời Đại Xuân nói cũng không phải là không có lí:

- Thuê nhà của nông dân ở ngoại thành cũng được. Bao lâu thì có thể thuê được?

Đại Xuân nói:

- Tiểu khu bọn anh có một người bảo vệ, nhà ở gần nông thôn, anh nhờ anh ấy giúp đỡ, chắc cũng chỉ mất vài ngày thôi.

Đại Xuân đến giờ đi làm, Quỳnh Hoa cũng chuẩn bị ra về. Quế Hương nói với Quỳnh Hoa:

- Nhà nghỉ cách chỗ này khá gần, buổi tối bọn em sang đây ăn cơm, đừng ăn ngoài hàng quán bên ngoài, vừa đắt vừa không sạch sẽ. Giờ đang là lúc cần tới tiền, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy.

Quỳnh Hoa đồng ý. Trên đường về cô vào siêu thị gần đấy mua mấy quả táo.

Quỳnh Hoa về tới nhà nghỉ, thấy bố đang ngồi dựa lưng vào thành giường, Kim Hoa giúp ông xoa bóp chân. Tứ chi của Ngô Giải Phóng đều bị tê, đó là triệu chứng thường thấy của bệnh nhiễm độc nước tiểu.

Quỳnh Hoa đi tới nhà vệ sinh công cộng của nhà nghỉ để rửa táo. Về tới phòng, cô đưa cho bố một quả rồi hỏi:

- Thầy, thầy có thấy đỡ hơn không? Ăn một quả táo nhé?

Ngô Giải Phóng nhận quả táo nhưng không ăn, chỉ nhìn Quỳnh Hoa chăm chăm:

- Thầy vừa nhìn thấy con đã cảm thấy không nhận ra Cùng Hoa của thầy nữa rồi. Dạo trước vì không có sức để nói chuyện nên thầy không hỏi, con làm việc ở nhà chủ thế nào?

- Tốt lắm.

- Bộ quần áo của con là họ mua cho hả?

- Vâng ạ.

Ngô Giải Phóng cũng cảm thấy hạnh phúc thay cho Quỳnh Hoa:

- Đúng là con gặp được người tốt rồi.

Lúc này ba cha con mới có thời gian ngồi nói chuyện. Quỳnh Hoa hỏi Kim Hoa về tình hình của Ngân Hoa, Đào Hoa, Mai Hoa. Kim Hoa nói người nhà quê ngày nào cũng như ngày nào, không chết được, cũng chẳng giàu được, có lẽ cứ thế mà sống cả đời thôi.

Bởi vì không có dao gọt táo nên Ngô Giải Phóng đành ăn cả vỏ. Quỳnh Hoa cầm một quả táo đưa cho Kim Hoa, nhưng nói thế nào Kim Hoa cũng không chịu ăn, cô kiên quyết bảo là để dành táo cho thầy ăn. Quỳnh Hoa nói ăn hết thì mua tiếp nhưng Kim Hoa vẫn không chịu:

- Mua tiếp thì không phải mất thêm tiền hả? Bây giờ chúng ta phải tiết kiệm từng đồng. Cùng Hoa, không cần tiêu tiền thì đừng tiêu.

Lời nói của chị đương nhiên là có lí, Quỳnh Hoa cũng không ép thêm nữa. Dự định trong lòng cô không thể nào nói ra được, nếu cô thực sự phải đi bước đó, tiền mua táo sẽ chẳng đáng là bao nữa. Trong lòng Quỳnh Hoa hiểu rõ, giấy không gói được lửa, những việc sau này cô làm chắc chắn sẽ không thể giấu mãi được, bây giờ chỉ giấu được lúc nào hay lúc đó mà thôi. Giả sử bây giờ cô nói kế hoạch của mình ra, chắc chắn bọn họ sẽ phản đối tới cùng, khi đó cô sẽ không thực hiện được kế hoạch nữa.

Ba cha con ngồi tâm sự, Quỳnh Hoa kể tường tận cho cha nghe về tình hình của mình mấy tháng nay. Kim Hoa nghe tới chỗ nào không hiểu lại hỏi thật kĩ một lần nữa. Thời gian cứ thế nhanh chóng trôi qua.

Buổi tối, ba người sang chỗ Đại Xuân ăn cơm. Từ sau khi Ngô Giải Phóng tới, đây là lần đầu tiên mọi người có cảm giác thoải mái, mặc dù bữa cơm tối đơn giản tới mức không thể đơn giản hơn, nhưng ai nấy đều rất vui vẻ. Cả nhà được đoàn tụ với nhau ở một nơi cách xa quê hương, quả là một chuyện hiếm hoi.

Quỳnh Hoa về tới nhà họ Từ rất muộn. Cô cẩn thận mở cửa, cố gắng để không phát ra tiếng động nào, tránh làm họ thức giấc. Cô về phòng của mình, không buồn rửa chân, ngồi ngay lên giường tập trung kiểm tra kế hoạch hành động của mình ngày mai. Kế hoạch này bắt nguồn từ ý nghĩ lấy trộm tiền nảy sinh trong đầu cô tối hôm qua, khi đó vẫn chỉ còn là một khái niệm mơ hồ, nhưng hôm nay trong lúc ở bệnh viện chờ thầy cô lọc máu, cô đã nghiên cứu các chi tiết của kế hoạch, hoàn thiện từng bước cần thiết trong đó, kế hoạch dần hiện lên rõ ràng hơn. Cô kiểm tra đi kiểm tra lại xem kế hoạch của mình có điểm nào sơ sót không? Ngộ nhỡ có vấn đề xảy ra thì làm thế nào? Là một cô gái nhà quê hai mươi tuổi, bắt cô phải lập ra một kế hoạch ăn trộm kín kẽ thì quả là vượt quá khả năng của cô. Nhưng ai trong số chúng ta có cơ hội để nhắc nhở cô đây?

Ngày hôm sau, Quỳnh Hoa cố tình dậy rất muộn, bởi vì hôm qua cô đã xin Thẩm Thái Hồng cho nghỉ nên chắc chắn bà sẽ không quan tâm tới việc cô dậy hay chưa. Hôm nay Quỳnh Hoa đã xác định là mình sẽ lần đầu tiên ăn trộm, cô không có đủ dũng khí để đối mặt với bất cứ ai trong nhà họ Từ. Cô đoán mọi người đều đã đi làm hết, lúc này mới chần chừ đi ra khỏi phòng. Quỳnh Hoa vừa ra khỏi phòng đã ngó nghiêng khắp nơi để kiểm tra một lần nữa, trong nhà không có gì khác thường so với mọi khi, phòng của Thẩm Thái Hồng vẫn được khóa cẩn thận. Để không bị quá căng thẳng, Quỳnh Hoa đặc biệt làm cho mình một bữa sáng vô cùng thịnh soạn, cô vừa chậm rãi ăn sáng, vừa cổ vũ mình. Tối qua cô đã mấy lần dao động, dường như muốn từ bỏ kế hoạch, nhưng chỉ cần nghĩ tới việc cứu mạng cho cha là dũng khí lại dâng trào. Bây giờ là thời khắc quan trọng, cô không thể do dự thêm một phút nào nữa.

Quỳnh Hoa đi ra khỏi nhà, rẽ qua hai con đường, tìm được một tiệm sửa khóa. Cô nói với người thợ khóa:

- Chú ơi, chìa khóa nhà cháu mất rồi, chú có thể tới nhà sửa giúp không?

Người thợ sửa khóa nhìn Quỳnh Hoa một lượt, cô gái lương thiện đứng trước mặt ông không giống như người xấu:

- Cô có chứng minh thư không? Đưa tôi xem đã. Muốn tới tận nhà mở khóa phải có giấy chứng minh của đồn công an.

Quỳnh Hoa nói:

- Chứng minh thư ở trong cái phòng bị khóa rồi, mở được phòng thì cũng chẳng cần tới chú. Chú đi xem với cháu. Khóa cửa lớn cháu có, chỉ có chìa khóa phòng là mất rồi thôi. Thế mà chú vẫn không tin à?

Người thợ sửa khóa thấy cô nói như vậy thì tin tưởng:

- Tiền sửa khóa tận nhà là 50 tệ, đừng mặc cả, không thì tôi không đi đâu. Một lần tới nhà sửa khóa mất của tôi bao nhiêu khách hàng.

- Được rồi, thì 50 tệ. Nhân tiện đánh thêm cái chìa khóa nữa thì bao nhiêu tiền?

- Tổng cộng 60 tệ.

Giá cả đã thỏa thuận, người thợ sửa khóa đem đầy đủ dụng cụ đi theo Quỳnh Hoa. Quỳnh Hoa dẫn người thợ khóa lên tầng hai, chỉ vào phòng ngủ của Thẩm Thái Hồng:

- Đây là căn phòng mất chìa khóa.

Người thợ khóa không hề nghi ngờ Quỳnh Hoa một chút nào, ông giúp Quỳnh Hoa mở cửa phòng của Thẩm Thái Hồng, đồng thời làm thêm một chiếc chìa khóa nữa đưa cho cô:

- Lần này thì phải giữ chìa khóa cho cẩn thận đấy, làm mất lần nữa thì lại mất 60 tệ.

Quỳnh Hoa nhận chìa khóa, nói:

- Làm sao mà mất mãi được. Cảm ơn chú nhé.

Cô đưa cho người thợ khóa 60 tệ rồi tiễn ông ra cửa.

Quỳnh Hoa quay vào nhà, đóng cổng lớn cẩn thận, đề phòng kẻ trộm vào nhà lấy đồ đạc. Sau khi đóng cửa, cô nghĩ lại cũng thấy thật buồn cười, rõ ràng là trộm ở trong nhà, đóng cửa chỉ là để “trộm nhà” đề phòng “trộm ngoài” mà thôi.

Quỳnh Hoa quay về phòng mình. Bây giờ ở nhà chỉ có một mình cô nhưng cô vẫn đóng cửa phòng cẩn thận, định đưa ra quyết định lần cuối cùng trước khi ra tay. Lúc này tim cô đập rất nhanh, cứ như thể nó sắp vọt ra khỏi lồng ngực. Cô móc một đồng xu trong túi ra, đặt vào lòng bàn tay, nhắm mắt lại, hai tay khum lại, nhẹ nhàng lắc lắc hai tay, lắc tay mấy lần thì mở tay ra, đồng tiền xu rơi xuống đất. Quỳnh Hoa mở mắt nhìn, là mặt quốc huy hướng lên trên. Cô lại làm lại hai lần nữa, vẫn là mặt quốc huy hướng lên trên. Quỳnh Hoa chắp hai tay lại, quỳ xuống, quay người về hướng nam, khấn:

- Hôm nay Ngô Quỳnh Hoa phải làm trộm không phải vì thật tâm muốn làm thế này mà vì muốn cứu mạng thầy con, xin ông trời đừng trách cứ con, đừng giáng tai họa lên đầu con.

Quỳnh Hoa đứng lên, lúc này quyết tâm ăn trộm của cô đã được khẳng định rõ ràng.

Quỳnh Hoa đi vào phòng của Thẩm Thái Hồng, lôi cái hộp giấy mà trước đây cô đã nhìn thấy dưới gầm giường ra, cái hộp rất nặng. Cô vội vàng mở hộp giấy ra, cẩn thận đếm lại những túi tiền lớn nhỏ có trong hộp. Tổng cộng là chín túi, nhiền hơn hai túi so với lần trước cô nhìn thấy. Trên mỗi túi tiền đều có ghi tên và số tiền. Cộng chín con số đó lại, tổng cộng là 98 vạn tệ. Quỳnh Hoa chọn một cái túi có số tiền nhỏ nhất, cô lấy số tiền trong túi ra đếm, có tám xấp tiền, mỗi xấp là một vạn tệ, tổng cộng là tám vạn tệ. Quỳnh Hoa đặt túi tiền đó lên giường, cất những túi tiền còn lại vào trong hộp giấy, đóng nắp lại rồi trả về chỗ cũ. Lúc đặt hộp giấy vào, cô nghĩ có gì không ổn lắm, bèn lại lôi hộp giấy ra, đặt tất cả các túi tiền lên trên giường. Cô lấy ra từ mỗi túi một vạn tệ, tổng cộng là chín vạn tệ, sau đó đặt gọn gàng chín cái túi vào trong hộp, đóng nắp rồi lại đẩy vào gầm giường. Làm xong những việc này, Quỳnh Hoa dùng một tờ báo cũ gói cẩn thận số tiền đó lại, đặt lên hành lang ngoài cửa phòng rồi quay vào phòng quét sạch bụi bặm và vụn giấy vương trên giường, sau đó lại lấy khăn ướt lau một lượt dưới đất, không để lại bất cứ dấu vết gì chứng tỏ từng có người bước vào nơi đây. Cô quét dọn xong lại đóng cửa lại, thử chiếc chìa khóa vừa mới đánh. Cái chìa khóa rất có tác dụng, chứng tỏ tay nghề của người thợ khóa cũng không tồi. Trước khi rời khỏi phòng ngủ của Thẩm Thái Hồng, Quỳnh Hoa lại quay đầu lại nhìn kĩ căn phòng một lần nữa, xác định là không còn để lại dấu vết gì rồi mới nhẹ nhàng đóng cửa phòng, cầm túi tiền trên mặt đất lên và bỏ về phòng mình.

***

Sau khi về tới phòng mình, Quỳnh Hoa ôm chặt gói tiền trong tay, thẫn thờ đứng giữa phòng, cứ như thể cô sợ sẽ có người đột ngột lao ra và cướp mất tiền của cô. Số tiền trong lòng Quỳnh Hoa là tài sản lớn nhất mà cô từng có trong đời. Nếu cô không lấy trộm tiền thì cho dù có vất vả, khổ sở đến đâu, làm trâu làm ngựa cả đời cô cũng không thể nào kiếm được số tiền nhiều như thế, ngay cả nằm mơ, cô cũng chưa bao giờ mơ thấy có ngày này.

Giờ đã gần tới trưa, cô phải nhanh chóng rời khỏi nơi đây. Bất cứ người nào lần đầu tiên ăn trộm đều rất khó che giấu tâm trạng bất an của mình. Quỳnh Hoa sợ ngộ nhỡ buổi trưa người nhà họ Từ về, cô không biết mình có thể bình tĩnh được không. Cô phải tìm một nơi nào đó yên tĩnh để cho trái tim mình bình tĩnh lại, dần dần quen với việc phải đối mặt với hiện thực đáng sợ này, học cách che giấu bí mật của mình. Đây là những trải nghiệm tâm lí mà một người muốn trở thành kẻ trộm buộc phải trải qua.

Quỳnh Hoa tìm một cái túi vải rồi nhét chín vạn tệ đã được bọc trong báo vào đó. Cô giấu chiếc chìa khóa mới đánh xuống gối, vội vàng khóa cửa cẩn thận rồi rời khỏi nhà họ Từ. Quỳnh Hoa từ nhà họ Từ đi ra, bước chân vô định trên con đường Bắc Kinh. Đường này đi thẳng tới tiểu khu mà Đại Xuân đang làm việc, nhưng lúc này Quỳnh Hoa lại không muốn tới chỗ anh, trước khi cô nói bí mật này ra cho Đại Xuân biết, cô cần phải nghĩ xem nên nói thế nào, nếu không chắc chắn mọi việc sẽ xôi hỏng bỏng không.

Cô men theo con đường Bắc Kinh, đi tới gần Chung Lầu, nơi đây có một nhà hàng KFC. Cô dừng chân trước cửa nhà hàng, ngó đầu vào bên trong. Ngày trước không phải cô chưa đi qua KFC mà lần nào đi qua cũng vội vội vàng vàng, như thể cái cửa hàng này không hề tồn tại. Đối với một người nghèo sống trong thành phố, họ chỉ có thể miễn cưỡng ăn cho no bụng, ăn một suất KFC quả là một khát vọng xa xỉ, đối với họ mà nói, KFC là một món ăn không tồn tại. Hôm nay Quỳnh Hoa do dự một lát trước cửa nhà hàng KFC, có nên vào đó ăn một lần hay không? Ăn một suất thật to? Quỳnh Hoa lúc này đang đói quặn cả ruột, cô nhìn những người đi ra đi vào cửa hàng, cuối cùng không cưỡng lại nổi sức cám dỗ của cái đùi gà rán, bèn đẩy cửa đi vào. Quỳnh Hoa cũng học theo người ta, xếp hàng gọi món. Khi nhân viên phục vụ hỏi cô muốn ăn gì, cô chẳng biết làm thế nào, chỉ nói:

- Ăn gì cũng được.

Nhân viên phục vụ lần đầu tiên gặp phải một người khách như vậy, bèn hỏi Quỳnh Hoa:

- Lấy cho chị một suất cơm với cánh gà nhé? Thích đồ uống gì? Băng tuyết? Có cần thêm khoai tây chiên không? Thêm hai cái bánh mì nhỏ nữa nhé?

Quỳnh Hoa gật đầu như cái máy, nhân viên nhanh chóng xếp đầy thức ăn vào một cái khay. Quỳnh Hoa trả tiền rồi tìm chỗ trống, bê khay tới ngồi. Cô cầm cái cánh gà rán lên gặm, rồi lại dùng thìa nhỏ xúc một miếng khoai tây, chậm rãi đưa vào miệng. Cô lại học theo người ta, đổ nước sốt cà chua ra một cái đĩa nhỏ rồi chấm khoai tây chiên vào đó, chậm rãi thưởng thức vị bùi của khoai tây và vị chua chua của nước tương. Khi đã ăn hết mấy món đó, Quỳnh Hoa mới vui vẻ ăn bánh mì và uống Coca. Coca có mùi của siro trị ho, Quỳnh Hoa cảm thấy như mình đang được uống thuốc. Cái bánh mì quá nhỏ, Quỳnh Hoa ăn có hai, ba miếng đã hết, sau đó cô hút một hơi hết cốc Coca. Ăn xong suất thức ăn, Quỳnh Hoa dùng khăn giấy lau miệng, cô không muốn đi khỏi đây ngay, cô cần phải ngồi trong này để suy ngẫm lại mọi điều. Qua cánh cửa kính trong suốt, cô lướt qua những người đi đường, trong đầu suy nghĩ xem làm thế nào để giải thích rõ cho Đại Xuân và Quế Hương nghe về hành vi của mình. Quỳnh Hoa phải tìm lí do biện hộ cho hành vi ăn trộm của mình.

Lí do đầu tiên mà Quỳnh Hoa nghĩ tới là cứu mạng cho thầy cô. Trong cuộc đời của con người, rốt cuộc thì tiền quan trọng hơn hay mạng sống quan trọng hơn? Danh tiếng của con người quan trọng hơn hay cứu người quan trọng hơn? Lí do thứ hai là cô học theo ti vi. Trên ti vi từng chiếu một bộ phim là “Hiệp đạo Nhất Chi Mai”, kể về một phi tặc đời Tống có tên là Nhất Chi Mai, chuyên đi cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo. Hôm nay cô lấy trộm của nhà quan, tiền lấy được cũng chia cho người nghèo, cô chỉ khác Nhất Chi Mai ở chỗ người nghèo mà cô chia tiền không phải người ngoài mà chính là thầy cô. Lí do thứ ba là tiền của nhà quan từ đâu mà ra? Chẳng phải đều là tiền xương máu của nhân dân hay sao? Chỉ dựa vào số tiền lương cỏn con của họ, đến bao giờ mới tiết kiệm đủ hàng trăm vạn tệ? Đảng và Chính phủ nói “Quyết định do dân, tiêu tiền vì dân”. Thầy cô cũng là dân, tiền của nhà quan cũng là tiền của dân, bây giờ lấy tiền nhà quan ra cứu mạng thầy cô, chẳng phải là phù hợp với phương châm “tiêu tiền vì dân” sao? Quỳnh Hoa tìm hết mọi lí do, muốn lấy cớ đó để thuyết phục bản thân và thuyết phục Đại Xuân. Quỳnh Hoa hi vọng Đại Xuân sẽ có cái nhìn thoáng hơn về cô trong việc lấy trộm tiền lần này. Tự cổ chí kim, lấy trộm đều là phạm tội, còn việc lấy trộm của Quỳnh Hoa thì sao? Đáp án là: Không hợp lí, nhưng hợp tình.

Quỳnh Hoa nghĩ lí do xong, định rời khỏi KFC. Tiếp theo cô biết đi đâu đây? Nhà nghiên cứu tội phạm học nói rằng, kẻ phạm tội thường có tâm lí muốn quay lại hiện trường vụ án, nhưng Quỳnh Hoa lại ngoại lệ. Bây giờ cô không thể về nhà họ Từ được, cứ trốn ở ngoài một lát rồi tính sau. Tiền kiếm được là tiền phi pháp, cô không dám gửi tiền vào ngân hàng, sợ ngộ nhỡ có ngày nào sự việc bại lộ, cơ quan công an sẽ dễ dàng phát hiện ra khoản tiền bất hợp pháp trong tài khoản, như vậy thì cô khó mà cãi được.

Quỳnh Hoa đi ra khỏi cửa hàng KFC, lượn hai vòng quanh quảng trường trước Chung Lầu rồi vô tình bước chân vào đường Trung Sơn. Khi đi qua một cửa hàng bán va li, trước cửa có đề biển “Đại hạ giá”. Tất cả các loại túi nam nữ trong cửa hàng đều chỉ bán hai mươi tệ một cái. Quỳnh Hoa cứ xách một cái túi vải trong tay cũng không hay lắm. Cô bèn vào cửa hàng mua một cái túi đeo vai kiểu của nữ. Sau khi mua túi xong, cô đi tới một siêu thị ở gần đó, vào nhà vệ sinh nhét chín vạn tệ vào túi. Quỳnh Hoa từ nhà vệ sinh bước ra, lại đi ra đầu đường, chiếc túi đeo lệch trên vai, bây giờ tay cô không còn thấy nặng nề nữa, tiền đã an toàn nằm trong túi, bất giác cô thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn nhiều. Cô lại bước chân vô định về phía trước, không biết từ lúc nào đã bước tới trước cửa Trung tâm Bồi dưỡng và Hướng nghiệp. Quỳnh Hoa nghĩ thầm bây giờ đang không biết làm gì, hay là lên tầng tám của trung tâm để thăm Tiểu Triệu. Quỳnh Hoa tìm thấy Tiểu Triệu trong trung tâm, lúc đó cô cũng đang không có việc gì để làm. Hai người gặp nhau, Tiểu Triệu vẫn tỏ ra nhiệt tình với Quỳnh Hoa như trước, cô hỏi Quỳnh Hoa:

- Tiền lương hai tháng này gửi thẳng vào tài khoản ngân hàng của chị, chị nhận được rồi chứ?

Quỳnh Hoa nói:

- Nhận được cả rồi, cảm ơn cô! Như vậy tôi đỡ phải đi tới đây, tiện hơn nhiều.

Tiểu Triệu lại hỏi Quỳnh Hoa tình hình nhà họ Từ. Quỳnh Hoa chỉ kể cho cô nghe những chuyện không quan trọng lắm. Những chuyện liên quan tới Vương Hãn Đông và chuyện cô lấy trộm tiền ngày hôm nay, cô không hé răng nửa lời. Lúc này cô đã không cảm thấy che giấu sự thực có điều gì không đúng nữa. Có ai mà không có bí mật riêng tư? Cô và Tiểu Triệu nói chuyện với nhau hơn nửa tiếng đồng hồ, cảm thấy tâm trạng mình thư thái hơn nhiều. Cô nghĩ, hóa ra giấu bí mật trong lòng mình, không nói cho người khác biết cũng không khó khăn như cô tưởng tượng. Cô đã tự tin hơn về mình khi nghĩ tới việc đối diện với người nhà họ Từ sau này.

Quỳnh Hoa lại đi thăm mấy giáo viên từng dạy cô ở lớp gia chánh ngày trước. Cô dùng thời gian của cả một buổi chiều để trải qua giai đoạn thích nghi tâm lí khó khăn nhất sau khi đi ăn trộm, tâm trạng bất an, hoảng hốt của cô dần bình tĩnh lại, thoát khỏi cảm giác tội lỗi đang giày vò trong lòng cô. Một người muốn trở thành người tốt, phải dùng thời gian suốt cả cuộc đời, nhưng để trở thành người xấu thì chỉ cần vài chục phút, cũng giống như con thuyền trôi xuôi dòng nước, không hề phí sức.

Quỳnh Hoa tranh thủ trước khi Đại Xuân tan ca để tới tiểu khu phía đông. Hôm nay cô đã có tiền giắt lưng, cô muốn mời thầy cô, Kim Hoa, Đại Xuân và Quế Hương tới nhà hàng cao cấp ăn một lần cho biết. Con người sống suốt một đời, ít nhất cũng phải có một lần được thưởng thức cao lương mĩ vị. Quỳnh Hoa tìm thấy Đại Xuân ở cổng tiểu khu, bèn nói với anh ý định của mình. Đại Xuân ngạc nhiên:

- Quỳnh Hoa, hôm nay em điên rồi hả? Chúng ta còn đang buồn rầu vì chuyện tiền nong, vậy mà em còn mời mọi người đi ăn cơm nhà hàng. Em mới đi cướp ngân hàng về sao?

- Em không đi cướp ngân hàng, nhưng luôn cảm thấy chúng ta sống thấp hèn quá. Em thấy những người làm quan, buôn bán, có ai là không ngày nào không ăn ăn uống uống? Bao nhiêu thức ăn còn thừa đều mang nuôi lợn. Tại sao ngày nào em cũng chỉ được ăn cà rốt, rau xanh? Thầy em bị bệnh cần tới mấy chục vạn, chúng ta ăn một bữa thì càng ít thêm một chút tiền, nhưng không ăn cơm thì tiền cũng vẫn không đủ. Ăn hay không ăn cũng như thế. Tội gì chúng ta không đi ăn một bữa? Anh Đại Xuân, em nói có đúng không?

Đại Xuân thấy Quỳnh Hoa cứ kiên quyết như vậy thì cũng không phản đối nữa. Anh biết Quỳnh Hoa từ nhỏ tính tình ương ngạnh, việc gì cô cho là đúng thì cô không nghe lời ai nữa, vả lại tiền là của Quỳnh Hoa, cô muốn tiêu thế nào là quyền của cô, chỉ đành nói:

- Em cứ kiên quyết như vậy thì hôm nay anh nghe lời em. Nói thật lòng, Quế Hương đi theo anh tới ngày hôm nay, anh vẫn chưa bao giờ mời cô ấy ăn được một bữa cơm ra hồn. Tiền cơm hôm nay của anh với Quế Hương, anh tự trả, coi như là anh mời Quế Hương.

Quỳnh Hoa nghe Đại Xuân nói như vậy, tỏ ra không vui:

- Anh nói gì thế? Hôm nay em mời người nhà họ Ngô ăn cơm. Chẳng nhẽ Quế Hương không phải người họ Ngô sao? Đừng nói nhiều nữa! Chúng ta mau đi tìm Quế Hương, tới nhà hàng sớm để còn kiếm được chỗ ngồi tốt.

Đại Xuân không nói lại được với Quỳnh Hoa, bèn lẳng lặng đi theo cô. Quỳnh Hoa gọi Quế Hương rồi lại tới nhà nghỉ đón Ngô Giải Phóng và Kim Hoa, năm người lên taxi đi thẳng tới nhà hàng Tùng Hạc Lầu. Họ gọi rất nhiều món ăn ngon và cao cấp mà bình thường chỉ mới nghe tên chứ chưa được ăn bao giờ. Đại Xuân còn gọi thêm một chai rượu Mao Đài. Ba cô gái và Ngô Giải Phóng thì uống nước ép dưa hấu. Khi người ta mang nước ép dưa hấu lên, Ngô Giải Phóng ngạc nhiên:

- Mùa này người ta mới bắt đầu trồng dưa, lấy đâu ra dưa hấu để ép?

Đại Xuân nói:

- Bây giờ hoa quả trồng được quanh năm. Chỉ cần có tiền thì muốn ăn cái gì cũng có. Không cần phải theo mùa nữa.

Ngô Giải Phóng thở dài:

- Thế giới bây giờ đúng là thay đổi thật rồi, thay đổi nhiều tới mức không thể nhận ra được nữa.

Ngô Giải Phóng từ sau khi được lọc máu, tinh thần đã khá hơn rất nhiều. Ông chỉ cần có thể kiên trì quá trình này, trong khoảng năm tới mười năm, ngoài việc không được làm các công việc nặng nhọc thì việc ăn uống và sinh hoạt cũng không có gì khác với người bình thường. Hôm nay Ngô Giải Phóng đã thấy ngon miệng hơn hôm qua rất nhiều, đó một phần là vì sức khỏe đã hồi phục, nhưng chủ yếu là vì các món ăn hôm nay quá hấp dẫn. Đây là bữa ăn linh đình nhất mà ông từng được ăn, ông nghĩ, có lẽ cả đời mình sẽ không có lần thứ hai nữa.

Sau bữa cơm, Quỳnh Hoa lấy tiền trong túi ra thanh toán. Toàn bộ xấp tiền trong túi lúc này tuyệt đối không thể để bị lộ. Quỳnh Hoa cùng mọi người vẫy taxi về khu biệt thự của Đại Xuân. Cô đưa thầy cô và Kim Hoa về nhà nghỉ xong lại tới nhà Đại Xuân, bây giờ đã tới lúc cô nói mọi chuyện rõ ràng cho Đại Xuân nghe.

Đại Xuân bảo Quỳnh Hoa vào phòng ngồi chơi, Quế Hương pha cho Quỳnh Hoa một li trà hoa, Quỳnh Hoa uống một ngụm trà rồi nói:

- Anh Đại Xuân, chuyện mà hôm nay em nói với anh, cho dù anh có bị chặt đầu cũng không được nói ra nhé. Anh đồng ý với em thì em mới dám nói. Ngoài ra, cho dù việc này em làm đúng hay sai, anh chị cũng đừng trách em, dù sao em cũng đã làm rồi, chắc chắn sẽ không hối hận.

Đại Xuân thấy thái độ của Quỳnh Hoa vô cùng trịnh trọng thì đoán chắc là cô đã gây ra tai họa gì đó. Nếu đã gây họa rồi thì cho dù trách cứ cũng đã muộn:

- Em cứ nói đi, rốt cuộc thì xảy ra chuyện gì? Em nói đi, anh không trách em đâu.

Đã có lời hứa của Đại Xuân, Quỳnh Hoa bèn kể rành mạch chuyện cô ăn trộm tiền của nhà Từ Văn Tuấn cho Đại Xuân và Quế Hương nghe. Nói xong, cô lấy ra xấp tiền chín vạn tệ từ trong túi, đặt lên bàn.

Khi Đại Xuân nghe Quỳnh Hoa kể xong, anh không dám tin là Quỳnh Hoa lại dám đi ăn trộm, nhà họ Ngô từ trên xuống dưới, chưa bao giờ có ai làm cái chuyện trộm gà trộm chó. Khi Quỳnh Hoa đặt số tiền lên bàn, chứng tỏ tất cả những gì cô kể là sự thực, Đại Xuân kinh ngạc: Sao Quỳnh Hoa thay đổi nhanh như vậy? Nhanh tới mức khó tin. Anh máy móc nói:

- Quỳnh Hoa, em gây ra họa lớn rồi. Em có biết lấy trộm là phạm pháp không? Em sẽ phải ngồi tù đấy! Như vậy có đáng không? Nhân lúc nhà chủ còn chưa phát hiện, em mau cất tiền về đi, bây giờ quay đầu vẫn còn kịp, đừng đã sai lại càng sai hơn!

- Nói không chừng bây giờ nhà chủ đã phát hiện ra rồi, làm sao mà mang về được? Em không mang về, chưa biết chừng nhà chủ còn không nghi ngờ là em lấy, em mang về thì chắc chắn là em lấy rồi còn gì. - Khi nói chuyện, Quỳnh Hoa cố gắng không dùng tới chữ “trộm” mà chỉ dùng chữ “lấy”, cứ như thể chữ “lấy” đó sẽ có thể giảm bớt tội trạng cho cô.

Đại Xuân nói:

- Chắc là nhà chủ của em vẫn chưa phát hiện ra là bị mất tiền đâu. Giả sử họ phát hiện ra rồi thì em đã không được yên ổn mà ngồi ở đây. Bọn họ làm quan lớn, chỉ cần một câu nói thôi là cơ quan công an sẽ lập tức vào cuộc, khi đó em còn ngồi đây được không? Nhà chủ của em quyền cao chức trọng, muốn điều tra ra ai ăn trộm tiền lại chẳng phải là việc đơn giản lắm sao? Em phải nghĩ cho thật kĩ, không phải anh làm anh mà không phân tích cho em lợi hại. Thế giới này cái gì cũng có thể bán được, nhưng không ai bán thuốc hối hận cả.

Những lời nói chân thành của Đại Xuân không thể lung lay được quyết định của Quỳnh Hoa, cô lôi hết những lí do mà mình đã nghĩ lúc chiều ra. Đại Xuân nghe xong, cảm thấy vừa tức vừa buồn cười:

- Những điều em vừa nói cũng chỉ có thể nói với anh được thôi, ra tòa rồi quan tòa sẽ nghe em sao? Em vẫn còn nhỏ tuổi, chưa hiểu chuyện, những gì ti vi chiếu mà em cũng tin sao? “Nhất Chi Mai” là người của triều đại nào rồi? Bây giờ vẫn còn đang là triều Tống hả? Cứ cho là em cướp của nhà giàu chia cho người nghèo thì em nói xem, có thể giữ hết số tiền cướp lại cho mình như em không?

Lúc này tính bướng của Quỳnh Hoa lại trỗi dậy:

- Em không quan tâm nhiều như thế, em chỉ biết có hai điều. Một là thầy em không có số tiền này thì không sống được; hai là tiền của họ cũng không phải là tiền sạch sẽ, cùng lắm em chỉ không sạch sẽ như họ mà thôi.

Quế Hương nghe hai anh em nói chuyện với nhau, cảm thấy Đại Xuân nói đều có lí, còn Quỳnh Hoa nói đều là biện hộ, là cãi cùn, nhưng khi Quỳnh Hoa nói số tiền của họ toàn là tiền không sạch sẽ thì cô bắt đầu nghiêng về phía Quỳnh Hoa:

- Quỳnh Hoa nói cũng không phải là không có lí. Bây giờ khám bệnh đắt đỏ lắm, tiền lương của chúng ta lại thấp, đó là vì chúng ta gây ra hay sao? Những người làm quan chỉ mong mình sống sung sướng, chỉ mong mình có thành tích, có ai quan tâm tới chúng ta không? Chú Giải Phóng mắc bệnh, các ông quan ngồi trên cao có cứu chú ấy không? Chẳng phải trên ti vi vẫn thường kêu gọi lá lành đùm lá rách đó sao. Những ông quan tham ô hàng nghìn, hàng vạn triệu tệ, anh có thấy ai đưa tay ra giúp đỡ người nghèo bao giờ không? Anh từng thấy họ giúp đỡ nhân dân bách tính chúng ta không? Lấy trộm tiền của họ cho họ đáng đời!

Đại Xuân vừa mới nói một chút đạo lí làm người thì mấy câu nói của Quế Hương đã đánh đổ hết cả. Quỳnh Hoa vốn dĩ đã kiên quyết với cách làm của mình, nghe Quế Hương nói xong, cô càng cảm thấy lần này mình làm như vậy là đúng. Cô nhớ lại hồi học tiểu học, cô từng được học một bài hát, trong đó có câu: “Chưa bao giờ có Chúa cứu thế. Tất cả đều dựa vào chính chúng ta”. Cô chẳng phải đang cứu chính bản thân mình sao? Cô cho rằng bây giờ mình đã không còn đường lùi nữa rồi:

- Anh Đại Xuân, anh nghe em nói. Bây giờ em mà mang tiền quay về là việc không thể rồi. Vừa nãy chẳng phải anh nói họ vẫn chưa phát hiện ra tiền bị mất sao? Chúng ta đi được bước nào hay bước nấy. Em ăn trộm tiền chỉ vì muốn cứu mạng thầy em. Cho dù nói gì, ăn trộm cũng là không đúng, nhưng em thấy thầy chết mà không cứu, giương mắt lên nhìn thầy em cứ thế chết đi thì em sống trên đời này còn ý nghĩa gì nữa.

Đại Xuân nghe Quỳnh Hoa nói có ý chết ý sống, anh biết giờ mình nói gì cũng không còn tác dụng nữa. Xem ra anh không còn hi vọng gì để thuyết phục được Quỳnh Hoa nữa rồi:

- Quỳnh Hoa, em cũng nghe anh nói một câu. Thay thận phải mất tới ba, bốn mươi vạn tệ, số tiền bây giờ của em cũng không đủ, anh thấy hay là em cứ mang tiền về trả đi!

Câu trả lời của Quỳnh Hoa không những khiến Đại Xuân kinh ngạc mà Quế Hương cũng phải trợn tròn hai mắt:

- Em biết chỉ có chín vạn tệ không đủ, số tiền còn lại em sẽ “lấy” tiếp, em đã đánh một chiếc chìa khóa phòng khác rồi.

Đại Xuân thất bại một cách triệt để, anh thực sự không dám tin vào tai của mình:

- Em vẫn còn định lấy trộm nữa hả?

- Lấy một lần cũng là lấy, hai lần cũng là lấy. Đã giương cung lên rồi thì không còn đường quay lại nữa. Số tiền lấy được đủ cho thầy em chữa bệnh thì em sẽ không lấy nữa. Số tiền này cứ để ở chỗ anh chị, đừng mang gửi ngân hàng, lúc nào cần thì bỏ ra dùng.

Đại Xuân không còn cách nào khác, đành nhận tiền rồi giấu vào cái thùng cũ kĩ của mình. Quỳnh Hoa đã ra về, hai vợ chồng Đại Xuân nói chuyện cả đêm về việc của Quỳnh Hoa, nhưng cũng không nghĩ ra được cách nào hay hơn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.