Đại Mạc Thương Lang

Chương 15: Q.1 - Chương 15: Lồng sắt




Loại lồng sắt này được gọi là “nhà tù dưới nước”, đây là một thiết kế của người Nhật thường thấy ở vùng ba tỉnh Đông Bắc, phần trên của loại lồng này chỉ nhô lên khỏi mặt nước một chút, người bị nhốt trong đó chỉ thò được mặt qua những thanh chắn, thò được mũi lên để thở. Trong cái lạnh của dòng nước ngầm này, cùng lắm họ chỉ duy trì được tư thế thở đó chừng vài ngày, rồi sẽ bị tự ngạt thở mà chết.

Trên đoạn sông này, dập dềnh trong nước không biết bao nhiêu là những chiếc lồng kiểu đó, đầy sông một màu đen kịt, nếu không nhìn kĩ thì khó có thể phát hiện ra. Chúng tôi chụm mấy cái đèn lại chiếu xuống mới thấy dường như giữa những chiếc lồng còn phập phù hình thù gì đó, không biết cụ thể là gì, nhưng chỉ thấy lạnh sống lưng.

Vương Tứ Xuyên kể đã từng nghe những người già trước đây kể lại, người Nhật từng nhốt người dưới những chiếc lồng này, người bị nhốt không đơn thuần chết bởi ngạt nước mà rất dễ chết chìm ở đây. Trong nước chắc chắn có nhiều đỉa, mọi người đi đứng phải rất cẩn thận không được tùy tiện nhảy xuống.

Chúng tôi nghe thấy thế thì chân tay rụng rời, tim đập thình thịch. Đội phó bảo nơi đây lạnh thế này, lấy đâu ra đỉa? Vương Tứ Xuyên nói đỉa với lạnh không liên quan gì nhau, ở những vùng thảo nguyên mà còn có đỉa nữa là, bình thường sau mỗi trận mưa, những con đỉa đói lại nổi lên lềnh phềnh.

Chúng tôi là những người chuyên vượt suối băng rừng, đều hiểu sự nguy hiểm của loài vật hút máu này, đỉa hay vắt tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng luôn khiến người ta cảm thấy gớm ghiếc, kinh tởm, nếu bị nó đốt, có khi còn nhiễm bệnh sốt rét, nên nó đã trở thành một trong những đối tượng đề phòng hàng đầu trong công việc khảo sát ở những nơi rừng rú thế này.

Nghe Vương Tứ Xuyên nói vậy, chúng tôi đều thấy không thể xem nhẹ chuyện này, vậy là người nào người nấy vội vàng túm chặt gấu quần lại, nhét vào trong ủng. Bình thường đỉa chưa được hút máu có kích thước rất nhỏ, những khe nhỏ trên quần cũng không thể cản được nó, cho nên chúng tôi phải lót thêm vào trong quần những lớp vải xô.

Sau khi chuẩn bị xong xuôi, chúng tôi kiểm tra kĩ lại một lần nữa, rồi mới tiếp tục xuống nước. Đội phó đội quân trang trên đầu, là người xuống nước đầu tiên. Chúng tôi giống như một đội quân thất trận, cứ thế lội dưới dòng nước.

Đất đá dưới chân chúng tôi gồ ghề rất khó đi, chỗ nước sâu nhất ngập tới ngang ngực, cái lạnh cực độ xuyên qua lớp quần áo, như hút hết nhiệt độ trong cơ thể chúng tôi, bất giác người nào cũng cắn chặt răng lại chiến đấu với dòng nước lạnh. Vương Tứ Xuyên đi ngay sau cứ luôn miệng giục chúng tôi đi cho nhanh.

Thế nhưng, cứ đi như thế này thì có muốn nhanh cũng không nhanh được, với cái giá lạnh, lại thêm lực cản của dòng nước khiến mỗi bước chân chúng tôi đều trở nên khó khăn, chúng tôi chỉ có thể cố gắng đi từng bước một, mỗi bước đi lại phải cố thêm một chút sức lực nữa.

Mấy cậu lính công binh có khả năng chịu lạnh tốt hơn chúng tôi nhiều, họ vừa đi còn vừa cầm đèn chiếu xuống mặt nước. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới chỗ đám lồng sắt. Vì ở dưới nước nên chúng tôi nhìn thấy rõ hơn trên bờ khá nhiều. Nhìn những lớp rào thép lởm chởm nhô lên, chúng tôi đều bất giác rùng mình run sợ. Điều kinh khủng nhất là rất nhiều lồng còn lập lờ từng mảng tóc và xác người trong đó.

Chúng tôi càng nhìn càng thấy sợ, Vương Tứ Xuyên nghiến răng nói: “Thật tội nghiệp, cứ thế mà bị dìm chết ở nơi này sao, chết cũng không được chết tử tế.”

Bùi Thanh nói: “Nơi này quả nhiên có trang bị sẵn những nhà tù dưới nước, thế nghĩa là bọn Nhật đã dùng thủ đoạn này để tra tấn công nhân Trung Quốc mình, có xác người trong này, có cả những lồng sắt thế này cơ mà, chứng tỏ bọn Nhật ở trong này rất lâu, có lẽ ở đâu đó sâu bên trong sẽ có căn cứ điểm.

Chúng tôi không nói gì, Vương Tứ Xuyên trả lời với giọng đều đều: “Nếu bọn Nhật thích kiểu này, thì chắc chắn chẳng có gì hay cả.”

Chúng tôi lại tiếp tục đi về phía trước, cả chẳng đường không nói không rằng, xung quanh chỉ nghe tiếng lội nước bì bõm và tiếng thở dài của đồng đội.

Đoạn nước ngầm thế này không dài, chúng tôi nhanh chóng đi được nửa đường, lúc đó, tôi lạnh tới mức không còn cảm nhận được đôi chân của mình nữa, đầu óc hỗn loạn, không còn tỉnh táo, những ánh đèn loang loáng đằng trước đã nhòe đi hết cả. Lúc đó, tôi đơn thuần chỉ lao về phía trước theo quán tính, cũng không thèm để ý tới khúc sông có đỉa hay không nữa.

Bất chợt, tôi nghe thấy mấy âm thanh bì bõm của tiếng nước, dường như có ai đó vừa dừng lại.

Tôi ngước mắt nhìn lên trước, thấy đội phó đi đầu đang dừng lại, anh cầm đèn pin chiếu xuống dưới chân, cúi đầu tìm cái gì đó.

Tôi hỏi anh ấy làm sao, anh ngẩng lên, khuôn mặt trắng bệch, bảo tôi: “Lúc nãy hình như có gì đó... đã túm lấy chân tôi...”

“Vớ vẩn!”, mặt Vương Tứ Xuyên cũng biến sắc, “Nói những chuyện đó ở nơi thế này, sợ chết đi được!”

Mấy cậu lính đang bị nước lạnh làm cho mụ mị hết đầu óc vừa nghe thấy thế, lập tức tỉnh hẳn ra, đội phó thấy vậy vội nói: “Thật đấy, dưới nước chắc chắn có vật gì đó.”

Chúng tôi nhìn vẻ mặt của đội phó cũng cảm thấy anh ấy không thể nào lừa chúng tôi. Đội phó có vẻ bề ngoài mà vừa nhìn người ta đã biết đó là người đứng đắn, đến nói vòng vèo anh còn không biết huống hồ là trêu đùa. Trong chốc lát tất cả mọi người xung quanh đều chĩa đèn pin vào vùng nước trước mặt.

“Hay là có cá mù[1] ở đây nhỉ?” - Bùi Thanh đoán, “Con sông ngầm này thực ra chính là dòng chảy từ bãi đá ngầm lúc nãy chảy tới, có nhiều khe bên dưới các tảng đá, dòng nước rộng thế này thì chắc chắn có cá bơi trong đó.”

[1] Cá mù: Loại cá sống trong hang hàng triệu năm, do tách biệt với ngày và đêm, chúng dần bị biến hóa thành không có mắt và không có sắc tố da.

“Cậu tìm được nó thì tôi mới tin lời cậu!”, Vương Tứ Xuyên nói, giọng trầm hẳn xuống. Tất cả chúng tôi đều nhìn thấy dưới ánh sáng chiếu tập trung của mấy cái đèn, dưới nước có một bóng dài dài sáng lóa lao qua.

Tất cả đều đờ người ra, tiếp đó, Vương Tứ Xuyên phát hoảng, quay người lao đến cái lồng sắt gần đó leo lên, mọi người thấy thế, lập tức làm theo, ai nấy chân tay run rẩy tập trung leo lên cùng một chiếc lồng. Đội phó khởi xướng cầm súng bắn ra mấy phát, rồi một loạt âm thanh “pằng, pằng, pằng” vang lên.

Mấy người khác run rẩy hoảng loạn, khi họ leo lên được khỏi mặt nước thì dường như toàn thân không còn trọng lượng nữa, Bùi Thanh có dáng người nhỏ nhất, cậu ta vừa leo lên đã đứng không vững, ngã phịch một cái về phía sau, ngay trên mặt lồng, mặt cậu ta càng tái dại đi, hai mắt nhìn chằm chằm xuống mặt nước.

Mấy người lại chiếu đèn xuống một lần nữa để nhìn xem cái gì ở bên dưới, nhưng chẳng ai nhìn được gì dưới nước, mặt nước đã bị chúng tôi khuấy động làm cho sủi bọt, trong lúc hoảng hốt cũng không chắc được cái bóng chớp xẹt ngang chúng tôi đã nhìn lúc nãy là do chúng tôi tự tưởng tượng ra hay là cái gì. Tuy vậy, cũng không ai dám lội xuống nước nữa.

Cả bọn chần chừ một lúc, Vương Tứ Xuyên quát lên bảo mọi người không xem nữa, bây giờ cứ lên bờ đã rồi hẵng nói, vừa dứt lời, cậu ta đã nhảy phắt lên mấy cái lồng sắt bên cạnh để lên bờ. Chúng tôi thấy vậy, thì cũng hoảng hốt không kém, chẳng ai kịp nghĩ gì, vội vàng nhảy theo Vương Tứ Xuyên.

Các lồng sắt được xếp cạnh nhau rất gần, lại cách mặt nước chỉ có một đoạn, chạy trên đó giống như là trên đất bằng vậy, lúc nãy tôi còn cố nghĩ vì sao hồi đó người Nhật lại nhốt người dưới những cái lồng này, hóa ra đó là một cách để họ đi trên mặt nước, thật không thể tưởng tượng nổi. Nếu đã sớm phát hiện ra thế này, chúng tôi đã chẳng phải lội nước, thật là nếu không gặp cái khó thì chẳng thể ló ra được cái khôn.

Mấy người chạy rất nhanh, vì ai cũng sợ mình là người bị tụt lại cuối cùng, chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới bờ bên kia, cách bờ một đoạn không có chiếc lồng sắt nào, Vương Tứ Xuyên nhảy kiểu chân gấu, lao tùm xuống dòng nước, đập loạn xạ cả lên, chẳng mấy chốc đã vào đến bờ.

Mọi người sau đó vội vàng theo sát cậu ta, trong đó, Bùi Thanh là người thứ hai, liếc mắt cứ tưởng là sắp lên đến bờ rồi, bỗng nhiên tôi thấy toàn bộ người cậu ta bỗng bị thụt xuống nước, trong chốc lát đã bị chìm nghỉm xuống dưới, chẳng thấy tăm hơi đâu.

Tôi chạy ngay sát sau cậu ta, vừa thấy thế đã nhủ thầm: “Thôi chết rồi”. Nghĩ tới đó, tôi vội nhảy mấy bước lại đó xem thế nào, chỉ thấy một cái vòng xoáy ở nơi Bùi Thanh rơi, mặt nước vẫn còn sủi bọt, không biết có chuyện gì đã xảy ra.

Trong lúc cấp bách, tôi chắng kịp nghĩ ngợi thêm, vội nhảy ùm xuống, lặn sâu xuống dòng nước, chỗ đang sủi bọt, mò xem có cậu ấy không.

Bên dưới chỗ nào cũng sủi bọt, căng mắt ra cũng không nhìn thấy gì, dường như có hai vật gì lớn lắm đang vật lộn dưới đó, tôi bỗng chốc căng cứng người lại, một mặt vừa muốn nhanh nhanh thoát khỏi chỗ đó, mặt khác lại muốn soi đèn xem rốt cuộc nó là gì.

Nhưng tình hình khác với những gì tôi dự đoán, đến lúc mắt quen với ánh sáng dưới nước, tôi mới phát hiện ra trước mặt mình không phải là quái vật gì, mà chỉ là một cảnh tượng dở khóc dở cười.

Tôi thấy Bùi Thanh không hiểu vì lý do gì mà đã bị mắc kẹt trong một cái lồng, cậu ấy vốn không thạo việc bơi lội, hai mắt cứ nhắm tịt lại dưới nước, đang đạp loạn xạ trong cái lồng, có lẽ vì quá căng thẳng, sự việc lúc đó cũng không có gì ghê gớm lắm, chỉ là cậu ta đang đạp liên hồi nên khiến mặt nước sủi đầy một đám bọt lớn.

Tôi vừa nhìn đã hiểu ngay vấn đề, hóa ra ở chỗ này có một cái lồng sắt đã bị gỉ nát, bị Vương Tứ Xuyên nhảy một bước lên trên, rồi Bùi Thanh lại giẫm thêm một phát nữa, vì vậy phần thanh giằng phía trên đã bị gỉ không chịu nổi và sụt xuống. Vì Bùi Thanh dáng người nhỏ gầy, nên bị lọt thỏm vào bên trong lồng luôn. Sau đó tinh thần vừa hoảng, nghĩ chắc mình không có cơ hội thoát ra ngoài nữa, lại thêm mắt không nhìn thấy gì, nên chân tay cậu ta cứ vùng vẫy loạn xạ.

Việc này nhìn có vẻ nghiêm trọng, nhưng cũng chỉ là chuyện nhỏ, đối với người nào dạn nước thì sẽ biết cách thoát ngay, người nào sợ nước thì có thể chết đuối. Tôi vội vàng bơi lại đó, thò tay vào trong lồng, định giúp cậu ấy trấn tĩnh.

Không ngờ tôi vừa thò tay túm lấy tay cậu ta, thì cậu ấy lập tức đập loạn lên, tinh thần càng thêm náo loạn, lúc thì đạp hai chân, lúc thì thúc đầu vào mặt trên của lưới sắt.

Kiểu này không ổn tí nào, tôi vội vàng nổi lên trên, leo lên trên mặt lồng sắt, thò tay qua chỗ mảng lưới bị thủng để kéo cậu ấy. Lúc ấy, đội phó và Vương Tứ Xuyên cũng đã đến nơi, chúng tôi vội vàng phá cái lồng, lôi Bùi Thanh đang sống dở chết dở ra ngoài.

Thằng cha ấy lúc đó lãnh đủ, vừa thò mặt lên khỏi mặt nước thì bắt đầu ộc hết nước ở trong mồm ra, rồi bắt đầu ho liên tục, người mềm oặt như cọng bún, từ thắt lưng trở xuống vẫn còn đầm nước, chúng tôi cố hết cũng chỉ lôi được nửa người cậu ta lên khỏi mặt nước, chân cậu ta vẫn bị kẹt ở dưới.

Vương Tứ Xuyên đoán có lẽ chân cậu ta bị mắc vào cái gì bên dưới rồi, phải có người xuống gỡ. Mọi người bỗng nhìn về phía tôi, vì lúc đó chỉ mình tôi là bị ướt cả người, tôi thầm ngán ngẩm: “Thôi đành lại lặn xuống xem vậy!”

Không bị Bủi Thanh đạp nữa nên dòng nước đã trong hơn rất nhiều, tôi dán chặt vào thành lồng để xem, quả nhiên phát hiện bên trong chiếc lồng có những tấm móc sắt cuốn chặt lại với nhau, có lẽ người Nhật sợ tù nhân sẽ dùng hết sức phá chiếc lồng để trốn thoát nên mới làm thế này. Lúc này gấu quần của Bùi Thanh đang bị mắc vào lưới sắt.

Điều này thật tệ, tôi hít một hơi, nín thở lặn xuống, thò tay vào lồng, dùng hết sức để kéo rách gấu quần của Bùi Thanh, mấy người bên trên cũng trợ giúp. Bên dưới vừa giải thoát được cho cậu ta thì ngay lập tức mấy người bên trên đã kéo vội cậu ta lên.

Tôi thở hết hơi trong ngực ra, rút tay ra khỏi lồng sắt, định đạp chân nổi lên, bỗng nhiên một ánh đèn pin lóe lên, tôi chợt thấy ngay bên trái mình hiện lên một khuôn mặt hung tợn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.