Nơi Giấc Mơ Em Thuộc Về

Chương 5: Chương 5: Anh đến rồi đấy sao?




Mẹ rất hay gọi sang, Tiểu Vũ cũng đôi lần tiếp điện thoại - khi thì Phôn phải nài, khi thì cô gật ngay lúc anh hỏi. Duy có lúc nói chuyện với mẹ là Tiểu Vũ không nhanh nhảu, không vui vẻ, không hoạt bát. Còn lại, lúc nào cô cũng cười. Hoặc ít nhất là lúc nào Phôn cũng thấy cô cười. Những cuộc điện thoại chóng vánh giữa mẹ và Tiểu Vũ không giúp cho trí nhớ của cô là mấy. Nên, cô tiếp những cuộc gọi của mẹ, chỉ vì cô biết - theo cách mọi người đặt ra khi cô tỉnh - nên thế, không hơn!

Hôm nay, sau giờ Phôn tan học - giờ thì Phôn đã không đi làm thêm nữa, tiền mẹ Tiểu Vũ gửi sang đủ để anh và cô sống khá thoải mái - mẹ cô lại gọi. Bà bảo đã nhờ người quen của bác Đạm thuê cho hai đứa một căn hộ be bé, đủ tiện nghi. Bác Đạm! Phải nói rằng, cái tên này có sức ảnh hưởng đến Phôn một cách lạ lùng. Nghe nhắc đến, là não Phôn ngay lập tức dồn hết về mớ trí nhớ trong veo anh nhớ về ông ta. Chững chạc, ít nói, lạnh lùng. Trên hết, ông chính là người không đưa Tiểu Vũ về nước - dẫu ông đưa ra những lý lẽ rất thuyết phục, dẫu đấy là điều Phôn đã xin, nhưng rõ ràng, ông không muốn cô bé về nước cùng lúc với ông, vì sao nhỉ? Và, trên nữa, Phôn cảm thấy, người đàn ông này rõ ràng có những suy nghĩ chẳng hay ho mấy cho Tiểu Vũ, cho mẹ Tiểu Vũ. Phôn không can dự gì đến ông, ngoại trừ chuyện, anh là người có thể giúp ông giữ chân Tiểu Vũ lại đây. Nên giờ, nghe mẹ Tiểu Vũ bảo, bác Đạm nhờ người quen thuê căn hộ, Phôn không thấy bất ngờ gì.

- Cháu vẫn nghe đấy chứ, Tiến? - Giọng mẹ có vẻ sốt ruột.

- À vâng! Cháu vẫn đang nghe đây ạ! - Phôn hơi giật mình.

- Bác sẽ nhắn địa chỉ cho cháu, nhé! - Mẹ nói. - Tiền thuê nhà đã được trả ba năm, đúng như hợp đồng rồi đấy!

Một sự hào phóng quá mức. Tiền thuê căn hộ ở đây - cho dù là xoàng xĩnh nhất - cũng là một con số không hề nhỏ với tất cả những người có đủ khả năng kiếm tiền ở Việt Nam. Thế mà bác ấy lại chi hẳn ba năm, mà không cần tính toán, nếu trong thời gian ấy, Tiểu Vũ nhớ lại toàn bộ, hoặc giả cô muốn về Việt Nam để tìm trí nhớ của mình thì sao? Họ sẽ trả cho anh à? Vì anh đã chăm cô à? Ồ! Dẫu sao thì đấy cũng là một sự hào phóng và lòng tự trọng có để anh nhận hay không thì phải đợi đến khi mọi việc xảy ra đã; trước mắt, chỉ cần biết, sự hào phóng ấy có lợi cho người yêu của anh thì nên đón nhận một cách biết ơn! Hồ nghi và suy tính là những đặc điểm giết chết việc sống biết điều với những thứ tử tế được nhận trong cuộc đời rất nhanh! Anh biết đây không phải lúc để suy nghĩ nhiều hơn chuyện lo mọi thứ tốt nhất cho Tiểu Vũ.

Phôn, như tất cả những lần trước, gạt ngay đi cái tự ái vặt của một thằng đàn ông, vâng dạ và cảm ơn. Anh cũng hứa sẽ gọi về báo nếu có bất kỳ điều gì khác lúc này. Hứa là thế, nhưng Phôn tự hỏi lòng mình, có, anh sẽ báo ngay, hay anh sẽ do dự, chần chừ. Trong Phôn, cứ có gì đấy vẻ chừng là lo sợ cho Tiểu Vũ, cho mẹ Tiểu Vũ về người đàn ông chắc rồi sẽ sớm trở thành cha dượng của cô. Anh thật sự cảm thấy sợ!

Tiểu Vũ đang liến thoắng gì đấy với bác sĩ Samuel - mà cô vẫn gọi thân mật là Sam - lúc Phôn đến đón. Thấy Phôn, cô vẫy mạnh tay và mỉm cười rất tươi.

- Này! - Tiểu Vũ phẩy phẩy một tờ thiệp trong tay. - Bác Sam cho em này!

Samuel cười rất hiền với Phôn, dẫu không hiểu tiếng Việt, nhưng ông biết Tiểu Vũ vừa khoe với Phôn cái thiếp ông làm tặng cô nhân ngày cô xuất viện. Ông nghĩ, ông đã làm cô vui. Và, với ông, thế là đủ.

Phôn chào hỏi vài câu cho phải phép với Samuel rồi báo cho Tiểu Vũ biết, anh sẽ đưa cô về nhà. Tiểu Vũ vẩu môi ra, suy nghĩ lát, hỏi Phôn, liệu ở đấy có gì đáng sợ không?

- Ồ không! - Phôn cười, vẫn đẹp và mênh mang lắm. - Chúng ta sẽ ở một căn hộ mới mà mẹ em đã thuê cho chúng ta.

- Nghĩa là... - Tiểu Vũ cau mày. - Chúng ta sẽ sống chung à?

Phôn hơi giật mình. Ừ nhỉ? Cô và anh sẽ sống cùng nhà. Vốn, ở đất nước phóng khoáng này, chuyện một nam sinh viên và một nữ sinh viên sống cùng cũng không có gì là quá ghê gớm. Nhưng, với cái chất không bao giờ mất của một gã đàn ông Việt, Phôn chạnh lòng nghĩ, như thế, có khi sẽ là thiệt thòi cho Tiểu Vũ.

- Anh nghĩ, nhà sẽ có hai phòng...

- Anh nghĩ? Thế nghĩa là anh chưa đến?

- Anh chưa! Anh học xong là đến ngay đây!

- Lẽ ra anh nên đến đấy trước! - Tiểu Vũ lầm bầm. - Mà... dẫu sao thì cũng là chúng ta sống chung.

- Em không thích à?

- Thích á? - Tiểu Vũ cao giọng. - Em thậm chí còn chẳng biết anh là ai cơ!

Phôn như chết điếng. Anh không thể tin, đến tận lúc này, cô lại có thể nói điều ấy với anh. Hóa ra, với cô, anh vẫn chỉ là một người cùng sắc tộc, là người ở cạnh cô những ngày qua, là người duy nhất cô tạm chấp nhận là quen biết. Thế thôi! Không phải anh quá nóng lòng mong cô nhớ ra anh là ai và từng đứng đâu trong mớ ký ức đã bị xóa sạch một cách tàn nhẫn ấy; là anh mong, chừng ấy thời gian ở cạnh nhau, ít nhất cô cũng chấp nhận anh là người yêu của cô chứ nhỉ?! Giờ, vì một sự sắp đặt của mẹ cô - hoặc cho dù là của người yêu của bà cũng vậy - cô đã đủ lý do để khẳng định rằng không biết anh là ai? Có khi nào, con người nhận ra, đôi khi chỉ là một câu rất ngắn mình nói mà có thể khiến người khác rất đau không?

- Anh... có lẽ...

- Anh đang ở ký túc xá, nhỉ? - Tiểu Vũ cười tươi.

- Phải!

- Vậy anh cứ tiếp tục ở đấy, nhé! - Tiểu Vũ nói, thẳng tưng, chẳng hề ngần ngại. - Ít nhất thì đến khi em có thể biết rằng, anh thật sự là ai trong đời em.

- Nhưng như thế...

- Tùy thôi! - Tiểu Vũ nhún vai. - Em đâu thể là người quyết định.

- Không! - Phôn vội vàng. - Em có quyền chứ! Chỉ là, anh e đêm anh sẽ không ở khuya với em được!

- Ồ! - Tiểu Vũ bật cười. - Em cứ tưởng, em nói thế nghĩa là thi thoảng, khi em mời thì anh mới được đến nhà em chơi cơ!

***

Căn hộ khá rộng, có hai phòng ngủ, một phòng khách, một gian bếp và nhà ăn liên thông nhau, thêm một phòng để đàn - hình như cũng từng là phòng ngủ mà người chủ trước không dùng nữa. Phôn hơi bất ngờ khi họ dọn đi mà để cả cây đàn dương cầm trắng lại. Chà, chắc hẳn đây là một khoản thuê rất lớn. Căn hộ không xa trung tâm là mấy. Có đường riêng cho người tàn tật - cái này thì rõ ràng bác Đạm rất chu đáo, dẫu không muốn ca tụng, Phôn cũng không thể không cảm thấy có phần biết ơn - nên việc di chuyển bằng xe lăn của Tiểu Vũ khá dễ dàng. Mọi vật dụng trong nhà đều còn mới, sạch sẽ, không thiếu thứ gì.

Tiểu Vũ nhìn quanh nhà một lượt, ngước lên, níu níu tay Phôn - cái níu cố tình tránh để không chạm vào bàn tay anh - gọi.

- Này!

- Em đừng “này” mỗi khi gọi anh nữa, được không? - Phôn nhẹ nhàng ngồi xuống, thấp hơn cô đôi phần. - Nghe rất xa lạ!

- Lạ hay quen là ở chúng ta chứ! - Tiểu Vũ phụng phịu.

- Anh xin lỗi!

- Mẹ em... có phải là một người mẹ tốt không?

Phôn thật sự bất ngờ trước câu hỏi này của Tiểu Vũ. Tốt hay không tốt à? À... ừm... anh biết nói sao nhỉ? Thậm chí, nghĩ anh còn chưa biết mình nên nghĩ gì thì làm sao tìm đúng câu trả lời nên nói với cô bây giờ? Thân quen nhau cách mấy, thì không bất kỳ ai có quyền nói với người kia rằng, mẹ họ tốt hay không! Cảm giác tốt xấu của một con người, nhất định phải trừ hẳn ra những mối quan hệ thuộc về máu mủ với người kia, nhất là khi, họ quá quan trọng với đời mình.

- Ngốc ạ! - Phôn bẹo má Tiểu Vũ. - Mẹ nào mà chẳng tốt, hả em!

- À! - Tiểu Vũ cười. - Em không biết nhiều người mẹ cho lắm! Nhưng... - Tiểu Vũ nhìn quanh nhà. - Với căn rộng thế này, hẳn mẹ phải chi rất nhiều tiền nhỉ? Ít ra, em đoán được, mẹ em rất giàu.

Phôn nghe cay xè nơi đáy mắt, nhưng tuyệt nhiên anh không để nước mắt trào ra. Cái dòng cay đắng đấy dốc ngược vào lòng, khiến anh cảm thấy mình đau buốt một niềm dài như bất tận. Giàu! Gia đình em rất giàu, Tiểu Vũ ạ! Đáng tiếc rằng, cái sự giàu có ấy lại chẳng mang vui vẻ, hạnh phúc đến cho em, phải không? Nên, em chẳng thể nhớ! Bác sĩ đã bảo, cơ chế tự vệ tự nhiên đã khiến em quên sạch mọi ký ức đau buồn - kể cả anh, mà loay hoay mãi anh cũng chẳng tài nào biết, mình đã từng làm em đau lúc nào; em không hề nhớ gì nghĩa là em sẽ tổn thương thêm lần nữa nếu nhớ lại! Thế thì, cứ quên đi em, cho dù như thế là cắt hàng nghìn nhát vào tim anh. Nếu phải quên cả chuyện gia đình em giàu có đến mức nào, để có thể yên an mà sống, thì xin em đừng nhớ làm gì. Vật chất vốn không bao giờ mua được hạnh phúc, càng không thể mua được sự bình yên...

- Anh... - Phôn dợm đứng dậy. - Anh xếp đồ vào cho em nhé!

- Không! - Tiểu Vũ lắc đầu, lắc lư mái tóc ngắn cũn của mình. - Em sẽ tự làm.

- Nhưng mà...

- Anh biết gì không? - Tiểu Vũ nhìn như xuyên hẳn qua cả gương mặt Phôn. - Sau từ “nhưng” của anh, em chỉ có thể nghe được câu, em là người tàn tật! Và, nó làm em đau!

Phôn không dám nói thêm gì. Thậm chí, đến động đậy anh cũng không dám. Nói thật, nếu giờ cho anh cái quyền tranh cãi, anh sẽ bảo, làm gì có chuyện anh xem người yêu của anh - người thậm chí chẳng nhớ là anh đã từng tồn tại trong đời cô trước đấy - tàn tật! Nhưng, quả thật, trước khi tai nạn, trước khi Tiểu Vũ mất đi đôi chân - hay nói đúng hơn là đôi chân của cô vẫn ở nguyên vị trí ngày xưa của nó, nhưng đã bất động - anh thường lo sợ rằng cái gì cũng thành quá sức của cô. Anh sợ rằng, nếu anh không làm giúp cô những việc rất nhỏ với anh, thì sẽ có thể đưa cô vào hụt hẫng nếu cô nhận ra mình không thể tự làm. Mà, thành ra, chính anh lại đem cho người yêu mình cảm giác ấy, chính trong sự quan tâm của anh. Giờ, có lẽ, anh nên đi là tốt nhất. Và, anh đi! Thể theo yêu cầu của Tiểu Vũ, rằng, chỉ khi nào cô cho phép, anh mới được đến thăm.

Phôn về rồi! Còn lại một mình Tiểu Vũ giữa gian phòng khách rộng đến bát ngát so với khả năng di chuyển của cô lúc này - đúng ở nơi cô yêu cầu anh dừng đẩy xe lăn để cô có thể quan sát. Tiểu Vũ nhìn quanh gian phòng, nhìn về phía hai cánh cửa phòng ngủ một đóng chặt, một khép hờ, nhìn cả một góc cây đàn dương cầm trắng trong gian phòng không biết thật sự vốn ngày sinh ra, nó được tạo nên với lý do gì. Chẳng quá xa đâu, Tiểu Vũ ạ - cô gái cô đơn tự nhủ với mình - mày đã từng tự lăn xe suốt dọc hành lang bệnh viện đi tìm bác Sam tốt bụng đấy thôi! Mày thậm chí cũng đã lăn xe đến cổng bệnh viện đợi Phôn rồi vội vã lăn về phòng để anh không biết mày đợi... Những đoạn đường ấy dài hơn thế này nhiều lắm! Mày đã từng làm được! Giờ, nhất định mày cũng sẽ phải làm được, vì ở đây chẳng có ai để mày tìm hay đợi cả! Đoạn đường chờ đợi mới là đoạn đường dài nhất đời người mà.

Đừng khóc! Nước mắt là yếu hèn! Nếu cô nhớ không nhầm thì chính cô đã từng nói điều ấy. Há lẽ, cô khuyên người khác đừng yếu hèn và khi có cơ hội chỉ ở một mình, cô sẽ ngay lập tức thể hiện cái yếu hèn ấy ra với khoảng không gian xa lạ này ư? Không! Cô sẽ không khóc!

Tiểu Vũ nhẹ nhàng đặt hai bàn tay của mình vào vành ngoài bánh xe lăn. Cô hít sâu một hơi và tự nhủ, quá khứ là ở phía sau mày, hãy sống với thực tại, hỡi con bé đáng thương kia!

***

“Em đang đi siêu thị.”

“Em đang đi thư viện! Ồ, thư viện rất gần nhà, vì anh không biết đấy chứ!”

“Em đang ra ngoài hóng mát và tìm cảm hứng cho bức tranh mới của mình, nên, em rất cần ở một mình!”

“Anh là ai nhỉ? Ồ, là anh sao? Em xin lỗi, điện thoại em vừa tự làm mới lại nên nó xóa sạch số cũ rồi! Ha ha... em không nhiều bạn, nhưng đầu óc em chắc không thể nhớ đến một, anh ạ!”

“Anh đừng buồn nhé, em cần phải sắm sửa vài thứ, và em đang đi cùng bác hàng xóm tốt bụng đây! Bác ấy có một đứa con trai giống em, anh ạ...”

...

Phôn siết cái điện thoại trong tay như kiểu có thừa sức để bóp vụn nó vậy! Thật! Khi tức giận, con người ta đạt đến một sức mạnh lạ lùng mà chắc chẳng mấy ai nhìn thấy hết. Làm sao có thể không tức giận được khi hết lần này đến lần khác Tiểu Vũ viện cớ để từ chối gặp mặt anh? Anh không giận vì cô tránh né mình, mà anh giận vì cô luôn cố tỏ ra mạnh mẽ, không cần người khác quan tâm, chăm sóc, rồi quên luôn cả chuyện, với một người đàn ông đang yêu, chuyện được lo lắng cho người con gái mình yêu là hạnh phúc. Cô không nghĩ đến cảm giác của anh, hay cô quên luôn cả việc anh đã yêu cô như thế nào?

Tiểu Vũ không nghe điện thoại, chỉ nhắn tin. Cô bảo, như thế sẽ đỡ tốn kém hơn và đôi khi là đỡ đi sự chi phối cho quang cảnh cô đang ngắm nghía. Sự tiết kiệm được cô hiện thực hóa một cách tối đa, đến độ, mỗi lần, chỉ là một tin từ chối chuyện anh ghé thăm, không hơn - không kém.

Lẽ ra, Phôn không tức giận. Lẽ ra, Phôn chỉ buồn. Anh buồn vì cảm thấy Tiểu Vũ đang cố tình tránh mặt anh, mà, bản thân anh giờ không có cách nào để thay đổi điều ấy cả. Anh muốn tôn trọng cô! Anh muốn làm tất cả mọi thứ cô muốn! Tất cả - miễn là điều cô muốn! Anh không thể xộc đến, gào thét lên rằng anh nhớ cô và xin cô đừng né tránh anh nữa! Không! Anh không dám! Từ nhớ sẽ khiến cô tổn thương mất! Chắc chắn cô sẽ tổn thương khi nhận ra, cô không thể nhớ đến cả cảm giác nhớ nhung một người.

Phôn tức giận, bởi, sống trong những ngày đau đớn chấp nhận sự thật Tiểu Vũ không thể đón nhận anh với lý trí hiện tại của một đầu óc vừa được làm mới, anh vài lần nhận được điện thoại của bác Đạm, bảo, hãy đảm bảo tiền bác và mẹ cô gửi sang khiến cô hài lòng.

Có lẽ một phần là tự ái! Bởi, trong câu nói lạnh lùng ấy, rõ ràng có hàm chứa sự nghi ngờ, rằng anh dùng số tiền ấy cho bản thân. Phần còn lại, lớn hơn, anh tức giận cho hai từ hài lòng mà bác Đạm đã dùng. Hài lòng ư? Ha! Con người ta há dễ hài lòng trên một chiếc xe lăn, khi thế giới của họ chỉ mới thật sự bắt đầu? Hài lòng ư? Đó là hai từ tàn nhẫn.

Phôn đương nhiên không dám thể hiện sự tức giận của mình với bác Đạm. Hẳn nhiên vì anh vẫn nghĩ rằng, anh và bác Đạm rồi sẽ trở thành người cùng một nhà, theo vai vế anh phải gọi bác Đạm là dượng vợ, chuyện nổi điên lên với một người ở bậc cha chú là điều không hay. Nên, sự tức giận, hằn học của Phôn chỉ dồn vào cái điện thoại luôn nhận những tin nhắn từ chối gặp của Tiểu Vũ. Cô phớt lờ anh!

Sau chuỗi ngày ấy - rất dài với Phôn, dẫu chỉ non tháng - Phôn quyết định chỉ nhắn tin hỏi thăm - cách liên lạc mà Tiểu Vũ đã chọn - và thông báo những gì sắp làm của mình. Anh nghĩ, không cần phải buồn thêm nữa, không cần phải cố thêm nữa, cũng chẳng phải là tự ái... Chỉ là, đã đến lúc anh học cách đợi. Không buồn! Nhưng đau! Thế là, Phôn đợi, trong nỗi đau đớn và sợ hãi rằng, rồi Tiểu Vũ sẽ thật sự quên mình, quên cả gương mặt cô hay gọi là người đẹp đã ở cạnh cô lúc cô thức dậy sau khi lãng quên mọi thứ trong cơn ngủ quá dài ấy. Anh sẽ đợi.

Tiểu Vũ tự hỏi lòng, rằng cô đang buồn hay đang vui? Cô có phần nhẹ lòng khi Phôn quyết tôn trọng thái độ của cô. Nhưng, cô cũng không thể đưa mình tránh xa khỏi cảm giác cô đơn cùng cực. Cho dù, đây có là lựa chọn của cô đi chăng nữa - là thứ cô tin sẽ tốt đẹp cho tất thảy mọi người - thì, cô vẫn thật sự cảm thấy cô đơn.

Khoảng một tháng cô liên tục từ chối việc Phôn xin qua gặp, một tháng rất dài cho một cô gái nhỏ bé chấp nhận sự thật mình tàn phế và học cách sống mới mẻ của mình, thêm một tháng Phôn đều đặn nhắn tin hỏi thăm và thông báo việc học; Phôn nhắn, bảo, anh có cơ hội ra ngoài ở một căn hộ be bé, ở khu nghèo nàn, tuy cách xa chỗ Tiểu Vũ là một lý do đủ để khiến anh suy nghĩ, nhưng chỉ mất hai mươi phút đi tàu điện và đúng một trạm dừng, thêm vài bước chân là anh có thể đến khi cô cần, nên, anh vẫn quyết định dọn ra đấy ở.

Tiểu Vũ nhận tin nhắn này với một sự hoang mang khó tả. Anh ra ngoài ở à? Anh đi làm gì chưa nhỉ? Tiền đâu để anh thuê nhà? Chà chà... nhiều thứ để cô phải thắc mắc quá! Cô có phần trách giận khi Phôn không kể rõ ràng. Rồi, cô tự cười mình, mi là kẻ đã tránh né anh, tránh né cái cười đẹp và mặn mùi biển của anh, thế rồi mi lại đòi hỏi nhận nhiều hơn thế? Mi quả thật ích kỷ và tham lam, Tiểu Vũ ạ!

***

Cô gái trẻ nhìn Tiểu Vũ với cặp mày nhướng cao, vẻ hơi bất ngờ.

- Xin lỗi, chị tìm ai ạ? - Cô gái hỏi, Tiểu Vũ nghe, có vẻ gì đấy khá miệt thị khi Tiểu Vũ thấp hơn tầm nhìn của cô.

- Tôi... à... tôi tìm anh Phôn! - Tiểu Vũ nói, không biết xưng hô sao cho phải - Ý tôi là... anh... anh Quang Tiến!

- À! - Cô gái trẻ cười. - Anh ấy đi làm rồi!

Đi làm? Ồ! Một việc rất mới mẻ đã xảy ra mà Tiểu Vũ không hề hay biết, vì, cô nào có nhận được tin nhắn thông báo về việc này cơ chứ?

- Chị là... - Cô gái trẻ dừng câu hỏi ở chữ “là” kéo dài, kéo Tiểu Vũ về cái hiện tại phải ngẩng lên nói chuyện của mình.

- Tôi... tôi là bạn học cũ! - Tiểu Vũ thật không biết phải tự nhận sao cho đúng với hoàn cảnh này nữa.

- Ồ! - Cô gái trẻ lại cười, dẫu nụ cười không có chút gì là thân thiện. - Tôi chưa từng nghe anh ấy nhắc về chị. Hoặc... có nhắc mà tôi không nhớ. Nhiều thông tin đến trong thời gian ngắn quá rồi!

Hẳn nhiên rồi! Tiểu Vũ nhún vai sau câu nói của cô gái. Hẳn nhiên là anh ấy không nhắc về tôi. Tại sao anh ấy phải nhắc nhỉ? Vì, chắc cô chẳng cất công ghen tuông với kẻ thua cô đôi chân, thậm chí là đáng để cô lưu tâm. Không nhắc, hẳn là lựa chọn tốt nhất cho anh ấy, cho cả cô.

Tiểu Vũ chỉ không ngờ, chỉ mới cách đây hai tháng, Phôn còn gàn dở làm những chuyện rất hâm, chỉ cố để Tiểu Vũ vui vẻ - dẫu cô đã luôn cười với anh - và luôn nói với cô rằng, cô là người yêu của anh. Rồi, hai tháng qua lại chỉ bằng tin nhắn... Anh đã có thể tìm cho mình một mối quan hệ đủ nghiêm túc để dọn về sống cùng nhau. Tiểu Vũ hoang mang tự hỏi, tình yêu chóng vánh đến thế? Hay, những thứ Phôn dành cho cô khi cô nằm viện chỉ là một sự thương hại, đủ lớn để anh không nỡ rời đi? Và, khi cô tự khẳng định rằng mình có thể tự làm mọi thứ, thì anh cũng biết đã đến lúc để anh sống cuộc sống bình thường với cô người yêu trẻ kia?

- Chị sẽ vào nhà chứ? - Cô gái hỏi, không chút thiện chí. - Tôi đang làm dở bữa cơm tối cho anh Tiến.

- À không! - Tiểu Vũ nhoẻn miệng cười, rất duyên và rất chân thành. - Tôi chỉ tiện đường ghé sang hỏi thăm anh ấy. Hôm khác tôi sẽ đến vậy!

Cô gái chần chừ lát, ngoái đầu vào trong nhìn, ra vẻ sốt ruột. Chắc, có thứ gì đấy đang nằm trong lò. Và, chắc, cô gái trẻ đã không bật chế độ tự động tắt...

Tiểu Vũ khó nhọc quay vòng bánh xe lăn của mình trở đầu quay ra. Tiếng sập cửa rất vội sau lưng khiến Tiểu Vũ giật điếng người. Đằng sau cánh cửa ấy, có một cuộc sống bình thường của hai con người bình thường. Tiểu Vũ biết, mình không nên lăn bánh xe chen vào sự bình thường ấy. Cô sẽ lăn đi!

Phôn đứng lặng khi nhìn thấy cảnh Tiểu Vũ hì hụi lăn xe đi, cố thật nhanh để trốn khỏi cánh cửa vừa đóng sầm sau lưng mình. Anh thật không biết cảm giác của mình phải gọi chính xác là gì. Anh chỉ biết, anh không thể cử động được.

Tiểu Vũ ngẩng lên nhìn, nhướng cặp mày đúng hệt cách cô gái ban nãy đã làm với cô. Ồ! Phôn! Thức ăn trong bọc giấy, và hoa. Tiểu Vũ nghe cơn đau chạy khắp cơ thể, hệt như khi cô vừa thức dậy ở bệnh viện cách đây vài tháng. Phôn à! Anh đang làm em đau đấy!

- Tiểu Vũ! - Phôn vẫn đứng yên, lắp bắp tên nàng.

- Anh đi làm về à? - Tiểu Vũ hỏi, cố tỏ ra bình thản nhưng thật sự là khó khăn.

- À... ừ... - Phôn lúng túng. - Anh vừa đến chỗ làm. Hôm nay, anh phỏng vấn. Anh... anh đã dự định sau khi về sẽ nhắn báo em biết kết quả!

- Thế nào? - Tiểu Vũ bình thản.

- Ổn! - Phôn cộc lốc, vẻ không giấu được sự thất vọng khi nghĩ về buổi phỏng vấn, và anh đã có thể nhấc chân mình tiến về phía cô. - Em vào nhà chứ?

- Ồ không! Em chỉ...

- Tại sao vậy?

- Tại sao gì hả, Phôn? - Tiểu Vũ hỏi, như cào cấu vào chính ruột gan của mình. - Có cô gái trong nhà...

- À! Diệp Anh! Em gái anh! - Phôn nói, thật sự rất ngắc ngứ, rất chần chừ.

Ồ! Diệp Anh! Em gái anh! Hẳn rồi! Anh thật giỏi đóng kịch, Phôn ạ! Một đứa em gái bỗng nhiên xuất hiện sau những tháng anh cố chăm sóc Tiểu Vũ. Một đứa em gái chưa từng được anh nhắc đến. Một đứa em gái nẻ đá chui lên và nghiễm nhiên trở thành một sự thật chẳng mới mẻ để anh không cần nhắn tin báo. Một đứa em gái, xuất hiện cùng một căn hộ và một công việc mới... Tiếc thay, vở kịch của anh viết vội, diễn vội, không qua tập luyện, nên sự ngắc ngứ trong câu thoại của anh đã tố cáo hết mọi điều rồi! Thật đáng tiếc thay!

Tiểu Vũ đã nghĩ khá nhiều điều trong khoảnh khắc nhìn chằm chằm vào mắt Phôn - cặp mắt với cái nhìn đã đi vào giấc ngủ của cô, một loại thuốc giảm đau cực kỳ hữu hiệu cho những ngày vết thương trở lành. Cô không nói thêm nhiều nữa, chỉ bảo đã đến lúc phải về, và, cô gồng đôi cánh tay mảnh khảnh của mình, lăn xe đi...

***

Người duy nhất làm bạn với Tiểu Vũ trong thời gian này là bác Samuel. Dĩ nhiên, Tiểu Vũ không dám quên ơn của người phụ nữ hàng xóm tốt bụng người Trung Quốc luôn giúp cô đi siêu thị, giúp cô mua đồ những hôm trở trời cô bị vết thương hành hạ. Nhưng tiếng Anh của bà khá tệ, nên bà chỉ lẳng lặng giúp, không trò chuyện, không bầu bạn gì.

Samuel hay đến, cùng hoa hoàng oanh vàng - loài hoa mà Tiểu Vũ từng tưởng chỉ Việt Nam mới có - cùng với bộ đồ khám di động của bác. Bác ân cần thăm sóc Tiểu Vũ. Bác hỏi về sức khỏe, về tình hình ăn uống, ngủ nghê. Bác thường kê vài đơn thuốc, chủ yếu là thuốc bổ cho cô... Sau, là đến lúc bác đẩy Tiểu Vũ đi ngắm phố xá về đêm. Có vài lần, bác Samuel hỏi Tiểu Vũ về Phôn, cô chỉ bảo anh bận và cô cũng không thích chuyện sống cùng anh chỉ bởi tư tưởng có người để trông cậy vào. Rồi thôi, Sam không hỏi nữa.

Thi thoảng, Samuel đưa Tiểu Vũ đi xem phim, đi ăn kem hoặc đi mua sắm. Có đôi lần, Tiểu Vũ gặng hỏi, bác Sam mới khó khăn trả lời rằng vợ và con gái bác mất trong một tai nạn ô tô. Nhưng, cứ khi chạm đến quá khứ về họ - hai người phụ nữ mà Tiểu Vũ tin, bác Sam đã yêu bằng cả trái tim của bác, đến độ, không còn một ai khác có thể bước vào - thì bác Sam thường trầm tư rất lâu, điều ấy khiến Tiểu Vũ tin cô đã nhắc đến một khoảnh ký ức đau buồn mà bác Sam chưa thật sự muốn nói đến. Thế là, cô cũng tránh để không hỏi nữa. Vết thương như một cái hố, càng đào ắt sẽ càng sâu, thế nên, đôi khi không hỏi chỉ thật là không dám hỏi, không muốn người kia phải đau thêm chứ không phải không quan tâm; nhưng biết người mình quan tâm đang đau mà không thể làm gì cho họ lại cũng là một cảm giác đau đớn khác mà gần như không bất kỳ ai có thể tự giải thoát được.

Một đêm, khi bác Sam đã về sau khi dùng bữa tối với Tiểu Vũ, bữa tối do chính tay bác nấu, cô mơ một giấc mơ kinh hoàng. Trong giấc mơ ấy, bác Sam lái chiếc xe thư báo, trên xe là vợ và con gái bác. Tiểu Vũ đang cùng một người đàn ông rất quen thuộc, có giọng nói nồng ấm cô đã từng nghe trong giấc mơ chập chờn ở bệnh viện - là cha - dẫn Tiểu Vũ rong chơi suốt dọc con lộ vắng. Chiếc xe thư báo chồm tới, như một con mãnh thú vừa thoát khỏi sự cầm tù quá lâu, điên cuồng quằn quại qua lại hai bên mép đường. Rồi, mất kiểm soát, chiếc xe thư báo lao thẳng vào cha, vào Tiểu Vũ. Chưa dừng lại, nó quặt mạnh, lao thẳng vào bức tường của một tòa nhà gần đấy. Cha bất động. Tiểu Vũ bất động. Hai người phụ nữ trên xe bất động. Chỉ bác Sam tỉnh. Bác đến gần Tiểu Vũ, đưa tay quệt vết máu đỏ đang đổ thành dòng xuống trước mắt bác, lay. Tiểu Vũ tỉnh dậy. Bác Sam nói - bằng thứ tiếng Mỹ đặc sệt - rằng, vợ con bác chết rồi, cha của Tiểu Vũ cũng chết rồi. Tất cả họ đã chết. Chỉ còn bác, và Tiểu Vũ, với đôi chân sẽ bị cưa đứt đi... Tiểu Vũ choàng tỉnh. Cô bật ngồi thẳng dậy, nhìn quanh chưa đến ba giây và... khóc.

Đêm ấy, trong cơn hoảng loạn không thể thoát ra của mình, Tiểu Vũ duy nhất chỉ nghĩ được đến một người - Phôn! Không suy nghĩ nhiều, Tiểu Vũ bấm máy gọi. Một hồi chuông, hai hồi chuông, ba hồi chuông...

- Alô! - Giọng nữ, có lẽ cô gái nọ.

- Tôi cần gặp Phôn!

- À, vâng! - Đầu dây bên kia thể hiện rõ một sự lúng túng pha lẫn với khó chịu.

Có tiếng loạt xoạt.

Lặng im.

Lại loạt xoạt.

Lại lặng im...

Mày đang làm gì thế này? Mày mơ - cứ cho là một cơn ác mộng kinh hoàng đi - rồi mày tỉnh dậy, rồi mày khóc và mày gọi điện thoại cho một người đàn ông đang sống cạnh một phụ nữ khác? Họ sẽ nghĩ gì về mày? Họ sẽ nghĩ gì về Phôn? Họ sẽ thế nào sau cuộc điện thoại này? Mày quả thật là một con bé ích kỷ!... Âm thanh ấy, rõ ràng và đều đặn, không đanh đá hay chanh chua, càng không quá nặng nề, nhưng cứ như một dòng lũ xoáy thẳng vào tai, đến óc, quật vào tim Tiểu Vũ trong lúc cô ơ hờ áp điện thoại lên tai, bằng bàn tay hãy còn run rẩy và ướt mồ hôi của mình... Tiểu Vũ cúp máy.

Mười phút.

Mười lăm phút.

Hai mươi phút.

Ba mươi phút...

Tiểu Vũ cứ thừ người, nhìn ra khe hở của chiếc màn mỏng, nhìn đêm váng vất trôi ngoài cửa sổ. Nơi này xa lạ với mình quá! Không phải căn phòng này! Không phải ngôi nhà này! Là đất nước này! Là xứ sở này!... À, tất thảy đều chỉ là xa lạ!

- Anh đã mong em sẽ gọi!

Tiểu Vũ điếng người. Đương nhiên, đầu tiên là giật mình. Sau, thì đó là một cảm giác rất khó tả, nó như hai dòng ánh sáng đi kèm với tiếng lách tách nho nhỏ như tiếng lửa nổ, ban đầu là đối nghịch nhau, giao nhau một tí ít, rồi đổi chiều để trôi về một hướng cùng nhau, quyện vào nhau... vẫn với những tiếng lách tách nho nhỏ ấy. Tiểu Vũ vui! Tiểu Vũ buồn! Tiểu Vũ sợ!...

- Anh đến rồi đấy sao?

- À! - Phôn tiến đến, dẫu rất khẽ, nhưng Tiểu Vũ vẫn nghe được bước chân anh. - Anh có một chìa khóa khác. Anh đã nghĩ, sẽ có lúc dùng đến, nếu không, chắc sẽ có lúc phải trả lại cho em... Anh đã dùng nó để vào đây. Giữ hay trả, là tùy ở em vậy!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.