Ma Thổi Đèn

Chương 19: Q.1 - Chương 19: Đoàn khảo cổ






Thì ra Răng Vàng vừa hay lại quen biết một vị giáo sư ở Học viện Khảo cổ Bắc Kinh, họ cũng thường xuyên qua lại với nhau, gần đây xảy ra một chuyện, tình hình cụ thể là thế này. Truyện "Ma Thổi Đèn "

Các hoạt động khảo cổ cũng như bảo hộ văn vật bị buộc dừng lại trong mười năm Cách mạng Văn hóa, sau cải cách mở cửa, đã được triển khai trở lại, ba năm gần đây, là thời kì đỉnh cao của ngành khảo cổ, một lượng lớn mộ cổ và di tích dồn dập xuất hiện.

Giao dịch, giao lưu trong giới sưu tầm đồ cổ cũng cực kì sôi nổi, những nhóm trộm mộ lớn nhỏ cũng nghe hơi nồi chõ, cứ thấy nấm đất là cắm cổ đào bới, nhất là các vùng Thiểm Tây, Hà Nam, Hồ Nam, hơn nữa càng làm lại càng dữ dội.

Từ khi quần thể mộ bên bờ sông Tiểu Hà (Lâu Lan) Tân Cương được phát hiện người ta dường như mới bừng tỉnh ngộ, trong sa mạc Tân Cương, Con đường Tơ lụa từng vang bóng một thời, ba mươi sáu nước Tây Vực ven sông Khổng Tước, Hồ Hồ, Lâu Lan, Mễ Lan, Nê Nhã, Luân Đài, Bồ Loại, Cô Mặc, Tây Dạ… những khu lạc viên của người mê mạo hiểm, biết bao nhiêu của cải và sự phồn hoa đã bị chôn vùi dưới dải cát vàng mênh mông vời vợi.

Nhất thời, vô số đoàn thám hiểm, đoàn khảo cổ, cả các nhóm trộm mộ tranh nhau tiến vào sa mạc Taklimakan tìm kho báu. Đây là cơn sốt thám hiểm rầm rộ thứ hai sau tiếp theo cơn sốt thám hiểm sa mạc đầu thế kỉ 19, nhưng đối với đại đa số những nhà thám hiểm non nớt không đủ kinh nghiệm, vùng sa mạc mênh mông này quả đúng như Folke Bergman, nhà thám hiểm lớn gốc Thụy Điển, đã viết về nó, là một nơi chỉ có đi mà không có về. “Tử vong chi hải” – biển tử vong, cái tên này cũng từ đó mà ra.

Việc bảo vệ di tích mộ cổ Tân Cương vô cùng cấp bách, nhưng nhà nước không đủ sức người, sức của để tiến hành khai quật, bảo vệ các di tích trong sa mạc Taklimakan, hầu hết nhân viên khảo cổ đều đang tập trung ở Hà Nam gấp rút khai quật những ngôi mộ cổ đã bị trộm viếng hoặc tổn hại trong quá trình thi công các công trình khác.

Vị giáo sư mà Răng Vàng quen biết, nghiên cứu văn hóa Tây vực đã lâu, ông hết sức lo lắng việc mộ cổ Tân Cương bị phá hoại, một mực làm đơn xin lãnh đạo, mong được tự dẫn một đoàn đi vào sa mạc để làm một cuộc khảo sát hiện trường, đánh giá các di tích, sau đó sẽ yêu cầu các cơ quan hữu quan tiến hành khai quật hoặc bảo vệ.

Cấp trên viện cớ kinh phí không đủ, thoái thác hết bận này đến bận khác, chứ thực ra kinh phí chỉ là thứ yếu, chủ yếu là vì gần đây có quá nhiều người gặp chuyện trong sa mạc rồi, chỉ lo mấy người giáo sư gặp điều gì bất trắc. Chốn quan trường có một quy tắc ngầm, không cầu lập công, chỉ mong vô tội, không phạm sai lầm chính là lập công lớn, thăng quan tiến chức chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi.

Cho tới mãi gần đây, một người Mỹ gốc Hoa xuất hiện, tài trợ toàn bộ kinh phí cho đoàn khảo cổ của giáo sư, cái đoàn đó mới được hình thành. Trước mắt đoàn thám hiểm khảo cổ này vẫn đang tiến hành chuẩn bị bước đầu, họ cần tìm một người dẫn đầu đoàn giàu kinh nghiệm sinh tồn trên sa mạc, ngoài ra còn thiếu một người biết thuật phong thủy chiêm tinh, vì phần đông đoàn khảo cổ đều là những tay mọt sách, không có người dẫn đoàn, không có cao nhân biết coi phong thủy chiêm tinh, dựa vào bọn họ cũng chẳng thể nào tìm được vị trí mộ cổ hay di tích.

Tìm người như vậy đâu dễ, có một số người đến dự tuyển, quá nửa là bọn đạo danh lừa gạt, đôi bên nói chuyện là lòi đuôi chuột ra ngay, thế nên vị giáo sư kia cũng nhờ Răng Vàng giúp tìm cho một người như thế.

Răng Vàng hỏi tôi có muốn tham gia không, giá người Mỹ kia trả cũng tương đối cao, đồng thời còn có thể đi vào sa mạc xem xem, rốt cuộc có mồ mả gì lớn hay không, coi như là đi thăm dò địa bàn, sau này có hành động cũng dễ bề tham khảo.

Tôi trả lời: “Chuyện này rất tốt, đối với bọn này có thể coi là một cơ hội thực hành hiếm có, trước giờ hai thằng em nào có qua lại với người làm khảo cổ bao giờ đâu, nếu có thể cùng đi với họ, chắc hẳn sẽ học được không ít thứ hay ho. Sa mạc thì thằng này từng đi rồi, trước ở bộ đội từng hai lần đi sâu vào sa mạc diễn tập quân sự. Người dẫn đoàn thì vẫn dẫn đoàn, nhưng muốn vào sa mạc, thì vẫn phải tìm lấy một người dẫn đường bản địa thật giỏi. Ngoài ra, về thuật phong thủy tinh tượng, tôi đây nắm chắc, chỉ cần trên trời có sao, tôi có thể dẫn họ tìm được tới chỗ họ cần tìm. Chỉ có điều, tôi không hiểu lắm, người Mỹ kia vì sao lại bỏ tiền tài trợ cho hoạt động thám hiểm của Trung Quốc chúng ta? Mục đích của hắn là gì? Người Mỹ không phải là Lôi Phong, họ rất thực dụng, coi trọng lợi ích thực tế nhất, những chuyện không có lợi lộc, họ sẽ không làm đâu."

Răng Vàng đáp: “Tình hình tường tận thế nào tôi cũng không rõ lắm, chỉ biết đại khái thôi. Người Mỹ xuất tiền tài trợ kia là một phụ nữ, gốc Hoa, bố cô ta là một tỉ phú ở phố Wall, thường ngảy rất thích các hoạt động thám hiểm khảo cổ. Năm ngoái, bố cô ta cùng một đám nhà thám hiểm Trung Quốc tới Tân Cương thám hiểm, hình như ông ta rất hứng thú với cái văn hóa Tinh Tuyệt gì đấy. Lần ấy họ đi là để tìm thành cổ Tinh Tuyệt vùi sâu trong lòng biển cát, kết quả đi rồi chẳng quay về, một người cũng không, doanh trại quân đội đóng gần đó đã huy động cả máy bay đến tìm, nhưng cuối cùng vẫn chẳng thấy, một chút manh mối cũng không có. Cô ta thừa kế tài sản kếch sù, có lẽ là vẫn không cam tâm chấp nhận chuyện của ông bố, lần bỏ tiền tài trợ này, chắc là muốn tận dụng hết khả năng lớn nhất của mình để tìm kiếm người thân lần nữa. Cô ta tuy là người Mỹ, nhưng suy cho cùng vẫn là Hoa kiều, theo truyền thống của người Trung Quốc, người ta chết đi, phải chôn ở quê mà, vất vưởng nơi sa mạc cho nắng gió xối xả, lại lìa xa người thân mình, vậy đâu được yên lòng.” Truyện "Ma Thổi Đèn "

Ba người chúng tôi uống tới tận tối mới giải tán, hẹn Răng Vàng liên lạc bên mua hai miếng ngọc, đồng thời giới thiệu chúng tôi với giáo sư Trần, người tổ chức đoàn khảo cổ đang sắp lên đường, chúng tôi có thể gia nhập không, còn cần phải nói chuyện trực tiếp với giáo sư Trần đã.

Hai ngày sau, Răng Vàng dẫn chúng tôi đi Thiên Tân, trên đường Thẩm Dương, có một cửa hàng đồ cổ nho nhỏ, chủ quầy là một phụ nữ trắng trẻo hơn ba mươi tuổi, chúng tôi đều gọi là chị Hàn. Chị Hàn là tình nhân của một tay chủ lớn, tay chủ này là một trong mấy nhà sưu tầm đồ cổ đếm trên đầu ngón tay của Hồng Kông, y mở cho chị Hàn một cửa hàng ở Thiên Tân, thứ nhất là để chị ta có việc để làm cho cuộc sống đỡ nhàm chán, thứ hai cũng là để thu mua đồ cổ minh khí nữa.

Chị Hàn là một phụ nữ không ưa nói năng, nhưng khả năng giám định đồ cổ thì cực cao, xem đồ của chúng tôi xong, chị ta hào phóng trả luôn sáu vạn: “Tình hình hiện nay, cùng lắm cũng chỉ năm vạn, trả thêm cho các chú một vạn, gọi là làm bạn với nhau, sau này có món nào hay, nhờ các chú lại mang đến chỗ chị!”

Tôi nhận xấp tiền dầy cồm cộp, tâm trạng kích động, tay cũng hơi run run, tôi thầm chửi bản thân không ra trò trống gì: “Nhất ơi là Nhất, mày cũng được coi là loại từng trải sự đời, năm xưa Mao Chủ tịch đứng trên Thiên An Môn kiểm duyệt Hồng vệ binh, mày có kích động không?

Thẳng thắn mà nói lúc ấy cũng kích động, nhưng đâu thể kích động như bây giờ. Xấu tốt gì thì mày cũng từng trèo cây trong rừng sâu, từng đào hầm trên núi Côn Luân, từng tham gia chiến trận, sao hôm nay lại xúc động đến nỗi cầm không được chắc cả mấy đồng tiền thế này? Ôi, đây chính là sức mạnh của đồng tiền đây sao! Cũng chẳng còn cách nào khác, mày có thể không tôn trọng tiền, nhưng không có tiền, sẽ không mắc dây điện cho dân làng trong núi được, không cải thiện đời sống cho người thân của đồng đội đã hi sinh của mày được, tiền quá vĩ đại, ra sống vào chết, vì cái gì, chính là vì tiền mà thôi!”

Quay về, tôi chia tiền ra làm bốn phần, một phần cho Anh Tử, một phần cho Tuyền béo, còn một phần đưa bí thư chi ủy chia cho mọi người, còn lại một phần, tôi giữ lấy mua trang bị và làm kinh phí cho đợt hành động sau.

Tuyền béo không muốn nhận phần của mình, cậu ta nói: “Số tiền lần này bảo ít cũng chẳng phải ít, nhiều cũng chẳng nhiều, đem sửa đường cho trại Cương Cương chắc chắn không đủ, chia ra cũng chẳng còn bao nhiêu nữa, nghe nói các liệt sĩ trong đại đội của cậu còn nhiều gia quyến dưới quê, nhà lại đông người, tuy có trợ cấp của nhà nước nhưng cuộc sống vẫn hết sức khó khăn, thậm chí có bà mẹ, con trai hi sinh, cũng chẳng có tiền mà mua vé tàu đi Vân Nam thăm mộ con.

Nghe cậu nhắc chuyện ấy, mắt tớ cay hết cả, cũng thấy khó chịu trong lòng, cậu cứ gửi hết phần của tớ cho gia đình các liệt sĩ và anh em thương binh đi. Đời tớ, tâm nguyện lớn nhất chính là làm lính ra chiến trường đánh trận, nhưng ông già mất sớm, chẳng có cơ hội ấy, cậu giúp tớ hoàn thành nguyện vọng này đi, sau này mình có nhiều tiền, chia cho tớ cũng không muộn.”

Nhắc đến việc này, tôi cũng rưng rưng nước mắt, vỗ vai Tuyền béo: “Được! Cậu càng ngày càng giác ngộ đấy. Cơ hội kiếm tiền sau này còn nhiều, lần tranh thủ đi Tân Cương, kiếm của người Mỹ đi đã!”

Nghỉ ngơi dăm ngày, Răng Vàng có tin báo, bảo đã hẹn gặp giáo sư Trần rồi, đoạn dẫn tôi và Tuyền béo tới nơi làm việc của ông.

Giáo sư đã có tuổi, tôi vừa gặp đã không khỏi lo lắng thay cho ông, bộ xương già này mà còn muốn đi vào sa mạc cát chảy lớn thứ hai thế giới hay sao?

Cùng ngồi với giáo sư Trần, còn có trợ thủ của ông, Hách Ái Quốc, đây là một trí thức trung niên độ bốn mươi tuổi, đầu tóc rối bù như tổ quạ, thoạt nhìn là biết thiếu kinh nghiệm xã giao, chiếc kính cận dày cộp của anh ta cho người ta biết rằng, anh là người một có thái độ học hỏi nghiêm túc cẩn thận, cầu thực chất, say mê nghiên cứu, và không chú trọng đến hình tượng của mình lắm. Loại người như anh ta thời Cách mạng Văn hoá không hiếm, nhưng sau cải cách mở cửa, cùng với trào lưu tri thức mới, phong trào mới, giá trị mới, những người cổ lỗ như thế đã không còn nhiều nữa.

Hách Ái Quốc chăm chú nhìn chúng tôi một lượt, cũng không hề khách sáo, thẳng thấn nói luôn: “Hai đồng chí, hai vị tới đây làm gì chúng tôi đã biết, chắc hẳn yêu cầu của đoàn khảo cổ chúng tôi, hai vị cũng đã rõ, lần này phải nói là phá lệ trong phá lệ, ngoại lệ trong ngoại lệ đấy. Chúng tôi cần nhân tài, hai vị đây có kinh nghiệm thám hiểm, sinh tồn trong sa mạc, hay là thông thạo thuật phong thủy tinh tú? Điều này không thể qua loa đại khái được, nếu hai vị không có bản lĩnh về mảng này, đừng hòng mà đi cửa sau chạy chọt!” Nói xong lại nhìn Răng Vàng một cái, “không nể mặt ai hết”.

Giáo sư Trần cảm thấy Hách Ái Quốc nói thẳng quá, ông rất thân với bố Răng Vàng, thường xuyên thỉnh giáo cha con họ về các vấn đề giám định thưởng thức đồ cổ, không muốn làm căng quá, bèn đứng lên khỏi sofa dàn hòa, mời chúng tôi ngồi xuống, chuyện trò vài câu, hỏi tôi và Tuyền béo mấy chuyện lặt vặt, nghe xong thì mỉm cười gật đầu: “Không đơn giản đâu nhỉ, từng làm Đại đội trưởng giải phóng quân, còn có kinh nghiệm chiến đấu, lại từng tới sa mạc, thật là hiếm có, làm người dẫn đoàn cho lũ mọt sách chúng tôi, chắc là thừa khả năng rồi. Di tích và mộ cổ trong sa mạc, đại đa số đều lấp vùi trong biển cát vàng, sông Khổng Tước xưa kia nay đã cạn khô từ lâu, khó mà tìm được, nếu không nắm chắc thuật phong thủy thiên tinh, e rằng khó mà tìm được, chẳng hay thuật phong thủy này hai vị có thông hiểu hay không?”

Tôi biết thuật phong thủy thiên tinh còn gọi là “Thiên cùng thanh nang thuật”, chính là thuật được chép trong chương chữ Thiên của Thập lục tự Âm dương phong thủy bí thuật, là chương khô khan khó hiểu nhất, tôi chưa từng áp dụng trong thực tế lần nào, có điều, lúc này cũng đành cắm đầu nói bốc lên vậy. Tôi gật đầu đáp: “Thưa giáo sư, không phải tôi nói bốc đâu, chứ thuật phong thủy tinh bàn nguyệt khắc này, tôi nắm trong lòng bàn tay, có điều chuyện này nên nói bắt đầu từ đâu nhỉ…”

Để có được công việc được trả lương bằng đôla Mỹ này, tôi đã dốc hết hàng tồn trong bụng ra, hy vọng bỏ bùa mê được mấy người này. May nhờ cuốn sách gia truyền kia, lúc đầu Hách Ái Quốc thấy tôi non trẻ, tưởng tôi là họ hàng của Răng Vàng, định đến chạy chọt kiếm bữa ăn, tôi mới nói vài câu, nói đâu ra đấy, anh ta cũng không khỏi nhìn tôi bằng con mắt khác, ngồi một bên vểnh tai chăm chú lắng nghe.

Môn phong thủy này, được gọi là tối cao của địa học, đất phong thủy có thể khái quát một cách đơn giản là: tàng phong chi địa, đắc thủy chi sở (đất có gió, được nước). Trong Táng thư (1) viết rất hay: “Táng, ấy là giữ gìn sinh khí vậy. Khí theo gió mà tán, gặp nước thì ngưng. Cổ nhân tụ khí để không tán, hành khí để cho dừng, vậy nên gọi là phong thủy.”

***

(1) Táng thư: tương truyền do Quách Phác, thuật sĩ nổi tiếng thời Tấn (365-420) viết.

Đời sau lại mở rộng phong thủy học ra vô hạn, chẳng những chỉ dừng ở huyệt vị mạch đất của mồ mả, mà còn dần mở rộng thành thuật kham dư. Kham dư, thiên địa vậy, nói trắng ra tức là môn phân tích quan hệ giữa trời, đất và con người.

Nhưng nay tôi chỉ nói với giáo sư và các thầy giáo ngồi đây một chút về phân nhánh “Phong thủy thiên tinh” trong thuật phong thủy mà thôi. Đế vương quý tộc thời xưa, hết sức coi trọng việc hậu sự, lúc sống hưởng thụ thế nào, chết đi cũng phải sở hữu thế ấy, chẳng những thế, họ còn cho rằng thiên hạ hưng vong, đều bắt nguồn từ long mạch, cho nên lăng mộ đều phải đặt ở đất phong thủy đẹp. Hoàng đế Ung Chính (1) từng tổng kết một cách thấu đáo về lăng mộ đế vương, ông nói: Nơi càn khôn chung tú, đất tụ hợp âm dương, huyệt rồng sông báu, thu tận cái đẹp, thế vững khí thiêng, trăm may thảy vượng, mạch non phép nước, lối lối rõ ràng, ấy là đất thượng cát.

Tuy chỉ có mấy câu ngắn gọn, nhưng quả đã miêu tả một cách trực tiếp nhất, hình tượng nhất, sinh động nhất về việc chọn đất làm lăng tẩm cho Hoàng đế, nhưng Ung Chính cũng chỉ mới nói nửa chừng, cảnh giới trời người hợp nhất mà cổ nhân theo đuổi, chẳng những chú trọng đến phép nước mạch non, mà còn cần trông thiên tinh nhật nguyệt.

***

(1) Ung Chính: vị vua thứ sáu đời Thanh, con vua Khang Hy, bố vua Càn Long, trị vì từ năm 1723 đến năm 1736.

Từ thời thượng cổ, người ta đã thường coi thiên trọng, nghiên cứu sự biến hóa của tinh tú, suy đoán họa phúc rủi may, khi lựa chọn đất phong thủy đẹp, cũng áp dụng đến tinh túy của thiên văn học, trời đất cách nhau tám vạn bốn ngàn dặm, tim thận con người cách nhau tám tấc bốn phân, cơ thể chia làm kim mộc thủy hoả thổ, ứng với ngũ thiên tinh nguyên, lại có hai mươi tư vì sao đối ứng với địa lý núi sông trong thiên hạ, sao có lành ác, đất có tốt xấu.

Phàm là đất thượng cát, ắt sẽ hô ứng với thiên tinh nhật nguyệt trên trời, thuật Thanh Ô định huyệt dựa vào sự lưu chuyển của tinh vân, chính là môn phong thủy thiên tinh khó nắm bắt nhất trong phong thủy học.

Trời có hai mươi tư sao, ngày có hai mươi tư giờ, năm có hai mươi tư tiết, ấy nên phong thủy cũng có hai mươi tư hướng, hai mươi tư vị (1). Có thể hiểu sự sắp xếp hung cát của các vì sao này, rồi dùng la bàn định vị, khắc có thể tìm được chỗ chúng ta cần tìm, có điều thuật phong thủy thiên tinh này có rất nhiều hệ phái, phương pháp khác nhau, trong đó cũng không ít những điều mâu thuẫn, di tích trong biển cát mịt mùng, cách đây ngàn năm, hai hay ba phần trăm cơ hội tìm thấy đã là không nhỏ rồi.

***

(1): "Hai mươi tư hướng" hay "hai mươi tư vị" trong thuật phong thủy bao gồm: Thiên hoàng, Thiên cang, Thiên quan, Thiên uyển, Thiên thị, Thiên trù, Thiên hộc, Thiên hán, Thiên lũy, Thiên phụ, Thiên cứu, Thiên quỷ, Thiên ất, Thiếu vi, Thiên quan, Thiên đế, Nam cực, Thiên mã, Thiên bình, Thái ất, Thái vi (nguyên văn trong truyện, nhưng mà hình như không đủ 24 thì phải, lại còn trùng lặp nữa)

Giáo sư Trần nghe đến đây, mừng rỡ đứng bật dậy nói: “Anh Nhất nói hay quá, ông trời thật có mắt, cuối cùng thì cũng phái nhân tài như anh đây đến cho chúng tôi. Trong sa mạc Tân Cương, thời gian trải qua ngàn năm, thậm chí là mấy ngàn năm, bao cuộc bể dâu, ốc đảo và thành thị ngày xưa giờ đã biến thành biển cát mênh mông, dòng sông mạch núi cũng đã mất tăm mất dạng, nếu chúng ta muốn tìm lăng mộ trên con đường tơ lụa cổ xưa, thì con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất chính là dựa vào thuật phong thủy thiên tinh. Tôi tuyên bố, bắt đầu từ ngày hôm nay, hai vị chính thức gia nhập đoàn khảo cổ của chúng tôi.”

Hách Ái Quốc cũng lại gần thân thiết bắt tay chúng tôi, tỏ ý xin lỗi vì thái độ lạnh lùng ban nãy: “Xin lỗi xin lỗi, thành phần trí thức bọn tôi đây toàn một lũ hủ nho, bao nhiêu năm Cách mạng Văn hóa, chịu khổ chịu sở mãi, đâm ra ngây cả người, không biết nói chuyện, mong hai vị chớ để bụng.”

Tôi mừng thầm: “Khà khà, mình cũng chỉ biết có từng ấy thôi, nói thêm nữa thế nào cũng lòi đuôi chuột. Thuật phong thủy thiên tinh khó đến mức chẳng thể nào tưởng tượng được, mình đây thực ra cũng không hiểu lắm, nhưng chắc hẳn đám trí thức đeo kính cận các người, cũng khó mà chịu nổi thử thách khắc nghiệt của sa mạc, tiến vào chưa đến dăm hôm là phải quay về thôi. Mà ngoài ra mình còn khoa trương lên, đem xác suất tìm được di tích giảm xuống hết cỡ, không tìm thấy, thì cũng đâu thể trách mình không biết coi phong thủy thiên tinh, tiền công thì vẫn chẳng thể thiếu một đồng.”

Tôi đang nghĩ tới chỗ đắc ý, bỗng một cô gái trẻ bước vào, giáo sư Trần vội giới thiệu với chúng tôi: “Đây là cô Dương, người tài trợ kinh phí cho chuyến đi của chúng ta lần này, cô ấy cũng đi với chúng ta luôn, các anh chớ thấy cô Dương là nữ mà lầm tưởng, cô ấy là nhà nhiếp ảnh của tạp chí nổi tiếng National Geographic đấy.”

Tôi liền ra vẻ lịch lãm, bắt tay cô nàng tỏ vẻ tôn trọng, tôi nghĩ đối phương là người Mỹ, thì phải nói tiếng Anh với người ta, mà xin chào nói thế nào nhỉ? Hình như là: “Hê…hê…hê lô!”

Cô Dương kia mỉm cười: “Anh Nhất ạ, tôi cũng biết nói tiếng Trung, chúng ta cứ nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung đi. Từ sau anh cứ gọi tôi là Shirley Dương là được.” Không ngờ tiếng phổ thông của cô ta lại giỏi thế, chẳng có chút khẩu âm Mỹ nào, mà thực ra khẩu âm Mỹ ra làm sao, tôi cũng chẳng biết nữa, dù sao cũng cảm thấy cô ta chẳng khác gì người Trung Quốc cả.

Shirley Dương bắt tay Tuyền béo, sau đó đưa ra một nghi vấn, anh Vương Khải Tuyền (Tuyền béo) cùng đến với anh Nhất, bản lĩnh của anh Nhất thì ghê gớm rồi, từng làm chỉ huy trong quân đội, lại còn biết thuật phong thủy thiên tinh, còn anh Tuyền đây có bản lĩnh gì, chúng tôi vẫn chưa được lĩnh giáo. Lần đi thám hiểm sa mạc này hết sức hệ trọng, chúng tôi không cần người không có khả năng đặc biệt đâu.

Tôi không ngờ người Mỹ lại thẳng thắn như vậy, mọi người đều nhìn cả về phía Tuyền béo, tôi vội nói đỡ: “Ở sa mạc không được an toàn cho lắm, người bạn này của tôi, có tài xạ thủ.”

Tuyền béo thấy con bé người Mỹ coi thường mình, thì bĩu môi, tức khí nói: "Tân Cương thì làm sao, năm xưa Tuyền béo này tới sa mạc Tân Cương càn quét bọn phỉ, đánh lũ thổ phỉ ở ốc đảo Nê Nhã chạy vãi phân vãi đái, còn tự tay giết chết tên cầm đầu nữa. Các vị xem đi, đây chính là chiến lợi phẩm.” Nói đoạn, lấy miếng ngọc đeo trong người ra hươ huơ trước mặt mọi người, "đã thấy bao giờ chưa?”

Tôi đứng bên cạnh nhếch mép cười thầm, nghĩ thằng ngốc này có bịa chuyện thôi cũng không biết nói cho kín kẽ, lại còn vơ lấy sự tích anh hùng của đời ông già cậu khoác lên mình nữa chứ, đi Tân Cương quét phỉ cái mẹ gì, cái hồi ấy cậu còn mặc quần hở đũng đấy, nói cậu từng ăn thịt dê nướng Tân Cương xem ra còn chấp nhận được. Việc đến nước này tôi cũng chỉ còn cách tung hứng theo cậu ta, nếu Tuyền béo không đi, tôi cũng không đi, chắc là cuối cùng họ cũng đành phải thỏa hiệp thôi.

Ấy thế mà chẳng ai phản bác câu nào, ánh mắt giáo sư Trần và Shirley Dương đều bị miếng ngọc trên tay Tuyền béo thu hút, bàn tay cậu ta đưa đi đâu, ánh mắt của mọi người dịch theo tới đó, đến cả chớp mắt cũng không chớp lấy một cái.

Shirley Dương vốn không đồng ý cho Tuyền béo tham gia đoàn khảo cổ, có điều nhìn thấy miếng ngọc bội của cậu ta xong, cô ta không hề do dự bằng lòng trả công chúng tôi mỗi người mười ngàn đô, nếu tìm được thành cổ Tinh Tuyệt lòng sa mạc, sẽ trả thêm gấp đôi. Nhưng món tiền này phải đợi chúng tôi trở về từ Tân Cương mới thanh toán.

Răng Vàng cũng từng thấy miếng ngọc bội của Tuyền béo, hắn sành sỏi như vậy, mà cũng không thể nhìn ra được lai lich miếng ngọc này. Về mặt này thì hắn không biết nhìn hàng bằng mấy người như giáo sư Trần, suy cho cùng Răng Vàng cũng chỉ bán mấy đồ lặt vặt, còn giáo sư Trần đã vùi đầu nghiên cứu văn hóa cổ Tây Vực mấy chục năm, cha của Shirley Dương là bạn thân của ông, từ nhỏ cô ta đã được hoàn cảnh gia đình hun đúc, cũng có thể coi là một nửa chuyên gia về lịch sử Tây Vực, cho nên hai người họ vừa nhìn thấy miếng ngọc là nhận ra ngay lai lịch của nó. Truyện "Ma Thổi Đèn "

Giáo sư Trần cho rằng miềng ngọc này chí ít cũng có tới một ngàn năm trăm năm cho đến hai ngàn năm lịch sử, chữ khắc trên đó là văn tự Quỷ Động. Quỷ Động là một dân tộc thiểu số ở Tây Vực thời cổ đại, dân tộc này đã diệt vong từ lâu, trong thư tịch cổ khai quật ở Đôn Hoàng có ghi chép, nữ vương nước Tinh Tuyệt chính là người tộc Quỷ Động, mười chữ Quỷ Động trên miếng ngọc này rốt cuộc có ý nghĩa gì, thì còn cần khảo chứng thêm mới biết được.

Giáo sư Trần và cha của Shirley Dương đều là người say mê văn hóa Tây Vực. Tinh Tuyệt, tòa thành từng một độ phồn hoa rực rỡ, có thể nói thuộc hàng nhất nhì trong ba mươi sáu nước Tây Vực, thời kì đỉnh cao, cả Tây Vực hiếm có thành nào bì được, sau đó hình như đã xảy ra tai ương gì rất lớn, nữ vương qua đời, sau đó cả tòa thành cũng biến mất luôn.

Vinh quang của quá khứ nay đã bị cát vàng vùi lấp, manh mối chứng minh nó từng tồn tại, chỉ có những ghi chép vụn vặt trong thư tịch cổ, tương truyền nữ vương Tinh Tuyệt là đệ nhất mỹ nhân của Tây Vực, nàng giống như vầng dương trên bầu trời, mỗi khi xuất hiện đều khiến trăng sao phải lu mờ khuất lấp.

Cha Shirley Dương cũng chính vì tìm kiếm lăng tẩm của vị nữ vương này, tổ chức một đoàn thám hiểm gồm năm vị học giả Trung Mỹ, mang theo các trang thiết bị tối tân, tiến sâu vào biển cát, để rồi mãi mãi không bao giờ trờ lại.

Chuyến đi lần này, thứ nhất là để tiến hành khảo sát và đánh giá hiện trạng mộ cổ trong sa mạc, thứ hai là thử vận may, xem liệu có thể tìm lại được di thể của năm nhà thám hiểm, để còn an táng cho tử tế.

Shirley Dương muốn mua lại miếng ngọc cua Tuyền béo, tôi và cậu ta nhận thấy đây là hàng quý cần giữ, nên nghiến răng không bán, trong bụng toan tính xem có thể chém cô ta bao nhiêu đô.

Chúng tôi gia nhập đoàn thám hiểm gồm các học giả và nhiếp ảnh gia, tôi làm người dẫn đoàn, Tuyền béo làm đoàn phó. Việc đi sa mạc, cứ quyết định như vậy.

Đoàn tàu lao vút trên dải đất miền Tây rộng lớn, tôi và Tuyền béo ngủ trong toa nằm không biết trời đâu đất đâu, trạm đầu tiên là Tây An, ở đó tập trung với mấy học trò của giáo sư Trần, rồi tới Urumchi, trang bị của đoàn thám hiểm sẽ được vận chuyển thẳng đến đó.

Hách Ái Quốc bước vào, liền bị mùi thối thối chân của Tuyền béo xộc lên suýt nữa ngã nhào, anh ta lay tôi dậy: “Đồng chí Nhất, mau dậy, dậy đi, giáo sư tìm anh bàn chút chuyện, qua đây một lát!”

Tôi ngó qua ngoài song cửa, trời vẫn còn sáng, cũng chẳng biết là mấy giờ nữa, ngủ mê mệt hết cả, khoác áo theo Hách Ái Quốc sang phòng bên cạnh.

Giáo sư Trần nói: “Sáng sớm mai chúng ta sẽ tới Tây An, đón ba học trò của tôi, thành viên coi như là đủ. Anh là đoàn trưởng, nên muốn bàn bạc trước với anh một số vấn đề về lộ trình.”

Shirley Dương ngòi bên cạnh cũng nói: “Đúng thế, anh Nhất, tôi và giáo sư đã bàn rồi, dự định sẽ xuất phát từ hồ Bostan, đi về hướng Nam tìm kiếm sông Khổng Tước, sau đó, băng qua con sông này đi sâu vào sa mạc, rồi men theo sông ngầm Từ Độc xuôi Nam, tìm di tích thành cổ Tinh Tuyệt, chúng tôi muốn hỏi ý kiến anh thế nào.”

Tôi thấy thật tức cười, đám trí thức và người giàu này, toàn đánh trận trên giấy nghĩ ngợi xa xôi, các người đi vậy khác nào đi một vòng sa mạc, ở sa mạc có ai dám đi hình chữ Z bao giờ đâu, cho dù không chết đói, chết khát, chết nóng, thì cuối cùng cũng chết mệt. Có điều tôi luôn nghĩ mấy người này thuộc loại ăn no rửng mỡ, thừa giấy vẽ voi, sống an nhàn vui vẻ không thích, nằng nặc đòi vào sa mạc chịu khổ chịu sở, chắc chắn không quá hai ba ngày cũng khóc mếu đòi về, cho nên lộ trình thế nào không quan trọng, về đến nơi trả tôi tiền là được.

Tôi nới với Shirley Dương: “Cô Dương này, tuy tôi là người dẫn đoàn, nhưng tôi không có tư cách tham gia quyết định sắp xếp lộ trình, các vị cứ xác định rõ lộ tuyến và mục tiêu, tôi phụ trách đưa mọi người tới đó, nói cách khác, chị là người quản lý, còn chúng tôi là culi.”

Lời vừa nói ra, tôi lại thấy hơi hối hận, vẫn có câu, cầm tiền người ra giúp người tai qua, người ta bỏ tiền thuê mình, mình đương nhiên phải làm tròn bổn phận, thế nên tôi nói tiếp với họ, vấn đề lộ trình phải đợi đến Tân Cương, tìm một người dẫn đường bản địa hỏi ý kiến rồi mới quyết định được, bây giờ nói gì cũng vẫn còn sớm, việc tìm người dẫn đường đó để tôi lo liệu.

Mọi người lại bàn bạc thêm một số chi tiết, sau đó ai nấy đều về nghỉ, sau cuộc nói chuyện trên tàu này, tôi lờ mờ cảm thấy, mấy người này quyết tâm rất lớn chưa chắc vào sa mạc mấy hôm đã đòi về như tôi vẫn nghĩ.

Ở Tây An, chúng tôi gặp các thành viên còn lại của đoàn khảo cổ, họ đều là học trò của giáo sư Trần, Tát Đế Bằng chân chất, Sử Kiện cao cao, và Diệp Diệc Tâm là nữ nữa.

Cộng với năm người lúc đầu, tổng cộng tám người. Đến Tân Cương, tôi liên lạc với Lưu Cương, một đồng đội ngày trước, anh ta đời sau của lữ đoàn 359 Tân Cương, sinh ra và lớn lên ở Tân Cương, nhưng cũng không quen thân lắm với người bản địa, muốn tìm một người dẫn đường bản địa quen thuộc địa hình sa mạc không dễ dàng gì, cuối cùng phải thông qua bạn bè của Lưu Cương, mới tìm được một ông già buốn bán súc vật.

Giờ chẳng ai gọi tên thật của ông già này nữa, mọi người đều gọi ông ta là Anliman, tức là bản đồ sống trong sa mạc.

Lão Anliman ngậm cái tẩu thuốc, lắc đầu lia lịa: “Không được à, không được à, bây giờ mà, là mùa gió máy mà, vào sa mạc, ông già Hutai (ông trời), giáng tội vạ xuống à…”

Chúng tôi đành giở chiêu vừa đánh vừa xoa, tôi bảo giáo sư Trần lấy giấy tờ ra, giải thích cho ông ta biết chúng tôi là cán bộ nhà nước cử đến công tác, các đồng chí ở địa phương phải phối hợp làm việc, nếu ông mà không dẫn đường cho chúng tôi, chúng tôi sẽ gọi cảnh sát, thu hết lạc đà và lừa, không cho ông buôn bán nữa.

Shirley Dương lại nói, chỉ cần ông đồng ý dẫn đường, tất cả gia súc của ông, tôi sẽ mua giá gấp đôi, sau khi từ sa mạc trở về, gia súc vẫn là của ông, tiền cũng vẫn của ông.

Ông giá Anliman chẳng còn cách nào khác, đành chấp thuận, nhưng đưa ra một yêu cầu: “Đừng lái cái xe hơi mà, Hutai không thích cái máy móc à, con lạc đà mà, phải mang theo nhiều nhiều, Hutai thích lạc đà mà.”

Về khoản này, tôi nhất trí với Anliman, trong sa mạc lạc đà đáng tin cậy hơn xe hơi nhiều.

Ông Anliman chọn lấy hai mươi con lạc đà, ngày xuất phát, đem hết hành lý trang bị của mọi người chất lên lưng chúng, ngoài ra còn mang theo một số lượng lớn bánh đậu và muối, Tuyền béo vừa giúp ông ta chuyển đồ vừa hỏi: “Ông ơi, trong sa mạc, mình toàn ăn bánh đậu với muối sao? Thế chẳng phải càng ăn càng khát à?”

Ông Anliman cười to: “Ai dà, u li an jiang (anh bạn to khỏe) của tôi, cái này mà, cậu muốn ăn cũng được, nhưng Hutai bảo mấy thứ này này, là để cho lạc đà ăn à.”

Ông Anliman bảo mọi người, mùa này là lúc nguy hiểm nhất trong sa mạc, đường đầu tiên từ hồ Bostan đến di tích Thành Tây Dạ, có sa mạc và có cả hoang mạc, cũng may có sông Khổng Tước cổ nối liền, nên không khó nhận ra, nhưng muốn đi sâu nữa, liệu có tìm thấy sông ngầm Từ Độc hay không, còn phải xem xem ý của Hutai thế nào.

Đoàn chín người chúng tôi gọi là đoàn khảo cổ, chi bằng gọi là đoàn lạc đà còn hơn, thực phẩm mang theo, chắc không đủ một tháng, nước sạch đủ dùng hơn chục ngày, có thể bổ sung nước ngọt ở các ốc đảo và sông ngầm dọc đường. Ngoài ra còn có mấy túi da lớn đựng sữa chua, lúc nào khát không chịu được nữa, uống một ngụm giải khát, hiệu quả hơn gấp uống chục ngụm nước ngọt. Cộng thêm các loại thiết bị, khiến mỗi con lạc đà đều phải chở rất nặng, khi lên đường, mọi người chỉ có thể dựa vào đôi chân, nửa đường bộ, nửa đường cưỡi lạc đà


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.